Cần một cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học

Cách đây một vài năm, tôi đã đề xuất ý tưởng thành lập một câu lạc bộ các nhà khoa học, lấy đó làm nơi gặp gỡ và kết giao giữa những người làm công tác nghiên cứu, qua đó các nhà khoa học có thể cùng nhau trao đổi, chia sẻ ý tưởng cũng như nêu nguyện vọng hợp tác nghiên cứu lâu dài. Tuy nhiên điều đó đã không thực hiện được vì nhiều lý do.

Giờ đây, khi vấn đề khuyến khích và tạo điều kiện cho các tiến sỹ trẻ về nước làm việc một lần nữa lại đặt ra, tôi thấy việc làm thiết thực nhất mà chúng ta nên làm và có thể làm được là tạo dựng một trung tâm tư liệu trên mạng internet, nơi có trách nhiệm điều phối, cập nhật thông tin về các nhà khoa học Việt Nam. Cách thức tạo dựng thông tin của trung tâm tư liệu này cũng nên theo thông lệ quốc tế, theo cách thức mà nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới vẫn thường làm, nghĩa là giới thiệu hướng nghiên cứu, thành tích, công bố quốc tế, địa chỉ liên hệ- những điều cơ bản nhất về một nhà khoa học mà người ta cần biết khi tra cứu. Việc công khai, minh bạch những thông tin cơ bản về nhà khoa học tự nó cũng gây được sức hút và đem lại hiệu ứng tích cực đối với xã hội. Cần phải nói thêm là ở Việt Nam, công tác thông tin này vẫn chưa được coi trọng đúng mức, dù Bộ KH&CN đã ra quyết định về việc xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên gia vào năm 2014. Tuy nhiên cách thức thực hiện  việc lập cơ sở dữ liệu này vẫn còn mang tính máy móc, rập khuôn, yêu cầu các nhà khoa học phải kê khai quá tỉ mỉ thông tin cá nhân không cần thiết trong khi việc cập nhật thông tin lại chỉ diễn ra mỗi năm một lần. Như vậy là quá chậm chạp so với khả năng công bố của nhà khoa học. Nếu khắc phục được những nhược điểm ấy, chúng ta sẽ có một nơi chốn để các nhà khoa học có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin cần thiết về những người cùng thuộc lĩnh vực nghiên cứu để chủ động nêu vấn đề hợp tác, giải quyết những vấn đề cùng quan tâm.

Trên thực tế, nhà khoa học nào cũng cần có cộng sự, cần có người hợp tác để thực hiện những đề tài, dự án nghiên cứu. Các nhà khoa học trẻ mới về nước còn bỡ ngỡ với môi trường nghiên cứu trong nước thì việc tham khảo những lời tư vấn của các nhà khoa học đi trước, giàu kinh nghiệm về cách thức tiếp cận các quỹ nghiên cứu, các chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước, cập nhật những thông tư, quy định về quản lý khoa học… sẽ giúp họ có thể tiếp tục công việc nghiên cứu, không bỏ lỡ thời gian vì những việc nằm ngoài chuyên môn. Tôi biết có nhiều trường hợp các tiến sỹ trẻ dù có nhiều tiềm năng nghiên cứu nhưng cũng phải mất tới vài năm loay hoay định hướng mới có thể bắt nhịp nghiên cứu trở lại vì không được định hướng tốt.

Các nhà khoa học lớn tuổi như tôi cũng rất mong muốn được mở rộng hợp tác với các bạn trẻ để có thêm nhân lực mới, ý tưởng mới cho nhóm nghiên cứu của mình, đồng thời có cơ hội bổ sung thêm nhiều kiến thức, phương pháp nghiên cứu mới mẻ mà các nhà nghiên cứu trẻ mang về từ những trung tâm, phòng thí nghiệm quốc tế.

Theo kinh nghiệm của tôi, việc kết nối bước đầu sẽ gặp một vài khó khăn và cần có cách thức xử lý linh hoạt, ví dụ việc nhận người vào một tổ chức nghiên cứu cũng gặp trở ngại vì biên chế ở các viện nghiên cứu như Viện Cơ học nơi tôi làm việc cũng có hạn và không phải lúc nào cũng có thể lấy kinh phí được cấp để thực hiện đề tài để trả lương cho các thành viên trẻ. Tuy nhiên, nếu có quyết tâm làm khoa học thật sự, chúng ta vẫn có thể vượt qua những khó khăn này, như chấp nhận việc cộng tác bán thời gian của thành viên mới, chấp nhận việc họ dành một phần thời gian làm những công việc khác nhưng vẫn có thể yêu cầu họ làm tốt phần công việc được giao.

Nhìn rộng ra, việc kết nối giữa các nhà khoa học trẻ và “già” không chỉ tránh được hiện tượng lãng phí chất xám mà còn góp phần tạo dựng những nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường, viện. Đây cũng sẽ là một trong những yếu tố đem lại sự minh bạch, lành mạnh cho đời sống khoa học Việt Nam.


Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)