Chất xám CNTT – cần được tự do, tôn trọng và bảo vệ

Những năm gần đây, ở Việt Nam đã bắt đầu có những doanh nghiệp đưa các giải pháp CNTT ứng dụng vào các ngành công nghiệp cùng những lĩnh vực thiết thực của nền kinh tế và đời sống. Tuy nhiên, Nhà nước cần những chính sách hữu hiệu để củng cố, phát huy nguồn chất xám còn ít ỏi nhưng rất quan trọng này.  

Tuyến đường ống dẫn dầu từ cảng biển Quảng Ninh do Liên Xô hỗ trợ Việt Nam xây dựng năm 1969 dài hàng trăm km chạy qua Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, và Hà Nội. Thời chiến tranh lưu lượng vận chuyển còn ít, hàng tuần mới có một lần bơm tải nên các loại xăng dầu vẫn có thể dùng chung một đường ống. Còn ngày nay, lưu lượng xăng rất lớn và có nhiều chủng loại khác nhau nên việc sử dụng chung một đường ống khiến nguy cơ bị pha tạp các loại xăng là không tránh khỏi, trong khi chi phí để làm thêm vài ba đường ống là vô cùng tốn kém. Vì vậy, năm 1999, một nhóm chuyên gia trẻ của Trung tâm Tin học và Tự động hóa của Petrolimex đã được đề nghị thực hiện một đề tài nghiên cứu giải quyết bài toán tách xăng vô tình bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển trong đường ống.

Chất xám thế hệ trẻ cần được tạo môi trường tự do để phát huy

“Khi đó, đây là một vấn đề rất mới, chúng tôi đã mời các chuyên gia của công ty Emerson, nhà cung cấp giải pháp tự động hóa có uy tín toàn cầu, cùng hợp tác giải quyết nhưng chính họ cũng lắc đầu vì chưa gặp bao giờ” – có lẽ vì trên thế giới ít có trường hợp nào sử dụng một đường ống vận chuyển cho nhiều loại xăng dầu như ở Việt Nam – theo lời một chuyên gia thuộc thế hệ 7X trong nhóm các nhà nghiên cứu của Trung tâm Tin học và Tự động hóa của Petrolimex đứng đằng sau công trình nghiên cứu này. Kết quả là họ đã nghiên cứu thành công và đưa ra giải pháp vận dụng lưu lượng kế khối không mấy tốn kém, giúp hệ thống này đến nay vẫn vận hành ổn định, cho phép “đường ống có thể bơm tải liên tục 1 tiếng một lần”, vị chuyên gia CNTT của thế hệ 7X cho biết.

Công trình nghiên cứu này mang đến niềm tin cho nhóm nghiên cứu trẻ vào năng lực chất xám của bản thân mình trong lĩnh vực CNTT phục vụ tự động hóa, một lĩnh vực nghiên cứu đem lại giá trị gia tăng rất lớn và rất cần thiết cho sự phát triển các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, đáng tiếc là nguồn kinh phí Nhà nước dành cho những nỗ lực nghiên cứu của họ là rất hạn chế. Cơ chế tài chính của Nhà nước ép nhà nghiên cứu phải tuân thủ theo những khung chi phí đầu vào cố định mà không gắn với hiệu quả và giá trị mà sản phẩm nghiên cứu đạt được.  Bên cạnh đó, sự cứng nhắc trong khuôn khổ hành chính cũng làm giảm đi động lực sáng tạo. Vì vậy, mặc dù Trung tâm Tin học và Tự động hóa của Petrolimex là nơi được đầu tư khá bài bản, nhưng để có thể độc lập tự chủ phát huy năng lực, nhóm nghiên cứu trẻ đã quyết định tự đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng, qua đó để cho thị trường tự do quyết định mức tưởng thưởng xứng đáng với những thành quả nghiên cứu của mình.

Đầu năm 2008, chính họ đã cứu nguy ngoạn mục cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại khi đưa ra giải pháp truyền tín hiệu không dây để giải quyết sự cố đứt cáp quang truyền tín hiệu cho băng tải nhiên liệu. Đây là một sự cố gây thiệt hại lớn cho nhà máy vì buộc băng chuyền phải ngưng hoạt động, mà nếu chờ đợi nhà cung cấp sản phẩm sang sửa chữa thì thời gian ngưng phát điện có thể lên tới hàng tháng, chưa kể chi phí thay thế mỗi met cáp quang bị đứt lên tới hàng chục nghìn USD. Chỉ trong khoảng 2 tuần, nhóm nghiên cứu đã xác định phương pháp khử nhiễu – nhiễu điện từ của cầu trục băng tải với dòng điện 6 KV là rất lớn – thử nghiệm và lắp đặt bàn giao sản phẩm thành công. “Ban đầu phía nhà máy nhiệt điện không tin chúng tôi làm được vì khoảng cách truyền tín hiệu không dây lên tới 2 km, thậm chí sau 15 ngày sản phẩm của chúng tôi đã chạy rồi mà họ vẫn không hoàn toàn tin hệ thống sẽ vận hành ổn định”, một thành viên trong nhóm kể lại. Thực tế đã chứng minh sau 6 năm giải pháp vẫn hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố, thành viên này cho biết.

Đến nay, họ tiếp tục đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ cho hoạt động công nghiệp của các doanh nghiệp lớn khác như Nhiệt điện Uông Bí, Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hà Tiên, cùng nhiều doanh nghiệp xăng dầu ở miền Bắc, v.v. Giải pháp tự động hóa của họ giúp dự đoán và can thiệp sớm để điều chỉnh những sai sót tự phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp, giúp giảm hao phí cho các nhà máy. Thị trường tự do đem lại cho họ nguồn thu hằng năm đạt hàng chục tỷ đồng, tạo ra mức thu nhập không thua kém so với khi làm thuê cho các công ty nước ngoài.

Việc những chuyên gia CNTT rời bỏ các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước không phải là hiện tượng cá biệt, không chỉ xảy ra với các tổ chức nghiên cứu công lập, mà với cả các doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước. Ông Hoàng Nguyên Vân, một chuyên gia khác cũng thuộc thế hệ 7X, từng rời bỏ vị trí Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp thuộc tập đoàn FPT quy mô 250 người để đứng ra thành lập Công ty CP Giải pháp Công nghệ Savis Việt Nam (SAVIS). Ông Vân cho biết môi trường quản lý nhiều cấp bậc theo kiểu tập đoàn lớn khiến các đề xuất từ dưới lên chậm được xem xét thông qua, làm giảm sự linh hoạt của cả bộ máy, và bỏ lỡ các cơ hội trên thị trường. “Đối với những người trẻ tuổi, rất khó để họ chấp nhận bỏ qua các cơ hội”, ông Vân lý giải về quyết định bước ra khỏi FPT để tự thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Mới thành lập từ năm 2011 nhưng SAVIS là một doanh nghiệp giàu tiềm năng hiện đang cung cấp sản phẩm phần mềm và giải pháp tích hợp cho các cơ quan lớn của Nhà nước và một số chính quyền địa phương.

Khi khách hàng còn sính ngoại, và chưa hướng tới những lợi ích lâu dài

Môi trường tự chủ động nghiên cứu, sản xuất, và kinh doanh mang lại sự tự do cần thiết cho những chuyên gia như Vân để họ có cơ hội được theo đuổi tới cùng những ý tưởng, hoài bão riêng. Tuy nhiên, để sống được chỉ nhờ vào chất xám bản thân là một thách thức không nhỏ trong thị trường CNTT còn đầy khiếm khuyết ở Việt Nam, nơi ý thức tôn trọng chất xám còn rất hạn chế. Nhiều khách hàng trong ngành CNTT thiếu sự tôn trọng cần thiết dành cho loại hình sản phẩm này, coi đây là thứ hàng hóa chỉ cần mua một lần, cốt tìm mua nơi nào cung cấp và cài đặt với giá rẻ nhất, và suy nghĩ mặc định rằng sau đó nhà cung cấp sản phẩm đương nhiên sẽ phải bảo trì, cập nhật, nâng cấp cho mình với chi phí không đáng kể. Đa số khách hàng chưa có ý thức chọn lựa nhà cung cấp sản phẩm CNTT như một người cùng đồng hành trong lâu dài, một đối tác giúp họ chọn được sản phẩm không chỉ phục vụ tốt nhất trước mắt mà còn tối ưu cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. “Làm phần mềm không khó, cái khó là chọn được phần mềm tối ưu cho triển khai, giảm thiểu chi phí ban đầu và hằng năm tiếp theo, đồng thời dễ dàng tích hợp hiệu quả với các nhu cầu phát sinh về sau”, theo lời ông Vũ Quốc Huy, giám đốc khối sản phẩm phần mềm của SAVIS.

Về phía các doanh nghiệp CNTT, ý thức tôn trọng chất xám còn hạn chế và sức ép cạnh tranh gay gắt khiến họ sẵn sàng chụp giật ý tưởng, sao chép, xào xáo sản phẩm của nhau, cốt sao đáp ứng được nhu cầu trước mắt của khách hàng. Hậu quả là trên thị trường tràn ngập những sản phẩm may đo na ná như nhau, với giá cả bị dìm xuống mức tối thiểu, trong khi lợi ích lâu dài của khách hàng không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại lâu nay rất phổ biến ở Việt Nam càng gây thêm nhiều thiệt thòi cho các doanh nghiệp CNTT trong nước và bản thân khách hàng. Một mặt, khách hàng trong khu vực Nhà nước lẫn tư nhân luôn tìm cách ép giá các nhà cung cấp sản phẩm trong nước, nhưng với các nhà cung cấp nước ngoài, họ dễ dàng tin tưởng chất lượng sản phẩm và trả giá cao hơn, mà không ý thức được rằng khi đã lệ thuộc vào công nghệ do nước ngoài cung cấp thì sau này sẽ phải trả những chi phí rất lớn cho việc bảo trì và nâng cấp. Họ cũng không biết rằng sản phẩm mình được cung cấp nhiều khi chỉ mang nhãn mác của nước ngoài, còn phần ruột bên trong thực chất được làm ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam, những người buộc phải cam chịu phận làm thuê do không cạnh tranh nổi với thương hiệu của nước ngoài.

“Thay vì lãng phí ngân sách cho những đề tài nghiên cứu đút trong ngăn kéo trong khi vẫn chịu nhiều tốn kém cho các nhà thầu nước ngoài, vì sao Nhà nước không giao khoán kinh phí các dự án cho các doanh nghiệp trong nước kèm theo những điều khoản hợp đồng ràng buộc chặt chẽ, để họ có cơ hội cống hiến trực tiếp chất xám của mình mà không phải gia công cho nước ngoài”, ông Hoàng Nguyên Vân đặt câu hỏi.  

Tác động tới chất lượng và sự phát triển nguồn nhân lực R&D

Trong môi trường liên tục phải xoay xở đáp ứng những sản phẩm may đo theo nhu cầu nhất thời của khách hàng và làm gia công cho nước ngoài, những người làm CNTT ở Việt Nam thường tích lũy được nhiều những kinh nghiệm mang tính chắp vá, nhưng ít khi đào sâu vào một sản phẩm chuyên biệt để có những sáng tạo đích thực đem lại giá trị gia tăng đáng kể. “Có những người nhiều năm làm thuê cho nước ngoài, gia công đủ mọi thứ sản phẩm, cái trước không liên quan tới cái sau, để rồi cuối cùng nhận ra mình không hề có thế mạnh gì”, ông Vũ Quốc Huy nhận định.

Công ty SAVIS nơi ông Huy làm việc có thuận lợi hơn các doanh nghiệp CNTT khi đã thoát khỏi phương thức làm sản phẩm may đo, cạnh tranh bằng cách tập trung nghiên cứu và phát triển một nhóm sản phẩm chuyên biệt để có thể kế thừa trên những sản phẩm cũ, liên tục cập nhật, nâng cấp chất lượng, nghiên cứu ra sản phẩm mới tối ưu hơn, và nhờ đó mà trình độ nhân lực R&D cũng thường xuyên đươc nâng cao. Đây cũng là doanh nghiệp CNTT chưa từng bị lỗ kể từ khi thành lập, doanh thu mỗi năm lên tới vài chục tỷ đồng, với đội ngũ làm R&D của SAVIS lên tới vài chục người, với mức thu nhập trung bình tháng mỗi người trên mười triệu đồng, chưa kể mỗi năm hàng chục người đươc công ty tài trợ đi đào tạo lấy các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành. 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp CNTT nào cũng có được duyên may như SAVIS, nơi có cơ hội phục vụ cho các khách hàng lớn như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, là những cơ quan, tổ chức sẵn sàng đầu tư để được cung cấp những sản phẩm có giá trị lâu dài. Đa số các doanh nghiệp CNTT khác phải chấp nhận làm những sản phẩm mang tính thời vụ ngắn hạn, và phải thường xuyên đối diện với nguy cơ bị đối thủ xào xáo lại sản phẩm của mình. Đội ngũ làm R&D cao cấp của họ vì vậy cũng rất nhỏ để tránh bị thiệt hại về ý tưởng, chất xám khi người làm từ công ty này chuyển sang công ty khác.  

Thiệt hại quyền sở hữu trí tuệ

Hằng năm, SAVIS chi hàng tỷ đồng cho hoạt động R&D nhưng từ năm thành lập 2011 đến nay doanh nghiệp mới đăng ký bảo hộ một bằng sáng chế. Thời gian làm thủ tục đăng ký quá lâu là lý do ông Hoàng Nguyên Vân đưa ra giải thích sự không mặn mà trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp của mình. Nhiều doanh nhân CNTT khác thậm chí còn chưa từng đăng ký bản quyền cho sáng chế nào, do hoài nghi về hệ thống pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện hành, cho rằng nó khó lòng bảo vệ hữu hiệu được những ý tưởng đơn giản, dễ sao chép, nhưng có vai trò then chốt cho các giải pháp công nghệ.


Một nhóm lập trình của Công ty SAVIS  

Nhưng khi không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp CNTT càng dễ trở thành nạn nhân bị vi phạm bản quyền, nhất là khi mỗi lần cần thuyết phục khách hàng tiềm năng sử dụng giải pháp công nghệ của mình, họ phải giải trình sơ bộ về nguyên lý và cách thức, và thực tế là đã có trường hợp khách hàng lấy chính những chất xám này để đặt đầu bài cho doanh nghiệp CNTT khác thực hiện với mức chi phí giao thầu thấp hơn.

Để tự bảo vệ mình, rõ ràng các doanh nghiệp CNTT cần có ý thức đăng ký bảo hộ sáng chế, nhưng phía các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm nâng cao hoạt động tuyên truyền về những chủ trương, chính sách quản lý Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ – cho đến nay, SAVIS cùng nhiều doanh nghiệp CNTT khác vẫn chưa đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN và ý thức còn rất mơ hồ về những chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, cũng cần sớm có những cơ quan đóng vai trò trung gian hướng dẫn và giám sát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các quyền lợi chính đáng khác trong quá trình đàm phán và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Lâu nay chúng ta thường nói rằng thị trường công nghệ Việt Nam chưa phát triển vì thiếu những tổ chức trung gian định giá công nghệ – một vấn đề còn rất mơ hồ vì giá cả trên thị trường phụ thuộc đáng kể vào sự đàm phán thuận mua vừa bán giữa các bên, và mỗi giao dịch lại có một đặc thù riêng – nhưng thực tế cho thấy việc tăng cường các tổ chức trung gian để hướng dẫn và giám sát việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ có vai trò còn quan trọng hơn, nếu làm tốt sẽ giúp tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp công nghệ và khách hàng, thúc đẩy đáng kể động lực đầu tư nghiên cứu cho các doanh nghiệp công nghệ, và đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)