Đánh giá nghiên cứu khoa học?
Để có được một thang đo hợp lý trong khi xem xét các đề xuất xin tài trợ là một câu chuyện rất dài dòng, phức tạp, và thậm chí “nhạy cảm” trong truyền thống quản lý nghiên cứu khoa học ở nước ta. Vì vậy trong bài này tác giả chỉ xin bàn về một chủ đề rất hẹp, nhưng lại là gốc gác của toàn bộ ý tưởng về quản lý nghiên cứu khoa học, từ cấp các vị viện trưởng cho đến các tầng nấc cao hơn trong hệ thống quản lý khoa học. Đó là đánh giá nghiên cứu khoa học thế nào, kể từ khâu thẩm định đề cương nghiên cứu cho đến khi đánh giá kết quả nghiên cứu, hiệu quả và hệ luỵ của nghiên cứu.
Vậy đánh giá nghiên cứu khoa học thế nào?
Hiện nay ở nước ta, việc đánh giá các công trình khoa học được sử dụng nhiều nhất trong những trường hợp sau:
1. Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học.
2. Xét phong chức danh khoa học – giáo sư, phó giáo sư, và
3. Đánh giá các luận văn khoa học, từ khóa luận cử nhân, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ đến đồ án tốt nghiệp của sinh viên các ngành kỹ thuật.
Việc đánh giá được thực hiện trong khuôn khổ các hội đồng, chẳng hạn, hội đồng nghiệm thu đề tài, hội đồng chức danh giáo sư, hội đồng bảo vệ luận văn.
Trong quá trình đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học, các hội đồng đã sử dụng những thang đánh giá như sau:
Để nghiệm thu đề tài các hội đồng sử dụng thang đánh giá 4 mức: Xuất sắc, Khá, Đạt và Không đạt. Việc đánh giá ở mức nào mang nặng cảm tính, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để xếp hạng đánh giá.
* Để đánh giá luận văn, các hội đồng sử dụng thang điểm 10, rồi cũng chia các loại: Xuất sắc, Khá, Đạt, Không đạt. Việc xét cho điểm cũng không dựa trên tiêu chuẩn cụ thể, mà chỉ thảo luận một cách cảm tính trong hội đồng. Vì thế mới diễn ra tình trạng “lạm phát” luận văn xuất sắc như báo chí đã nêu.
* Để xét phong chức danh giáo sư, phó giáo sư, các hội đồng sử dụng thang điểm quy ước để đánh giá các công trình khoa học: Bài báo khoa học được tính 1 điểm, 1 cuốn sách được 4 điểm, đề tài cấp nhà nước được tính 4 điểm, đề tài cấp cơ sở được tính bằng 2 điểm, v.v…
* Để tính các khoản thu hồi cho các dự án sản xuất thử thử nghiệm, các chủ nhiệm đề tài tính toán “hiệu quả kinh tế” mà dự án sản xuất thử thử nghiệm mang lại.
Qua thực tế vận dụng các thang điểm đánh giá trên đây, chúng ta thấy các tiêu chuẩn đánh giá chỉ mới quan tâm đến “giá trị” và “hiệu quả” một cách cảm tính. Nhìn chung các thang đánh giá, chúng ta có thể thấy bộc lộ rõ một số nhược điểm sau:
* Tiêu chí đánh giá không rõ: Xuất sắc, Khá, Đạt, Không đạt. Những tiêu chí này chỉ mới mang ý nghĩa cảm tính, chưa có những chuẩn cụ thể để đánh giá. Hiện nay chúng ta cũng đã dùng những thang điểm rất cụ thể và tưởng chừng rất hợp lý, nhưng cũng còn rất nhiều chuyện đáng bàn. Tác giả xin đề cập trong một dịp khác.
* Giá trị khoa học được tính điểm theo “cấp” của đề tài. Hiện nay, đề tài “cấp nhà nước” được tính điểm cao hơn đề tài “cấp bộ”; Đề tài “cấp bộ” được tính điểm cao hơn đề tài “cấp cơ sở”; Còn những sáng tạo khoa học “cấp cá nhân” thì không có chỗ đứng nào trong cái thứ bậc tôn ty hành chính phong kiến này. Tiêu chuẩn này sai ở chỗ, đề tài của các cấp thường nhằm giải quyết một nhu cầu thực tế (về công nghệ, kinh tế hoặc xã hội) của cấp đó, không nhất thiết yêu cầu trình độ khoa học cao. Chẳng hạn, đề tài cấp nhà nước về chống cháy rừng, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành và có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, môi trường và xã hội, nhưng làm sao có thể so sánh được với đề tài “cấp cá nhân” như nghiên cứu về giá trị thặng dư của Marx hoặc lý thuyết tương đối của Einstein?
* Tính điểm công trình khoa học: Giá trị bài báo khoa học được tính bằng 1 điểm, trong khi một pho sách khoa học được tính bằng 4 điểm. Một cuốn sách có thể là sản phẩm của nhiều năm nghiên cứu, còn một bài báo có thể chỉ là một ý tưởng nảy sinh tại một khoảnh khắc ngắn ngủi.Làm sao lại có thể đánh giá 4 bài báo = 1 cuốn sách? Ngược lại, hoàn toàn có thể có bài báo có giá trị khai phá, mở ra những lĩnh vực khoa học mới, không cuốn sách nào có thể so sánh được. Trong khi đó, cũng có những quyển sách chắp vá tùy tiện, đạo văn, tác giả của nó không xứng đáng được xem xét.
* Nhìn nhận lệch lạc về hiệu quả kinh tế mà khoa học mang lại. Có người còn nói: “Khoa học hãy chứng minh sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế bao nhiêu, chúng tôi sẽ quyết định đầu tư cho khoa học bấy nhiêu”.
* Theo đặc điểm của nghiên cứu khoa học, hoạt động sản xuất thử thuộc giai đoạn “Triển khai” , không thể tính được hiệu quả kinh tế. Hoạt động này bao gồm 3 giai đoạn: (1) Sản xuất một mẫu sản phẩm mới (prototype). Đối với loại hoạt động này, nhà nghiên cứu phải sử dụng cả trăm triệu đồng chỉ để tạo ra một (01) mẫu sản phẩm; (2) Sau khi tạo ra mẫu sản phẩm, nhà nghiên cứu phải làm pilot (instalation pilot) để xây dựng quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm này; (3) Sau khi hoàn thiện được công nghệ, nhà nghiên cứu phải tiến hành sản xuất loạt thử nghiệm (série “0”) để xác nhận tính khả thi của công nghệ. Rõ ràng rằng, sản phẩm thuộc 2 giai đoạn đầu chưa có tính thương mại. Chỉ có sản phẩm sản xuất série “0” mới có thể “tranh thủ”, “tận dụng” bán ra thị trường, nhưng giá trị bán sản phẩm không thể bù lại khoản chi phí đã đầu tư để tạo ra chúng. Tại các nước phát triển, Nhà nước không thu hồi khoản này, cũng không cho “ăn chia”, mà cho sử dụng để trang bị cho cơ sở R&D.
Trong những điều kiện để các ứng viên được nộp đơn xin cấp tài trợ nghiên cứu, chúng ta có thể đọc được một đòi hỏi sau đây: “… Có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư; có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp… được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín (các tạp chí do Viện thông tin khoa học quốc tế ISI xếp hạng) trong khoảng thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ”2.
Đọc những điều kiện này, chúng ta có thể thấy một yêu cầu rất cao cho các ứng viên, làm cho cơ quan tài trợ yên tâm là đã “chọn đúng được mặt” để mà “gửi vàng”. Tuy nhiên nếu suy nghĩ sâu một chút thì chúng ta lại nhận ra một khía cạnh đáng suy nghĩ khác, đó là nếu cứ theo tiêu chí này, thì những người thuộc giới trẻ chưa có công trình công bố ở đâu, chưa có bằng tiến sỹ và hàm giáo sư và phó giáo sư, … thì dù có tư tưởng khoa học hay đến mãy cũng cứ xin đứng chầu rìa… quay trở lại cái thời Bolyai cố len chân để công bố những tư tưởng mới mẻ của Hình học non-Euclide, đến mức phải “len lén” công bố dưới dạng một Phụ lục (Appendix) trong một cuốn sách của người cha. |
* Ngoài ra, trong việc đánh giá các công trình khoa học ở nước ta, chúng ta còn phải nói đến các yếu tố mang tính tâm lý, xã hội khác, như hội đồng gồm những thành viên “chiến hữu” hoặc sự vị nể vì những điều “tế nhị” trong đánh giá.
Những vướng mắc nêu trên hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cách đưa ra những cách tiếp cận và tiêu chuẩn đánh giá khách quan một công trình khoa học.
Phân loại đánh giá nghiên cứu khoa học
Từ thực tiễn tổ chức nghiên cứu khoa học, chúng tôi thấy luôn tồn tại 4 loại công việc liên quan tới đánh giá nghiên cứu khoa học: (1) Thẩm định một đề xuất nghiên cứu; (2) Đánh giá kết quả nghiên cứu ngay sau khi hoàn thành đề tài (Output), chưa xét đến khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu; (3) Đánh giá hiệu quả (Outcome) và hệ luỵ (Impact) của nghiên cứu, sau khi công trình được đưa vào áp dụng; và (4) Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu.
1. “Thẩm định” là xem xét đề tài trước khi được thực hiện. Kết luận của thẩm định là: đề tài có đáng được thực hiện hay không?
2. “Đánh giá kết quả nghiên cứu” là xem xét chất lượng của bản thân sản phẩm nghiên cứu, chưa xem xét hiệu quả áp dụng.
3. “Đánh giá hiệu quả và hệ luỵ của nghiên cứu” là xem xét ý nghĩa các tác động sau khi áp dụng các kết quả của đề tài vào đời sống xã hội. “Nghiệm thu” là công việc của bên giao đề tài. xem xét có chấp nhận sản phẩm trình nộp của bên thực hiện đề tài hay không.
4. Cần phân biệt đánh giá kết quả, đánh giá hiệu quả và hệ luỵ của nghiên cứu. Hiệu quả và hệ luỵ chưa thể thấy được sau khi công việc nghiên cứu thu được kết quả. Hiệu quả và hệ luỵ chỉ có thể dự kiến và chỉ có thể thấy rõ sau khi đưa kết quả vào áp dụng. Hiệu quả và hệ luỵ có thể có cả dương tính, khi tác động diễn ra theo chiều hướng phù hợp với mong đợi của người nghiên cứu; có thể có cả âm tính, khi tác động diễn ra ngược lại với mong đợi của người nghiên cứu; Song cũng có thể xuất hiện những tác động ngoại biên (side effect), khi tác động diễn ra ngoài dự kiến của người nghiên cứu. Ví dụ, thuốc aspirin chữa cảm sốt (hiệu quả dương tính), có hại đối với người đau dạ dầy (âm tính), có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch (ngoại biên).
Kết quả nghiên cứu có thể chỉ đơn giản là được công bố, mang lại cho xã hội những hiểu biết mới, gọi là hiệu quả thông tin; Kết quả nghiên cứu có thể làm xuất hiện một hướng công nghệ mới, gọi là hiệu quả công nghệ (chưa bàn đến việc áp dụng công nghệ vào sản xuất); Sau này, khi áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, dẫn đến hiệu quả tính được thành tiền, gọi là hiệu quả kinh tế; Cũng có những tác động về mặt xã hội rất lớn lao, chẳng hạn, văn hóa, y tế, an ninh, quốc phòng,… nhưng không thể tính được thành tiền, gọi đó là hiệu quả xã hội.
Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá nghiên cứu khoa học
Để đánh giá khách quan các công trình khoa học, chúng tôi đề nghị xây dựng một hệ thống đánh giá khoa học với một số cách tiếp cận và tiêu chí phù hợp với tính chất của hoạt động NCKH và đặc điểm của sản phẩm NCKH.
Trước hết, hệ thống đánh giá khoa học được hiểu bao gồm: thẩm định đề cương nghiên cứu, đánh giá kết quả nghiên cứu, đánh giá hiệu quả nghiên cứu và nghiệm thu đề tài.
Thứ hai, hệ thống đánh giá khoa học còn bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá. Vấn đề là cụ thể hóa những chỉ tiêu của từng loại đánh giá đã nêu trên đây.
Thứ ba, hệ thống đánh giá còn bao gồm một thiết chế về tổ chức: đánh giá bằng phương pháp chuyên gia, bằng phương pháp hội đồng, hoặc phương pháp kết hợp chuyên gia với hội đồng.
Thứ tư, cách thức quyết định của 4 loại trên đây cũng khác nhau: Quyết định nghiệm thu dựa trên nguyên tắc biểu quyết đa số; Kết quả thẩm định được trình bày dưới dạng ghi nhận các ý kiến đánh giá của chuyên gia và của hội đồng để cơ quan tài trợ quyết định; Đánh giá kết quả và đánh giá hiệu quả thì không biểu quyết mà chỉ ghi nhận các ý kiến, rồi công bố để các đồng nghiệp sử dụng như một tư liệu nghiên cứu.
Vấn đề của các cơ quan quản lý KH&CN là cần đưa ra các thang đánh giá phù hợp với yêu cầu của thẩm định, nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu và đánh giá hiệu quả nghiên cứu.
Những nội dung về phương pháp đánh giá và tiêu chí đánh giá các loại kết quả nghiên cứu, hiệu quả nghiên cứu và hệ luỵ của nghiên cứu tác giả xin bàn đến trong một dịp khác.