Cần có những giải pháp, chính sách thiết thực trong xây dựng đội ngũ khoa học
Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam -HVNNVN) là một trong số ít những trường đại học có những giải pháp hữu hiệu trong tổ chức hoạt động KHCN nên đã đạt được những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu triển khai: 7 năm qua, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài đã tăng lên gần 10 lần; kinh phí khoa học, trong đó có các hợp đồng với các doanh nghiệp, các địa phương, liên tục tăng... đã tạo ra 2 trong số 3 thành tựu nổi bật về các giống cây trồng lai được tạo ra trong những năm gần đây trong ngành nông nghiệp là lúa lai và cà chua lai, đó là giống lúa lai đầu tiên mang tên Vietlai 20, và sau đó là các giống lúa lai mang thương hiệu VL và TH; và các giống cà chua mang tên thương mại HT. GS.TS Trần Đức Viên, Giám đốc HVNNVN, đã trao đổi với phóng viên Tia Sáng về những giải pháp đó.
Mọi hoạt động nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ của HVNNVN luôn gắn với các địa phương, các doanh nghiệp, với các điều kiện sinh thái cụ thể, nhờ thế mà có những đóng góp đáng kể vào sản xuất nông nghiệp như có giống lúa do HVNNVN tạo ra đã tồn tại trên cánh đồng của người nông dân gần nửa thế kỷ, và sẽ còn cùng đồng hành với nông dân lâu dài (giống VN10), có giống lúa lai của HVNNVN đã tạo ra “tiếng bom” trong thị trường giống lúa lai ở Việt Nam khi doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra trên 10 tỷ đồng để mua bản quyền (giống lúa lai 2 dòng TH3-3)…
Xin ông cho biết, để có được những kết quả như vậy trong nghiên cứu khoa học, HVNN Việt Nam đã có những giải pháp chủ yếu gì?
Trước hết chúng tôi phải xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu vừa dài hạn vừa cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành và liên ngành, xác định ngành Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu trọng điểm. Gắn nghiên cứu với đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học, nghiên cứu với nhu cầu của các Bộ ngành, địa phương, tổ chức phát triển, cả khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân;
Tin và trọng dụng các nhà khoa học, khẩn trương xây dựng các nhà khoa học đầu đàn là nhiệm vụ trọng tâm. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học với sản phẩm đầu ra rõ ràng, cụ thể. Nền khoa học “ăn đong” không bao giờ có thể tạo ra các nhà khoa học đầu đàn. Các nhà khoa học chân chính có tính tự trọng rất cao, không tin họ, không trọng dụng họ thì họ không thể sáng tạo ra các công trình để đời, có những đóng góp thiết thục cho phát triển kinh tế-xã hội của ngành, của đất nước. |
Xây dựng và thực thi quy định về nghiên cứu và chuyển giao KH&CN theo hướng phân cấp, minh bạch; đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý KH&CN, quản lý tài chính, quản lý dựa vào chất lượng, nhằm phát huy sức mạnh nội lực và khuyến khích giảng viên, sinh viên, các bộ môn, viện và trung tâm tham gia nghiên cứu và chuyển giao KH&CN, đồng thời, thu hút các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế, các địa phương và các thành phần kinh tế đặt hàng và tài trợ cho nghiên cứu;
Tổ chức khai thác tốt các sản phẩm trí tuệ và thương mại hóa các sản phẩm KH&CN của nhà trường. Trao đổi thông tin, xuất bản, đăng ký kịp thời bản quyền các sản phẩm KH&CN của trường trên thị trường trong và ngoài nước;
Và điều hết sức quan trọng là cần hình thành các trung tâm nghiên cứu chuyên nghiệp, các phòng nghiên cứu chuẩn và đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao KH&CN.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc hình thành các trung tâm nghiên cứu chuyên nghiệp và phòng thí nghiệm chuẩn.
Việc đầu tiên là phải có những giải pháp, những chính sách “cứng rắn” trong xây dựng đội ngũ khoa học, ví dụ như dựa trên quan điểm cán bộ giảng dạy đại học trước hết cần và phải là một nhà khoa học nên Nhà trường đã có quy định như sau 2 năm hết tập sự, cán bộ giảng dạy phải có đầu vào thạc sỹ, người đã có học vị thạc sỹ, sau 4 năm phải có đầu vào tiến sỹ, một trong hai bằng sau đại học, thạc sỹ hoạc tiến sỹ, phải được đào tạo tại các trường đại học thuộc top 200 trên thế giới (theo Times Higher Education World University Rankings). Nhờ vậy số cán bộ giảng dạy có bằng sau đại học, nhất là bằng tiến sỹ, 7 năm qua đã tăng trên 2 lần. Bằng nhiều nguồn lực, HVNNVN cũng tập trung xây dựng các phòng nghiên cứu chuẩn, theo các tiêu chuẩn ISO hoặc theo tiêu chuẩn của phòng thí nghiệm chỉ định của Bộ NN&PTNT. Các “ông Nghè, ông Cống” sau khi từ nước ngoài về, không có các phòng thí nghiệm như thế để họ thi thố tài năng thì chỉ cần sau 3 năm họ lại về ‘điểm xuất phát’. Đồng thời với việc thành lập các Lab chuyên ngành, HVNNVN đã cho thành lập nhiều viện, trung tâm nghiên cứu; ở đó có môi trường học thuật chuyên nghiệp, thước đo của cán bộ viên chức ở đó là số công trình khoa học “trình làng”, số tiền từ các nguồn khác nhau “chảy” về viện, về trung tâm, không cần bình bầu nhiều, không cần nhiều loại danh hiệu thi đua khác nhau để đánh giá về một con người. Tất cả các viện, trung tâm nghiên cứu này vận hành theo cơ chế 115, khi thấy không thể tồn tại được thì tự giải thể, không cần qua các vòng xét duyệt hành chính. Mỗi viện, trung tâm khi thành lập thì được “nuôi” 3 năm, sau đó thì dần dần “cai sữa”.
Nhiều cán bộ giảng dạy trẻ, tốt nghiệp tiến sỹ từ các nước phát triển trở về, cảm thấy “chật chội” khi làm việc ở các bộ môn, nơi có tầng tầng lớp lớp các bậc “tiền bối” với các lề thói quản lý cũ kỹ, với các thước đo giá trị con người “không giống ai” thì họ về đây, tình nguyện làm “quân” của một nhà KH đầu ngành, công tâm và minh bạch; ở đó họ được nói lên tiếng nói của họ, được cống hiến, được làm việc trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà khoa học tên tuổi, đã trở về làm cán bộ quản lý ở nhiều bộ môn, khoa, viện, trung tâm…
Các cán bộ trẻ khi có công bố quốc tế, họ được vinh danh trong ngày Nhà giáo Việt Nam, được thưởng tiền mặt (từ 2007 khi HVNNVN còn mang tên Trường ĐHNN I, mỗi bài báo quốc tế có thuộc ISI, SCI hay Scopus có IF lớn hơn 1,5 đều được thưỏng tiền mặt là 25 triệu), được xét lên lương sớm, được thừa nhận là Chiến sỹ thi đua của năm học, v.v… Ai không chịu nổi sự cọ xát của thử thách này thì lại về bộ môn, về khoa lo giảng dạy các khóa học bình thường, lo ‘gánh’ giờ dạy cho các nhà giáo khác những người chuyên tâm hơn vào NCKH và sáng tạo công nghệ.
Sắp tới, với các khóa đào tạo sau đại học, HVNNVN sẽ áp dụng phương pháp giảng dạy dựa vào kết quả nghiên cứu của bản thân giảng viên và của các đồng nghiệp của họ. Khi ấy, ai không có công trình nghiên cứu thì cũng khó mà giảng dạy sau đại học. Có thể từ những chính sách này mà số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài 7 năm qua đã tăng lên gần 10 lần. Kinh phí khoa học, trong đó có các hợp đồng với các doanh nghiệp, các địa phương, liên tục tăng…
Để giúp các trường/viện nghiên cứu thực hiện tốt vai trò của mình, theo ông Nhà nước cần có cơ chế, chính sách gì?
Để các trường/viện nghiên cứu thực hiện tốt vai trò của mình, trong thời gian tới Nhà nước tập trung tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách quản lý KHCN với các giải pháp then chốt sau:
Đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng hình thành các chương trình nghiên cứu lớn, dài hạn gắn với các mục tiêu ưu tiên phát triển ngành nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ, sẵn sàng chuyển giao ngay cho xã hội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống.
Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học và công nghệ, đổi mới cơ chế thực hiện các nhiệm vụ KHCN (cơ chế tuyển chọn tổ chức KHCN thực hiện nhiệm vụ, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý,…) thuận lợi nhất để các nhà khoa học và các tổ chức KHCN dễ dàng triển khai các nhiệm vụ KHCN.
Tăng đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tránh dàn trải, cắt lát để KHCN thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tích cực tìm kiếm và hợp tác với các tổ chức quốc tế, đi tắt, đón đầu nghiên cứu các lĩnh vực mới, công nghệ sinh học, công nghệ xanh,… bền vững và an toàn với môi trường. Không thể ‘đi tắt, đón đầu’ một cách đàng hoàng nếu thiếu vắng sự hợp tác quốc tế. HTQT trong KHCN là cách tốt nhất để kéo các chuẩn mực quốc tế về gần mình hơn, và cũng là cách tốt nhất để đưa ta gần gũi hơn với cộng đồng KH quốc tế.
Có cơ chế huy động tốt hơn các doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ trên cơ sở các đơn đặt hàng với các tổ chức KHCN gắn với sản phẩm ứng dụng cuối cùng.
Các trường đại học phải là các tổ chức KHCN chủ lực, phải được đầu tư xứng đáng, có đội ngũ nghiên cứu viên chuyên nghiệp (hiện nay các trường đại học không có “biên chế” nghiên cứu viên).
Do ta đi sau, nên cần nhập khẩu công nghệ trọn gói, nghĩa là nhập khẩu thiết bị, công nghệ và mời các nhà khoa học của bạn sang cùng nghiên cứu với ta; hoặc là trước khi nhập khẩu thiết bị, cử từ trưởng Lab đến nghiên cứu viên, ký thuật viên sang học trọn vẹn về sử dụng, vận hành, bảo dưỡng… để ta làm chủ công nghệ, biến công nghệ của bạn thành công nghệ của ta.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
PV thực hiện