Cần mở rộng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho tập thể

Trả lời phỏng vấn của Tia Sáng, GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cho rằng, Giải thưởng là một bước đi kịp thời nhằm khuyến khích việc nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam nhưng cần bổ sung giải thưởng chính cho tập thể có công trình nghiên cứu xuất sắc.

* Thưa ông, ông có cho rằng đến bây giờ Việt Nam mới có giải thưởng đầu tiên dành riêng cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên là muộn không?

Chúng ta đã có Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho khoa học và công nghệ. Những giải thưởng này thường trao cho sự nghiệp khoa học của các cá nhân hay các công trình nghiên cứu tổng quan có ý nghĩa đối với đất nước. Giải thưởng Tạ Quang Bửu khác với các giải thưởng trên ở chỗ nó được trao cho các cá nhân có công trình khoa học xuất sắc mang tầm quốc tế được tiến hành trong 5 năm trước. Có lẽ Bộ KH&CN giới hạn giải thưởng cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên là vì đó là những ngành khoa học ở Việt Nam tiếp cận được trình độ quốc tế nhưng ít được xã hội biết đến và tôn vinh. Nghiên cứu cơ bản đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua nhờ những chính sách tài trợ mang tính đột phá của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia [NAFOSTED]. Sự phát triển này cũng làm nảy sinh nguy cơ mất cân đối giữa số lượng và chất lượng công bố quốc tế. Vì vậy, sự ra đời Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một bước đi kịp thời nhằm khuyến khích việc nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam.

* Xin ông cho biết quy trình làm việc của Hội đồng để chọn ra người nhận giải. Thiếu sự tham gia của các ý kiến phản biện độc lập từ bên ngoài, liệu việc lựa chọn các đề cử có bị ảnh hưởng không?

Việc tuyển chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu được thực hiện hoàn toàn bởi các nhà khoa học tiêu biểu của các ngành khoa học cơ bản mà không có sự tác động và tham gia của các nhà quản lý. Các hồ sơ đăng ký trong mỗi ngành được sơ tuyển bởi các Hội đồng khoa học ngành. Mỗi Hội đồng ngành sẽ đề cử nhiều nhất một hồ sơ lên Hội đồng giải thưởng. Hội đồng giải thưởng bao gồm bảy chủ tịch hội đồng ngành và hai giáo sư Ngô Bảo Châu và Pierre Darriulat. Chủ tịch (và các thành viên) hội đồng ngành được bầu bởi các nhà khoa học cùng ngành và họ thật sự là những nhà khoa học tiêu biểu cho mỗi ngành. Còn hai giáo sư bên ngoài đều là những nhà khoa học tầm cỡ thế giới và có kinh nghiệm đánh giá các hồ sơ giải thưởng. Vì vậy Hội đồng giải thưởng hoàn toàn đủ khả năng xét các đề cử theo các tiêu chí của giải thưởng. Việc có phản biện của các chuyên gia bên ngoài sẽ giúp cho việc đánh giá hồ sơ dễ dàng hơn. Rất tiếc là do thời gian xét chọn giải thưởng năm nay hơi gấp nên Hội đồng giải thưởng không kịp xin phản biện độc lập từ bên ngoài cho các hồ sơ đề cử. Tuy nhiên một số thành viên Hội đồng cũng đã lấy ý kiến từ bên ngoài cho một số hồ sơ và các nhận xét này hoàn toàn trùng hợp với ý kiến chung của Hội đồng giải thưởng.

* Ông nhận xét ra sao về các hồ sơ gửi về cho Ban tổ chức Giải thưởng?

Chúng ta có bảy hội đồng khoa học chuyên ngành, nhưng chỉ có bốn hồ sơ được đề cử. Qua đó có thể thấy các hội đồng ngành sơ tuyển rất có trách nhiệm. Cả bốn hồ sơ đều xuất sắc về nhiều khía cạnh. GS Darriulat có phát biểu rằng lúc đầu ông rất lo là không tìm được công trình xứng đáng nhưng khi nhận được các hồ sơ đề cử thì ông thật sự ngạc nhiên về chất lượng các công trình. Theo ông thì cả bốn hồ sơ đều xứng đáng được giải thưởng và ông hoàn toàn có đủ lý lẽ để thuyết minh ủng hộ từng hồ sơ trước công chúng.

* Xin ông cho biết các hồ sơ được đề cử nhận được mức độ nhất trí như thế nào của Hội đồng? Làm sao để tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên hội đồng là những người thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khoa học khác nhau?

Bất kỳ một hội đồng giải thưởng kiểu này cũng sẽ gồm những người thuộc các chuyên ngành khoa học khác nhau. Vấn đề là các thành viên hội đồng khoa học có thật sự là các chuyên gia đầu đàn không. Các nhà khoa học thực sự thì sẽ đủ tầm nhìn và sự công tâm để tìm được tiếng nói chung. Hội đồng giải thưởng thống nhất là năm đầu tiên cần phải chọn được những nhà khoa học với công trình thật tiêu biểu đúng với các tiêu chỉ đề ra. Mọi người đều có những phát biểu rất khách quan về các điểm yếu và mạnh của của từng hồ sơ. Theo quy chế thì ba hồ sơ có số phiếu bấu cao nhất và quá bán sẽ được chọn. Cuối cùng thì hai giải thưởng năm nay được số phiếu gần như tuyệt đối.

* Đánh giá của cá nhân ông đối với hai hồ sơ được trao giải là như thế nào?

Công trình của GS Nguyễn Bá Ân đưa ra một giao thức hiệu quả trong thông tin lượng tử trái ngược với những quan điểm trước đó. Còn công trình của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đặc trưng được tất cả các đồng cấu của đại số Dickson-Mui (mang tên nhà toán học Huỳnh Mùi của Việt Nam). Cả hai công trình đều chứa đựng những ý tưởng độc đáo và đem lại những nhận thức mới về những cấu trúc được nghiên cứu. Những điều này rất khó đạt được trong công bố khoa học và được đánh giá cao nhất trong nghiên cứu cơ bản. Đây có lẽ đó là lý do họ nhận được số phiếu bầu gần như tuyệt đối. Cả hai người đều kiên trì nghiên cứu những vấn đề mũi nhọn trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và nhận được nhiều kết quả mang tầm cỡ quốc tế.

* Theo ông, cần cải thiện những điểm gì trong quy chế để Giải được tổ chức ngày càng tốt hơn trong những năm tiếp theo?

Việc có một số khiếm khuyết trong quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu là không tránh khỏi. Phải trải qua thực tế năm đầu tiên mới thấy rõ những khiếm khuyết này. Thứ nhất, các hồ sơ nên được các tập thể hay cá nhân các nhà khoa học có uy tín đề cử chứ không nên yêu cầu các ứng viên tự ứng cử. Thứ hai là chưa có sự phân biệt các tiêu chí cho giải thưởng chính và giải thưởng trẻ. Giải thưởng chính nên dành cho cá nhân có thành tựu nghiên cứu xuất sắc (cụm công trình) còn giải thưởng trẻ nên dành cho một công trình trong 5 năm trước. Để có nhiều ứng viên cho giải thưởng trẻ, cần nâng giới hạn tuổi lên 35 tuổi. Giới hạn dưới 30 tuổi như nhiện nay sẽ rất khó tìm được ứng viên có công trình tốt. Ngoài ra nên tăng số lượng giải thưởng trẻ cũng như giá trị giải thưởng lên cao hơn nhằm khuyến khích giới trẻ tiến hành những nghiên cứu có chất lượng. Thứ ba là nên bổ sung giải thưởng chính cho tập thể có công trình nghiên cứu xuất sắc. Các nghiên cứu thực nghiệm đều được thực hiện bởi nhiều nhà khoa học. Nếu không mở rộng giải thưởng cho tập thể thì vô hình trung chúng ta đã loại các hướng nghiên cứu mang tính thực nghiệm, nhất là trong tình hình hiện nay ta rất thiếu những công trình nghiên cứu tập thể mang tầm cỡ quốc tế và xu hướng nghiên cứu tập thể đang ngày càng phát triển trên thế giới.

* Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)