Chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp KH&CN
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định 80/2007/NĐ-CP vẫn chưa thực sự đi vào đời sống khi các hoạt động hình thành, phát triển các doanh nghiệp KH&CN vẫn chưa diễn ra tích cực và phổ biến như mong muốn.
Nghị định 80/2007/NĐ-CP (Nghị định 80) ra đời năm 2007 nhằm mở đường cho việc hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, là những doanh nghiệp có vai trò thúc đẩy áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất kinh doanh. Theo TS. Lê Đăng Doanh, đây là một trong những giải pháp cần thiết giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng phát triển kinh tế bền vững hơn, dần dần thoát ra khỏi hướng phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ – Bộ KH&CN, khái niệm doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam đồng nghĩa ở mức độ nhất định với khái niệm tương tự của Trung Quốc. Đây là đội ngũ những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, từng bước hấp thụ, tiếp thu, và làm chủ nhiều công nghệ của thế giới, đưa nền công nghiệp Trung Quốc ra khỏi trì trệ lạc hậu, trở nên có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bài học Trung Quốc không dễ áp dụng ở Việt Nam. Theo TS. Lê Đăng Doanh, động cơ mạnh mẽ để các doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ xuất phát từ chỗ thị trường Trung Quốc rất rộng lớn, khiến những cải tiến về hiệu quả và chất lượng sản phẩm sau khi đổi mới công nghệ sẽ dễ dàng đem lại lợi ích kinh tế rất cao.
Khác với Trung Quốc, thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ hẹp, lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ chính những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam không mấy mặn mà với việc áp dụng những nghiên cứu cải tiến công nghệ. Thay vào đó họ chủ yếu cạnh tranh nhau bằng giá, hoặc tìm đến những cách thức kinh doanh không bền vững nhưng dễ kiếm lời hơn trong ngắn hạn, ví dụ như đầu cơ và đánh quả bất động sản.
Cần một chính sách toàn diện
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, hiện nay Nhà nước đã áp dụng chính sách cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư vào các hoạt động đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp KH&CN cũng được hưởng mức thuế suất ưu đãi nếu đáp ứng được những tiêu chí về mức doanh thu và tỷ trọng hàm lượng sản phẩm KH&CN.
Tuy nhiên, dù đã có những chính sách ưu đãi này của Nhà nước nhưng trong thực tế có rất ít doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp KH&CN được thành lập. Theo TS. Lê Đăng Doanh, đằng sau hiện tượng này là một căn bệnh trầm kha của kinh tế Việt Nam. Ông nhận định rằng chừng nào nhà đầu tư còn thấy dễ dàng kiếm tiền bằng đầu cơ, đánh quả ngắn hạn, trong khi những người sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm thực sự trong nền kinh tế lại chịu rất nhiều khó khăn- trong đó không ngoại trừ những khoản lãng phí về thời gian, tiền bạc do nạn tiêu cực, tham nhũng- thì rất khó để khuyến khích việc đầu tư vào đổi mới công nghệ sản xuất.
Vì vậy, theo TS. Lê Đăng Doanh nhận định, Nhà nước cần áp dụng một khung chính sách đồng bộ toàn diện, nhằm làm giảm nguồn lợi từ những hoạt động kinh doanh, sản xuất mang tính đầu cơ ngắn hạn. Ví dụ, có thể áp dụng chính sách thuế của Mỹ đối với bất động sản, trong đó áp dụng mức thuế rất cao đối với những giao dịch mua bán bất động sản dạng đầu cơ. Về lâu dài, Nhà nước cần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp nói chung, thông qua triệt để giải quyết nạn tham nhũng và tích cực hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Đối với những giải pháp trước mắt, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý rằng Việt Nam cần tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Không thể khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ khi mà “sản phẩm mới làm ra hôm trước, hôm sau đã có người làm giả”. Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh coi vấn đề huy động tài chính là rào cản đầu tiên đối với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, vì đặc thù rủi ro cao. Ông cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện những dự án nghiên cứu có tính khả thi cả về công nghệ lẫn thương mại, dưới hình thức cho vay từ quỹ đầu tư mạo hiểm, với phương châm “chỉ cần 20% thành công là đã đủ đền bù cho 80% thất bại”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược của tập đoàn FPT, cho rằng Nhà nước nên đưa vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ trong chiến lược tài chính quốc gia, với những chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện những dự án đổi mới công nghệ.
Còn thiếu sự phân khúc đối tượng
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, đối tượng áp dụng chủ yếu của Nghị định 80 là các cơ quan, tổ chức, nhóm nghiên cứu KH&CN có ý định thành lập doanh nghiệp để kinh doanh trên sản phẩm nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Nghị định 80, thực tế cho thấy chưa có nhiều những đơn vị nghiên cứu đủ sức đứng ra tự chủ kinh doanh theo hình thức thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Nhận định về thực tế trên, ông Thái Hòa cho rằng không dễ để những doanh nghiệp khởi nghiệp vừa đầu tư nghiên cứu về công nghệ, vừa xây dựng kế hoạch kinh doanh và thu xếp vốn đầu tư. Trong khi đó, nếu Nhà nước cung cấp những gói hỗ trợ lớn hơn thì sẽ không đủ nguồn lực, vì đối tượng đăng ký rất rộng. Vì vậy, theo ông Thái Hòa, Nhà nước nên có những chính sách linh hoạt theo từng phân khúc đối tượng.
Ví dụ, với các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp từ các nhóm nghiên cứu, ông Thái Hòa cho rằng Nhà nước chỉ nên đứng vai trò thu xếp, giới thiệu để nhóm nghiên cứu và nhà đầu tư gặp được nhau. Còn đối với các doanh nghiệp đã có tên tuổi và chỗ đứng, nếu có nhu cầu về kinh phí để đầu tư nghiên cứu công nghệ thì Nhà nước có thể hỗ trợ một phần nhất định, nhưng nguyên tắc là hỗ trợ rất chọn lọc, để làm sao kinh phí được sử dụng cho những dự án có tính đột phá cao, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng hoặc cả ngành thay vì chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu là những doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước thì các khoản đầu tư đổi mới công nghệ cần được giám sát kỹ lưỡng – ngay cả khi kinh phí đầu tư hoàn toàn do doanh nghiệp tự bỏ ra – nhằm đảm bảo tính hiệu quả, vì đồng tiền từ khối doanh nghiệp này là về bản chất là tiền của Nhà nước, rất khác với “đồng tiền mồ hôi nước mắt” của những doanh nghiệp tư nhân.
Nhìn một cách tổng quan, ông Thái Hòa cho rằng việc ra đời Nghị định 80 và tiếp theo là Nghị định 96/2010/NĐ-CP (bổ sung một số nội dung cho Nghị định 80 và Nghị định 115/2005/NĐ-CP) là cần thiết. Tuy nhiên, khi mà khái niệm doanh nghiệp KH&CN và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được quy định trong các văn bản này vẫn còn chưa có sự phân khúc rõ ràng, và trong bối cảnh chưa có đủ những nghiên cứu mang tính định vị để biết rõ từng ngành công nghệ của Việt Nam đang đứng ở đâu, cần ưu tiên cho công đoạn đổi mới công nghệ nào – ví dụ, xác định nên tập trung tiếp thu và làm chủ công nghệ nước ngoài hay nên tập trung nghiên cứu đổi mới sáng tạo – thì hiệu quả của việc triển khai các Nghị định này chắc chắn sẽ còn nhiều hạn chế.
PV lược thuật