Cơ chế Quỹ: Vì sao khó thực hiện?

Với tổng giá trị là 110 triệu USD, đối tượng thụ hưởng bao trùm từ các nhà khoa học, viện nghiên cứu cho đến doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và với cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên, dự án FIRST (Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ) được kỳ vọng sẽ có một cơ chế thông thoáng. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như mong đợi.

 


Dự án FIRST ký thỏa thuận tài trợ cho công ty thú y Maphavet – một trong những công ty đầu tiên nhận hỗ trợ từ FIRST. Ảnh: FIRST.

Có hiệu lực từ tháng 10/2013 nhưng đến tháng 8/2014, FIRST mới mở đợt kêu gọi đầu tiên. Và theo kế hoạch của FIRST, trong khoảng sáu tháng sau là dự án này sẽ ký được những hợp đồng tài trợ đầu tiên. Tuy nhiên, cuối cùng, quy trình này đã kéo dài trong vòng hai năm và nhiều dự án được lựa chọn đến gần đây mới nhận được kinh phí.

Ngay sau FIRST là sự ra đời của Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia (NATIF) vào đầu năm 2015 với cam kết vốn ngân sách cấp cho Quỹ hằng năm là 1000 tỷ đồng (khoảng gần 50 triệu USD) có vai trò cho vay, bảo lãnh cho vay và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Cũng giống như FIRST, NATIF đi vào hoạt động một cách chậm chạp. Sau hai năm thành lập với vài trăm hồ sơ gửi đến, NATIF mới giải ngân không đáng kể cho vỏn vẹn hai doanh nghiệp.

Câu chuyện của FIRST và NATIF đặt ra câu hỏi về tính khả thi của “cơ chế quỹ” mà Bộ KH&CN đã theo đuổi trong nhiều năm.

Những kỳ vọng bị cản trở bởi cơ chế tài chính

Tiếp phóng viên Tia Sáng với một tâm thế rất tự tin, ông Suhas D. Parandekar, chuyên viên cao cấp và người phụ trách dự án FIRST của World Bank cho biết, đóng góp lớn nhất của FIRST là tạo ra một cơ chế tuyển chọn đề tài một cách công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên thông qua việc công bố tiêu chí rõ ràng, tất cả những người trong cộng đồng khoa học đều có thể tiếp cận bình đẳng và lập ra một hội đồng đánh giá, lựa chọn khách quan, công tâm bao gồm các chuyên gia uy tín của Việt Nam và thế giới. Nhưng cuối buổi nói chuyện, ông thừa nhận rằng, điều này khó mà có ý nghĩa gì nếu như quy trình xét duyệt và kiểm soát tài chính còn phức tạp như hiện nay, đặc biệt trong một số lĩnh vực đang phát triển nhanh trên thế giới: “Nhận được tài trợ để mua được thiết bị đề xuất thì cũng là lúc họ tung ra thế hệ máy kế tiếp có tốc độ xử lý nhanh gấp 4-5 lần. Cuối cùng, thiết bị mua được đã khấu hao hết trước cả khi mình kịp dùng nó”.

Ông Suhas phân trần với Tia Sáng rằng dĩ nhiên cần phải có một cơ chế kiểm soát tài chính chặt chẽ để tránh gian lận và thất thoát ngân sách nhưng dù thế nào nó không nên cản trở việc nghiên cứu của đối tượng thụ hưởng. Ông so sánh hệ thống kiểm soát tài chính của Việt Nam cũng như hệ thống an ninh của một ngôi nhà mà chủ nhân của nó phải mất 15 phút để mở cửa trong khi đồ đạc của họ chẳng đáng giá đến mức phải mất công, mất sức đến vậy: “Cái bạn muốn là hệ thống đó phải đơn giản với bạn và tạo khó khăn cho tên trộm nhưng cuối cùng có khi lại dễ với trộm mà khó với chủ nhà”.

Sự bất cập trong xét duyệt kinh phí đề tài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cộng đồng khoa học. Cốt lõi của sự bất cập này là sự kiểm soát kinh phí chi li từ nội dung cho đến từng thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu (và sau khi đã được phê duyệt thì lúc thực hiện dự án phải làm chính xác tuyệt đối, không thay đổi gì so với nội dung đã đề ra). Lấy ví dụ về trường hợp của dự án liên quan đến việc sản xuất đèn LED phục vụ nông nghiệp, thủy sản của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Về mặt nguyên tắc, sau khi một dự án nhận được sự đồng thuận của tổ thẩm định kỹ thuật (TEC), họ sẽ trải qua một quá trình thương thảo (due diligient) để đảm bảo số tiền tài trợ sẽ được sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, quá trình này thực sự trở thành hoạt động can thiệp quá sâu vào các phương án kỹ thuật của doanh nghiệp, với những yêu cầu giải trình về tỉ lệ nội địa hóa, về quy mô pilot, về thông số kỹ thuật chi tiết sản phẩm đầu ra…Theo lịch trình của FIRST, quá trình này chỉ diễn ra trong tám tuần nhưng trên thực tế trường hợp của Rạng Đông đã kéo dài…hai năm. “Tất nhiên là đơn vị sản xuất cần phải cam kết là sản phẩm của Dự án phải đáp ứng yêu cầu thị trường, phù hợp với người dùng và điều kiện của Việt Nam. Các chuyên gia tham gia quá trình thương thảo của FIRST cần phải thống nhất lựa chọn một số tiêu chí nhưng họ lại có những yêu cầu giải trình quá cụ thể, như một sản phẩm đã thương mại hóa rồi cho sản phẩm của dự án mang tính đổi mới sáng tạo” – Anh Dương Đức Duy, Trưởng Ban Quản lý dự án của Rạng Đông cho biết.

Phản hồi về trường hợp của Rạng Đông, ban quản lý dự án FIRST chia sẻ rằng, tiền của FIRST về cơ bản là tiền ngân sách nên cách lập dự toán phải theo những quy tắc của  Việt Nam chứ không có cơ chế “đặc thù”. Chị Nguyễn Thu Oanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án FIRST cho biết, như vậy, trong một nhiệm vụ khoa học, mỗi hoạt động như thuê chuyên gia nước ngoài, tổ chức hội nghị hội thảo, mua sắm thiết bị đều gắn liền với một thông tư, nghị định. Trường hợp của FIRST có lẽ không xa lạ gì với cộng đồng khoa học trong việc tài trợ cho việc thương mại hóa các nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Đó mới là bước đầu của quy trình cấp vốn, các quy định quản lý quá trình triển khai thực hiện dự án cũng còn nhiều vướng mắc, mà theo anh Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ NATIF, “nếu doanh nghiệp mà biết thì họ sẽ không mặn mà với Quỹ nữa”. Thông tư 15 và 16 của Bộ KH&CN ra đời năm 2014 lần lượt đặt ra hai vấn đề sau khi đề tài dự án kết thúc: Quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu giữa nhà nước và doanh nghiệp sẽ được phân định như thế nào? Các thiết bị được mua sắm trong đề tài, dự án là của nhà nước hay của doanh nghiệp? Và, câu trả lời cho hai câu hỏi này lại dẫn đến những câu hỏi khác đi vào ngõ cụt: để phân chia quyền sở hữu trí tuệ giữa nhà nước và doanh nghiệp thì cần đánh giá, định giá công nghệ nhưng ai sẽ làm công việc này? Còn nếu như các thiết bị máy móc mua sắm trong quá trình triển khai dự án không thể “cho không doanh nghiệp” thì bán cho ai? (Câu hỏi thứ hai phần nào đã được giải quyết khi trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa họp tháng 6/2017 vừa qua Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý tài sản công. Theo đó, các thiết bị, máy móc và các tài sản hình thành là kết quả của các đề tài, dự án KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước do doanh nghiệp thực hiện thì khi kết thúc sẽ được giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng nhưng vẫn được coi là tài sản công, doanh nghiệp không được phép bán hay chuyển giao cho đơn vị khác).

PGS. Trần Quốc Thắng, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án FIRST cho biết: “Nếu muốn đổi mới, rất mới [cơ chế tài chính] thì phải sửa rất nhiều luật, ngoài những luật về hoạt động khoa học công nghệ ra còn Luật Ngân sách”.  Điều ông nói không chỉ đúng với riêng FIRST mà bản thân NATIF cũng không thể thực hiện chức năng cho vay và chức năng bảo lãnh cho vay vì Luật Ngân sách yêu cầu các quỹ của Nhà nước phải bảo toàn vốn. Nếu dự án được vay vốn ngân sách mà thất thoát, không thu hồi được vốn thì sao? “Thì ông quản lý quỹ có thể bị truy tố” – Anh Phan Hồng Sơn cho biết.

Con người: chuyển từ tâm lý “xin cho” sang tâm lý phục vụ

Tuy nhiên, cơ chế không phải là yếu tố duy nhất cản trợ hoạt động của quỹ. Từ trước đến nay, khi nhắc đến “cơ chế quỹ” trong KH&CN, người ta thường chỉ nhấn mạnh đến một cách quản lý tài chính mới đối với các đề tài KH&CN. Trên thực tế, còn cần phải chuyển từ cơ chế xin-cho từ trên xuống, một chiều sang một cơ chế đối thoại bình đẳng, cởi mở giữa đơn vị cấp vốn và đơn vị thụ hưởng. Điều này càng được thể hiện rõ ràng đối với các dự án tài trợ cho R&D của doanh nghiệp có giá trị hợp đồng lớn (lên đến vài triệu USD) và thường phải trải qua quá trình thương thảo về khả năng tài trợ của quỹ và khả năng đối ứng vốn của doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo lời của anh Phan Hồng Sơn, “Có khi doanh nghiệp đề nghị được tài trợ 5 đồng, nhưng đối chiếu với các quy định quản lý thì Quỹ chỉ có thể tài trợ 3 thôi”.

Yêu cầu này đòi hỏi những người quản lý các quỹ tài trợ cho KH&CN hiện nay, phần lớn là công chức – viên chức nhà nước đa số từng chỉ có kinh nghiệm với quy trình tài trợ phân bổ kiểu cũ phải thay đổi cách nhìn và cách làm việc của mình với đối tượng đang và sẽ tài trợ. Theo anh Phan Hồng Sơn, quỹ cần hiểu rõ đối tượng được tài trợ và Quỹ mong muốn đạt được kết quả gì khi tài trợ cho doanh nghiệp để có phương thức quản lý phù hợp. “Ví dụ như đối tượng viết hồ sơ là doanh nghiệp mà quỹ yêu cầu họ viết theo biểu mẫu không khác gì một giáo sư trong trường đại học hay một tiến sỹ ở viện nghiên cứu thì có phù hợp hay không?”

Bên cạnh đó, ông Suhas nhấn mạnh, kênh truyền thông của Quỹ đóng vai trò hết sức quan trọng và điều này thuộc về trách nhiệm của ban quản lý quỹ. Theo ông Suhas, truyền thông không chỉ thể hiện ở việc quỹ quảng bá mình để thu hút sự chú ý của các ứng cử viên tiềm năng mà còn ở việc Quỹ tương tác với những người thụ hưởng như thế nào để họ thấy quỹ hoạt động minh bạch; quyết định của quỹ khách quan, công bằng; không khiến ai cảm thấy rằng phải “quen biết ai đó” mới được nhận tài trợ.

Xóa bỏ nguyên tắc “bảo toàn vốn”

Cơ chế và con người là hai yếu tố được nhiều người cho là mang tính quyết định đến thành bại của các quỹ tài trợ cho KH&CN. Tuy nhiên, trong tình hình ở Việt Nam hiện nay, nếu chỉ giải quyết dưới góc độ cơ chế và con người mà không thay đổi quan điểm đầu tư cho KH&CN như một dịch vụ công thì các quỹ KH&CN có thể hoạt động nhưng không có tác động lớn tới việc thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Từng tham gia nhiều dự án do nhà nước tài trợ, Rạng Đông cho rằng nguyên tắc tài trợ bằng tiền ngân sách chưa hợp lý: “Như tôi hiểu thì [cơ quan quản lý yêu cầu] khi mà lập đề tài thì sản phẩm đã phải định hình cụ thể, phải có các thông số xác định rồi, rủi ro của nó rất ít” – Anh Dương Đức Duy nói và cho rằng điều đó là không thể khi chưa hề có một sản phẩm tương tự với những gì Rạng Đông nghiên cứu tại thị trường Việt Nam để đối chiếu, so sánh.

Theo ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ KH&CN, giám đốc Ban quản lý dự án BIPP (Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp), về bản chất, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai là một dạng đầu tư mạo hiểm, thất bại có khi rất cao nhưng điều bất cập là “Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành không cho phép đầu tư mạo hiểm vì đó là tiền của dân đóng góp. Nếu xảy ra thất bại, thất thoát thì có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm, thậm chí bị xử lý hình sự”.

Với hành lang pháp lý hiện nay của Việt Nam, ban quản lý của những quỹ sử dụng tiền từ ngân sách khó có thể dám đầu tư, cho vay, bảo lãnh cho vay mà chỉ có thể tài trợ. Tuy nhiên, dưới cái ô quan điểm “bảo toàn vốn”, hoạt động tài trợ hay việc sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động KH&CN chỉ có thể hướng tới những đề tài, dự án nghiên cứu an toàn, ít tính đột phá. Hai ví dụ minh họa cho điều này là công cụ VTRS do Hàn Quốc hỗ trợ NATIF xây dựng dựa trên công cụ KTRS của quỹ KOTEC phục vụ cho việc bảo lãnh doanh nghiệp vay ngân hàng, được các chuyên gia lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đánh giá là sẽ chỉ tài trợ được cho việcmua công nghệ về để ứng dụng, ít đổi mới sáng tạo; thông tư khoán chi 27 được ban hành để giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho các nhà khoa học khi nghiệm thu đề tài nhưng lại yêu cầu người nộp đề xuất phải biết rõ, biết chắc chắn (nếu không muốn nói là biết trước) kết quả nghiên cứu của mình.

Vậy, nếu như chấp nhận đầu tư cho KH&CN như một ngoại lệ của sử dụng ngân sách nhà nước, không yêu cầu “bảo toàn vốn” thì làm sao để giải quyết vấn đề về rủi ro đạo đức, ngăn chặn những khả năng trục lợi từ ngân sách? Không phải là Nhà nước can thiệp nhiều hơn mà một trong những giải pháp là quỹ phải có tính độc lập hơn. Lấy ví dụ về trường hợp của cơ quan có cơ chế tài chính thông thoáng nhất hiện nay là Quỹ KH&CN Quốc gia NAFOSTED, GS. Svend Otto Remøe, cố vấn đặc biệt của Hội đồng nghiên cứu Na Uy (RCN), cơ quan quản lý toàn bộ ngân sách dành cho KH&CN của nước này, từng có nhiều lần làm việc với NAFOSTED, ông cho biết, mô hình của NAFOSTED không nhất thiết phải phân biệt nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng và được độc lập hơn trong việc ra quyết định.

Hiện nay NAFOSTED mặc dù là quỹ KH&CN Quốc gia nhưng thuộc quản lý của Bộ KH&CN, ngoài việc phải đề nghị lên Bộ để xin cấp vốn hằng năm, các quy chế của quỹ hiện nay phải thông qua Bộ phê duyệt. Trong khi đó, các quỹ khoa học quốc gia trên thế thế giới đa số hoạt động như một cơ quan độc lập, không trực thuộc bộ ngành nào.  Anh Phan Hồng Sơn, từng là giám đốc NAFOSTED chia sẻ rằng, đây là một trong những lí do khiến những quỹ khoa học nước ngoài cảm thấy e dè khi hợp tác với NAFOSTED vì “họ cảm thấy các quyết định của quỹ có thể bị chi phối bởi Bộ”. Ông Remøe gợi ý rằng, mấu chốt để nhà nước quản lý các quỹ khoa học một cách hiệu quả nằm ở cơ chế báo cáo (reporting system). Theo ông, Bộ KH&CN sẽ đưa ra chính sách chung cho quỹ và xác định những mục tiêu kỳ vọng trong một thời gian dài có thể là 10 năm hoặc hơn và để cho quỹ thực hiện điều đấy. Định kỳ, quỹ sẽ phải báo cáo Bộ dựa trên form mẫu có sẵn với các chỉ số cụ thể để đánh giá, đồng thời có những cuộc đối thoại thường xuyên giữa Bộ và quỹ. Ngoài ra, Bộ KH&CN tuyệt đối không can thiệp vào những quyết định của quỹ.

Bên cạnh đó, đi kèm vai trò độc lập hơn, quỹ cần phải có quy mô lớn hơn để tạo điều kiện cho ban quản lý có đủ quyền hạn. Ông Remøe cảnh báo, hiện nay, quy mô của NAFOSTED còn quá nhỏ, không có khả năng tài trợ tập trung cho một hướng nghiên cứu lâu dài, liên quan đến nền kinh tế – xã hội của đất nước mà chỉ có thể tài trợ dàn trải nên trong tương lai, hiệu quả đầu tư cho khoa học như vậy sẽ rất thấp.

Anh Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDGVV – được biết đến như một đơn vị tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, cho biết thêm, khi từ bỏ nguyên tắc “bảo toàn vốn”, dưới áp lực “rủi ro đạo đức”, Nhà nước sẽ phải tìm người quản lý quỹ giỏi, có đạo đức tốt và có chính sách đãi ngộ tốt với họ, trao cho họ quyền ra quyết định đi kèm với trách nhiệm giải trình. “Bức tranh thực ra đơn giản nhưng vấn đề là chúng ta có chịu thay đổi tư duy hay không mà thôi” – Anh Trường nói.

 

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)