Cần đào tạo các nhóm chuyên gia điện hạt nhân

Dù đã đặt mục tiêu sẽ vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2020, nhưng cho tới nay ở VN, điện hạt nhân vẫn là một lĩnh vực còn vô cùng mới mẻ. Qua trả lời phỏng vấn với Tia Sáng, GS Pierre Darriulat đã cung cấp một số thông tin và định hướng mà các nhà quản lý và hoạch định chính sách có thể tham khảo để xây dựng và triển khai thành công chương trình điện hạt nhân của VN.

Hiện nay, Việt Nam đang bước đầu xây dựng chương trình điện hạt nhân. Xin ông cho biết những điều cần đặc biệt lưu ý để chương trình này đạt được thành công?

Hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu năng lượng của Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, năng lượng hạt nhân là một lựa chọn khá rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ đang triển khai những chương trình năng lượng hạt nhân đều tham vọng. Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân có những đòi hỏi rất khắt khe về trình độ công nghệ và yêu cầu khả năng đảm bảo an toàn vượt xa trình độ hiện nay của Việt Nam.

Có lẽ, các nhà quản lý lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng thực tế này. Không hiểu lý do đơn giản là vì người ta xem nhẹ vấn đề, hay người ta nghĩ rằng đối tác phía Nga sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn hạt nhân. Nếu đúng là do người ta xem nhẹ vấn đề, thì điều này quả là đáng báo động. Còn nếu lý do là họ phó thác cho đối tác phía Nga, thì hậu quả sẽ là tính tự chủ của Việt Nam sẽ bị giảm đi, một vấn đề chính trị mà tôi không đủ chuyên môn để luận bàn, mặc dù rõ ràng đây là vấn đề rất quan trọng.  

Dưới góc độ quản lý, một chương trình điện hạt nhân của quốc gia cần phải thuộc trách nhiệm trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, giống như trong giai đoạn bắt đầu của các chương trình AEC của Mỹ, hay CEA của Pháp. Điều này không có nghĩa là Thủ tướng sẽ phân chia trách nhiệm phụ trách cho vài Bộ trưởng các bộ khác nhau (theo ý tôi, điều này sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả). Thay vào đó, cần phải có một tổ chức mà những người tham gia phụ trách trong đó sẽ phải báo cáo trực tiếp với Thủ tướng.

Đối với mục tiêu của chương trình, các vấn đề an toàn và truyền thông phải được quan trọng đúng mức. Nhưng tất nhiên, các vấn đề chủ yếu cần phải giải quyết trước mắt vẫn là công nghệ, quản lý con người, và tài chính.

Gần đây, trong một dịp làm việc với Bộ KH&CN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam nên phát triển một trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia tại Đà Lạt, trên cơ sở viện nghiên cứu hạt nhân đã có tại đây. Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc này?

Đúng là Việt Nam nên khẩn trương thành lập một trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia. Bây giờ đã là muộn, nhưng thà muộn còn hơn không. Đà Lạt là địa điểm phù hợp, vì tại đây đã sẵn có một lò phản ứng. Dù chỉ là một lò phản ứng rất khiêm tốn phục vụ nghiên cứu, nhưng người ta vẫn có thể tận dụng để học hỏi được rất nhiều trong quá trình làm quen với công tác vận hành lò phản ứng hạt nhân.

Đà Lạt không phải là Hà Nội hay Sài Gòn, và các chuyên gia sẽ phải có động lực nghề nghiệp nhất định mới có thể quyết định chuyển tới làm việc tại đây, nhưng điều này cũng có ý nghĩa tích cực, vì đa phần trong số họ sẽ là những người chuyên tâm cho công việc, như trường hợp thành phố Novosibirsk của Liên Xô từng thu hút tập hợp được một trong những cộng đồng khoa học ưu tú nhất trên thế giới. Tất nhiên so sánh giữa Đà Lạt và Novosibirsk ở đây là khập khiễng, nhưng nếu thực thi một chính sách tuyển dụng và chương trình đào tạo đúng đắn (sẽ phải nghiêm khắc hơn rất nhiều so với cách thức, tập quán phổ biến hiện nay ở Việt Nam), thì Đà Lạt vẫn có thể trở thành một trung tâm thực sự ưu tú, là hình mẫu cho các trung tâm khoa học khác của đất nước.

Làm thế nào để tuyển dụng được một đội ngũ nhân lực giỏi phục vụ cho trung tâm nghiên cứu hạt nhân?

Chương trình điện hạt nhân thường có có ba chủ thể chính. Một là chủ đầu tư (EVN) mà sau này sẽ là người chủ quản tổ chức vận hành, bảo dưỡng. Hai là cơ quan pháp quy – tổ chức xây dựng các văn bản, thanh tra, kiểm tra, tổ chức hoạt động cấp phép cho dự án. Trong khi ở các nước khác, cơ quan pháp quy này chỉ có một, thì ở nước ta chức năng này đang liên quan tới nhiều cơ quan: Bộ KH&CN cấp phép xây dựng, Bộ Công thương cấp phép vận hành. Chủ thể thứ ba là các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật.

(Vương Hữu TấnViện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam)  

Hoạt động tuyển dụng, cần giữ một thái độ rất khách quan, lấy tài năng và chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, bên cạnh các tiêu chí quan trọng khác là kiến thức và đạo đức. Nên sẵn sàng tuyển người từ nhiều thành phần, như khu vực tư, hay các trường đại học. Việc tuyển dụng cần được thông qua một hội đồng làm việc rất nghiêm khắc, giữ quy chuẩn đạo đức rất cao, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm người nước ngoài để tránh xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Trung tâm nên sử dụng nhiều các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là những người từ IAEA. Nên sử dụng cả chuyên gia nước ngoài trong các hội đồng giám sát để hỗ trợ cho công tác quản lý.

Rất cần nghiêm túc cân nhắc cả những Việt kiều có tài năng hoặc kinh nghiệm hữu ích, trên cơ sở đánh giá chính xác những tài năng và kinh nghiệm này, với một thái độ trân trọng rất rõ ràng những người quay trở về để phụng sự Tổ quốc.

Trụ sở điều hành của trung tâm phải có trụ cột là những con người có tầm tri thức cao, có đạo đức và thái độ làm việc nghiêm túc. Trình độ chuyên môn của họ không nên chỉ thuần túy kỹ thuật, cũng không thể chỉ thuần túy là quản lý. Họ nên là những người biết cách tuân thủ các quy định, nhưng cũng biết thay đổi các quy định không phù hợp, và biết cách cải tiến chúng. Họ cần có kinh nghiệm về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân, nhưng cũng phải biết cách làm việc với nhiều cấp đối tượng khác nhau. Đặc biệt là họ cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên những tham vọng cá nhân.

Để thu hút được các chuyên gia tốt, mức lương cần phải cao một cách thỏa đáng. Ví dụ, mức lương khởi điểm có thể xấp xỉ 1000 USD/tháng, và sau 5-6 năm có thể lên tới 2000 USD/tháng. Cần có một lộ trình tăng lương rõ ràng trong thời gian khoảng 20 năm được công khai ngay từ đầu với người ứng tuyển. Sau giai đoạn thử việc, người ứng tuyển cần được ký một hợp đồng dài hạn khoảng 3 năm, với khả năng được gia hạn thêm 3 năm tiếp theo, và sau 3 năm đầu tiên sẽ được xem xét ký hợp đồng vô thời hạn.

Công tác đào tạo cán bộ, chuyên gia trong ngành điện hạt nhân đang là một đòi hỏi cấp bách ở Việt Nam. Với một mô hình như trung tâm nghiên cứu hạt nhân thì cần tiến hành theo một lộ trình như thế nào?

Trước mắt, Việt Nam cần ưu tiên đào tạo các kỹ sư và nhà khoa học, tiếp theo mới đến các chuyên gia công nghệ. Trung tâm nên gửi người đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng những người được gửi đi bắt buộc phải quay về trong một thời gian đủ dài để hướng dẫn lại những kiến thức mới được đào tạo cho các đồng nghiệp khác trong nước. Bên cạnh đó là mời các chuyên gia nước ngoài có uy tín tới giảng bài nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trung tâm trong những khoảng thời gian ngắn.

Thông thường, nên duy trì khoảng hai phần ba người của trung tâm thường trực trong nước, và một phần ba đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng thời gian mỗi giai đoạn đào tạo nước ngoài của từng người không nên quá một năm. Trung tâm phải có một đời sống khoa học riêng, một bản sắc độc lập thống nhất, và mọi thành viên phải được sự quan tâm, liên lạc, giám sát thường xuyên của trung tâm khi họ đi đào tạo ở nước ngoài. Mục tiêu cần hướng tới là đào tạo các nhóm chuyên gia làm việc cùng nhau, thay vì đào tạo một tập hợp các cá nhân. 

        P.V thực hiện

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)