Công bố quốc tế: Để thoát bẫy trung bình ?
Một thách thức đang đặt ra cho học thuật Việt Nam là làm thế nào để tránh công bố trên các tạp chí chất lượng kém? và hơn nữa là làm thế nào để có đủ nguồn lực cho các nhà khoa học hướng đến các nghiên cứu chất lượng ngày càng tốt hơn?
Đánh giá công bố: Không có một khuôn chung
Trong vài năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện hiện tượng công bố các bài báo trên các tạp chí rởm, được bình duyệt qua loa, thậm chí không bình duyệt. Chưa có một con số thống kê chính thức nào về số lượng công bố trên các tạp chí như thế này nhưng qua nhiều cuộc họp và những tranh luận trên mạng xã hội như facebook, nhiều nhà khoa học uy tín đã phản ánh nhiều trường hợp công bố trên các tạp chí chất lượng kém, về hiện tượng đầu nậu săn mồi sản xuất hàng trăm bài báo mỗi năm, mua bán bài báo chất lượng kém, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhóm thảo luận về liêm chính khoa học.
Trong bối cảnh đó, mô hình xuất bản quốc tế lại đang có nhiều thay đổi. Trước đây chỉ có một hình thức xuất bản truyền thống, tạm gọi là xuất bản đóng bởi người đọc phải trả phí mới được đọc các bài báo đã xuất bản còn nhà nghiên cứu không mất phí nộp bài, các nhà khoa học tham gia vào quá trình bình duyệt không được trả phí và thường có thời gian bình duyệt lâu. Thì nay một hình thức xuất bản mới được hình thành, tạm gọi là xuất bản mở vì người đọc không phải trả phí đọc bài báo đã xuất bản, còn nhà nghiên cứu nộp bài mất phí để được bình duyệt, thời gian bình duyệt nhanh chóng hơn. Nhiều địa chỉ xuất bản săn mồi lợi dụng hình thức xuất bản mở để dễ dàng đăng bài báo ngay cả khi không cần bình duyệt hoặc bình duyệt qua loa.
Hiện tượng này xuất hiện khiến cho môi trường học thuật ở Việt Nam trở nên phức tạp hơn nhiều, nhất là khi cả giới nghiên cứu và quản lý khoa học vẫn còn băn khoăn tranh cãi ở việc đánh giá giá trị của các công bố khoa học. Những luồng ý kiến trái chiều về việc “đếm bài đo thành tích”, lấy các chỉ dấu IF (hệ số ảnh hưởng) hay citation (trích dẫn) làm thang đo vẫn còn chưa ngã ngũ. Nguyên nhân là vì giữa các ngành, thậm chí là trong một ngành, nhưng giữa khối lý thuyết và thực nghiệm có quá nhiều điểm khác biệt, không có một chiếc thước chung ngang bằng sổ thẳng giữa các ngành, giữa từng chuyên ngành, theo lý giải của GS Lê Văn Cường, Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne. Ông cho biết, có những chuyên ngành trong khoa học, một nhà nghiên cứu có thể đạt trích dẫn lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn, nhưng có chuyên ngành chỉ có lượng trích dẫn rất ít. Do đó, không thể so sánh lượng trích dẫn của GS. Ngô Bảo Châu – khoảng 1300 trích dẫn, với một nhà khoa học kinh tế có 10.000-15.000 trích dẫn. Sự bất đối xứng này còn hiển hiện ngay trong nhóm ngành Kinh tế: nghiên cứu lý thuyết có lượng trích dẫn và hệ số ảnh hưởng thấp hơn nhiều so với nghiên cứu thực nghiệm.
Đối với các công bố trên các tạp chí mở phải đóng phí, không nên sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, vì có nhiều lựa chọn các tạp chí tương tự mà không phải đóng phí. GS. Phan Dương Hiệu
Trong một cuộc tọa đàm bàn tròn quy tụ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài*, làm việc trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau – từ vật lý, kinh tế, toán học đến sử học – phần lớn các ý kiến đều đồng thuận là với một nền khoa học mới bước đầu hội nhập như Việt Nam, không dễ giải quyết cả hai vấn đề trên cùng lúc. Một số ngành khối ngành KHTN như toán, vật lý, hóa học… quy tụ được cộng đồng nghiên cứu giàu kinh nghiệm cọ xát với môi trường học thuật quốc tế trong nhiều thập kỷ và được nhiều nhà khoa học uy tín quốc tế dẫn dắt nên đã định hình được những quy chuẩn nhất định khi công bố. Nhưng mặt khác, các ngành thuộc khối ngành KHXH&NV lại chưa xây dựng được cộng đồng khoa học có mức độ hội nhập sâu rộng, chưa có nhiều kinh nghiệm phân biệt được “bẫy” của các tạp chí, nhà xuất bản chất lượng kém. Ở một số lĩnh vực, không chỉ ít người có khả năng dẫn dắt, cộng đồng nghiên cứu còn mỏng, mà còn xuất hiện pseudo – leader (giả dẫn đầu trong khoa học) không có công bố nghiêm túc nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng. Khi đó, không chỉ khó phân biệt thật giả, mà con đường bước qua “bẫy số lượng công bố trung bình” để nuôi dưỡng các công bố chất lượng cao trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cuộc tranh luận trong lòng cộng đồng khoa học Việt Nam về việc phân biệt các tạp chí thật – rởm và tạp chí ở vị trí “giáp ranh” (borderline) dấy lên một hai năm nay khiến các hội đồng khoa học của Quỹ NAFOSTED, nơi thường tiên phong thảo luận về cách thức quản lý mới trong khoa học, đã đưa ra đề xuất tiếp tục chọn lọc, sửa đổi danh mục tạp chí uy tín, đồng thời có những khuyến nghị về việc đăng bài ở các tạp chí mở, tránh các tạp chí săn mồi. Trước khuyến nghị đó, gần đây Quỹ NAFOSTED đã ban hành Danh mục tạp chí có uy tín trong lĩnh vực KHTN và kỹ thuật và Quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN (tháng 2/2022) với mong muốn thúc đẩy môi trường khoa học trung thực, minh bạch và khả tín. Danh mục này đã loại bỏ 25% số lượng các tạp chí trong danh mục SCIE thuộc nhóm cuối theo xếp hạng của Web of Science, quan trọng hơn, loại bỏ mọi tạp chí được xếp vào dạng “ăn thịt”, “săn mồi” xuất bản bài báo… Nhiều nhà khoa học trong nước hy vọng tuyên bố của Quỹ NAFOSTED sẽ mở rộng ra và trở thành yêu cầu chung của các cơ quan tài trợ khoa học trong nước.
Đây là cách làm cần thiết nhưng có lẽ còn chưa đủ với đặc thù của từng ngành, bởi một danh sách chung khó lòng bao phủ hết vì có thể “có tạp chí tốt cho ngành này nhưng lại không đủ tốt cho ngành khác”, GS Phan Dương Hiệu, Trường Viễn Thông thuộc Đại học Bách Khoa Paris, Pháp cho biết. Nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, sự quyết liệt ấy vô hình trung đã loại đi nhiều không gian học thuật của các nước Đông Á – vốn cũng có truyền thống nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về Việt Nam – nếu các nhà quản lý và các nhà khoa học khác ngành chỉ nhìn vào các chỉ mục của ISI/Scopus và khối các tạp chí bằng tiếng Anh, Pháp, theo nhận định từ một “người trong cuộc”, PGS.TS Trần Trọng Dương, Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Do vậy, để “dung hòa” được cả việc chọn lọc tạp chí và đáp ứng được đặc điểm của từng ngành, GS. Phan Dương Hiệu đã đề xuất một cách làm phù hợp: các ứng viên đề xuất đề tài thì đồng thời tự đề xuất danh sách tạp chí uy tín mà họ dự định sẽ công bố. Khuyến nghị này của GS. Phan Dương Hiệu dựa trên nguyên tắc của lý thuyết trò chơi “người đăng ký không muốn chịu sự rủi ro về việc đưa tạp chí rởm vào trong danh sách trước khi đề tài được đánh giá vì nguy cơ một người trong hội đồng nhìn thấy tạp chí không phù hợp sẽ loại đề tài”. Các hội đồng hoàn toàn có thể mời các chuyên gia đủ năng lực, thậm chí là chuyên gia quốc tế thẩm định đâu là tạp chí tốt theo các chuyên ngành hẹp.
Ở một số lĩnh vực, không chỉ ít người có khả năng dẫn dắt, cộng đồng nghiên cứu còn mỏng, mà còn xuất hiện pseudo – leader (giả dẫn đầu trong khoa học) không có công bố nghiêm túc nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng. Khi đó, không chỉ khó phân biệt thật giả, mà con đường bước qua “bẫy số lượng công bố trung bình” để nuôi dưỡng các công bố chất lượng cao trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, đối với các công bố trên các tạp chí mở phải đóng phí, GS. Phan Dương Hiệu duy trì quan điểm: không nên sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, vì có nhiều lựa chọn các tạp chí tương tự mà không phải đóng phí. Hoặc nhà nghiên cứu phải giải thích được lý do mình lựa chọn tạp chí mở này. Khuyến cáo như vậy sẽ hạn chế được việc lạm dụng ngân sách tài trợ để đăng tràn lan ở các tạp chí mở chất lượng kém.
Kết quả phụ thuộc vào chính sách đầu tư
Câu chuyện của khoa học Việt Nam, một nền khoa học mới hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế được hơn hai thập niên, không chỉ dừng ở đó. Có một vấn đề khác, thường được nhắc đến trong nhiều hội thảo lớn nhỏ, là làm thế nào có được các công bố đột phá thực sự rất quan trọng trên bình diện quốc gia. Cần phải sớm có định hướng cho những nghiên cứu chất lượng bởi theo GS. Lê Văn Cường “Có thể chúng ta nghĩ là lượng sẽ biến thành chất nhưng để điều này tự diễn ra thì rất khó, chất là chất mà lượng là lượng”. Cùng chung quan điểm này, GS.Bs. Đinh Xuân Anh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Viện Trường Đại học Y khoa Corse, Pháp nhận xét “đứng từ bình diện quốc gia, nếu chúng ta cứ mải chạy theo số lượng thì mãi mãi cứ làng nhàng, lúc đó thì nguyên cả nền khoa học không phát triển. Chúng ta cần người dẫn đầu”. Ông lấy ví dụ về môi trường học thuật của Harvard, để dự tuyển vào đây, ứng viên chỉ cần nộp 12 bài quan trọng nhất, có thể IF cao hay thấp không cần thiết nhưng phải có đóng góp thực sự cho khoa học. Còn sau con số 12 bài đó thì dù có đăng 12 nghìn bài cũng không có ý nghĩa gì nữa.
Việc có nhiều công bố đột phá rất có thể là cơ hội mở đường cho khoa học Việt Nam có được những nhà khoa học lớn, có thể dẫn dắt các ngành. Nhưng trên thực tế, câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Ở mỗi mức độ nghiên cứu, theo GS. Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse, có thể tạm phân loại gồm các nhà nghiên cứu đã đến ngưỡng trưởng thành “dẫn dắt” (leader), “môn đệ” (follower) hay chỉ ở mức độ “tham quan” (tourist) lại có thể công bố ở những tạp chí top đầu ngành hay là những tạp chí chỉ yêu cầu mức độ chất lượng bài ở mức vừa vừa. “Một nền khoa học luôn cần có cả ba nhóm này. Nhà khoa học dẫn dắt đủ khả năng, được nuôi dưỡng để theo đuổi các tạp chí top field có thể mở ra khuynh hướng mới để phát triển của ngành; đa phần còn lại của giới khoa học – là các môn đệ để thực hiện các bài toán chi tiết, các thao tác cụ thể; và cả những người “tham quan khoa học” một đời chỉ công bố một vài bài báo nhưng những hiểu biết khoa học ấy lại hữu ích cho công việc hằng ngày của mình”, ông lý giải.
Do đó, chúng ta cũng phải chấp nhận thực tại này. “Không thể nào tránh khỏi việc có những người sẽ công bố ở tạp chí làng nhàng, vì người trẻ ban đầu chưa thể nộp được tạp chí tốt. Nhưng khi người đó tiến bộ từ từ thì có thể dần sẽ có bài tốt hơn, có thể sẽ có những bài được top field. Nhà nghiên cứu tầm nào thì in tạp chí ở tầm đó”, GS. Trần Nam Bình, Đại học New South Wales, Úc cho biết. “Do đó, cần chính sách đầu tư phù hợp với từng nhóm”.
Những điều các nhà khoa học nêu rất đáng suy nghĩ, bởi sau lứa những tên tuổi lớn như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu…, làm sao ở Việt Nam có nhiều nhà khoa học “leader”, tạo cú hích cho nhiều công bố đột phá? GS. Trần Nam Bình lưu ý, để bước được qua ranh giới “làng nhàng” thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của cá nhân nhà khoa học là đủ. Vì trên thực tế mỗi cá nhân nhà khoa học chịu sự chi phối của một hệ thống các chính sách quản lý khoa học, các áp lực của cơ quan chủ quản trong việc giao chỉ tiêu số lượng công bố để tham gia cuộc cạnh tranh vị trí xếp hạng – vốn cũng lấy các chỉ số trắc lượng khoa học làm xương sống cho đánh giá năng lực. Việc người nghiên cứu coi trọng và tìm mọi cách để đảm bảo chất lượng khoa học của các bài tạp chí hay chỉ thuần túy chạy theo số lượng công bố “đếm đầu bài nhận tiền” có liên quan chặt chẽ tới cách đánh giá kết quả, thành tích khoa học, cách đầu tư cho khoa học tính đến sự khác biệt về chất lượng hay “đổ đồng”.
Vì vậy, GS. Phan Dương Hiệu khuyến nghị, cần có chính sách đặc thù cho các nhóm đã có thể đăng bài top field tới mức không cần có ràng buộc về điều kiện thời gian hay số lượng bài quá chặt chẽ, “5 – 10 năm có công bố đột phá cũng được”, vì các nhà khoa học đầu ngành đã tự định hình được hướng đi và trách nhiệm của mình với cộng đồng khoa học. “Còn với nhóm mới vào thì vẫn có chính sách khuyến khích họ đăng ở các tạp chí không phải top đầu ngành nhưng là các tạp chí nghiêm túc. Việc có nhiều bài ở các tạp chí nghiêm túc tuy chất lượng không quá cao nhưng cũng đẩy mạnh nền khoa học lên. Đây cũng là việc có ích chứ không phải chỉ cố gắng công bố ở các tạp chí top field để rồi cả đất nước chỉ có những bài đếm trên đầu ngón tay thì theo thời gian có khi lại làm nền khoa học đi xuống”, GS. Phan Dương Hiệu nói.
Vài năm gần đây, một số thành viên trong các hội đồng ngành của NAFOSTED, như PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, ĐHQG HN), Hội đồng Ngành Tâm lý học đề nghị rằng “sau một thời gian thực hiện chính sách tài trợ cho các đề tài với yêu cầu đầu ra là bài báo quốc tế, và đã tạo một số lượng công bố quốc tế nhất định, Quỹ nên nghiên cứu đến phương án cần phân tầng, phân lớp đề tài”. PGS.TS Trần Đình Phong, Đại học Việt Pháp (USTH) cũng đề xuất mô hình tài trợ ba mức giống cách mà Quỹ của Hội đồng Khoa học châu Âu (European Research Council -ERC) thực hiện. Ví dụ đề tài nhóm 1 được tài trợ ngân sách lớn hơn, thời gian dài hơi hơn, dành cho các nhà khoa học uy tín đã có bài ở các tạp chí tốt thuộc tốp đầu của các ngành, nhằm khuyến khích và yêu cầu họ chú trọng đến chất lượng sản phẩm nghiên cứu, luôn đặt mục tiêu phải nghiên cứu có tiếng vang và chỉ hướng tới những tạp chí rất uy tín (và cũng chỉ cần một bài cho một đề tài); còn đề tài nhóm 2, ngân sách thấp hơn, thời gian có thể ngắn hạn hơn, dành cho các nhà nghiên cứu trẻ, công bố ở các loại tạp chí mức thấp hơn.
Nếu với công bố quốc tế, chúng ta cứ mải chạy theo số lượng thì mãi mãi cứ làng nhàng, lúc đó thì nguyên cả nền khoa học không phát triển. Chúng ta cần người dẫn đầu. GS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn
Việc điều chỉnh chính sách phù hợp với thể trạng nội lực của các nhóm có ý nghĩa rất quan trọng, nó sẽ quyết định tới đầu ra của công bố, kể cả công bố trong các nhóm ngành KHXH&NV, được cho là ít tốn kém hơn các ngành KHTN. Một nhà nghiên cứu kinh tế giấu tên, thuộc top 5 nhà kinh tế công bố tốt nhất ở Việt Nam và thường đặt chủ đích hướng tới công bố ở các tạp chí top field cho biết, anh rất mong muốn được đầu tư nghiên cứu dài hơi cho “ra tấm ra món”, nhưng hiện nay cách tài trợ khoa học, kể cả của Quỹ NAFOSTED khiến anh không đủ thời gian và ngân sách theo đuổi những đề tài lớn. Quỹ thời gian hai năm và ngân sách eo hẹp thường khiến anh phải xoay sang công bố ở những tạp chí vừa vừa thay vì chỉ tập trung theo đuổi top field. Hay gần đây, TS Khuất Thu Hồng xin tài trợ NAFOSTED để nghiên cứu về nam giới và nam tính nhưng không đủ ngân sách để thực hiện khảo sát cỡ mẫu mong muốn nên đã phải xin tài trợ thêm từ Australian Aid.
Trước những thảo luận này, những dịch chuyển về mặt chính sách đã manh nha xuất hiện. Cơ quan tài trợ có nhiều đổi mới như Quỹ NAFOSTED đã bắt đầu cố gắng tạo ra thay đổi, bằng việc thí điểm tài trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong khối KHTN với thời gian tài trợ dài hơn. Hy vọng rằng những bước đi đầu tiên này sẽ mở đường cho một cơ chế tài trợ phù hợp hơn, để giới khoa học trong nước thoát “bẫy” công bố trung bình. □
———-
Lời cảm ơn: Tác giả trân trọng cảm ơn sự tư vấn về nội dung của các giáo sư GS. Trần Nam Bình (Kinh tế), GS. Phạm Minh Châu (ngành Hóa học), GS. Trần Chung, (Kinh tế), GS. Lê Văn Cường (ngành Kinh tế), GS. Nguyễn Tiến Dũng (Toán học), PGS. Trần Trọng Dương (Lịch sử), GS. Phan Dương Hiệu (Mật mã), GS. Đinh Xuân Anh Tuấn (Y khoa), GS. Phạm Xuân Yêm (Vật lý) thông qua tọa đàm bàn tròn thảo luận về chất lượng công bố quốc tế do GS. Lê Văn Cường tổ chức.