Cần thiết, nhưng không thực tế

Việc mời chuyên gia quốc tế tham gia các Hội đồng khoa học ở Việt Nam hiện nay là ý tưởng tốt nhưng không thực tế. Quả thực rất khó mời và thuê các chuyên gia giỏi đủ mọi lĩnh vực và đủ tâm huyết, đặc biệt trên các lĩnh vực gần với công nghệ và ứng dụng cần nhất với Việt Nam hiện nay (trừ một số ít có thể các trường hợp đang làm việc dài hạn ở Việt Nam).

Các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia giỏi, hầu hết đều bận rộn với công việc của mình và không quan tâm đến một nền khoa học còn yếu như Việt Nam, đồng thời cũng không hiểu tình hình cụ thể ở Việt Nam. Một số có quan hệ cá nhân nhất định với một số người ở Việt Nam để có thể được lôi kéo vào thì vẫn không thể đủ đại diện công bằng cho mọi lĩnh vực trong từng ngành, mà chưa chắc đã có đủ tầm chuyên môn, và chưa hẳn sẽ có đủ sự khách quan do có thể bị chi phối bởi những quan hệ với các cá nhân người Việt. Thuê những chuyên gia giỏi sẽ tốn kém, và tìm ra người chúng ta cần cũng không dễ.

Chúng ta cũng nên mời các chuyên gia quản lý khoa học quốc tế tới làm công tác tương tự hay cố vấn cho các cơ quan quản lý KH&CN của Việt Nam. Đây là khâu yếu nhất của Việt Nam, nhưng là bản lề cho đổi mới công tác quản lý KH&CN nước nhà.

Hiện thực hơn là đòi hỏi công bố/sáng chế quốc tế ở mọi lĩnh vực để có thể dựa vào hệ thống phản biện quốc tế của các tạp chí quốc tế có uy tín. Các tạp chí quốc tế biết ai là các chuyên gia giỏi từng lĩnh vực để chọn người đánh giá, và các chuyên gia quốc tế đều chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình. Đây cũng là cách làm hiệu quả, không tốn kém, và song hành với quốc tế. Các Hội đồng NCCB của Nafosted đang thực hiện đúng tinh thần này – dựa chủ yếu vào các kết quả công bố trên các tạp chí có uy tín SCI, SCI E của các chủ trì đề tài. Bản thân các Hội đồng cũng được thành lập dựa trên thành tích công bố quốc tế khách quan. Tinh thần của Nafosted cần được noi gương ở mọi hội đồng khác hiện còn rất yếu về chuyên môn theo các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta có thể mời các chuyên gia quốc tế giỏi, có tâm huyết với Việt Nam tham gia tư vấn ở các mức độ khác nhau cho các Hội đồng (chứ không phải là thành viên cố định lâu dài), kể cả hội đồng nghiên cứu cơ bản. Họ phải thuyết phục được các đồng nghiệp Việt Nam bằng cả uy tín và lý lẽ của mình. Các chuyên gia này cần sẵn lòng tham gia, và cần gửi tới hồ sơ, lý lịch khoa học, danh mục công trình để cho thấy họ thực sự nổi trội hơn các đồng nghiệp Việt Nam, và tự nguyện hoặc không đòi hỏi quá nặng về chi phí.

Chúng ta có thể mời các chuyên gia quốc tế độc lập thẩm định trực tiếp các đề tài công nghệ-ứng dụng kinh phí lớn. Đây là khâu yếu của chúng ta với nhiều tiêu cực hiện hữu. Tuy nhiên tìm kiếm chuyên gia quốc tế khách quan và phù hợp không dễ. Chúng ta có thể nhờ các cơ quan bạn, như Science Foundation của Mỹ, hay các cơ quan tương ứng của Hàn, Singapore, Nhật, Úc, …, hay Editors của các tạp chí nổi tiếng nhất từng lĩnh vực giúp đỡ vì họ thường có sẵn các danh sách chuyên gia. Vấn đề tiếp theo là chúng ta thỏa thuận cụ thể với các chuyên gia đó.

Nên thuê các chuyên gia quốc tế giỏi, đặc biệt trên các lĩnh vực ứng dụng và công nghệ để họ lãnh đạo các trung tâm nghiên cứu lớn, các phòng thí nghiệm trọng điểm của Việt Nam. Cái này ai cũng biết là đáng đồng tiền bát gạo, và chúng ta nên làm nếu chúng ta thực sự muốn vươn lên.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)