Cần một cấu trúc hợp lý của các loại hình nghiên cứu
Để KH&CN có thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước, hai yếu tố nhất thiết phải có: một là có lực lượng làm nghiên cứu và phần lớn nội dung, kết quả nghiên cứu của lực lượng này gắn với các vấn đề của phát triển đất nước, và hai là có lực lượng triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm, đưa ra các giải pháp cho những yêu cầu của phát triển.
Có hai điều liên quan đến yếu tố thứ nhất, một là đào tạo và sử dụng được lực lượng nghiên cứu và hai là cần một cấu trúc hợp lý của các loại hình nghiên cứu tương ứng với định hướng khoa học và công nghệ của quốc gia.
Trên thế giới phổ biến việc chia các nghiên cứu thành ba loại – nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu phát triển – và được dùng rộng rãi trong quản lý khoa học và công nghệ.
Nghiên cứu cơ bản (basic research) nhằm tìm ra các hiểu biết nền tảng của khoa học, hoặc làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu phát triển (như nghiên cứu đặc tính của các loài cá sống ở các môi trường nước khác nhau ở Việt Nam) hoặc quan trọng nhưng có thể chưa liên quan ngay tới ứng dụng (như nghiên cứu về sự giãn nở của vũ trụ). Nghiên cứu ứng dụng (applied research) nhằm tìm ra các hiểu biết mới làm cơ sở cho các ứng dụng cụ thể (như nghiên cứu dùng xét nghiệm máu để đoán mức độ của bệnh viêm gan mà không cần làm sinh thiết hoặc nghiên cứu tìm ra giống cá tra có thể thích ứng với môi trường ngập mặn). Nghiên cứu phát triển (development research) nhằm tìm ra các hiểu biết mới để tạo ra các sản phẩm cho người dùng (như nghiên cứu chế tạo máy nâng 100 tấn hàng ở cảng biển hay nghiên cứu chế tạo thiết bị đo đường huyết có độ nhạy cao).
Mỗi loại nghiên cứu có các sản phẩm riêng của mình. Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng có sản phẩm chủ yếu là các ấn phẩm khoa học (bài báo ở các hội nghị hay các tạp chí, sách chuyên khảo, báo cáo kỹ thuật…), và nghiên cứu phát triển có sản phẩm chủ yếu là các tri thức, các bí quyết để tạo ra sản phẩm, thường được đăng ký thành các bằng sáng chế phát minh hoặc không công bố. Quan trọng hơn là ai, ở đâu làm loại nghiên cứu nào và mỗi quốc gia điều tiết một tỷ lệ nào cho các loại nghiên cứu kể trên?
Nước Nhật từ đầu thế kỷ trước đã có chính sách coi trọng nghiên cứu cơ bản, nhưng tập trung và ưu tiên hơn cho các nghiên cứu phục vụ phát triển công nghiệp. Ngay cả khi kinh tế đã phát triển, các nghiên cứu phục vụ cho các nhu cầu quốc gia vẫn được ưu tiên hàng đầu, như ưu tiên trong những năm này là các nghiên cứu tạo ra các vật liệu mới không phụ thuộc vào đất hiếm phải mua từ Trung Quốc. Tỷ lệ phân bổ kinh phí của các thành phần hoạt động khoa học và công nghệ theo các loại hình nghiên cứu ở Nhật hằng năm chỉ thay đổi chút ít. Có thể thấy hai điều, một là tỷ lệ kinh phí chung cho ba loại nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phát triển tương ứng là khoảng 14%, 23% và 63%, và hai là người làm khoa học và công nghệ ở các tổ chức khác nhau có các loại nghiên cứu đặc trưng của mình. Các đại học chủ yếu làm nghiên cứu cơ bản (55%) và nghiên cứu ứng dụng (36%). Các viện nghiên cứu làm nhiều cả ba loại nhưng tập trung hơn vào nghiên cứu ứng dụng (khoảng 33%) và nghiên cứu phát triển (45%). Các doanh nghiệp chủ yếu làm nghiên cứu phát triển (74%) và nghiên cứu ứng dụng (20%), và chỉ làm các nghiên cứu cơ bản để tìm tri thức nền tảng cần cho sản phẩm của họ và khi không ai khác làm những nghiên cứu này.
Theo tài liệu của Quỹ Khoa học quốc gia của Mỹ (NSF), tỷ lệ kinh phí của ba loại nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phát triển ở Mỹ trong năm 2014 tương ứng là 19%, 19,5%, và 61,5%.
Nói chung, tỷ lệ của ba loại nghiên cứu luôn xác định, định ra cấu trúc nghiên cứu khoa học và có một ý nghĩa quan trọng với hiệu quả nghiên cứu của một quốc gia. Thí dụ, nếu muốn thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi thăm hai Viện Hàn lâm của nước nhà vào cuối năm 2016, để giảm những nghiên cứu lưu trữ trong thư viện và tăng các nghiên cứu gắn với thực tế, có thể điều chỉnh tỷ lệ kinh phí của nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng hiện nay và đưa ra những chính sách và cơ chế “kích cầu” tương ứng. Nhiều tập thể và cá nhân nhà khoa học sẽ điều chỉnh mục tiêu và nội dung nghiên của mình theo đầu tư cho các loại hình nghiên cứu.
Cũng cần nói thêm khái niệm R&D – nghiên cứu (R) và phát triển sản phẩm (D) -có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau về R hay D tuỳ thuộc doanh nghiệp hay tổ chức làm R&D, nhưng mấu chốt là cái đích đi từ nghiên cứu đến phát triển sản phẩm, là điều đang thiếu ở ta.
Theo [*], số liệu điều tra thống kê R&D của doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 cho thấy, “tổng kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ (gồm cả đầu tư cho R&D và đổi mới công nghệ) của 1.090 doanh nghiệp có đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ đạt 5.439 tỷ đồng” (gần bằng số tiền làm 10 km đường cao tốc Bến Lức-Long Thành). Cũng theo [*], trong tổng số mẫu 8.010 doanh nghiệp, chỉ có 1% doanh nghiệp thực hiện cải tiến và tiến hành R&D”.
Qua đó có thể thấy, KH&CN Việt Nam hầu như thiếu vắng thành phần doanh nghiệp, chỉ có thành phần đại học và viện nghiên cứu công, và liên kết giữa các trường và viện với doanh nghiệp còn rất hạn chế. Ở các nước phát triển, chính doanh nghiệp góp phần lớn vào điều chỉnh nội dung và mục đích của người nghiên cứu. Ở ta, do còn thiếu vắng doanh nghiệp trong KH&CN, nên nhà nước cần đóng vai trò điều tiết này nhiều hơn.
Về góc độ quản lý, việc gộp cả “nghiên cứu cơ bản” và “nghiên cứu ứng dụng” theo quan niệm chung trên thế giới vào “nghiên cứu cơ bản” ở ta đã làm mất đi sự phân biệt cần thiết về hai loại nghiên cứu vốn có bản chất khác nhau, dẫn đến thiếu cơ sở để điều tiết và xác định một tỷ lệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, để khuyến khích một số người làm khoa học theo đuổi các vấn đề khoa học cơ bản ở trình độ cao và một số đông hơn theo đuổi việc đặt ra và tìm lời giải cũng ở trình độ cao cho những nghiên cứu ứng dụng.
————-
Tài liệu tham khảo
* Hoàng Văn Tuyên, “Phát triển hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các doanh nghiệp Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, 2016.