Chính sách di cư lao động nông thôn-đô thị còn thiếu công bằng
Di cư từ nông thôn đến các đô thị đang là một xu hướng mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng tạo ra sức ép và những hệ lụy tiêu cực tại các thành phố. PGS.TS Nguyễn Văn Chính, chuyên gia nhân học phát triển (Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)1 phân tích thực trạng và đề xuất hướng giải quyết cho thực trạng này qua bài phỏng vấn sau đây của Tia Sáng.
PGS.TS Nguyễn Văn Chính.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng di dân đang gây áp lực rất lớn cho các đô thị (sức ép về kinh tế, quá tải về hạ tầng, môi trường), và khiến cho bộ mặt thành phố trở nên “nhếch nhác” hơn. Ông đánh giá gì về ý kiến này?
PGS.TS Nguyễn Văn Chính: Dòng người di cư từ vùng nông thôn đổ về các thành phố lớn rất đa dạng về loại hình và phức tạp về thành phần. Cho đến nay các thành phố chỉ có ước lượng sơ bộ mà không có được con số thống kê chính xác về số lượng người di cư từ nông thôn đến sinh sống và làm việc trong thành phố. Điều này cho thấy một mặt tình hình di cư lao động tự do rất khó nắm bắt, mặt khác cũng phản ánh một thực tế là công tác quản lý của bộ máy chính quyền đô thị là có vấn đề.
Sức ép về môi trường, nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội do di cư lên khu vực đô thị là có thật. Ở cả ba thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (HCM) và Đà Nẵng mà tôi có theo dõi thì đều thấy các nhà quản lý kêu ca nhiều về lao động nhập cư. Họ có xu hướng xem tình trạng nghèo nàn trong dịch vụ xã hội và tình trạng xô bồ về trật tự xã hội hiện nay ở các đô thị như là hệ luỵ của tình trạng di cư không được kiểm soát. Cách suy nghĩ như vậy đã hàm chứa ngụ ý phải thắt chặt di cư vào các đô thị. Cho đến nay, các thành phố lớn đều muốn làm như vậy, vin vào lý do làm sạch đường phố, làm cho cuộc sống đô thị tốt hơn, đáng sống hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy là thiếu công bằng và rất phiến diện, vì nó chỉ nhìn thấy tác động tiêu cực của dòng di cư nông thôn-đô thị mà quên mất vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực của người di cư lao động tại các thành phố.
Như vậy, quan điểm tiêu cực về di dân ở đô thị là một cái nhìn định kiến và một chiều. Để có cái nhìn khách quan, chúng ta cần xem xét cả những chiều cạnh khác. Vậy theo ông, đâu là mặt tích cực của di dân?
Trước hết, các thành phố lớn của Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ. Thực chất của đô thị hóa là quá trình biến đổi dân số cơ học, chất lượng sống và lối sống của người dân. Những người vốn là nông dân làm nông nghiệp, do quá trình đô thị hóa, mất ruộng đất nên phải tìm kiếm sinh kế mới từ hoạt động phi nông nghiệp, và dần dần trở thành thị dân. Cùng với quá trình đô thị hóa là sự gia tăng dòng di cư nông thôn đô thị. Đấy là quy luật tất yếu. Dân cư ở các đô thị luôn có tính năng động, và các thành phố thường xuyên tiếp nhận những dòng dịch chuyển dân số đến và đi. Các thành phố lớn thường đóng vai trò là những trung tâm kinh tế văn hóa của đất nước hoặc của một vùng, vì thế nó thường xuyên đón nhận những thành phần tinh hoa của xã hội tìm đến, nhưng cùng với họ là những người lao động nghèo mong tìm kiếm đổi đời nơi đô thị. Các nhà quản lý đô thị dường như chỉ muốn đón nhận dòng di cư thứ nhất, tức tầng lớp tinh hoa, nhưng lại tìm cách ngăn chặn dòng di cư của lao động nghèo. Như vậy là bất công, là đi ngược lại quy luật phát triển và quá trình đô thị hóa. Chính Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói rõ điều này khi ông nhận xét về các dịch vụ công cho người di cư tự do ở đô thị.
Trong khi thừa nhận những sức ép mà di cư lao động tự do gây cho khu vực đô thị, tôi cho rằng cần có cái nhìn công bằng với những người lao động nông thôn ở thành phố. Lao động di cư đang đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đô thị hoá. Thứ nhất, họ là lực lượng lao động rất tiềm tàng cho các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ hay các cơ sở sản xuất hộ gia đình ở khu vực đô thị vì nó giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa giá rẻ. Trong nhiều trường hợp, lao động di cư thậm chí còn là lực lượng tiềm tàng tham gia vào cho đội ngũ công nhân xây dựng của các tập đoàn xây dựng lớn ở các thành phố. Thứ hai, lao động tự do làm nghề giúp việc gia đình, bán hàng và các loại hình dịch vụ khác nhau ở thành phố đã giúp cho các hộ gia đình trung lưu mới nổi có thể yên tâm làm việc. Cuối cùng, lao động phổ thông là một bộ phận cấu thành của mọi nền kinh tế. Một thành phố chỉ tiếp nhận lao động trình độ cao là điều không tưởng. Xã hội ta đang trong quá trình phân hóa giàu nghèo rất mạnh, và không phải ai cũng học đại học, cũng là kỹ thuật viên cao cấp để được nhập cư như đòi hỏi của các thành phố lớn. Vậy ai sẽ làm nghề quét rác, dọn vệ sinh, làm các công việc nặng nhọc như xây dựng và công nhân các xí nghiệp đang không ngừng mở rộng ở thành phố? Tôi muốn nhấn mạnh thêm là tình trạng ruộng đất bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đang bị thu hẹp rất nhanh do đô thị hóa và hiện đại hóa. Do vậy, đa dạng hóa hoạt động kinh tế ở khu vực nông thôn và dịch chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp là quá trình tất yếu. Nếu chúng ta không có một chiến lược giúp con em nông dân mất ruộng đất được đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp mà chỉ đền bù cho họ một ít tiền để họ tự xoay xở thì dòng di cư nông thôn đô thị sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn mà không có quy định nào kìm chân họ được.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng di cư lao động tự do góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều hộ gia đình nông dân. Thu nhập từ lao động phi nông nghiệp giúp họ có thêm nguồn tiền mặt trang trải nhu cầu giáo dục, chữa bệnh, đi lại, và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở quê nhà. Phần lớn lao động tự do không có xu hướng định cư lâu dài tại đô thị. Họ đến để tìm kiếm việc làm và tăng thêm thu nhập. Chừng nào cuộc sống của họ ở các làng quê được ổn định thì chừng đó, dòng di chuyển lao động tự do sẽ giảm.
Từ nhiều năm nay, thành phố nào cũng ngăn di dân vào đô thị bằng biện pháp hành chính chứ không thấy có các giải pháp khác về kinh tế hoặc tạo điều kiện để quản lý người di cư tốt hơn. Như TP HCM những năm trước đây và Đà Nẵng gần đây đã đưa ra yêu cầu người lao động phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật hoặc tốt nghiệp đại học trở lên mới được nhập cư. TP Hà Nội cũng ngăn dòng di cư tự do bằng Luật Thủ đô. Quan điểm của ông về các biện pháp này?
Quan điểm của tôi là phải nhìn vấn đề di dân trong tổng thể của quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị, phải nhìn lợi ích của các đô thị từ nhiều mặt, ví dụ như nhu cầu của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, của các hộ gia đình trung lưu ở đô thị, và nhu cầu lao động phổ thông của đô thị nói chung, đồng thời xem xét quyền việc làm và di chuyển của người lao động. Chính sách đô thị của Việt Nam trước đây nói chung là lo ngại đô thị hóa, sợ lối sống thị dân. Tình hình giờ đây đã đổi khác. Tuy vậy, tỷ lệ thị dân của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Hơn 70% dân số vẫn sống ở khu vực nông thôn nhưng nông nghiệp không phát triển. Đô thị hóa và hiện đại hóa là xu hướng tất yếu, nhưng tại sao lại ngăn di cư lao động tự do vào thành phố? Đó là lối tư duy rất ngắn hạn, tư duy cục bộ, địa phương và thiếu tầm nhìn. Tôi muốn nói rằng, các nhà quản lý biện bạch rằng họ muốn thành phố sạch, đẹp, thu hút khách du lịch nhưng lại đối xử bất công với người lao động nghèo, tước đi của họ cơ hội cải thiện cuộc sống và góp phần phát triển triển đô thị. Tôi cho rằng thành phố muốn phát triển thì phải cần lao động di cư. Vấn đề đặt ra là cách giải quyết mâu thuẫn này như thế nào mà thôi.
Theo như ông nói thì dường như người di cư vào các thành phố đang bị “bên lề hóa” trong chính sách phát triển đô thị. Để thay đổi thực trạng này cần bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Phải nói rằng thành phố nào cũng có quy định về di cư lao động, thậm chí là quá nhiều. Chính quyền các cấp từ phường đến tỉnh/thành, các ban ngành của thành phố như lao động, công an, quản lý trật tự đô thị, v.v. đều có những công văn chỉ thị liên quan đến người lao động nhập cư. Cũng đã có nhiều nghiên cứu khoa học về người lao động di cư tự do ở các thành phố, tiêu tốn nhiều tiền của nhà nước. Thế nhưng những nghiên cứu như vậy dường như chả có tác động nào, hay nói cách khác, những đề xuất của giới nghiên cứu chả mảy may làm rung động các nhà quản lý và làm người chính sách. Dường như họ ở hai thế giới khác nhau nên chả bao giờ gặp nhau. Các nhà làm chính sách ngồi trong phòng máy lạnh và sản xuất ra các chính sách. Các nhà nghiên cứu nói cho gió bay lên giời. Nhưng phải nói rằng nếu không có nghiên cứu, nếu không xuất phát từ quan điểm và nhận thức đúng về lao động nhập cư thì chính sách sẽ không bao giờ đi vào cuộc sống. Quan sát của tôi cho thấy là cho đến nay các chính sách liên quan đến lao động nhập cư chỉ nặng về biện pháp hành chính, làm khó cho người lao động mà chưa quan tâm đến tâm tư, nỗi khốn khó trong cuộc sống của người lao động cũng như vai trò của họ đối với sự phát triển của đô thị. Nói cách khác, chính sách đối với lao động phổ thông nhập cư đang còn thiếu hơi thở của cuộc sống. Tôi luôn tự hỏi tại sao chính quyền các thành phố lại đối xử lạnh lùng với người nhập cư, tìm cách ngăn cản họ, thay vì tạo điều kiện cho họ làm việc tốt hơn, có tổ chức hơn, góp phần tích cực hơn vào quá trình đô thị hóa và phát triển? Cách tiếp cận chính sách của chúng ta hiện nay vẫn chỉ dựa vào hệ thống chính quyền quan liêu và lãnh cảm. Tôi nghĩ đã đến lúc chính sách nhập cư phải hướng đến người lao động, phải tạo ra một cơ chế để người lao động có tổ chức của chính mình bằng cách cho người lao động được lập các hội đoàn của chính họ, giống như công đoàn của những người lao động di cư, để họ có cơ hội tự quản, chủ động tuân thủ pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi của mình. Cho đến nay, người lao động tự do ở các thành phố không chỉ đang bị bỏ rơi, mà còn bị phân biệt đối xử, chẳng ai bảo vệ họ. Hãy cho họ có cơ hội được tự bảo vệ quyền lợi của chính mình trên cơ sở tuân thủ pháp luật hiện hành. Những người phụ nữ, trẻ em và lao động nghèo giúp việc trong các gia đình bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động, bị đối xử bất công nhưng chẳng có tổ chức nào lo cho họ. Những người lao động tự do theo mùa vụ được các nhà thầu khoán tập hợp lại đang làm việc quần quật trên các công trường xây dựng nhưng sau đó lại trở về với vị trí là một nông dân. Những sự việc như vậy chỉ được công luận quan tâm khi báo chí phát hiện vấn đề, và khi ấy thường đã là quá muộn.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
1Độc giả có thể tham khảo thông tin chi tiết hơn về vấn đề di cư lao động từ khu vực nông thôn đô thị đến Hà Nội trong các bài viết gần đây của PGS Nguyễn Văn Chính:
1) Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hoá Hà Nội, In: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011), Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội; tr. 163-192.. (Link: http://khoalichsu.edu.vn/bai-nghien-cu/520-cu-truc-va-gii-cu-truc-bn-sc-vn-hoa-ha-ni-pgsts-nguyn-vn-chinh).
2) Những người di cư tự do trong không gian đô thị. In: Võ Quang Trọng & Amarewar Galla (Cb.), Bảo tàng và Nhân học Đô thị. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, 2009: tr. 242-262