Chúng tôi trông chờ ở các bạn
Gặp gỡ gần 150 tài năng KH&CN chiều 9/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chia sẻ một số thông tin mới về tình hình KH&CN, phần nào cũng chính là lời giải đáp cho không ít khúc mắc của những bạn trẻ mà ông kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước trong những thập niên tới.
Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa mới đây, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn, nghi ngờ mục tiêu đến năm 2020, KH&CN Việt Nam sẽ đứng trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN vì các nước mà ta phải vượt qua có GDP cao hơn ta ít nhất ba lần.
“Liệu mục tiêu đó có quá cao và vượt khả năng của chúng ta không? Hiện Việt Nam đứng thứ sáu cả về tiềm lực kinh tế và trình độ KH&CN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Nhưng có những cơ sở cho thấy ta có quyền hy vọng đạt được mục tiêu này,” Bộ trưởng nói.
Theo ông, những cơ sở đó là, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống về luật pháp KH&CN tương đối hoàn thiện, mọi lĩnh vực hoạt động KH&CN đều đã được luật hóa – Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có luật về năng lượng nguyên tử, là một trong những nước đầu tiên có luật riêng về công nghệ cao. Việt Nam cũng đã hình thành được hệ thống các tổ chức KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trước năm 2000, Việt Nam chỉ có 200 tổ chức KH&CN, nay đã tăng lên 1.600, trong đó có đến 900 thuộc khu vực ngoài nhà nước. Đội ngũ cán bộ khoa học có 30 nghìn tiến sĩ, 100 nghìn thạc sĩ với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng góp phần tạo ra được những sản phẩm xuất khẩu được thế giới chấp nhận. Ngành đóng tàu Việt Nam đứng hàng thứ năm thế giới, hiện nay về vấn đề kinh doanh có thể gặp khó khăn nhưng về kỹ thuật có những tiến bộ vượt bậc không thể phủ nhận: đã đóng được tàu hàng 53 nghìn tấn, tàu chở được từ 6.500 ô tô trở lên, tàu pháo cho hải quân, tàu chở dầu… mà ở châu Á không phải nước nào cũng làm được. Việt Nam hiện cũng đang dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực dầu khí, đã chế tạo được giàn khoan tự nâng 90m nước và năm nay dự kiến chế tạo giàn khoan 120 m nước để có thể hoạt động ở vùng biển sâu và xa bờ hơn…
“GDP Việt Nam đứng thứ sáu trong số các nước ASEAN, nhưng không có quốc gia nào có GDP 1.000USD/người/năm mà có được nền khoa học như Việt Nam,” ông khẳng định. Tuy nhiên, ông cho rằng, để vượt qua Indonesia và Philippines về thứ hạng KH&CN thì giai đoạn từ nay đến năm 2020, đội ngũ các nhà khoa học sẽ phải nỗ lực vượt bậc.
Dòng quan trọng trong Nghị quyết TƯ 6
Trả lời câu hỏi, mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã giải quyết được một số khúc mắc về thủ tục tài chính cho những người làm nghiên cứu cơ bản, nhưng đến bao giờ mô hình này mới được nhân rộng, Bộ trưởng cho biết Nafosted bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008 với cơ chế phê duyệt đề tài đến đâu chi đến đó, quyết toán theo hợp đồng, nhà khoa học không phải lo hóa đơn chứng từ, định mức chi tiêu cũng cao hơn so với định mức của kho bạc. “Nếu các bạn bám sát thời sự thì sẽ biết trong Nghị quyết TƯ 6 về phát triển KH&CN mới đây có dòng ‘Mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển khoa học và công nghệ.’ Chỉ gần 20 chữ vậy thôi nhưng chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công mới đưa được vào. Đây sẽ là cơ sở để nhiều quỹ phát triển KH&CN của địa phương, ngành, và doanh nghiệp đã ‘tích’ được như quỹ của Viettel trị giá gần 500 tỷ đồng, quỹ của PetroVietnam trị giá gần 2.000 tỷ đồng có cơ chế để ‘tiêu’ được,” ông vui mừng thông báo.
Như thế không phải là đãi ngộ
Bộ trưởng cũng chia sẻ, mấy chục năm qua, việc nhìn nhận về vai trò của KH&CN đối với phát triển KT-XH đã có những thay đổi, từ chỗ là then chốt, sang nền tảng, rồi động lực và đến nay là quốc sách, nhưng trên thực tế không phải lúc nào KH&CN cũng được coi trọng như trong các văn kiện. “Cán bộ đã vất vả, cán bộ khoa học còn vất vả hơn vì chỉ có lương, không có bất kỳ phụ cấp nào – dù là phụ cấp thâm niên, nghề nghiệp, hay dưỡng liêm. Người ta nói cán bộ khoa học có tiền làm đề tài nhưng con số này chỉ chiếm 10% thôi; mà đề tài cấp ngành, cấp bộ – vốn chiếm đến 90% – có kinh phí rất thấp. Cũng có nhà khoa học được địa phương trải thảm đỏ mời về, được hứa hẹn mức lương cao, cấp đất xây nhà nhưng cả năm không thấy ai giao nhiệm vụ, kết quả là họ phải lặng lẽ ra đi. Đó không phải cách đãi ngộ tốt.” Theo Bộ trưởng, điều quan trong nhất đối với nhà khoa học là được làm việc trong cộng đồng của mình, trong môi trường học thuật tự do và cởi mở, và được cung cấp đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu.
Tuy không thể đặt vấn đề nâng lương cho nhà khoa học vì nó động chạm đến toàn bộ hệ thống phúc lợi xã hội, nhưng cần phải xây dựng một môi trường để nhà khoa học có thể sống được, như ca sĩ sống được nhờ giọng hát thì nhà khoa học phải sống được nhờ nghiên cứu của mình. Bộ trưởng cho biết, Luật KH&CN sửa đổi, dự kiến được thông qua vào tháng 5 năm tới, có một nội dung quan trọng, đó là giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu bằng tiền ngân sách cho tác giả. “Trước nay nhà khoa học vẫn phải bán chui kết quả nghiên cứu, nhưng sắp tới họ có thể đàng hoàng bán kết quả đó hoặc dùng nó để góp vốn với doanh nghiệp,” ông nói.
Điểm yếu về công bố quốc tế và sáng chế
Khoa học Việt Nam lâu nay vốn mang tiếng là nghiên cứu để bỏ ngăn kéo nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thực tế không đơn giản như vậy. Bên cạnh những nghiên cứu phải đem bỏ ngăn kéo vì không có giá trị, còn có những nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn lực đầu tư.
Bộ trưởng cũng thừa nhận khoa học Việt Nam còn ít các công trình công bố quốc tế nhưng không ít đến mức như báo chí nói “tổng số công bố quốc tế của Việt Nam không bằng của riêng Đại học Chulalongkorn”. Con số sáng chế của người Việt Nam đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ vào khoảng 100 mỗi năm, chứ không phải là “đếm trên đầu ngón tay” như thông tin trên báo chí. Ông lưu ý rằng, cần phải xem xét con số đó trong bối cảnh đầu tư cho KH&CN của Việt Nam mới đạt mức 10USD/người/năm.
“Đã có người đặt vấn đề bỏ qua nghiên cứu cơ bản, chỉ tập trung vào tiếp nhận và làm chủ công nghệ của nước ngoài. Nhưng nếu chỉ đi học lại cái của người khác thì làm sao có sáng chế được,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhìn nhận thực trạng công bố quốc tế và sáng chế như một yếu kém của đội ngũ làm khoa học, ông đồng thời cho biết: “Sắp tới, sẽ không còn kiểu đầu tư dàn trải nữa mà tập trung vào những đề tài, dự án lớn, để bên cạnh sản phẩm khoa học sẽ có các nghiên cứu công bố quốc tế hoặc các sáng chế.”
Điều ước cho VKIST
Nói về một trong những dự án lớn là dự án xây dựng VKIST theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), một viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, nơi nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel đến nghiên cứu và giảng dạy, và có nhiều đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước, Bộ trưởng nhận xét, có ba yếu tố giúp Viện KIST thành công, đó là Viện được phép hoạt động theo luật riêng; có người đứng sau là Tổng thống, giúp Viện vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ hậu chiến; có đội ngũ các nhà khoa học được trọng dụng và sử dụng một cách tối ưu, chủ yếu là các nhà khoa học từ Nhật và Mỹ về. “Họ có mức lương cao gấp ba lần các nhà khoa học khác. Khi các nhà khoa học ngoài viện KIST tỏ ý bất mãn thì Tổng thống Park Chung-hee nói: Các anh hãy làm việc như người ta để được hưởng mức lương đó chứ đừng bắt họ hưởng mức lương của các anh và làm việc như các anh.”
Bộ trưởng cho rằng, để xây dựng VKIST thành công cũng phải hội tụ được ba yếu tố đó, đặc biệt là yếu tố con người. “Chúng tôi sẽ nỗ lực ở góc độ xây dựng chính sách, còn ở góc độ làm chuyên môn, chúng tôi trông chờ rất nhiều ở các bạn,” ông nói với các tài năng trẻ KH&CN.