Cơ chế chính sách khoa học Việt Nam: Trước những yêu cầu đổi mới

Những vấn đề tồn tại trong thời gian dài và chưa được giải quyết trọn vẹn của khoa học Việt Nam không chỉ khiến các nhà khoa học phải loay hoay tìm cách vượt qua mà còn dẫn đến các đánh giá không đầy đủ của những người ngoài cuộc. Điều đó đòi hỏi những đổi mới trong cơ chế và chính sách của khoa học Việt Nam.

Phòng thí nghiệm ĐH Phenikaa.

Thế giới của các nhà khoa học và của những người ngoài ngành khoa học ở Việt Nam là những thế giới tồn tại song song. Thông thường, người ngoài cuộc chỉ quan tâm thực sự đến khoa học nhân những giải thưởng quan trọng của Việt Nam và quốc tế được trao hoặc những sự kiện quan trọng liên quan đến khoa học. Khi ấy, người ta mới ngỡ ngàng nắm bắt những khái niệm xa lạ và khó hiểu, đồng thời tò mò tự hỏi những khái niệm đó thì liên quan như thế nào đến đời sống. Đôi khi, thông qua những sự kiện quan trọng của đời sống chính trị xã hội đất nước như các kỳ họp Quốc hội, những thế giới song song ấy có dịp giao cắt và tương tác với nhau một cách trực diện, thông qua các màn chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một cuộc gặp gỡ như vậy đã diễn ra, giữa các đại biểu và người đại diện cho ngành KH&CN – Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. 

Các vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn trong hai ngày 7 và 8/11 không mới, thậm chí đã được đề cập đến ở nhiều phiên họp Quốc hội trước, như gắn kết nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội, gắn kết nghiên cứu ở trường, viện với nhu cầu về giải pháp KH&CN của các địa phương, cơ chế thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp địa phương và việc cắt giảm thủ tục hành chính cho các nhà khoa học khi thực hiện nghiên cứu bằng kinh phí nhà nước tài trợ. Rõ ràng, đây là những câu hỏi trở đi trở lại trong các phiên chất vấn bởi đó cũng là những vấn đề tồn tại mà chưa được giải quyết một cách thấu đáo. 

Nói cách khác, đi liền với các câu hỏi này là những yêu cầu đổi mới chính sách để qua đó có thể tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho khoa học đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước như kỳ vọng.

Những điểm nghẽn công nghệ

Dù có lúc những người làm khoa học cảm thấy có phần sốt ruột khi những người sống ngoài thế giới của mình vẫn thích lặp đi lặp lại những vấn đề cũ “khoa học để làm gì”?, “bài toán khoa học có giải quyết được bài toán của chúng tôi không”?, “tại sao đề tài vẫn cất ngăn kéo”?, “tại sao công nghệ của trường, viện lại không chuyển giao được cho doanh nghiệp và cũng không áp dụng được trong thực tế”?… song họ cũng hiểu rằng, không ngẫu nhiên tồn tại những câu hỏi đó. Thực tế là một quốc gia đang phát triển cần rất nhiều ứng dụng KH&CN cho các nhu cầu phát triển và giải quyết những vấn đề hiện hữu khắp các vùng miền, tỉnh thành như môi trường, biến đổi khí hậu, giảm sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Tuy nhiên, những gì mọi người nhận thấy là dường như khoa học Việt Nam vẫn chưa giải quyết được bao nhiêu phần trăm những vấn đề cấp bách đó. Đây là lý do mà trong hai phiên chất vấn ngày 7 và 8/11, các đại biểu Quốc hội như Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, Trần Kim Yến, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH Hậu Giang đã nêu những câu hỏi không mới để tranh luận tại nghị trường.

Dẫu phạm vi của những câu hỏi này không trải rộng trên nhiều phạm vi của hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở Việt Nam nhưng cũng tập trung vào những vấn đề cốt lõi và có ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học. Trong đó, dẫu cách đặt vấn đề khác nhau nhưng các đại biểu Tạ Minh Tâm, Lê Minh Nam và Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đều hướng đến chủ điểm ứng dụng KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội đất nước và đặc biệt là giải quyết các vấn đề thiết thực ở địa phương. Câu hỏi của đại biểu Tạ Minh Tâm cho chúng ta thấy mối quan tâm của các đại biểu xã hội về thực trạng “gắn kết nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội, liên kết nghiên cứu và đào tạo, liên kết giữa KH&CN và thị trường còn yếu. Nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng không chuyển giao được, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường đối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình KH&CN xây dựng nông thôn mới”. Từ đó, ông nêu băn khoăn về cách thức “tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển KH&CN, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng theo tinh thần của chính phủ khi xây dựng dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2024”. 

Hoạt động nghiên cứu KH&CN cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ dòng chi ngân sách nhà nước trong việc thanh quyết toán, chứng từ chi tiêu của Kho bạc Nhà nước. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ khó có được cơ chế tài chính thực sự đơn giản hóa để ‘cởi trói’ các nhà khoa học trong việc thanh, quyết toán các nhiệm vụ KH&CN được giao.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt

Đó cũng là một trong những điểm nghẽn mà Chỉ thị số 25/CT-TTg về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ hiệu quả, hiện đại và hội nhập đã nêu, đồng thời chỉ ra sự chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực liên kết, chuyển giao công nghệ. Ở đây, câu chuyện không chỉ thuộc về nhà khoa học mà còn phụ thuộc vào môi trường có tạo điều kiện thuận lợi cho họ nuôi dưỡng công nghệ để trao cho nó cơ hội giải quyết vấn đề của đời sống thực chứ không chỉ mang danh “tối ưu trong phòng thí nghiệm” hoặc vĩnh viễn dừng lại ở quy mô pilot, thử nghiệm “ném đá dò đường”. 

Trên con đường đưa công nghệ ứng dụng vào đời sống và giải quyết những vấn đề của địa phương, còn có những điểm nghẽn về cơ chế khiến những người trong cuộc, những người “ra đề bài” phải lúng túng mà không thể giải quyết được. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu thực trạng không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà rất nhiều tỉnh thành khác đang gặp phải khi vận dụng chính sách vào cuộc sống: Thông tư 03/2023/TT-BTC mới ban hành ngày 10/1/2023 về lập dự toán cho nhiệm vụ KH&CN, trong đó quy định các địa phương căn cứ vào định mức tại thông tư, tình hình thực tế và khả năng ngân sách để phê duyệt định mức lập dự toán nhiệm vụ KH&CN. Tuy nhiên, khi triển khai thì xuất hiện vướng mắc, đó là “thẩm quyền địa phương nhưng không rõ là HĐND hay UBND. Một số địa phương đã xin ý kiến các bộ nhưng trả lời còn chung chung. Có địa phương thì UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thì đã bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) thổi còi nên các địa phương đã dùng phương pháp loại trừ, đó là chuyển qua HĐND ban hành nghị quyết nhưng khi HĐND ban hành thì còn có lấn cấn về tính thống nhất của pháp luật vì theo Luật Ngân sách, HĐND cấp tỉnh quyết định chi ngân sách theo khung quy định của chính phủ, tuy nhiên trong trường hợp này là khung quy định của Bộ Tài chính”.

Bản thân những vấn đề mà các đại biểu nêu trong phần chất vấn đã thể hiện rõ thế khó của những người làm KH&CN khi rất cần sự hỗ trợ từ nhiều bên để có thể làm tốt được vai trò của mình. Rõ ràng, việc thúc đẩy gắn kết các bên, các nhà cũng như nỗ lực đưa các công nghệ từ phòng thí nghiệm ra ứng dụng thực tế qua đơn đặt hàng của địa phương đã đối diện với những vướng mắc mà ban đầu những người làm chính sách cũng chưa hình dung được hết bởi thực tiễn cuộc sống thì muôn hình vạn trạng những vấn đề nảy sinh. Đây cũng là lý do mà những vướng mắc như vậy cứ tồn tại mà chưa được giải quyết rốt ráo.

Giải pháp từ cơ chế?

Không dễ giải quyết được những vấn đề như vậy trong một thời gian ngắn bởi nó cần đến rất nhiều nỗ lực cần và đủ, ví dụ bên cạnh nỗ lực của người làm khoa học, bên trực tiếp làm ra sản phẩm còn có cả nỗ lực của các nhà quản lý ở Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp… Có lẽ, khi nhìn toàn cảnh con đường đưa một ý tưởng khoa học đến một sản phẩm công nghệ sẵn sàng ứng dụng trong thực tế, chúng ta có thể thấy để tạo ra một con đường thông thoáng, loại bỏ các rào cản và điểm nghẽn thì cần phải có những tín hiệu dẫn đường, đó là cơ chế, chính sách. Vì vậy, điều mà các nhà khoa học cần chính là những đổi mới về cơ chế chính sách để họ có thể theo đuổi việc tối ưu một công nghệ và góp phần giải quyết vấn đề xã hội cần.

Những yêu cầu đổi mới về cơ chế chính sách đã được thể hiện trong băn khoăn của đại biểu Trần Kim Yến: làm sao để cắt giảm thủ tục hành chính, hóa đơn và chứng từ thanh quyết toán để hỗ trợ nhà khoa học thực hiện các đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ? Cũng thuộc nhóm những vấn đề không mới, câu chuyện về thủ tục thanh quyết toán của nhà khoa học để đáp ứng yêu cầu của các khung tài chính và các khung quản lý khác nhau đã được nêu trong nhiều kỳ họp Quốc hội lẫn nhiều hội thảo, nhiều cuộc gặp gỡ giữa nhà khoa học với các nhà quản lý đất nước. Một phó giáo sư ở ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQHN, từng chia sẻ, “nếu làm đề tài do tư nhân, ví dụ như Quỹ VINIF tài trợ thì nhà khoa học rất nhàn nhã, bởi yêu cầu về thủ tục giấy tờ rất đơn giản, việc thay thế vật tư hóa chất so với hồ sơ đề xuất ban đầu cũng rất nhanh gọn. Tuy nhiên, nếu làm đề tài với kinh phí từ ngân sách nhà nước thì không những kinh phí về rất chậm, mà còn đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ khác nhau khi quyết toán. Đặc biệt, nếu thay đổi phương pháp tiếp cận do nhiều nguyên nhân thì việc thay đổi hóa chất vật tư rất vất vả và liên quan đến thủ tục đấu thầu với nhiều rắc rối”. 

Trước vấn đề đại biểu Trần Kim Yến nêu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giải thích “Hiện nay, việc chi tiêu, thanh quyết toán các nhiệm vụ KH&CN phải tuân thủ các Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu”. Rõ ràng, việc đảm bảo tuân theo các khung quy định khác nhau đã khiến cho một đề tài do ngân sách tài trợ phải ‘gánh’ rất nhiều thủ tục hành chính và tài chính khác nhau, dẫu đó là đề tài cấp quốc gia, cấp bộ hay cấp địa phương. Do đó “trong thời gian qua, dù đã có Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định về khoán chi trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, qua đó đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí thuộc các Bộ, các ngành và đơn vị chủ trì. Nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh toán, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán; phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng Ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết. Điều này giải thích tại sao dẫn đến có lúc, hồ sơ thanh quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ KH&CN như cách đặt vấn đề của đại biểu Trần Kim Yến với người đứng đầu Bộ KH&CN.

Vậy tại sao một vấn đề như vậy vẫn còn tồn tại trong khi kể từ năm 2015 đã có Thông tư 27, một cơ chế mà khi ra đời đã được đánh giá là ‘khoán 10’ trong khoa học? Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phân trần một thực tế trong áp dụng thông tư này hay những văn bản liên quan “Quan điểm của cơ quan nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước vẫn gắn với kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu. Trong thực tế, dù Kho bạc Nhà nước không thực hiện kiểm soát chi nhưng khối lượng các chứng từ chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra gần như không thay đổi so với khi sử dụng phương pháp khoán chi từng phần, trong khi đó lại bị hạn chế trong điều chỉnh một số nội dung trong nhiệm vụ KH&CN của mình…”. 

Chỉ có thể tháo gỡ vướng mắc chính sách trong hiện tại bằng chính sách mới. Đó là lý do mà ông trao đổi với các đại biểu, nhìn từ bản chất khoa học: “Hoạt động nghiên cứu KH&CN cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ dòng chi ngân sách nhà nước trong việc thanh quyết toán, chứng từ chi tiêu của Kho bạc Nhà nước, việc thanh tra các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ khó có được cơ chế tài chính thực sự đơn giản hóa để ‘cởi trói’ các nhà khoa học trong việc thanh, quyết toán các nhiệm vụ KH&CN được giao”.

Dĩ nhiên, thông thường việc sửa đổi một chính sách về quản lý tài chính không chỉ thuộc phạm vi quyền hạn của Bộ KH&CN. Trong trường hợp này cũng vậy, “Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 27/2015; kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong sửa đổi Luật KH&CN hiện hành và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cam kết, đồng thời cho biết “Bộ cũng đang rà soát việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ KH&CN quốc gia để bảo đảm sự công khai, minh bạch”.

Những sửa đổi trong cơ chế chính sách để ngõ hầu tháo gỡ khó khăn và vượt qua những điểm nghẽn sẽ còn hướng đến cả các chặng khác nhau của một sản phẩm nghiên cứu đến tay người cần và sau đó, đem cho nó một đời sống dài rộng hơn ở xã hội. Ở khuôn khổ phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, “Bộ KH&CN đã có công văn gửi các sở KH&CN địa phương để sở có thể tham mưu cho lãnh đạo địa phương, ở đây là UBND, HĐND, xem xét và quyết định về vấn đề vướng mắc khi thi hành Thông tư 03/2023/TT-BTC. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để xác định rõ cấp có thẩm quyền trong việc lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp địa phương. Nếu điều này được thực hiện sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và thúc đẩy các hoạt động KH&CN ở địa phương đạt kết quả tốt hơn”.

Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong công việc của người đặt đề tài, những nhà quản lý ở địa phương, khi kêu gọi các nhà khoa học, các trường, viện tham gia giải quyết vấn đề cụ thể ở địa phương. Nó cũng là một mắt xích quan trọng trong quá trình gắn kết trường, viện với nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp công nghệ hay nói cách khác, tham gia vào sự phát triển của thị trường KH&CN mà hiện nay Việt Nam muốn thúc đẩy. Nếu kết nối các vấn đề lại và đặt một cái nhìn rộng hơn vào một chu trình sáng tạo KH&CN và một thị trường KH&CN, chúng ta có thể hiểu tại sao liên kết “các nhà” còn lỏng lẻo, tại sao nhà khoa học chưa tham gia giải quyết được các vấn đề quan trọng của thực tiễn, và tại sao thị trường KH&CN vẫn còn èo uột. 

Đó là những vấn đề cần được chính sách mới phản hồi.

Thanh Hương

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)