Chuyển từ song phương, riêng lẻ sang trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam có chuyến thăm và làm việc tại nước CH Ấn Độ nhân kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhằm cụ thể hóa những chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ đã nêu trong tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, TS. Manmohan Singh vào tháng 7 năm 2007. Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, thành viên của đoàn về một số kết quả đã đạt được trong hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước qua chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.


Xin Thứ trưởng cho biết một cách khái quát về mối quan hệ hợp tác KH&CN giữa hai nước.

Việt Nam và Ấn Độ đã có quan hệ hợp tác về KH&CN từ năm 1978, thông qua hiệp định về hợp tác khoa học kỹ thuật giữa hai Chính phủ. Hiệp định này là cơ sở để thành lập Tiểu ban hợp tác KH&CN Việt Nam – Ấn Độ. Đến nay, hai bên đã tiến hành được 8 khóa họp và đã triển khai được 13 dự án nghiên cứu chung thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chăn nuôi, viễn thám và bảo vệ môi trường… Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ đã viện trợ cho Việt Nam dự án siêu máy tính PARAM do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tiếp nhận, quản lý. Thông qua các dự án hợp tác, Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo và nâng cao trình độ cho các nhà khoa học trẻ thuộc các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Ngoài ra, phía Ấn Độ cũng sẵn sàng hỗ trợ xây dựng công viên KH&CN, đầu tư vào các khu công nghệ cao của Việt Nam.

Dự kiến, khóa họp thứ 9 Tiểu ban hợp tác KH&CN Việt Nam – Ấn Độ sẽ được tổ chức vào quý III – 2012 tại Hà Nội để điều chỉnh, thông qua chương trình hợp tác giai đoạn 2012 – 2020, với trọng tâm là tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực vừa là thế mạnh, vừa là truyền thống của hai bên như công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, dược phẩm và y tế; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano (đặc biệt là vật liệu nano); công nghệ vũ trụ, công nghệ viễn thám ứng dụng trong dự báo thiên tai, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin (đặc biệt là dịch vụ phát triển và xuất khẩu phần mềm); công nghệ tính toán hiệu năng cao (sử dụng siêu máy tính), công nghệ sản xuất siêu máy tính và một số lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) khác như thương mại hóa kết quả nghiên cứu, …

Vậy trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trên cơ sở phương hướng giữa hai bên, chúng ta đã đạt được những thỏa thuận cụ thể gì về hợp tác KH&CN?

Trong chuyến đi của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ KH&CN Việt Nam và Ấn Độ đã rà soát và có những điều chỉnh nhất định trong định hướng hợp tác chuẩn bị cho khóa họp Tiểu ban hợp tác KH&CN vào quý III năm 2012; đồng thời, đã cùng với phía bạn xác định được một số lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác, phục vụ cho lợi ích của cả 2 bên, trên cơ sở là những lĩnh vực có thế mạnh của bạn; đồng thời đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển KH&CN và nền kinh tế của chúng ta. Cụ thể là:

– Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất vật liệu, thiết bị phục vụ trong quốc phòng, y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin – viễn thông, hóa chất… Trong lĩnh vực này hiện Ấn Độ đã có tới gần 500 sản phẩm hàng hóa ứng dụng công nghệ nano, đã sản xuất được loại máy bay có vỏ làm bằng vật liệu nano có thể tránh được sự phát hiện của radar.

– Công nghệ sinh học bao gồm sinh học phân tử, CNSH trong nông nghiệp, CNSH trong y dược, và CNSH phục vụ môi trường. Ngoài CNSH trong nông nghiệp luôn đứng hàng đầu trên thế giới (hiện bạn đang triển khai cuộc cách mạng xanh lần thứ hai), CNSH trong y dược của bạn cũng phát triển rất cao. Với  khoảng 17.000 loại thảo dược quý, các công ty dược của Ấn Độ đã có sản phẩm bán trên thị trường của 125 quốc gia . Ấn Độ đã sản xuất được loại thuốc chống ung thư ruột kết Biocon, doanh số đạt 15 tỷ USD.

– Hải dương học, bao gồm các lĩnh vực cảnh báo động đất và sóng thần, thăm dò địa chấn dưới đại dương,…

Bên cạnh 3 lĩnh vực nêu trên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một số lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ và viễn thám (thiết kế, sử dụng vệ tinh, xây dựng trung tâm viễn thám), đầu tư một số dự án tại các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin của Việt Nam và nghiên cứu Ấn Độ học và Việt Nam học tại mỗi nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm
Trung tâm nghiên cứu
Không gian Ấn Độ

Xin Thứ trưởng cho biết phương thức hợp tác giữa ta và Ấn Độ trong trong thời gian tới?

Về phương thức hợp tác, ta và bạn thống nhất, sẽ chuyển từ phương thức hợp tác song phương giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ mang tính đơn lẻ sang phương thức hợp tác trọng tâm, trọng điểm ở tầm quốc gia. Ví dụ: Về công nghệ nano, trước kia một số cơ quan nghiên cứu của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và Viện KH&CN Việt Nam đã có những hợp tác song phương với một số viện nghiên cứu của Ấn Độ. Trong chuyến thăm lần này, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KH&CN – cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, sẽ đóng vai trò thúc đây và hỗ trợ hợp tác; Viện KH&CN Việt Nam và 02 Đại học Quốc gia –  03 đơn vị chủ lực của quốc gia trong lĩnh vực công nghệ nano, sẽ là cơ quan trực tiếp tìm kiếm đối tác mạnh, vấn đề chúng ta quan tâm để triển khai. Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2012, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Viện KH&CN Việt Nam, Viện vật liệu nano của Nhật Bản và một số tổ chức quốc tế khác tổ chức một hội nghị quốc tế về nano. Qua đó, chúng ta sẽ xác định được các hướng ưu tiên và phương thức hợp tác cụ thể giữa ta và Ấn Độ.

Trong 3 lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa hai nước, theo tôi, lĩnh vực cấp thiết nhất đối với chúng ta chính là lĩnh vực CNSH trong nông nghiệp – một trong những yếu tố quyết định trong tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp nước ta.

Đúng vậy. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo trong hợp tác về CNSH ưu tiên hàng đầu là CNSH trong nông nghiệp. Chính vì thế, trong chuyến thăm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Bùi Bá Bổng đã có buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ về hợp tác trong khai thác, phát triển các nguồn gen bản địa, cây trồng chuyển gen, các giống lúa chịu mặn; nghiên cứu về đánh giá tổn thất sau thu hoạch; sử dụng hệ thống GIS trong quản lý đất đai, nguồn nước và giám sát biến đổi khí hậu, … Ngược lại Ấn Độ cũng đề nghị ta giúp bạn kinh nghiệm nuôi cá tra, cá basa và tôm thương phẩm. Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ sẽ sang Việt Nam cụ thể hóa lĩnh vực hợp tác này với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cảm nghĩ của Thứ trưởng trong tiếp xúc, làm việc với bạn qua chuyến đi thăm này?

Tôi đã đi Ấn Độ lần đầu tiên vào khoảng năm 1995 và sau hơn 15 năm có điều kiện thăm lại tôi nhận thấy bạn đã tiến rất xa về KH&CN, đã trở thành một cường quốc KH&CN trong một số lĩnh vực. Trong suy nghĩ của tôi, để đạt được những thành tựu như vậy hẳn các viện, trường, trung tâm nghiên cứu của bạn phải có một cơ sở vật chất hiện đại. Nhưng thực tế, khi đến thăm một số cơ sở nghiên cứu hàng đầu của bạn như Trung tâm Khoa học sự sống tôi có cảm nhận cơ sở hạ tầng và các điều kiện cho nghiên cứu của họ so với một số cơ sở nghiên cứu của ta cũng không hơn, phải chăng những thành tựu họ đạt được có phần đóng góp rất lớn từ những nhân tố khác. Đó là điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên và không khỏi liên tưởng đến những việc cần phải làm để KH&CN nước nhà có thể thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế, xã hội.

Bạn đã thể hiện một thiện chí rất cao trong hợp tác. Điều này thể hiện ở quá trình trao đổi không chỉ trong khuôn khổ những nội dung hai bên đã chuẩn bị trước mà còn đề xuất thêm những vấn đề thấy cần hợp tác vì lợi ích của hai bên. Chính vì vậy, riêng lĩnh vực hợp tác KH&CN đã đạt được kết quả cao hơn so với dự kiến trước chuyến đi.

Theo Thứ trưởng chúng ta cần phải làm gì để những cơ hội hợp tác thuận lợi đó trở thành hiện thực?

Cốt lõi nhất là trong từng dự án cụ thể, chúng ta cần tìm được những tổ chức và con người có đủ năng lực và phẩm chất để làm đối tác với bạn. Tiếp đó là với mỗi dự án lớn cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là cơ chế tài chính để bảo đảm bố trí được nguồn lực thích hợp cho quá trình triển khai thực hiện.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Khi Đề án được phê duyệt sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ nói riêng và phát triển KH&CN Việt Nam nói chung.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

PV thực hiện

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)