Cần tăng cường đặt hàng vaccine trong nước
Nhà nước đã có những khoản đầu tư đáng kể cho những cơ sở sản xuất vaccine, nhưng chưa khai thác đúng mức dẫn đến lãng phí và thiệt hại cho chính ngành công nghiệp này.
Là một quốc gia đông dân cư, hằng năm vẫn thường xuyên đối diện với những bệnh lây lan như bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết, cúm, nhu cầu tiêm phòng các loại vaccine của người dân là rất cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam như Vabiotech hiện đang sản xuất với công suất rất thấp so với công suất tiềm năng.
Sự hình thành một doanh nghiệp
Vabiotech là doanh nghiệp được hình thành từ một bộ phận của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Viện VSDTTW). Các chuyên gia của Vabiotech vốn là những cán bộ của Viện, và ngay từ những năm 90, họ đã bắt đầu nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm vaccine có khả năng thương mại hóa. Đó là kết quả từ những chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cho những loại vaccine như viêm não Nhật Bản, tả, viêm gan B, viêm gan A. Trước khi đưa ra thị trường, mỗi một loại vaccine này đều phải trải qua một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lâu dài, thường là tới 10 năm. Trải qua nhiều năm tự lực nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất như vậy, đội ngũ chuyên gia của Vabiotech ngay từ thời kỳ thuộc Viện VSDTTW đã là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nghề.
Hoạt động thương mại hóa sản phẩm ở Viện VSDTTW trong thời kỳ ấy diễn ra chưa theo quy củ, chưa tiến hành thực địa lâm sàng một cách bài bản. Họ hoàn toàn không nghiên cứu gì về thị trường và xác định giá bán một cách khá mày mò. “Nghe theo kinh nghiệm thầy của mình là người từng làm việc ở Nhật, chúng tôi đặt ra mức giá bán bằng khoảng 10 lần chi phí sản xuất”, GS.TS. Nguyễn Thu Vân, hiện là Tổng Giám đốc Vabiotech, chia sẻ.
Mặc dù kinh doanh và sản xuất một cách không bài bản như vậy nhưng người dân và các trung tâm y tế dự phòng thường xuyên tìm đến mua các sản phẩm vaccine, tạo ra lượng cầu ngày một tăng.
Sau khi những hoạt động kinh doanh, sản xuất này ngày một phát triển, Thanh tra Chính phủ đã khuyến nghị Viện VSDTTW cho tách một bộ phận ra để thành lập doanh nghiệp theo tinh thần Quyết định 68/1998/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập doanh nghiệp Nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu. Ý tưởng này đã được Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ, và tới năm 2000 Công ty vaccine Sinh phẩm số 1 (tức Vabiotech) đã chính thức ra đời.
Mặc dù giai đoạn khởi đầu nan là không tránh khỏi, nhưng với sự đoàn kết của một tập thể những cán bộ, chuyên gia tâm huyết và có năng lực, Vabiotech đã phát triển tự lập vững vàng. Từ chỗ không có một đồng tiền mặt trong tài khoản vào lúc mới ra đời, ngày nay Vabiotech đã hoàn toàn trưởng thành, trở thành một doanh nghiệp hằng năm dành khoảng 7-10 tỷ đồng chuyên cho nghiên cứu và phát triển. So với cách thức hoạt động theo mô hình bao cấp Nhà nước trước đây, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đem lại sự chủ động và linh hoạt về nguồn tài chính dành cho hoạt động nghiên cứu. Cơ sở có thể linh hoạt tự cân đối để tạo nguồn kinh phí ổn định dành cho nghiên cứu và mua nguyên vật liệu, thay vì phụ thuộc vào những khoản tạm ứng và giải ngân cho các đề tài nghiên cứu của Nhà nước như trước đây.
Hiện nay, Vabiotech có riêng một bộ phận nghiên cứu chính thức và phối hợp với các cán bộ khoa học của các phòng ban khác trong công ty cùng nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới tạo thành một đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học gồm các nhà nghiên cứu lành nghề với 02 giáo sư, 01 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 18 thạc sĩ, và nhiều cử nhân, có khả năng nghiên cứu mọi loại vaccine trong nước có nhu cầu. “Những gì đã thành công nghệ trên thế giới thì doanh nghiệp chúng tôi đều làm được”, GS. Nguyễn Thu Vân tự tin khẳng định.
Khoản đầu tư 28 triệu USD của Nhà nước và những bất cập
Năm 2007, thông qua các dự án ODA ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Nhà nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cho Vabiotech một nhà máy sản xuất vaccine với chi phí lên tới trên 28 triệu USD. Dự án được lập từ giai đoạn 1994-95, và tới năm 2004 mới chính thức khởi công, đúng ra thì chủ đầu tư và Nhà nước đã có đủ cơ sở dữ liệu về dịch tễ học và những cân nhắc, tính toán cần thiết để dự án đạt hiệu quả cao tương xứng với số tiền mà Nhà nước bỏ ra.
Nguồn đặt hàng từ Nhà nước không chỉ hạn chế về số lượng, mà còn thấp về mức giá quy định, đặc biệt là phần chi phí dành cho lương cán bộ sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp thường xuyên phải tự ứng tiền trước để sản xuất vaccine, và buộc phải tìm cách cân đối từ nguồn thu kinh doanh từ khu vực ngoài Nhà nước. |
Tuy nhiên, hiện nay nhà máy vẫn đang chỉ hoạt động tới 10% công suất, trong khi vẫn ngốn một khoản tiền không nhỏ để doanh nghiệp vận hành và bảo trì thường xuyên. Chi phí lớn khiến về mặt kinh doanh, doanh nghiệp hầu như không có lãi, mặc dù hoàn toàn không phải gánh vác khoản vay ODA của Chính phủ.
“Chúng tôi thiếu kinh nghiệm khi đề xuất dự án”, GS. Nguyễn Thu Vân thẳng thắn nhận định. Tuy nhiên, sự kém hiệu quả của dự án không hoàn toàn là trách nhiệm của những người đề xuất dự án. Nguyên nhân cơ bản hơn là Nhà nước thiếu một chính sách toàn diện về sản xuất và cung ứng vaccine1. Thiếu sót này khiến những người đề xuất và các cơ quan phê duyệt dự án đều thiếu một cơ sở cần thiết để ước tính nhu cầu đặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp sau khi nhà máy hoàn tất xây dựng và đi vào hoạt động. Hậu quả là sau khi nhà máy đi vào hoạt động, Nhà nước không đặt hàng đúng với khả năng cung ứng của doanh nghiệp, vẫn ưu tiên sử dụng nguồn vaccine viện trợ từ nước ngoài trong khi nguồn cung cấp này không phải khi nào cũng ổn định, từ đó dẫn đến tình trạng nhà máy hoạt động với công suất rất thấp, trong khi người dân có lúc vẫn thiếu nguồn vaccine.
Nguồn đặt hàng từ Nhà nước không chỉ hạn chế về số lượng, mà còn thấp về mức giá quy định, đặc biệt là phần chi phí dành cho lương cán bộ sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp thường xuyên phải tự ứng tiền trước để sản xuất vaccine, và buộc phải tìm cách cân đối từ nguồn thu kinh doanh từ khu vực ngoài Nhà nước.
Cho một tầm nhìn xa hơn
Sự thiếu hiệu quả trong đầu tư của Nhà nước cho ngành sản xuất vaccine không chỉ dừng lại ở dự án xây dựng nhà máy tại Vabiotech, mà vẫn tiếp tục lặp lại ở những nơi khác, mà điển hình là dự án viện trợ không hoàn lại của JICA, Nhật Bản, cho Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và sinh phẩm Y tế (Polyvac). Lẽ ra dự án tài trợ của nước bạn với một dây chuyền công nghệ tiên tiến phải đem lại lợi ích to lớn cho người dân và cơ sở sản xuất, nhưng hoàn toàn trái lại, dự án này đã gây ra không ít tốn kém, khi chi phí sản xuất vaccine ở đây thậm chí còn cao hơn so với vaccine nhập ngoại. Sở dĩ có nghịch lý này là vì Nhà nước không đặt hàng đủ, khiến công suất dây chuyền sản xuất được cung cấp cho Polyvac được khai thác ở mức quá thấp, đẩy chi phí vận hành lên quá cao.
Những bất cập trên đây cho thấy Nhà nước cần ngay lập tức xây dựng một kế hoạch phát triển ngành công nghiệp sản xuất vaccine, trong đó có sự phân phối hợp lý thị phần phù hợp với khả năng của từng doanh nghiệp trong nước (cách thức quản lý của Nhật Bản là một trong những mô hình đáng học hỏi, theo GS. Nguyễn Thu Vân). Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến tới xuất khẩu sản phẩm vaccine cho các tổ chức quốc tế, qua đó gia tăng được quy mô sản xuất để hạ chi phí và giá thành sản phẩm. Đơn giá đặt hàng của Nhà nước cũng cần phải được điều chỉnh để không bị thấp hơn chi phí sản xuất, vì về lâu dài Nhà nước sẽ không thể tiếp tục áp đặt mức giá quá thấp, khi mà các cơ sở sản xuất được cổ phần hóa và người sở hữu cổ phần là các nhà đầu tư thuộc khu vực ngoài Nhà nước. Khi ấy, mức giá đặt hàng quá thấp sẽ khiến các bên không thống nhất được về lợi ích, và hậu quả có thể là lượng vaccine sản xuất ra không đáp ứng đủ được nhu cầu của người dân.
Vấn đề quy mô sản xuất ở mức thấp hiện nay của các cơ sở sản xuất vaccine trong nước cho thấy Nhà nước cần tăng lượng đặt hàng, trong đó tối thiểu phải có những đơn đặt hàng sản xuất sản phẩm vaccine dự phòng cho các đại dịch. Chính sách này không chỉ làm việc đầu tư có hiệu quả và khai thác đầy đủ công suất thiết kế tại các cơ sở sản xuất vaccine mà còn giúp tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người dân. Việc Nhà nước đặt hàng vaccine dự trữ (an ninh quốc gia về bảo vệ sức khỏe con người) là hoạt động thông thường của nhiều quốc gia trên thế giới, và đây cũng là một chính sách quan trọng mà WHO đã khuyến cáo Việt Nam. Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế, Bộ Y tế cần có sự chủ động hơn trong việc đặt hàng các cơ sở nghiên cứu và sản xuất ra những loại vaccine giúp phòng ngừa những bệnh dịch đang phổ biến, như chân tay miệng và sốt xuất huyết, hiện đang gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe người dân, tổn thất cho nền kinh tế.
Một số thành tựu đáng chú ý của Vabiotech
Theo GS. Nguyễn Thu Vân, đề tài đạt hiệu quả lớn nhất mà các chuyên gia làm việc cho Vabiotech (trước kia làm việc cho Viện VSDTTW) đã làm được là nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine viêm não Nhật Bản. Đây là công trình đoạt giải thưởng Nhà nước, đã giúp giảm tỷ lệ trẻ em mắc bệnh từ 20% vào năm 1997 nay xuống còn 2-3%. Một công trình tiêu biểu khác là nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine viêm gan B, giúp giảm trẻ em mắc bệnh từ 20% vào năm 1997 nay xuống còn khoảng 4%. Một công trình đáng chú ý khác hoàn toàn do Vabiotech tự lực nghiên cứu là vaccine H5N1, với cách làm hoàn toàn khác quốc tế (để phù hợp với những điều kiện khách quan của Vabiotech tại Việt Nam). Dự kiến vaccine này sẽ được phép sử dụng đại trà từ năm 2013. Vabiotech cũng đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về vaccine cúm đại dịch A/H1N1; vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ Haemophilus influenza týp b (Hib); vaccine dại trên tế bào Vero các giai đoạn tiền lâm sàng và chuẩn bị tiến hành thử nghiêm lâm sàng trong thời gian tới. |
—
1. Xem thêm bài Việt Nam cần một chiến lược sản xuất vaccine đăng trên Tạp chí Tia Sáng, số ra ngày 20/06/2012, online ngày 22/06/2012 tại: http://www. tiasang.com.vn/Default.aspx ?tabid =110&News=5301&CategoryID=36