Đã đến lúc phải đổi mới trong nghiên cứu KHXH&NV

30 năm trước, chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng cho đến hôm nay, mặc dù đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ, phải thừa nhận là quá trình đổi mới đã diễn ra với tốc độ rất chậm, dẫn đến Việt Nam bị tụt hậu ngày một xa so với thế giới và ngay với các nước trong khu vực. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải tiến hành công cuộc đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa. Tôi nghĩ, không bộ nào khác mà chính là Bộ Khoa học và Công nghệ phải là một trong những bộ dẫn đầu và tiên phong về đổi mới.

GS. TS Phạm Quang Minh

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới trong khoa học xã hội và nhân văn, tôi cho rằng cần phải quốc tế hóa các hoạt động khoa học. Trong chiến lược quốc tế hóa và hội nhập quốc tế về khoa học nói chung, công bố quốc tế là một trong những thước đo rất quan trọng, vì nhờ các công bố quốc tế, thế giới mới hiểu về Việt Nam và Việt Nam mới tiếp cận được thế giới. Ví dụ, lâu nay, chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng lại rất ít có các bài viết trên các tạp chí quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, trong khi Trung Quốc có rất nhiều bài. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, việc “giao lưu” hai chiều giữa ta và bên ngoài có lẽ tốt hơn so với lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Tôi có cảm giác là các nhà khoa học xã hội của ta đang lạc lõng trong thế giới nghiên cứu khoa học, không đối thoại được với bên ngoài do rào cản về ngôn ngữ, giới hạn về phương pháp luận và phương pháp, về tư duy. Để xóa bỏ ranh giới, cần phải giới thiệu, nếu cần thì dịch, các kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học thế giới với Việt Nam. Còn với tình trạng như hiện nay, nhiều nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn không biết thế giới đang làm gì, không biết họ nghiên cứu gì về Việt Nam và ngược lại.

Việc thực hiện chủ trương công bố quốc tế đối với khoa học xã hội nhân văn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ví dụ, Đại học Quốc gia Hà Nội giao chỉ tiêu cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của chúng tôi mỗi năm phải công bố 34 bài báo trên tạp chí ISI/SCOPUS. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng cộng mỗi năm chúng tôi có trung bình 40 bài công bố quốc tế, nhưng trong số đó chỉ có khoảng 5-6 bài trong các tạp chí ISI/SCOPUS. Trong vòng gần 10 năm nay, tình trạng này vẫn thế. Thời gian đầu, Nhà trường tặng thưởng cho mỗi cán bộ có bài công bố quốc tế mức thưởng 5 triệu đồng/bài, riêng các bài ISI/SCOPUS được thưởng lúc đầu là 10 triệu, sau đó nâng lên 15 triệu đồng/bài. Nhưng nâng tiền thưởng không đồng nghĩa với việc nâng được số bài lên được. Tiền thưởng chỉ có ý nghĩa khích lệ tinh thần cho các nhà khoa học. Vì vậy, ngoài khuyến khích, chúng tôi đang suy tính có nên thực hiện giao “khoán” công bố quốc tế đến từng PGS, GS giống như chúng ta đã thực hiện “khoán 100” rồi “khoán 10” đến hộ gia đình và người lao động trong nông nghiệp. Mặc dù khó khăn, nhưng chúng ta phải rất kiên quyết, chứ không thể duy trì tình trạng trì trệ hiện nay. Nhiều nhà khoa học sau khi được phong hàm PGS, GS là “ngồi im” hết vì có ý nghĩ là đã hoàn thành nhiệm vụ. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.100 GS, hơn 9.000 PGS, nhưng tính ra chưa tới 40% số này có công trình công bố quốc tế. 

Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoài sự nỗ lực của cá nhân các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu, còn cần tới một chính sách quản lý khoa học hợp lý hơn. Về đầu tư cho khoa học, để thúc đẩy khoa học xã hội nhân văn, rất cần thiết phải tập trung đầu tư hơn nữa cho khối ngành này, không thể để cho tình trạng mất cân đối về đầu tư giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như hiện nay (Khoa học tự nhiên 60 thì khoa học xã hội chỉ được 4). Cần xóa bỏ ngay nhiều quan niệm sai lệch như không cần học ai, nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn chỉ cần “tờ giấy và cái bút” hoặc khoa học xã hội nhân văn không sản xuất ra của cải vật chất, nên không cần đầu tư gì cả. Chính vì những quan niệm sai lệch này mà hiện nay chúng ta đang phải trả giá đắt cho sự lạc hậu, tụt hậu không chỉ của khoa học xã hội nhân văn mà của cả sự phát triển của xã hội.

Mặt khác, cũng cần thực hiện “cởi trói” trong tư duy học thuật, không thể tiếp tục cách suy nghĩ một chiều cũ kỹ và áp đặt trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về khoa học xã hội. Nhìn ra thế giới, các giải thưởng quốc tế cho nghiên cứu trong khoa học xã hội về Việt Nam trong 10 năm gần đây đều thuộc về các nhà khoa học nước ngoài với những nghiên cứu mới mà ở ta bị coi là “nhạy cảm”, “đụng chạm”. Rõ ràng, nếu vẫn giữ tư tưởng cũ kỹ, không dám đi vào những đề tài có tính mới với tư duy mới, tiếp cận mới, phương pháp và nguồn tài liệu mới, thì chúng ta chắc chắn không thể nào thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và đối thoại được với thế giới.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)