Cần linh hoạt hơn trong xét duyệt đề tài
Với cơ chế đầu tư tài chính và xét duyệt đề tài như hiện nay, sẽ không có nhiều nhà khoa học thành công.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia lọc hóa dầu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Trên thực tế, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi theo mô hình 115 ngay từ 30 năm nay còn tính trên giấy tờ chính thức thì từ năm 2008. Và kết quả là cứ 3 đồng ngân sách cấp để nghiên cứu thì chúng tôi “làm ra” được 10 đồng. Tức là có thêm được 7 đồng chuyển từ nghiên cứu sang ứng dụng thực tiễn.
Ngay từ khi thành lập (năm 2004), Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu quốc gia của chúng tôi đã hoạt động theo Nghị định 115. Tức là, không sử dụng ngân sách của nhà nước. Mỗi một đề tài nghiên cứu, chúng tôi đều tiến hành đấu thầu, và khi thương mại hóa được các sản phẩm khoa học thì quay lại tái đầu tư để nâng cấp bộ máy. Muốn khoa học phát triển, yếu tố con người rất quan trọng. Để có thể “giữ chân” nguồn chất xám, đội ngũ nhân lực đã dày công đào tạo qua nhiều năm, chúng tôi phải cố gắng rất nhiều. Không thể áp dụng mức lương bao cấp 3-4 triệu đồng/ tháng cho các nhà khoa học mà phải trả lương rất cao. Thậm chí, khi cần, chúng tôi sẵn sàng vay ngân hàng để trả lương cho cán bộ nghiên cứu trong thời gian chờ đợi nhà nước “rót vốn”.
Về cơ chế phân bổ tài chính, các nhà khoa học đã “kêu” nhiều rồi nhưng không thay đổi được. Thậm chí, thông tư 44 cũng đã được thay bằng thông tư 55 (Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước) nhưng trên thực tế, tình trạng không hề được cải thiện. Lâu nay, các nhà khoa học đã nhiều lần kiến nghị nhưng quy trình này vẫn chưa được cải tiến. Cho đến giờ, quá trình triển khai một đề tài nghiên cứu vẫn khiến giới khoa học hết sức vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức vì phải phụ thuộc quá nhiều vào thủ tục hành chính cùng các “cửa” xét duyệt. Trước đây, chúng tôi chỉ việc gửi thẳng đề tài nghiên cứu lên Bộ KH&CN, nhưng bây giờ, phải qua rất nhiều các đơn vị xét duyệt, hội đồng, Bộ trung gian, mà có khi đề tài lên đến Bộ KH&CN lại bị “gạt” không rõ lý do. Chưa kể, ngay trong phạm vi Bộ thôi cũng có thêm rất nhiều quy trình phức tạp.
Quá trình chờ xét duyệt mất quá nhiều thời gian, có lúc, kéo dài hai, ba năm. Đối tác của chúng tôi – các doanh nghiệp không thể chờ đợi lâu như vậy được. Do đó, nhiều lúc, chúng tôi phải tự bỏ kinh phí để hợp tác với doanh nghiệp cho đúng tiến độ, rồi hoàn tất thủ tục sau với Bộ. Để các nhà khoa học thuận tiện hơn trong công tác nghiên cứu và đưa thành quả nghiên cứu vào đời sống, tôi rất mong nhà nước bỏ việc đặt hàng qua các tổ chức trung gian mà tiến hành đặt hàng trực tiếp các nhà khoa học. Đồng thời, cho phép các nhà khoa học gửi thẳng đề tài nghiên cứu lên Bộ KH&CN và chỉ qua một “cửa” duyệt, một chữ kỹ. Bởi nếu thời gian chờ đợi duyệt quá lâu, chúng tôi có khả năng phải trả lại đề tài do không đáp ứng được tiến độ.
Ngoài ra, cũng cần linh hoạt hơn trong việc xét duyệt đề tài. Lâu nay, vẫn có lệ, nếu có một nhà khoa học đề xuất nghiên cứu chất A thì từ đấy trở đi, các đề tài khác đều không được “dính” đến chất A. Quy định này rõ ràng “làm khó” các nhà khoa học. Với cơ chế đầu tư tài chính và xét duyệt như vậy, sẽ không có nhiều nhà khoa học thành công. Đơn vị của chúng tôi, để có thể “vượt khó”, đã phải chủ động sáng tạo, chủ động nghiên cứu thì mới vượt qua được những rào cản kể trên.