COVID-19 có làm giảm đầu tư cho khoa học cơ bản?

Ngay thời điểm thế giới còn ngổn ngang lo âu về Covid-19, các nhà khoa học châu Âu đã cùng gặp nhau ở câu hỏi: Khoa học cơ bản có bị bỏ rơi sau khi các quốc gia châu Âu cũng như thế giới đều tập trung vào đầu tư cho vaccine chống coronavirus và những nghiên cứu liên quan?


Y học sẽ nhận dược đầu tư lớn của EU sau đại dịch Covid-19. Nguồn: euronews.com

Một bức thư ngỏ với hơn 2000 chữ ký của các nhà khoa học, trong đó nhiều người đoạt giải Nobel, Kavli cùng những hiệu trưởng các trường đại học lớn của châu Âu, mang tên “Những người bạn của Ủy ban nghiên cứu châu Âu ERC” đã chuyển khuyến nghị của họ tới ERC: dù phải ưu tiên giải quyết những vấn đề của Covid-19 nhưng đây không phải là thời điểm cắt giảm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Có hai lý do để họ lo ngại: thứ nhất theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OECD), đại dịch làm các nền kinh tế lớn trên thế giới thiệt hại ít nhất 15% GDP, trong đó chỉ số này ở Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ có thể sẽ là 25%; thứ hai là sẽ khó đạt tới con số 94 tỷ Euro dự kiến cho Horizon Europe tới – chương trình đầu tư cho khoa học lớn nhất của châu Âu với chu kỳ bảy năm, bởi áp lực dồn tiền vào tái cấu trúc lại nền kinh tế châu Âu thời kỳ hậu coronavirus.

Do đó, qua thư ngỏ, các nhà khoa học cũng cho rằng ERC đã trở thành yếu tố chính tăng cường sức mạnh nghiên cứu của châu Âu. Hiện tại chỉ chiếm 7% dân số thế giới nhưng châu Âu là một trong ba vùng có công bố quốc tế chất lượng cao của thế giới. Hiệu quả của ERC đã được chứng thực ở một loạt con số khác: 75% các dự án đều mang lại đột phá hoặc khoa học tiên tiến; 7 giải Nobel, 4 giải Kavli, 4 huy chương Field cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác; hơn 9.500 nhà nghiên cứu xuất sắc đã được tài trợ với 2/3 trong số đó dưới 40 tuổi; các dự án thu hút 70.000 nhóm nghiên cứu, phần nhiều là nghiên cứu sinh và postdoc, qua đó xây dựng được đội ngũ các nhà nghiên cứu xuất sắc thế hệ mới; các dự án của ERC đem lại hơn 100.000 bài báo, trong đó hơn 5.500 bài trên các tạp chí được trích dẫn nhiều nhất thế giới, và hơn 1.200 bằng sáng chế có tính ứng dụng và hơn 100 bằng sáng chế mang tính mạo hiểm.

Tuy nhiên điều ERC mang lại cho các nhà nghiên cứu không chỉ là kinh phí mà còn là cơ hội để họ tự do theo đuổi những nghiên cứu thuần túy thỏa mãn trí tò mò khoa học. “ERC ủng hộ nghiên cứu mở rộng những biên giới hiểu biết thông qua tài trợ cạnh tranh trên tất cả mọi lĩnh vực. Rộng mở với các tài năng trên toàn thế giới, ERC còn là công cụ sống còn để giúp châu Âu thu hút và duy trì các tài năng sáng chói và qua đó góp phần xây dựng châu lục này thành một quyền lực khoa học”. 

Vậy mà giờ đây, tất cả những điều đó đang đứng trước nguy cơ bị đại dịch đẩy lùi khỏi vị trí quen thuộc. 

Bóng đen khủng hoảng

Nỗi lo ngại của các nhà khoa học không phải không có cơ sở. Bản thân họ đã phải chịu đựng “sự tác động rất lớn” lên các dự án, theo đánh giá của các nhà quản lý những cơ sở nghiên cứu, dù họ đã cố gắng tìm ra những cách có thể để đem lại khả năng truy cập dữ liệu cũng như tiến hành thực nghiệm. Hiệp hội các cơ sở nghiên cứu ở quy mô châu lục của châu Âu (ERF) đã mở ngay một cuộc khảo sát nhanh để tìm hiểu xem những tác động của đại dịch lên các cơ sở máy gia tốc, tia X, synchrotron… – những nơi không chỉ quy tụ những nhà vật lý mà còn cả các nhà khoa học vật liệu, sinh học, y học, doanh nghiệp… Kết quả cho thấy 2/3 số trung tâm này đều đóng cửa, chỉ còn 1/3 ít nhất vận hành một phần, nghĩa là cung cấp dịch vụ cho những người còn ở lại các trung tâm này thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu, và vào trung tuần tháng 5/2020 thì con số này đã tăng lên một nửa. Lệnh cấm đi lại và những quy định an toàn mới từ các chính phủ khiến các nhà nghiên cứu không thể mang mẫu thí nghiệm đi tới bất cứ nơi nào. 

“Chúng tôi đã từng phải làm tất cả để nghĩ ra hình thức tương tác mới trong khi đại dịch diễn ra ngoài kia,” Andrew Harrison, giám đốc điều hành The Diamond Light Source ở Anh, nói. Thế nhưng đây chưa phải là tất cả, đại dịch còn gây lo ngại cho ông và các nhà quản lý khác về một tương lai nhiều bất trắc. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế sẽ tác động đến các cơ sở nghiên cứu lớn trước tiên và Harrison lo ngại là kinh phí sẽ có thể hụt đi trong tương lai. Sự đầu tư bền vững của chúng sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia đáng giá được giá trị của khoa học cơ bản trong vấn đề xử lý khủng hoảng y tế toàn cầu và những đóng góp xây dựng các giải pháp xanh cho nền kinh tế xã hội. “Tôi nghĩ là các trung tâm lớn như chúng tôi sẽ phải tiếp tục chứng minh là mình có đủ khả năng và cần thiết để giúp giải quyết những thách thức lớn như thế này,” Harrison nói. 

Đồng nghiệp của ông, Jana Kolar, giám đốc điều hành Liên doanh Cơ sở nghiên cứu châu Âu (CERIC-ERIC) cũng đồng ý với nhận định này. Bà tin tưởng, các trung tâm nghiên cứu đều cần thể hiện được mình có thể giải quyết được những thách thức mới khi những ưu tiên đầu tư đang thay đổi. “Mô hình bền vững của chúng tôi được xây dựng trên cơ sở: chúng tôi cần hiểu được những gì các chính phủ muốn và qua đó cung cấp tất cả những gì tốt nhất có thể”. 

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học không lạc quan như vậy, họ lo ngại đến một tương lai u ám hơn. Đây là lý do mà họ tập hợp lại và viết thư gửi Ủy ban nghiên cứu châu Âu, trong thư có nhấn mạnh đến “một trong những câu chuyện thành công của EU trong thập kỷ qua chính là hoạt động đầu tư cho khoa học của Hội đồng nghiên cứu châu Âu. Với cách thức đầu tư độc nhất vô nhị, không bị những can thiệp chính trị ảnh hưởng khi chỉ tập trung vào các ý tưởng khoa học, cách tiếp cận từ dưới lên và hướng đến sự xuất sắc, các tài trợ của ERC đã trở thành một trong những tài trợ nghiên cứu có uy tín bậc nhất thế giới”. 


Cơ sở Elettra synchrotron tại Trieste, Ý. Nguồn:elettra.trieste.it.

Dag Rune Olsen, hiệu trưởng trường Đại học Bergen Nauy và là một trong những người khởi thảo thư ngỏ, cho rằng các nhà nghiên cứu cần cùng nhau “đấu tranh” bảo vệ khoản đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Ông trả lời Science|Business, “Với những  gì đang diễn ra, có lẽ nghiên cứu cơ bản không phải là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quản lý nữa. Tầm nhìn ngắn hạn trong đầu tư cho khoa học là mối nguy hiểm lớn nhất khi chúng ta phải đối phó khủng hoảng. Do đó, chúng tôi thiết lập cuộc vận động để đưa vấn đề này ra bàn bạc trở lại”. 
Olsen, một nhà nghiên cứu về ung thư, nhấn mạnh đến điều mà có thể các nhà quản lý không để ý đến: nhờ có nghiên cứu dài hạn mà chúng ta biết được rất nhiều thông tin để có thể kiểm soát dịch bệnh, “chúng ta không thể hiểu được hệ miễn dịch hoặc không có khả năng thực hiện các xét nghiệm, sản xuất vaccine nếu không có nghiên cứu cơ bản”.

Hứa hẹn của các nhà quản lý

Có vẻ như những ý kiến của các nhà khoa học đã làm lay động các nhà quản lý. Một trong những điểm hứa hẹn nhất là Horizon Europe – chương trình tới sẽ khởi động vào năm 2021 và kết thúc năm 2027, “sẽ được tăng cường sức mạnh đầu tư”, sau khi khoa học đã “chứng minh được giá trị của mình trong suốt khủng hoảng Covid-19, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC nói. Sẽ có thêm một khoản tiền vài tỉ euro cho nghiên cứu, đến từ khoản ngân sách được dành để phục hồi nền kinh tế châu Âu sau đại dịch. 

Chương trình Horizon Europe mới về cơ bản được ấn định là 94,1 tỉ euro, sau khi được phác họa vào năm 2018. Nó là một bước tiến so với chương trình hiện nay với 77 tỉ euro (sẽ kết thúc vào tháng 12/2020). Tuy nhiên không cần đến đại dịch thì số liệu kinh phí đã liên tục tăng và giảm trong các buộc bàn thảo hai năm qua và trong một phiên họp gần đây của EU thì con số này chỉ còn 87 tỉ euro.

Do đó, tuyên bố của bà Ursula von der Leyen đã đem lại hi vọng về việc bảo toàn, thậm chí là gia tăng, con số 94,1 tỉ euro. Giải quyết những lo ngại là ngân sách phục hồi kinh tế châu Âu sẽ đi kèm với một cấu trúc các điều khoản phức tạp, bà hứa hẹn “sẽ có thêm nhiều tài trợ và ngân sách sẽ bao gồm cả những đầu tư sớm vào ngay năm nay”. 

Bà Ursula von der Leyen cũng đã nêu những đặc điểm chính của ngân sách, trong đó có khoản đầu tư dành riêng cho chương trình y tế nhằm giám sát mức độ sẵn sàng của các hệ thống chăm sóc sức khỏe, củng cố đầu tư cho y tế gắn liền với những chương trình khác. Các khoản hỗ trợ vùng cũng sẽ được đặt lên hàng đầu, trên cơ sở “mức độ nghiêm trọng của đại dịch” mà các quốc gia phải đối mặt. Điều đó sẽ là cơ hội cho Tây Ban Nha, Italy… vào danh sách các quốc gia sẽ nhận thêm đầu tư cho nghiên cứu, đồng thời cũng làm giảm bớt lo ngại về năng lực của các quốc gia thành viên EU nghèo sau khủng hoảng. “Mọi quốc gia thành viên đều bị nhiễm bệnh bởi con virus này nhưng năng lực phản hồi của mỗi quốc gia, mỗi nền khoa học đều rất khác biệt,” bà Ursula von der Leyen nói về căn nguyên của việc xác định các phần hỗ trợ khác nhau.

Dĩ nhiên, việc đầu tư mang tính chiến lược của EU sẽ là đầu tư trên nhiều khía cạnh, ví dụ như phát triển và sản xuất các kháng sinh, khuyến khích các công ty châu Âu có những sản phẩm mới, “châu Âu phải có khả năng tự chế tạo ra các loại dược phẩm cần thiết”, bà Von der Leyen nói. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào các nhà cung cấp nước ngoài, với 3/4 loại chống đông máu của Ý, gần một nửa kháng sinh của Đức, Ý và Pháp đều từ Trung Quốc. Do đó, để có thể tự chủ về dược phẩm, cần gia tăng hợp tác hơn nữa giữa các nhà sản xuất và các nhà nghiên cứu của châu Âu. Điều này có thể được khuyến khích hơn khi được chính sách hỗ trợ đầu tư của EU đối với việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế châu Âu ủng hộ. 
EU sẽ không bỏ quên những lĩnh vực khác của khoa học. “Sớm hay muộn thì chúng ta sẽ tìm ra một vaccine cho coronavirus nhưng chúng ta không có vaccine cho biến đổi khí hậu. Do đó châu Âu cần một kế hoạch phục hồi cho tương lai”, bà Von der Leyen nhấn mạnh đến ý nghĩa đầu tư này.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những đề xuất cho khung tài chính của ERC, nó sẽ còn cần đến những thảo luận tiếp tục cho đến tháng 8 tới để định hình. Có thể từ nay đến đó sẽ có nhiều thay đổi và không ai biết tương lai của khoa học châu Âu sẽ ra sao, các nhà nghiên cứu đều lo ngại như vậy. 

Cựu chủ tịch ERC Helga Nowotny nói: “Các nghiên cứu tiên phong do ERC tài trợ là mạch sống của tương lai chúng ta. Thông thường, khoa học sẽ đem lại giải pháp còn sự chuẩn bị phải đến từ xã hội. Anh sẽ không bao giờ biết khi nào anh cần tri thức tích lũy được từ nghiên cứu, Covid-19 đã minh họa cho chúng ta thấy điều đó”. □

Anh Vũ tổng hợp
Nguồn: 
https://sciencebusiness.net/news/research-get-more-money-revised-eu-budget-says-commission-president
https://sciencebusiness.net/covid-19/news/interview-we-should-tackle-covid-19-head-now-not-time-cut-basic-research
https://www.universityworldnews.com/post.php?story=2020041615404989

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)