Công bố quốc tế: Phải là đích đến

Cho đăng một bài báo trên tạp chí quốc tế là ghi nhận kết quả toàn phần hay một phần của một công trình nghiên cứu cá nhân hoặc tập thể, là một trong những khâu mấu chốt đánh dấu sự hoàn tất của công trình nghiên cứu khoa học, là việc tối quan trọng cho một dự án nghiên cứu thuộc bất cứ lĩnh vực nào, tự nhiên hay xã hội nhân văn. Và nếu câu hỏi đặt ra là “Công bố quốc tế có cần thiết với nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam hay không?;“ thì câu trả lời đã được hoàn thành. Vậy thì câu hỏi tiếp theo sẽ là “Làm thế nào để được đăng hay công bố?”.

1. Câu trả lời sẽ không đơn giản chỉ là chọn ý tưởng và chủ đề để viết, phương thức viết, cách liên lạc, trao đổi với các tạp chí hay thậm chí “chiến thuật” tiếp cận với các tạp chí hàng đầu…, mà nó nằm trong các thao tác của cả quá trình nghiên cứu, tương ứng với tiêu chí lựa chọn đăng của các tạp chí. Tiêu chí của họ luôn dựa vào những hạng mục căn bản sau : 1/ phù hợp hay tương hợp với lĩnh vực chuyên môn của tạp chí, 2/ bài báo phải đề xuất hay đặt ra được một luận đề mới và việc giải quyết, chứng minh một cách thuyết phục luận đề này sẽ là đóng góp mới về phương pháp lẫn nội dung cho chuyên ngành, 3/ và sau đó là văn phong, cấu trúc của bài viết. Trong đó, tiêu chí một là điều kiện tiên quyết, tiêu chí ba là nghiễm nhiên và tiêu chí thứ hai chính là điểm cần thêm chút bình giải để hiểu được vì sao cần có sự tương ứng giữa mục đích và thao tác nghiên cứu với tiêu chí chọn đăng trong lĩnh vực KHXH&NV.

2. Tại các diễn đàn khoa học và cả những cuộc gặp gỡ của giới nghiên cứu tại Việt Nam, chúng ta thường bắt gặp ý kiến than phiền từ giới làm nghiên cứu trong nước quanh việc gặp khó khăn khi cho xuất bản trên tạp chí quốc tế một công trình nghiên cứu KHXH&NV về những vấn đề nội tại của Việt Nam. Vì sao phải có sự e ngại này nếu đề tài nghiên cứu là phát kiến mới ?! Điều quan trọng là người nghiên cứu có ý thức đặt Việt Nam trong bối cảnh cùng nhiều quốc gia khác đang phải đối diện trước nhiều thực trạng giống nhau như môi trường, di dân, đô thị hóa, bất cập trong giáo dục đào tạo, chênh lệch giàu nghèo, bình đẳng giới… Bối cảnh của Việt Nam tạo nên đặc trưng hay đặc tính riêng cho đề tài nghiên cứu chính là cách đặt Việt Nam ở vị trí là một đất nước mang nhiều định chế khác nhau (chỉ tính riêng từ Thế kỷ 20 đến nay): từng là một nước bị trị, một đất nước với hai thể chế chính trị đối lập nhau, một nước với nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, quốc gia đang trỗi dậy nằm trong vòng quay của toàn cầu hóa. Một bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội phức hợp và khá độc đáo như thế luôn tạo ra sự “tò mò” hay hứng thú khoa học, tuy nhiên với một điều kiện luôn đi kèm, là đề tài, luận đề nghiên cứu phải là đóng góp mới cho học thuật.

3. Nhưng trên thực tế, một thực trạng chung cho tất cả người nghiên cứu trên toàn thế giới, vẫn có những tạp chí quốc tế không chấp nhận xuất bản các bài nghiên cứu hoặc là do phạm vi phản ánh của vấn đề quá hẹp hay quá rộng, hoặc không phù hợp với xu hướng/quan điểm của tạp chí, hoặc do không “lọt” vào kế hoạch sách xuất bản theo năm đã được định hình từ trước…

Có nhiều cách để nhà nghiên cứu Việt Nam tìm ra giải pháp. Giải pháp “gần” là chỉnh sửa bài viết như yêu cầu của tạp chí. Giải pháp “xa”, không chỉ có lợi trước mắt là được đăng bài, mà còn là tạo quan hệ nghề nghiệp, thiết lập mạng lưới nghiên cứu mà tác giả là một mắt lưới, sâu xa hơn là định vị vị trí của mình trong giới chuyên môn để gây dựng sự nghiệp nghiên cứu. Theo hướng này, nhà nghiên cứu phải đi trình bày nghiên cứu của mình tại các hội thảo quốc tế hay hội nghị chuyên ngành quốc tế, đây chính là một dạng công bố. Vì thông thường sau đó ban tổ chức sẽ cho in thành dạng sách kỷ yếu hoặc các tạp chí quốc tế chuyên ngành sẽ “xin” đăng những bài tham luận mới mẻ và xuất sắc nhất trong hội nghị. Tham gia những hội thảo, hội nghị này, nhà nghiên cứu nên tranh thủ giới thiệu đề tài của mình để được trao đổi, thảo luận với các đồng nghiệp và nhất là những chuyên gia đầu ngành, xin lời khuyên của họ về “chiến thuật” nên gửi xuất bản ở tạp chí nào, nên chọn đề tài nào, cách viết như thế nào cho loại tạp chí nào… Rất có thể chính một vài chuyên gia đầu ngành sẽ nằm trong hội đồng thẩm định của một số tạp chí quốc tế chuyên ngành.

4. Nếu phải tìm thêm nguyên nhân của việc đa số công trình của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong nước khó được đăng trên trường quốc tế có thể nêu một thực tế là chúng ta thiếu những tham chiếu, tham khảo học thuật của những công trình mang vai trò mở đường, định hướng hay lật lại vấn đề cho một dòng hay trào lưu nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV. Những trào lưu nghiên cứu và tư tưởng học thuật vốn vô cùng phong phú và chuyển động theo từng thập niên nhưng quan điểm học thuật tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ nay đã đặt hệ tư tưởng Lênin-Macxit ở vị trí độc tôn mà chưa chú ý đến các học thuyết khác. Tình hình này đã chuyển biến và có nhiều thay đổi theo hướng tiếp cận với sự đa dạng và cập nhật các học thuyết trên thế giới, tuy nhiên, tình trạng chậm chạp, hay thậm chí lạc hậu vẫn tương đối phổ biến.

Trên đường tìm cách khắc phục sự “so le” như vừa nêu, chúng tôi khuyến nghị rằng chúng ta cần tìm hiểu những dạng “công thức” mà các bài báo muốn đăng trên các tạp chí quốc tế. Thứ nhất là dạng bài viết diễn giải, bình luận công trình của một vài học giả tiên phong về mặt lý thuyết hay phương pháp học rồi phân tích, đánh giá, so sánh các công trình đó lẫn nhau và bước tiếp theo, tác giả chọn (hay không chọn) hướng đi của công trình nào đó và giải thích, thuyết minh vì sao. Thứ nhì là dạng bài báo thuần túy chứng minh và công bố một vấn đề lý thuyết hay phương pháp luận hoàn toàn mới đóng vai trò mở đường một định hướng nghiên cứu mới. Thứ ba là những bài viết giới thiệu, phân tích một nghiên cứu trường hợp (study case) hay thực địa (field study) vốn mang sẵn những đặc tính mới, độc đáo và lần đầu tiên được công bố. Tính mới của những đề tài trong lĩnh vực KHXH&NV về Việt Nam hoàn toàn có thể nằm ở dạng thứ ba này. Ngoài ra, rất nhiều đề tài nghiên cứu muốn giải đáp được cần được soi chiếu bằng phương pháp luận của nhiều chuyên ngành khác, mà chúng ta vẫn quen gọi là phương pháp nghiên cứu liên ngành hay đa ngành. Chẳng hạn, lý giải cho thấu đáo hiện tượng người Việt Nam, bất kể mọi thành phần xã hội, từ mười lăm năm trở lại đây, tin vào tâm linh và tham gia các hoạt động tâm linh (cúng bái, lên chùa, lễ cầu siêu, lễ lên đồng…) thì cần được dựa vào lý luận của những ngành xã hội học, nhân chủng học, tôn giáo học… Hay hiện tượng giáo dục tư phát triển liên tục và dưới nhiều hình thức (số lượng trường tư ở các cấp tăng, lớp – trung tâm học thêm cũng tăng) cũng cần được soi chiếu bởi các ngành kinh tế học, lịch sử giáo dục, xã hội học…

5. Nếu một cơ quan hay một thiết chế chuyên ngành yêu cầu các nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV phải có công bố quốc tế thì bản thân họ cũng nên đồng hành và trợ giúp những nhà nghiên cứu này. Bằng nhiều cách, ít nhất có hai cách cấp thiết : 1/ tăng cường trình độ ngoại ngữ tiếng Anh ở các kỹ năng đọc và viết thông qua những khóa tập huấn cho các nhà nghiên cứu, và 2/ lập ra một đội ngũ dịch giả chuyên môn cùng làm việc với tác giả để dịch các bài báo khoa học ra tiếng Anh hoặc Pháp. Nước Pháp có nền nghiên cứu khoa học phát triển nhưng lĩnh vực KHXH&NV vào nhiều năm trước, chủ yếu viết và in trong giới Pháp ngữ đã tạo ra hiện tượng người biết tiếng Pháp đọc người viết tiếng Pháp, nên khi đem ra “cân đo” trên bảng xếp hạng quốc tế, “bóng dáng” học thuật Pháp không được nổi bật. Nhưng từ mươi năm lại đây, giới học thuật Pháp không còn bám vào “thành trì” Pháp ngữ mà họ đã có ý thức phải viết và công bố bằng tiếng Anh. Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đã đề xuất những biện pháp rất cụ thể như trợ giúp tài chính cho dịch các bài báo (đặc biệt của những nhà nghiên cứu trẻ) sang tiếng Anh.

 

Các viện hay trung tâm nghiên cứu hàng đầu hoặc các trường đại học lớn ở Việt Nam nên có những quy chế và đầu tư riêng dành cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên trẻ. Trước hết là phải đào tạo họ giỏi những ngoại ngữ quan trọng như Anh, Pháp, Trung… và coi đây là một trong những công cụ nghề nghiệp. Đồng thời cũng nên dành một khoản tài chính để cử họ đến trình bày tham luận tại những hội nghị chuyên ngành quốc tế mang tính định kỳ (một hoặc hai năm/lần). Thứ nữa, phải tạo ra một quy chế riêng cho những giảng viên – nghiên cứu viên tại những đại học lớn bằng cách như giảm giờ dạy hay tăng lương để họ không phải đi dạy thêm, dạy tại chức tại các tỉnh, để họ có thời gian, trí lực dành cho nghiên cứu.

Trước khi có khả năng được công bố tại các tạp chí quốc tế danh giá nhất, các nhà nghiên cứu Việt Nam trong nước hoàn toàn có thể tự giới thiệu các công trình của mình cho các tạp chí quốc gia nước ngoài. Gần như những nước có nền nghiên cứu phát triển đều có các tạp chí chuyên ngành như Lịch sử, Xã hội học, Quốc tế học, Nhân chủng học, Dân tộc học… Một nhà xã hội học hay dân tộc học Việt Nam có thể gửi bài đến tạp chí chuyên ngành này của Pháp, Anh hay Mỹ, Nhật… Đây có thể coi là công bố ở ngoại quốc, là bước đệm cho công bố quốc tế ở những tạp chí danh giá hàng đầu thế giới.

Với tư cách là nhà nghiên cứu, “Làm thế nào để bài báo của tôi được đăng ở ngoài nước?” không chỉ là một câu hỏi mà hơn thế còn là mục đích hướng tới của nghiên cứu. Nghiên cứu có thể là một nghề, nhưng nếu có niềm say mê thì đó gần như là nghiệp, đi trọn cuộc đời và vượt qua mọi trở ngại.
——–
* TS Nguyễn Thụy Phương hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông, ĐH Paris Diderot. Tác giả từng đoạt giải Best Paper Award tại Hội nghị quốc tế lần thứ 34 International Standing Conference for the History of Education (Genève, 2012) qua bài tham luận này “The rivalry between the French and American educational missions during the Vietnam War (1955-1975)”, được đăng tại Tạp chí Paedagogica Historica  (International Journal of the History of Education), Special Issue 1-2, Volume 50, 2014.

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)