Còn thiếu chính sách khuyến khích hợp tác lâu dài
Để có những sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm và tiến bộ khoa học thế giới, đặc biệt là tận dụng khai thác các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu dài hạn giữa trong nước và quốc tế. Trong đó, một lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng là nghiên cứu về giống cây trồng.
Theo PGS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp –nơi CIAT đặt văn phòng đại diện khu vực châu Á (Đông Nam Á) tại Việt Nam đồng thời cùng viện RIKEN (Nhật Bản) tham gia tổ chức một phòng thí nghiệm quốc tế chọn giống phân tử sắn – những cơ hội hợp tác lâu dài với các chuyên gia quốc tế trong nông nghiệp là hết sức quý giá, giúp cung cấp, bổ sung cho các nhà khoa học Việt Nam nhiều kinh nghiệm và tri thức công nghệ tiên tiến, đồng thời trực tiếp tham gia làm ra các sản phẩm nghiên cứu mang lại giá trị thiết thực.
Trong bối cảnh có nhiều mặt hạn chế về điều kiện vật chất, việc thu hút được các đối tác quốc tế quan trọng đến mở 3 phòng thí nghiệm chung có thể coi là một thành công không nhỏ của Viện Di truyền Nông nghiệp, đồng thời cũng cho thấy trình độ, năng lực chuyên môn của Viện đã đủ sức thuyết phục các đối tác, khiến họ chấp nhận những khó khăn khách quan để đến hợp tác với Viện trong lâu dài. Năng lực nghiên cứu của Viện được thể hiện rõ nhất qua nhiều thành tựu, kết quả nghiên cứu, điển hình như các giống lúa đặc sản từ QR1 tới QR15 cho gạo chất lượng cao– trong đó một số giống đã được triển khai hứa hẹn nhiều triển vọng, có giống đã được công nhận là giống quốc gia – hay các giống lúa chống mặn, chống ngập, chống sâu bệnh; các giống đậu tương của Viện đã được triển khai tới 52% diện tích trồng trên toàn quốc và 70-80% diện tích trồng ở miền Bắc; các giống nấm được triển khai tới 90% doanh nghiệp, hộ gia đình (diện tích trồng) toàn quốc; các giống cam, quít không hạt được kỳ vọng sẽ thay đổi ngành công nghiệp cam (trồng hoa quả), hiện đã được trồng ở Nghệ An, Hòa Bình, Lào Cai và đang lan rộng trên các tỉnh miền Bắc, v.v. Những kết quả nghiên cứu của Viện không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng mà còn giúp bà con nông dân được tiếp cận với những giống sạch, góp phần khắc phục tình trạng sử dụng tràn lan những giống cây nhiễm khuẩn nhập khẩu. |
Tại Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện), ngoài sự có mặt của các chuyên gia CIAT còn có nhiều chuyên gia quốc tế từ các tổ chức đối tác nước ngoài khác. Họ đã cùng mở ra các phòng thí nghiệm chung tại Viện, bao gồm các phòng thí nghiệm Việt – Pháp, Việt – Mỹ, và Việt – Nhật, đồng thời đầu tư vào đó hàng triệu USD giá trị trang thiết bị, nguyên vật liệu di truyền, và chi phí đào tạo, chưa kể mang đến cho Viện những giá trị tri thức và các kết quả từ các hoạt động hợp tác nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu từ quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa hai bên sẽ được chia sẻ về bản quyền khi sử dụng ở nước thứ 3, đồng thời cho phép nông dân Việt Nam được sử dụng miễn phí, theo lời PGS. Lê Huy Hàm. Ông cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến các nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác luôn tìm mọi cách thu hút các tổ chức nghiên cứu quốc tế thành lập phòng thí nghiệm chung đặt tại quốc gia mình. Đơn cử như Trung Quốc đặt ra chính sách ưu đãi đặc biệt cho các phòng thí nghiệm chung với đối tác quốc tế, không chỉ cung cấp nhà, xưởng, con người, mà còn sẵn sàng trả một nửa chi phí hoạt động, PGS. Lê Huy Hàm cho biết.
Tuy nhiên, khác với các quốc gia kể trên, Việt Nam hầu như chưa có chính sách nào để khuyến khích cho sự hình thành và họat động của các phòng thí nghiệm chung giữa tổ chức nghiên cứu trong nước với đối tác quốc tế. Điều này khiến Viện phải trông cậy nhiều vào nguồn lực của các đối tác bởi nguồn kinh phí mà Nhà nước cấp cho Viện hằng năm là rất ít ỏi, mặc dù “Viện đã khai thác hết những cơ chế, chính sách hiện hành mà Nhà nước cho phép”, theo lời PGS. Lê Huy Hàm. Ông biết cách đây chưa lâu nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho Viện trên đầu người tính ra chỉ đạt 37,6 triệu/năm, không đủ để trả lương, chỉ mới hai năm trở lại đây Nhà nước mới cấp đủ để trả lương và có thêm khoảng 600 triệu đồng duy trì các hoạt động khác. “Với nguồn kinh phí khiêm tốn như vậy, chúng tôi phải cố hết sức để tạo ấn tượng bình thường khi đón các đối tác đến làm việc với mình”, PGS. Lê Huy Hàm nói.
Do Việt Nam chưa có quy định pháp lý nào về danh phận cũng như chính sách ưu đãi cho các phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế và các tổ chức khoa học quốc tế tại Việt Nam nên các chuyên gia nước ngoài sang công tác ở Viện không được tạo bất cứ điều kiện thuận lợi nào, thậm chí nhiều khi gặp khó khăn về thủ tục làm visa. Các trang thiết bị khoa học, phương tiện đi lại phía bạn mang qua cửa khẩu vẫn phải đóng thuế nhập khẩu. Chưa kể khi sang Việt Nam họ còn phải tự bỏ tiền đi ở trọ ngoài vì Viện không có nhà công vụ.
PGS. Lê Huy Hàm kiến nghị Nhà nước sớm có quy định về tư cách pháp lý của các phòng thí nghiệm chung, các tổ chức khoa học quốc tế đóng tại Việt Nam, từ đó áp dụng những chính sách ưu đãi phù hợp cho các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu của nước ngoài tới hợp tác làm việc ở Việt Nam. Ông cũng cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ để các tổ chức nghiên cứu trong nước có thêm “kinh phí đối ứng” tại các phòng thí nghiệm chung, một mặt làm tăng nguồn lực cho các phòng thí nghiệm, mặt khác giúp các tổ chức nghiên cứu trong nước nâng cao vị thế và dễ thu hút các đối tác quốc tế phù hợp đến hợp tác với mình.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp.Theo PGS. Lê Huy Hàm, khác với các viện nghiên cứu nông nghiệp ở các nước phát triển nơi một phần lớn kinh phí Nhà nước được cấp cho các nghiên cứu cơ bản, các viện nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam chịu sức ép buộc phải cho ra những sản phẩm có địa chỉ ứng dụng. Điều này là cần thiết nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng kinh phí nghiên cứu của Nhà nước, nhưng trong nghiên cứu nông nghiệp cần cho phép khung thời gian tài trợ dài hạn hơn, vì trước khi cho triển khai ứng dụng trong thực tiễn các nhà khoa học luôn cần những nghiên cứu thăm dò vừa tốn kém vừa có độ rủi ro cao.
Nhằm đảm bảo hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phục vụ nông nghiệp có tính trọng tâm cao và sớm mang lại hiệu quả thực tiễn, trong giai đoạn tới Nhà nước nên khuyến khích các mối hợp tác nghiên cứu tập trung vào những mục tiêu sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu và tình phát triển kinh tế trong nước. Bài học từ Viện Di truyền Nông nghiệp là luôn lựa chọn những đối tác có lợi thế chuyên môn sâu phù hợp với sản phẩm mục tiêu hướng đến. Ví dụ Viện tập trung hợp tác với CIAT nghiên cứu về giống sắn, hoặc hợp tác với Trung tâm Quốc gia Công nghệ sinh học đậu tương của Đại học Missouri (Mỹ) để nghiên cứu với đậu tương, hay hợp tác với Viện Nghiên cứu Phát triển của Pháp và Đại học Montpellier 2 nghiên cứu về gene lúa chịu hạn.
Hiện nay Viện đang xúc tiến hợp tác với đối tác Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo, nhân giống cà phê. Ngoài ra, PGS. Lê Huy Hàm cho biết Viện đang hướng tới nghiên cứu sâu hơn về giống cây trồng phục vụ ngành thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, và cỏ chăn nuôi là những sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam có nhu cầu cao trong trước mắt cũng như lâu dài và hiện đang rất thiếu.
CIAT và ngành sắn Việt Nam
Những năm gần đây ngành sắn Việt Nam được chứng kiến những bước phát triển ngoạn mục. Sản lượng sắn năm 2009 của Việt Nam đạt 9,45 triệu tấn, tăng vọt so với mức xấp xỉ 2 triệu tấn năm 2000. Năng suất sắn tăng từ mức trung bình 8,36 tấn/hecta năm 2000 (thấp hơn mức 8,65 tấn/hecta của châu Phi cùng thời gian) lên 16,3 tấn/hecta năm 2009 và đến năm 2012 đạt 18,2tấn/hecta (cao hơn hẳn mức 10,77 tấn/hecta ở châu Phi và 12,92 tấn/hecta ở châu Mỹ cùng thời gian). Mặc dù mức năng suất trung bình như vậy vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Ấn Độ đạt 36,47 tấn/hecta, Cambodia đạt 21,3 tấn/hecta, Indonesia đạt 20,3 tấn/hecta, Thái Lan đạt 19,3 tấn/hecta, nhưng tại Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều hộ gia đình đạt tới sản lượng 36 – 50 tấn/hecta. Để có được những thành quả trên, không thể không nhắc đến những nỗ lực của các chuyên gia CIAT trong hợp tác nghiên cứu, truyền bá kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu bệnh, kết nối nông dân với thị trường, và đặc biệt là đưa vào Việt Nam nhiều giống sắn mới cho kỹ thuật cao. Hàng trăm nghìn hecta trên cả nước đã được đưa vào các giống sắn mới, chủ yếu gồm các giống KM94, KM140, KM98-5, KM98-1, SM937-26, KM98-7. Bên cạnh đó CIAT còn đưa vào Việt Nam hàng chục nghìn hạt giống KM140, KM98, KM98-7-5, và nhiều loại khác để thử nghiệm phục vụ ngành sản xuất ethanol. Tính đến nay, các giống sắn mới từ CIAT đã được triển khai trên 90% diện tích canh tác cả nước, góp phần quan trọng giúp sắn trở thành một trong những nông phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việc phát triển, sản xuất các sản phẩm tinh bột sắn, thức ăn gia súc, và nhiên liệu ethanol được các nhà nghiên cứu cho rằng đã mang lại nhiều công ăn việc làm, thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một số vùng nông thôn – hiện nay Việt Nam có 13 nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol, 66 nhà máy sản xuất tinh bột quy mô công nghiệp, và hàng nghìn cơ sở chế biến khác. |
—-
1 Phát biểu của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng của Bộ NN&PTNT ghi nhận công lao của CIAT nhân dịp kỷ niệm 45 năm ra đời tổ chức này hồi 2012.