Chương trình 68 đã mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp

Sau 5 năm (2005-2010) thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình 68) với 3 nội dung chính là nâng cao nhận thức của xã hội, hỗ trợ xác lập bảo hộ và thực thi quyền, khai thác thông tin SHTT (thương mại hóa tài sản trí tuệ), theo ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN, kiêm Trưởng ban chỉ đạo Chương trình, chúng ta đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy vậy còn 2 vấn đề hết sức quan trọng là thực thi quyền và thương mại hóa tài sản trí tuệ chưa triển khai được trên thực tế. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quân về những nguyên nhân và giải pháp khắc phục những hạn chế trên trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình.

Theo ông cho đến nay xã hội và Nhà nước ta đã quan tâm tới vấn đề Sở hữu trí tuệ (SHTT) như thế nào?

SHTT là một câu chuyện rất mới đối với Việt Nam. Trước khi chúng ta gia nhập WTO, không chỉ người dân mà ngay cả các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không mấy quan tâm đến (SHTT) vì cho rằng SHTT chỉ thiết thực ở những nước có nền công nghiệp phát triển. Nhưng khi chúng ta bắt đầu đàm phán để gia nhập WTO, để đáp ứng điều kiện tiên quyết mà các nước thành viên WTO (đặc biệt là Hoa Kỳ) đặt ra trước khi chấp nhận một nước thành viên mới là vấn đề tôn trọng quyền SHTT, Việt Nam đã bắt tay vào việc xây dựng Luật SHTT. Sau một thời gian rất ngắn, năm 2005, Luật được ban hành và được cộng đồng quốc tế đánh giá là một đạo Luật vừa mang tính khoa học vừa có nhiều qui định tiến bộ. Lần đầu tiên, luật pháp Việt Nam chính thức công nhận trí tuệ là tài sản, và Nhà nước phải bảo hộ tài sản trí tuệ của mọi tổ chức cá nhân, trong đó có doanh nghiệp.

Chính sự ra đời của Luật SHTT là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra sự bùng nổ về số lượng các hồ sơ đăng ký xin bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với số lượng đơn xin đăng ký sáng chế của nước ngoài gấp khoảng 10 đến 20 lần so với đơn của người Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước tuy số lượng đơn đăng ký còn ít so với nước ngoài, nhưng số lượng ngày càng tăng với tốc độ rất nhanh. Nếu trước năm 2000, hằng năm chúng ta chỉ cấp được vài bằng sáng chế, thì hiện nay con số đã lên tới hàng trăm. Còn việc cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, thì hiện nay Cục SHTT đang bị quá tải với khối lượng khoảng 30.000 đơn/năm, không đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp.

Do SHTT có vai trò quan trọng như vậy nên Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bộ KH&CN thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2005-2010.

Vì sao trước đây Chương trình lại chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp? 

Hầu hết các doanh nghiệp trong thời kỳ này chưa có khái niệm và ít quan tâm đến quyền SHTT, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu, điều đó ảnh hưởng nhiều đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế, Chương trình đã đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Có thể nói qua 5 năm thực hiện, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng lợi từ thành quả của chương trình 68. Chính vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 5 năm 2011-2015, trong đó đối tượng của Chương trình không chỉ là các doanh nghiệp như giai đoạn trước đây mà sẽ bao gồm mọi thành phần trong xã hội.  

Xin ông cho biết một số kết quả chính đã đạt được của chương trình 68?

Do nguồn lực và kinh nghiệm có hạn, nên Ban điều hành Chương trình 68 mới triển khai được 2 nội dung chính:

1. Nâng cao nhận thức xã hội, doanh nghiệp về SHTT như đã hợp đồng với các cơ quan truyền thông, nhất là đài truyền hình Trung ương và địa phương, đã xây dựng chương trình Chắp cánh thương hiệu trên VTV3 và những chuyên mục về SHTT trên các tờ báo lớn, báo điện tử. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cán bộ phụ trách về SHTT ở các Sở Khoa học và Công nghệ, bước đầu đưa chương trình đào tạo về SHTT vào các trường đại học và cao đẳng.

2. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. Về việc này, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng kể. Ví dụ, tại Hội nghị về chỉ dẫn địa lý các nước ASEAN năm 2009, Việt Nam được đánh giá là quốc gia dẫn đầu với 12 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, dù chúng ta là nước đi sau trong lĩnh vực này. Tới nay Việt Nam đã có 19 sản phẩm đặc sản của các địa phương được hướng dẫn làm hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, đóng góp lớn cho sản xuất hàng hóa và xuất khẩu của địa phương. Ví dụ như thanh long Bình Thuận được thị trường Mỹ chấp nhận. Vải thiều Lục Ngạn, những năm trước tới mùa thu hoạch, nông dân phải bán đổ bán tháo vì Trung Quốc hạn chế nhập khẩu do chưa có xuất xứ hàng hóa, gần đây sau khi có văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu được khối lượng lớn, giá tăng 30-40% so với trước đây. Hoặc như khi chúng ta đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cam Vinh, giá sản phẩm cam Vinh trên thị trường đã tăng 25-30%.

Với bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, có thể nói sau 5 năm triển khai chương trình, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức về sự cần thiết đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hằng năm, số đơn xin đăng ký và số văn bằng được cấp tăng đều với tốc độ khoảng 20%.

Theo đánh giá của ông, hai nội dung là thực thi quyền và thương mại hóa tài sản trí tuệ hầu như chưa triển khai được trong thực tế. Vì sao?

Đối với thực thi quyền SHTT, Việt Nam hiện đã có Luật SHTT nhưng luật này vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ với các luật khác, nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự. Ngoài ra Việt Nam còn thiếu các văn bản dưới luật và thiếu các chế tài để xử lý vi phạm. Năm 2009 chúng ta đã trình sửa đổi bổ sung một số điều trong Bộ Luật Hình sự, nhờ đó đối với những vụ vi phạm quyền SHTT gây thiệt hại kinh tế quy mô lớn chúng ta đã có thể xử lý được bằng các biện pháp hình sự cần thiết. Đây là điều được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Một khó khăn lớn khác là những người làm việc tại các tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra,…hầu như chưa được đào tạo về lĩnh vực SHTT. Hệ thống giám định1 về SHTT của chúng ta hiện nay còn rất yếu kém, ngoại trừ Viện Khoa học SHTT của Bộ KH&CN, trong khi chúng ta chưa có một tổ chức ngoài Nhà nước nào làm về lĩnh vực này.

Chính vì thiếu các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện làm công tác giám định nên các vụ việc tranh chấp về SHTT không thể xử lý được, cùng lắm chỉ có thể xử phạt hành chính. Và nếu doanh nghiệp không chấp nhận kết luận xử phạt, muốn khiếu nại thì cấp tòa án cao hơn cũng không có khả năng xem xét quyết định lại, khiến các doanh nghiệp – đặc biệt là khối doanh nghiệp nước ngoài – chưa yên tâm với hệ thống thực thi quyền SHTT của ta.

Mặt khác doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về những công nghệ của nước ngoài đã hết thời gian bảo hộ (hoặc đang được bảo hộ ở nước ngoài nhưng chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam) nên hạn chế việc áp dụng vào sản xuất. Hoặc ngược lại, nhiều khi chúng ta bỏ tiền nhập khẩu cả những công nghệ trong nước đã có sẵn từ kết quả của những đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chúng ta rất thiếu hệ thống những tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, định giá, kiểm định…) ngoài một vài tổ chức của Nhà nước tập trung ở các thành phố lớn.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những khó khăn trong định giá tài sản trí tuệ của ta hiện nay?

Việc định giá tài sản SHTT ở nước ngoài thường thông qua các sàn giao dịch, các sàn đấu giá, nhưng ở nước ta thị trường công nghệ còn rất sơ khai nên chưa có hình thức này. Vì vậy, nhà nghiên cứu rất khó tìm được người mua để có thể bán sản phẩm nghiên cứu của mình. Và khi tìm được doanh nghiệp có nhu cầu mua thì nhà nghiên cứu cũng không tự đánh giá được giá trị tài sản trí tuệ của mình là bao nhiêu để có thể bán (hoặc góp vốn vào doanh nghiệp). Hệ lụy là nhiều kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước không định giá được để chuyển giao cho doanh nghiệp. Trong thực tế, tác giả có đã chuyển giao “chui” công nghệ thuộc sở hữu của Nhà nước cho doanh nghiệp theo một giá thỏa thuận nào đó thông qua hợp đồng. Điều này là không hợp pháp, dẫn tới tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước thì bị chiếm dụng.

Vừa qua, các vấn đề khiếm khuyết về hệ thống định giá và cơ chế chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã được đề cập một phần trong các Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 80/2007/NĐ-CP, nhưng các nội dung này vẫn chưa được cụ thể hóa. Khi sửa đổi bổ sung Luật SHTT năm 2009, chúng ta đã định đưa vào một chương về định giá tài sản trí tuệ, nhưng cuối cùng chưa làm được vì còn vướng những quy định khác và vấn đề còn quá mới mẻ, phức tạp…

Vậy trong Chương trình giai đoạn 2010-2015, chúng ta sẽ triển khai những giải pháp chủ yếu nào để khắc phục những hạn chế của chương trình trong giai đoạn 2005-2010 ?

Ban chỉ đạo Chương trình sẽ tập trung vào một số giải pháp chính sau:

1. Trước hết chúng ta cần tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT, đưa nội dung về SHTT vào chương trình đào tạo ở các trường luật, để đội ngũ những người xây dựng luật và thi hành luật trong lĩnh vực SHTT phải có kiến thức chuyên môn tối thiểu về SHTT, sớm phối hợp với các cơ quan tư pháp tổ chức những khóa đào tạo cấp tốc cho đội ngũ thẩm phán trong các tòa dân sự, hình sự để có thể xử được các vụ tranh chấp về SHTT. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức SHTT cho các cơ quan thực thi quyền (thanh tra, kiểm sát, cảnh sát điều tra, quản lý thị trường, …)

2. Đào tạo và xây dựng một hệ thống các tổ chức giám định về SHTT, trong đó có sự tham gia của các tổ chức xã hội, các hiệp hội để hình thành một hệ thống tổ chức giám định mạnh. Như vậy mới có cơ sở để xác định tính chất và mức độ các vi phạm về SHTT, giúp các tòa án xử lý hiệu quả các vụ tranh chấp liên quan. 

3. Về định giá tài sản SHTT. Vừa qua, Bộ KH&CN đã tổ chức một số hội thảo quốc tế về vấn đề này, thu hút sự quan tâm của những chuyên gia và tổ chức có kinh nghiệm trên thế giới như Tổ chức SHTT Thế giới WIPO, Phòng Thương mại châu Âu. Qua đó, chúng ta đã tiếp cận được về phương pháp luận. Vấn đề còn lại là cần chuẩn bị mọi mặt về nhân lực, trang thiết bị, và cơ sở dữ liệu để có thể xin phép Nhà nước cho thành lập cơ quan định giá, tiến tới tổ chức sàn đấu giá tài sản trí tuệ.   

4. Xây dựng cơ chế giao quyền SHTT có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước cho các tổ chức và cá nhân để chuyển giao cho doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khoa học.

5. Cục SHTT sẽ thành lập một đơn vị chuyên khai thác kho sáng chế của nước ngoài để giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận khai thác, đặc biệt là những công nghệ đã hết thời gian bảo hộ của nước ngoài, hoặc những công nghệ chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam; đồng thời giúp các doanh nghiệp tránh được nguy cơ vi phạm bản quyền mà có khi tiền phạt cao gấp nhiều lần lợi nhuận.

6. Hình thành các tổ chức trung gian (giám định, định giá, tư vấn, môi giới…) trong thị trường công nghệ. Bộ KH&CN đang xây dựng đề án về phát triển thị trường công nghệ. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đề án có thể giúp hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian, giúp kết nối nhu cầu doanh nghiệp với các kết quả nghiên cứu của các Viện, trường.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
                                                 P.V thực hiện
—————-
1. Trưng cầu giám định là căn cứ để tòa án sử dụng nhằm đánh giá mức độ vi phạm trong một vụ án 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)