Chợ đen các bài báo khoa học ở Trung Quốc

Tạp chí Science số ra ngày 29/11 vừa qua đã đăng bài viết của tác giả Mara Hvistendahl (với sự hỗ trợ của Li Jiao và Ma Qionghui) kể về cuộc điều tra của các nhà báo trong suốt 5 tháng, qua đó phơi bày ra ánh sáng một chợ đen đáng kinh ngạc ở Trung Quốc, nơi người ta mua bán, trao đổi các nghiên cứu khoa học như những hàng hóa thông thường.

Giả sử bạn là một nhà nghiên cứu muốn có bài đăng trên một tạp chí khoa học nổi tiếng, nhưng lại gặp khó khăn do thiếu thời gian (hay tiền bạc, tài năng, hoặc tâm huyết) nên không thể hoạch định và triển khai thí nghiệm, phân tích các kết quả, viết thành bài báo, để gửi tới các tạp chí bình duyệt. Bạn có thể giải quyết vấn đề này ở chợ đen Trung Quốc, nơi một số tổ chức môi giới chuyên nghiệp cho bạn xem danh sách các bài báo hiện đang được thẩm định bởi các tạp chí khoa học, và đơn giản là bạn chỉ cần trả tiền để được bổ sung tên vào danh sách các tác giả.

Tại trụ sở của một tổ chức ở Thượng Hải, Mara Hvistendahl được xem một quảng cáo, và được giới thiệu về một nghiên cứu cách thức giảm sức chống chịu của những tế bào ung thư khi trị liệu. Tổ chức môi giới nói rõ với Mara rằng chỉ cần bỏ ra 90 nghìn tệ (tương đương 10 nghìn 8 trăm euro) là có thể đứng tên đồng tác giả thứ nhất. Sau này, nghiên cứu kể trên được đăng ở Tạp chí Hóa sinh & Sinh học Tế bào (Journal of Biochemistry & Cell Biology), trong danh sách tác giả đứng đầu có cái tên Wang Yu, nhưng khi người ta liên hệ với vị tác giả đứng đầu còn lại thì bản thân vị này cũng không biết Wang Yu là ai.
Trên chợ đen còn có một dạng dịch vụ khác, đó là trả tiền “chui” cho một sinh viên hay một nhà nghiên cứu, để viết một bài báo dựa trên nguồn dữ liệu mà có khả năng là hoàn toàn bịa đặt; hoặc dựa vào dữ liệu lấy của một nhà khoa học khác; hoặc được một phòng thí nghiệm dàn dựng ra kết quả như mong muốn. Đóng vai nhà nghiên cứu, Mara Hvistendahl và đồng nghiệp liên lạc 27 đầu mối bán nghiên cứu khoa học (trong đó có nơi thật, có nơi giả) để điều tra về giá mua hoặc đặt hàng nghiên cứu. Chỉ có 5 trên 27 đầu mối từ chối làm việc này. Với số còn lại thì giá là khoảng từ 1600 đến 26.300 USD (con số sau nhiều hơn cả 1 năm lương của một số giáo sư đại học Trung Quốc).

Chi phí này có vẻ quá lớn, nhưng dường như vẫn có những người chấp nhận cuộc chơi, bởi những sức ép đặc thù trong môi trường học thuật ở Trung Quốc. Theo Cong Cao, một chuyên gia nghiên cứu về khoa học Trung Quốc ở Đại học Nottingham, “các nhà nghiên cứu Trung Quốc được thăng tiến căn cứ trên những công bố của họ ở các tạp chí SCI” trong vòng 5 năm gần nhất, trong đó phải là những công trình mà họ là tác giả đứng đầu. Tương tự như vậy, ở một số trường đại học, các nghiên cứu sinh chỉ có thể trở thành tiến sĩ sau khi có ít nhất một nghiên cứu khoa học được xuất bản. Người ta thường nói “công bố hay là chết”, hoặc là “công bố để thăng tiến”.

Người ta vẫn đang đặt những câu hỏi về tác động thực sự của thị trường chợ đen đối với nền khoa học Trung Quốc. Bao nhiêu phần trăm các nghiên cứu là qua giao dịch mua bán? Liệu tỉ lệ này có tăng nhanh gần đây? Trong thực tế, số lượng các công bố khoa học ở Trung Quốc đã bùng nổ trong những năm qua, từ con số 41.417 năm 2002 thành 193.733 năm 2012, đưa Trung Quốc thành nước thứ hai sau Mỹ về số lượng công bố khoa học.

Ngoài ra vẫn còn những câu hỏi khác. Vì sao các nhà khoa học là tác giả thực sự của các nghiên cứu không lên tiếng tố cáo khi các tác giả rởm được có tên trong công trình của họ? Những kẻ môi giới liệu có được sự đồng lõa tiếp tay từ các tạp chí khoa học? Các tác giả rởm lấy nguồn tiền ở đâu để chi trả cho những kẻ môi giới mức phí rõ ràng vượt quá khả năng một cá nhân thông thường? Liệu nguồn tiền kinh phí nghiên cứu từ các tổ chức khoa học có được sử dụng cho mục đích này? 
 
          Thanh Xuân lược dịch theo passeurdescience blog
http://passeurdesciences.blog.lemonde.fr/2013/12/01/un-scandaleux-marche-noir-de-la-science-en-chine/

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)