Chế tài để sàng lọc

Tại buổi tọa đàm đầu năm với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền cho biết, theo các chuyên gia Nhật Bản và Đức, Việt Nam hiện có tới 600 viện nghiên cứu; 1.670 tổ chức KHCN Trung ương và địa phương là quá nhiều và quá lãng phí với một đất nước GDP dưới 200 tỉ USD.

Cũng theo ông Hàm, nền khoa học của Việt Nam đang phải nuôi quá nhiều người – trong đó có không ít người không thực sự làm khoa học khiến chế độ đãi ngộ cho từng cá nhân nhà khoa học là quá thấp, khó có thể an tâm lao động sáng tạo cùng với không ít tiêu cực trong xét duyệt, nghiệm thu các đề tài, chương trình nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị. 

Vì vậy muốn nâng cao hiệu quả họat động khoa học, trước hết cần sàng lọc đội ngũ nhân sự trong giới khoa học, tập trung kinh phí cho những người có sản phẩm khoa học đích thực để họ có thêm thu nhập và yên tâm tập trung trí lực vào chuyên môn, đồng thời giữ vững được đạo đức khoa học của mình.

Trong thực tế, các nhà làm chính sách đã và đang có những nỗ lực điều chỉnh cơ chế quản lý khoa học theo xu hướng sàng lọc đội ngũ các nhà khoa học. Bộ KH&CN gần đây đã bước đầu giao kinh phí theo nhiệm vụ, và hiện đang xây dựng chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học. Theo đó những người càng làm ra nhiều công trình, sản phẩm có chất lượng thì càng được nhận nhiều tiền, những người không làm ra sản phẩm sẽ không có kinh phí và dần mất đi chỗ đứng.

Nhưng bản thân tiến trình sàng lọc này cũng đứng trước nguy cơ bị sai sót, thiên lệch, vì các họat động bầu chọn các nhà khoa học được hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, hay việc cấp kinh phí cho các đề tài khoa học và đánh giá con người dựa trên sản phẩm vẫn có thể phạm sai lầm nếu được thực hiện bởi những hội đồng khoa học làm việc trên tinh thần xuề xòa, nể nang.

Đã có nhiều sáng kiến được đề xuất nhằm giải quyết vấn đề này, ví dụ như đưa các nhà khoa học quốc tế vào tham gia các hội đồng khoa học trong nước nhằm nâng cao tính nghiêm túc và chuyên nghiệp, hoặc để các tổ chức nghiên cứu tự thanh tra lẫn nhau nhằm phát hiện ra những sai phạm trong các đề tài nghiên cứu mà hội đồng bỏ qua trong quá trình thẩm định – gần đây trong cuộc họp đầu năm với Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phát biểu rằng giới khoa học cần tăng cường vai trò tự giám sát lẫn nhau vì các cơ quan quản lý Nhà nước không thể phát hiện được hết các sai phạm trong tất cả mọi đề tài nghiên cứu.

Tuy nhiên, những giải pháp kể trên chỉ có thể giúp nhận biết những trường hợp sai phạm, và điều này là chưa đủ để sàng lọc đội ngũ làm khoa học nếu những người vi phạm không bị xử lý hoặc răn đe một cách thích hợp.

Vì vậy, giải pháp ưu tiên hàng đầu cho vấn đề sàng lọc đội ngũ làm khoa học là các cơ quan Nhà nước xây dựng và thực hiện một chế tài xử lý nghiêm khắc tất cả những trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức khoa học. Đây là điều không dễ dàng nhưng tất yếu phải làm nếu chúng ta không muốn tiếp tục chung sống với tình trạng đạo đức khoa học bị suy thóai, các tổ chức nghiên cứu nặng gánh với những con người không thực sự làm việc, nguồn kinh phí cho những người làm khoa học thực sự bị cắt giảm và tiến trình tự chủ tự chịu trách nhiệm bị trì hoãn.   
       

TS

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)