Đạo đức nghiên cứu: Không thể khoan nhượng
Giới khoa học và biên tập viên tạp chí ngày càng hoài nghi về khả năng của các viện nghiên cứu Trung Quốc đảm bảo được sự trung thực trong khoa học. Để cứu vãn uy tín, các trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc đang phải đối diện với một cuộc chiến không khoan nhượng.
Vụ việc này không chỉ làm tám bài báo khác từng được công bố phải bị rút xuống, mà còn trở thành một thảm họa truyền thông quốc tế đối với ZJU, một trong những trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những trường đại học thành công nhất trong hoạt động công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Các bài báo đã khai thác vào điểm yếu của một hệ thống quản lý lỏng lẻo từng trao vai trò lãnh đạo cho những người như ông Li Lianda– trưởng khoa Khoa học dược phẩm, cũng là người phụ trách ông He – tuy hầu như không có mặt ở phòng thí nghiệm và không am hiểu nghiên cứu của ông He, nhưng lại là đồng tác giả trong một số nghiên cứu của ông này. “Họ đã phạm lỗi đạo văn, ngụy tạo, và làm sai lệch. Một trường hợp sai phạm điển hình” – ông Yang nói.
Đối mặt với một trong những sai phạm được công khai rộng rãi nhất trong lịch sử khoa học gần đây của Trung Quốc, hiệu trưởng Yang biết rằng phải hành động nhanh chóng. Ông đích thân viết thư gửi tất cả biên tập viên của các tạp chí liên quan. Họ đã cung cấp bản sao của các văn bản chuyển giao bản quyền kèm theo tất cả chữ kí của các đồng tác giả, và ông Yang đã gửi chúng đi giám định ở trung tâm chữ viết quốc gia. “Hầu hết chữ kí đều giống chữ của chính ông He. Thậm chí tôi cũng có thể nhận ra điều đó” – ông Yang nói.
Tháng 3 năm 2009, ZJU đã sa thải He, và chấm dứt hợp đồng với Wu Limao – đồng tác giả với ông He trong một số bài viết và là người phụ trách phòng thí nghiệm khi ông Li vắng mặt, đồng thời cách chức trưởng khoa của ông Li.
Hiệu trưởng Yang không dừng lại ở đó: ông đã khởi động một chiến dịch để ZJU phản ứng hiệu quả hơn với các sai phạm. Được sự hợp tác từ một đồng sự tận tụy khác có tên là Yuehong (Helen) Zhang trong việc phát hiện và xử lý những sai phạm ở các tạp chí của trường đại học, và được sự hỗ trợ từ một nhóm các nhà quản lý đại học, những người cùng chia sẻ quyết tâm và cam kết của mình với một chính sách không khoan nhượng với các sai phạm, ông Yang hi vọng sẽ biến ZJU thành một điển hình gương mẫu có thể giúp làm sạch tiếng xấu của Trung Quốc qua nhiều các sai phạm trong khoa học. Trong 5 năm qua, tiếng xấu đó đã càng trầm trọng thêm bởi một loạt những vụ việc tai tiếng nghiêm trọng, khiến cho giới khoa học và biên tập viên tạp chí ngày càng hoài nghi về khả năng của các viện nghiên cứu Trung Quốc đảm bảo được sự trung thực trong khoa học.
Ông Yang – người hiện đang đi khắp đất nước để diễn thuyết về đạo đức khoa học – đã gây dựng danh tiếng như một người tận tụy nhất trong số các nhà cải cách. Các cộng tác viên của ông rất ấn tượng. “Ông ấy cam kết sẽ làm sạch môi trường nghiên cứu ở Chiết Giang”, theo lời Mark Frankel, giám đốc Chương trình Luật, Trách nhiệm và Tự do khoa học tại Hiệp hội Mỹ Vì Sự Tiến bộ của Khoa học (AAAS) ở Washington DC, người đang làm hợp tác với ông Yang trong nỗ lực cải thiện đạo đức nghiên cứu. “Điều ấn tượng nhất là những người ở Trung Quốc mà tôi làm việc cùng đã cởi mở và sẵn lòng thừa nhận rằng một vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại và rằng họ cam kết sẽ thay đổi điều đó cho thế hệ các nhà khoa học trẻ hơn” – ông nói.
Vấn đề có quy mô trên diện rộng
Không có thống kê toàn diện nào về mức độ của những sai phạm trong nghiên cứu ở Trung Quốc – và ít bộ, ngành, các cơ quan hay trường đại học thông tin vụ việc ra công luận. Tuy nhiên, các cuộc điều tra và bằng chứng mà người ta truyền tai nhau đã làm lộ ra một căn bệnh trầm kha, cho thấy rằng sinh viên Trung Quốc ngày nay đang vừa học kiến thức, vừa học cả những hành vi phi đạo đức khoa học. Trong một cuộc điều tra không được công bố vào năm 2008 tiến hành với 1.641 sinh viên của 10 trường đại học, ông Cao Nanyan – một chuyên gia về đạo đức nghiên cứu tại ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh đã thu được kết quả là hơn 20% sinh viên thừa nhận đã thay đổi những dữ liệu không khớp với mong đợi của họ. 60% nghiên cứu sinh tiến sĩ cho biết đôi khi họ chứng kiến những hành vi sai trái nhưng chỉ có 5% trong số đó báo cáo sự việc. Ông Cao đã tìm ra căn cứ cho thấy mức độ thỏa hiệp của sinh viên với những hành vi sai trái đã tăng lên theo thời gian họ đi học.
“Bằng chứng này cho rằng bạn càng dây dưa lâu trong hệ thống này thì bạn sẽ càng ít có khả năng và động cơ để theo đuổi những quy chuẩn tốt trong nghiên cứu khoa học” – nhận định từ bà Daniele Fanelli, một nhà khoa học xã hội tại ĐH Edinburgh, Anh, người đang nghiên cứu về mật độ các sai phạm khoa học. Bà Fanelli cho biết số liệu của ông Cao “rõ ràng là đáng lo ngại vì chúng cho thấy mức độ sai phạm cao hơn nhiều trong khi mức độ báo cáo sai phạm lại thấp hơn nhiều, nếu so với kết quả trong các cuộc điều tra ở các quốc gia phương Tây”.
Tháng 10 năm 2008, Yuehong (Helen) Zhang là biên tập tạp chí khoa học đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng CrossCheck, một công cụ giúp dò tìm ra các nội dung đạo văn trong các bài báo khoa học. Sau hai năm, bà tổng kết rằng 31% trong số 2233 bài báo gửi đăng tới tạp chí của bà, Journal of Zhejiang University – Science, chứa những nội dung đạo văn. Sau khi công bố điều này trên tạp chí Nature năm 2010 (Y. Zhang Nature 467, 153; 2010), Zhang đã bị phê phán rất nhiều trên các blog. “Nhiều người chỉ trích tôi, nói rằng tôi không yêu nước. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi tin mình đã làm điều đúng đắn. Nó sẽ giúp khoa học Trung Quốc trở nên lành mạnh hơn”. |
Ông Cao và các chuyên gia khác về sai phạm trong nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân cụ thể. Hệ thống nghiên cứu của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, các trường đại học đang vội vã vật lộn để đào tạo các thế hệ sinh viên, các nhà khoa học và các nhà quản lý. “Là một hệ thống nghiên cứu lớn và mới phát triển, Trung Quốc không có được sự kiểm soát đối với các chương trình nghiên cứu như ở phương Tây” – ông Nicholas Steneck, người nghiên cứu về đạo đức nghiên cứu tại ĐH Michigan ở Ann Arbor cho hay. Một số nhà nghiên cứu đơn giản là không biết gì về các quy định trong nghiên cứu – ông Zhong Haining, một nhà thần kinh học được đào tạo ở ĐH Thanh Hoa và hiện đang bắt đầu một phòng thí nghiệm tại ĐH Khoa học và Y tế Oregon ở Portland cho biết. “Những quy định hướng dẫn của Nhà nước về các sai phạm trong nghiên cứu có thể có (hoặc không) tồn tại, nhưng nếu nó tồn tại thì đã không được công khai lắm, ít nhất là không được chú trọng nhiều trong đào tạo” – ông cho biết.
Ông Steneck cũng cho rằng những vấn đề này có thể bắt nguồn từ một sự thiếu trung thực trên diện rộng trong quản lý Nhà nước và điều này gây khó khăn trong việc xây dựng một văn hóa nghiên cứu trung thực. “Thật khó để có sự liêm chính trong nghiên cứu nếu như sự liêm chính trong những lĩnh vực khác của cuộc sống đang bị đặt câu hỏi” – ông nói.
Chính phủ, các trường đại học và các viện nghiên cứu đã ban hành nhiều các chính sách về đạo đức nghiên cứu trong thập kỉ qua. Tuy nhiên, việc thực hiện lại là một vấn đề khó khăn, theo ông Mu-ming Poo, giám đốc Viện Khoa học thần kinh ở Thượng Hải nhận định. Ví dụ, hầu hết các tổ chức quản lý kinh phí khoa học của Trung Quốc đều không có những bộ phận thường trực để giải quyết các sai phạm một cách có hệ thống và minh bạch như cách thức mà Vụ Đạo đức Nghiên cứu của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ đang cố gắng làm. “Rất ít người trong cơ quan tài trợ hoặc trong cộng đồng khoa học sẵn lòng làm ‘đao phủ’ để thực thi các quy định một cách nghiêm túc” – ông Poo nói. Ông dẫn chứng tới một cuộc điều tra về một vụ sai phạm mà theo ông là khá rõ ràng. Kết quả của vụ này là một nhà nghiên cứu đã bị sa thải nhưng lại sớm tìm được một công việc khác và tiếp tục nhận được những khoản kinh phí lớn tài trợ cho nghiên cứu. “Về cơ bản là không có những hình phạt cho các sai phạm khoa học. Sự dễ dãi và nhân nhượng trong cộng đồng này thực sự làm tôi lo lắng” – ông Poo chia sẻ.
Hành động
Tháng Giêng năm 2009, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ vụ việc của He, hiệu trưởng Yang đã thành lập một ủy ban đạo đức nghiên cứu và một nhóm điều tra ở ZJU. Tháng 3 năm đó, tại một cuộc họp bàn về trường hợp của ông He, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc đã kêu gọi một chính sách không khoan nhượng với các sai phạm – và ông Yang đã thực hiện đúng theo yêu cầu này. Ông đã ban hành một loạt các quy tắc để hướng dẫn hành xử trong các vấn đề tác quyền, trích dẫn. và các thủ tục gửi bài nghiên cứu, trong đó có việc cấm việc gửi bài viết điện tử bởi một tác giả không phải là tác giả đứng tên phản hồi (corresponding author). Điều này đã giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng trong trường hợp của ông He, trong đó ông He và một số sinh viên đã tốt nghiệp đã gửi các bài viết từ một tài khoản dưới tên của một tác giả đứng tên phản hồi là Wu. Ông Yang đã thay hầu hết các trưởng khoa bán thời gian [vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn] ở ZJU bằng các trưởng khoa chuyên trách quản lý để tránh lặp lại những vấn đề xảy ra khi vắng mặt lãnh đạo vắng mặt như trường hợp của ông Li. Ông cũng ban hành các quy trình thủ tục điều tra mới và xác lập khung hình thức kỉ luật.
Tất cả những chuẩn bị này đã giúp ông Yang sẵn sàng cho một vụ việc lớn thứ 2 vào giữa năm 2010, khi trưởng ban biên tập của một tạp chí được Springer xuất bản đã liên lạc với ông Yang và nói rằng mức độ đạo văn và ngụy tạo trong một bài viết của một nhà nghiên cứu từ ZJU là vô cùng nghiêm trọng, đến mức Springer phải cân nhắc việc ngăn chặn tất cả các bài viết gửi đi từ ZJU tới 2.000 tạp chí y học, công nghệ và khoa học của nhà xuất bản này. (Ông Yang từ chối nêu tên nhà nghiên cứu và vị trưởng ban biên tập). “Đây là một áp lực. Chúng tôi phải thuyết phục họ rằng chúng tôi có thể giải quyết được trường hợp này” – ông Yang nói.
Lần này ông Yang đã sẵn sàng. Ông đã sa thải nhà khoa học chính tham gia, cắt giảm lương và quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ của tác giả đứng tên phản hồi. “Springer đã hài lòng” – ông Yang cho biết.
Ông Yang cho biết trong 2 năm qua, ông đã xử lý mạnh tay tương tự với 40 trường hợp sai phạm khác ở ZJU. Hơn 20 nhà nghiên cứu đã bị xác định là sai phạm sau các cuộc họp hội đồng quản lý trường đại học này. Với 10 trường hợp liên quan tới các sinh viên tốt nghiệp gần đây, có hơn một nửa trong số đó mất bằng. Một người đã kiện ZJU nhằm đảo ngược phán quyết về tội đạo văn nhưng kết quả là cô này đã thua kiện. Nếu công trình được hoàn thành trong suốt thời gian đào tạo có sự gian lận thì “bằng đã cấp phải bị tước bỏ” – ông Yang nói chắc chắn.
Trong các trường hợp liên quan tới các giảng viên, có 3 người đã bị sa thải, 4 người phải đối mặt với biện pháp kỉ luật bao gồm cắt giảm lương, số còn lại bị cảnh cáo nội bộ hoặc công khai. Một số tạm thời bị cấm tham gia đảm nhận hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Tuy nhiên, luật pháp và các biện pháp trừng phạt chỉ đi được nửa chặng đường trong việc giải quyết vấn đề – việc ngăn ngừa từ xa cũng rất quan trọng. Tại ZJU, ông Yang đã thiết lập một hệ thống tư vấn cho các giảng viên trẻ về đạo đức nghiên cứu. Kể từ năm 2009, đại học này đã tổ chức hơn 10 seminar và bài giảng về đạo đức nghiên cứu với sự tham gia của hơn 1.000 người. Ông Yang cũng tiếp tục đi nói chuyện tại các trường đại học trên khắp đất nước. “Chúng tôi phải dạy họ trung thực. Chỉ nhận thức về các quy tắc đạo đức thôi là chưa đủ. Bạn cần phải hiểu nó thực sự” – ông Gong Ke, hiệu trưởng ĐH Nankai, Thiên Tân cho hay. Ông Ke là người cùng ông Yang và AAAS đang soạn một cuốn sách viết về các sai phạm khoa học, có thể được sử dụng để dạy về đạo đức nghiên cứu ở Trung Quốc và Mỹ.
Tiến bộ chậm
Ông Yang cho rằng còn quá sớm để nói về việc những nỗ lực của ông có hiệu quả hay không. Luôn có e ngại rằng dạy con người về sai phạm có thể chỉ khiến những kẻ ương ngạnh càng thêm tiểu xảo – như trường hợp của những người cố đánh lừa phần mềm phát hiện đạo văn bằng phần mềm của riêng họ. “Nhưng ít nhất họ nhận thức rõ hơn rằng họ đang làm những việc sai trái” – ông Yang nói.
Ông Yang không phải là người duy nhất cố gắng làm sạch môi trường khoa học Trung Quốc. Các trường đại học khác đã thiết lập các khóa học đạo đức và tăng cường công tác điều tra. “Các cảnh sát trực tuyến” tích cực của Trung Quốc đang tìm ra những gian lận – như blog XYS của Fang Shimin, vốn nổi tiếng vì sự kiên trì đeo đuổi các vụ sai phạm trong khoa học. Các bài viết trên trang web này thảo luận những vấn đề về dữ liệu cũng như sự khác biệt giữa hồ sơ của các nhà nghiên cứu và thành tựu thực tế của họ. Ông Fang chưa tin rằng ZJU đang điều tra chặt chẽ tất cả các trường hợp sai phạm mà họ cần phải điều tra. “Tôi chưa tin rằng lời nói của ông ấy là thật sự nghiêm túc” – Fang nói về Yang. Nhưng Fang cũng đồng ý rằng đã nhìn thấy sự cải thiện trong 11 năm kể từ khi ông bắt đầu đơn độc phát động ‘cuộc chiến’ chống lại các sai phạm. Ông nói rằng ngày nay các phương tiện truyền thông đã sẵn sàng hơn trong việc đưa tin về những sai phạm và kêu gọi cải cách, và “Chính phủ ít nhất cũng thừa nhận là có vấn đề”.
Theo ông Frankel, những hướng dẫn nghiệp vụ về đạo đức khoa học mới được áp dụng hiện nay ở Trung Quốc, “chỉ mới đơn thuần là bước khởi đầu”. “Họ đã áp dụng những cách thức, quy trình điều tra tương tự như ở Mỹ nhưng còn thiếu kinh nghiệm và nhân lực cần thiết để có hiệu quả thực sự, và quá trình này sẽ mất nhiều thời gian”, ông nói.
Thậm chí những nỗ lực cao nhất của các nhà quản lý như ông Yang có thể vẫn chưa đủ để thay đổi cách hành xử đã ăn sâu, nhận xét từ bà Sheila Bonde, một nhà khảo cổ học kiêm sử gia tại ĐH Brown ở Providence, đảo Rhode, người đang cộng tác với ZJU để mở một khóa học về đạo đức. “Dạy sinh viên về đạo đức khi họ đã bước chân vào các phòng thí nghiệm là quá ít, quá muộn và quá cụ thể”, bà nói. “Cần phải có một cuộc thảo luận rộng hơn về những lựa chọn đạo đức trong các vấn đề kinh tế, chính trị, học thuật ở Trung Quốc, và điều này phải bắt đầu sớm hơn nhiều trong cuộc sống của các sinh viên”.1
Nguyễn Thảo lược dịch