Đào tạo tiến sĩ các ngành nhân văn: Có bột mới gột nên hồ

Nhìn chung, với các ngành nhân văn, mục tiêu hội nhập quốc tế là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình cụ thể, không thể nóng vội trong một vài năm. Trước mắt, vấn đề cấp bách là đặt ra yêu cầu về công bố quốc tế đối với bản thân những người hướng dẫn và đào tạo nghiên cứu sinh (NCS).


Nguồn ảnh: iStock.

Thông tư 18 mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo tiến sĩ đã đưa ra một phổ đầu ra rất rộng, bao phủ từ khối KHXH&NV đến tự nhiên, gây tranh cãi lớn vì giữa các ngành vốn tồn tại nhiều khác biệt. Trong phạm vi các ngành KHXH&NV, tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc chưa bắt buộc NCS có công bố quốc tế trước khi tốt nghiệp là điều phù hợp. 

 
Để có thể công bố một nghiên cứu, dù ở trong hay ngoài nước, các NCS cần đến sự tư vấn, định hướng của thầy hướng dẫn. Họ chỉ có thể bắt tay vào viết sau khi đã học hết các môn bắt buộc, bảo vệ thành công đề cương và hoàn thành nghiên cứu thực địa để có tư liệu cần thiết. Điều đó có nghĩa, nhanh nhất phải từ năm thứ 3 NCS mới có thể bắt đầu viết bài dựa trên nghiên cứu của mình. Như vậy, họ sẽ khó có đủ thời gian để kịp đáp ứng yêu cầu xuất bản quốc tế, và gần như chắc chắn không thể xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín, bởi ngay cả với bài đạt chất lượng, thời gian để được in có khi tính hàng năm. 
 
Quan trọng hơn, yêu cầu công bố quốc tế đối với NCS càng khó khả thi trong điều kiện hiện nay khi các thầy hướng dẫn chưa có công bố quốc tế và thông tư không yêu cầu bắt buộc người dạy, người hướng dẫn hay phản biện, chấm luận án phải công bố quốc tế. Thậm chí, trong vòng 10 năm qua, từ quan sát, tôi đã nhận thấy không ít GS, PGS không có bất kỳ công bố khoa học nào suốt nhiều năm liền nhưng vẫn tham gia giảng dạy tiến sỹ, tham gia các hội đồng chấm luận án. Một khi các GS và PGS không cập nhật tri thức thông qua những ấn phẩm của mình, họ không thể có đủ năng lực hướng dẫn NCS công bố khoa học, càng không đủ kinh nghiệm để tư vấn cho học trò xuất bản trên các tạp chí quốc tế nghiêm túc, nơi chỉ chấp nhận bài viết có đóng góp mới về mặt tư liệu, lý thuyết. 
 
Việc nâng cao tiêu chuẩn thầy hướng dẫn là một đòi hỏi cấp bách, bởi đó là yếu tố tiên quyết quyết định chất lượng đào tạo. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi Thông tư 18 yêu cầu hướng hướng dẫn chỉ cần đáp ứng điều kiện tối thiểu là có công bố trong nước trong thời gian 5 năm vừa qua. Thực tế, việc bắt buộc người hướng dẫn NCS và tham gia chấm luận án tiến sỹ có công bố quốc tế là yêu cầu cần thiết, hợp lý và “vừa sức” bởi vì nhiều viện nghiên cứu, trường đại học hiện nay đã yêu cầu người có bằng TS xuất bản khoảng 2-3 bài/năm và yêu cầu xuất bản với PGS, GS còn cao hơn nhiều. 
Một điểm bất hợp lý khác của thông tư 18 là yêu cầu về ngoại ngữ với cả người hướng dẫn và NCS. Với người hướng dẫn, thông tư 18 đưa ra những quy định hết sức chung chung, không rõ ràng, không cụ thể hóa bằng các chứng chỉ uy tín. Về phía NCS, để từng bước hội nhập, có năng lực cập nhật thông tin, trao đổi khoa học, NCS cần có trình độ tiếng Anh đủ để đọc, viết và trao đổi, ít nhất là trong phạm vi chuyên ngành của mình, nhưng quy định yêu cầu ngoại ngữ của Thông tư 18 là một bước thụt lùi so với thông tư 08 ban hành năm 2017 – quy định các ứng viên NCS phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL IBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc Chứng chỉ TOEIC từ 500 điểm trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm. Đây là yêu cầu phù hợp nhất là khi tiếng Anh đã được giảng dạy từ cấp tiểu học trên cả nước. 
 
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch, sau khi luận án được thông qua, danh tính của các thành viên hội đồng, người tham gia phản biện cần phải được công bố trên bìa của luận án. Điều này sẽ góp phần tăng tính trách nhiệm, công tâm của các thành viên đánh giá chất lượng của luận án. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của những thành viên này, nhất là trong trường hợp sau khi luận án được thông qua lại bị phát hiện tình trạng đạo văn, kém chất lượng. Cũng cần lưu ý là người hướng dẫn, phản biện, thành viên hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ ở Việt Nam được trả tiền để hỗ trợ nghiên cứu sinh, điều ít thấy ở các cơ sở đào tạo nước ngoài.
 
***
Có ý kiến lo ngại về việc khó tìm đủ người có năng lực và kinh nghiệm công bố quốc tế tham gia đào tạo trong các ngành nhân văn bởi đa phần các GS, PGS gạo cội chưa có công bố quốc tế. Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề lớn. Từ năm 2000 đến nay, đã có hàng nghìn nhà khoa học khối nhân văn được cử ra nước ngoài học NCS và phần lớn đã trở về nước, đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Đa phần họ đã có xuất bản quốc tế, trình độ ngoại ngữ tương đối tốt, hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc giảng dạy, hướng dẫn NCS. Họ chính là lực lượng có nhiệm vụ thổi luồng gió mới vào việc nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Vấn đề đặt ra là làm sao để thu hút tối đa lực lượng này tham gia vào việc đào tạo tiến sỹ bởi theo quan sát của tôi, lực lượng này dường như vẫn chưa được trao nhiều cơ hội trong một môi trường “trọng xỉ”.
 
Với yêu cầu xuất bản trong nước, quy định tối thiểu NCS chỉ cần đạt tổng 2 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định nhưng theo tôi các trường cần cụ thể hóa hơn. Để đạt được điểm quy định trên, NCS chỉ phải công bố từ 2 -3 bài trên các tạp chí chuyên ngành. Các trường cần có quy định bắt buộc 1 bài trong số đó phải tổng hợp, phân tích, đánh giá những vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu liên quan đến chủ đề luận án mà nghiên cứu sinh đang theo đuổi. Điều đó có nghĩa NCS phải đọc và tổng kết được những quan điểm chính liên quan đến nội dung đề tài của mình, vốn đã được giới học giả trong và ngoài nước đề cập đến. Yêu cầu này giúp NCS có được phông kiến thức cần thiết để triển khai, phát triển, sáng tạo thêm cho nghiên cứu của mình. Ở nhiều trường đại học trên thế giới, chương tổng quan đóng vai trò hết sức quan trọng, nó phản ánh năng lực tổng hợp, phân tích, tư quy phản biện và phông kiến thức của NCS. Đáng tiếc, ở nhiều cơ sở đào tạo trong nước, phần tổng quan thường được viết hết sức hời hợt, chiếu lệ, mang tính liệt kê hơn là phân tích, đánh giá, so sánh.

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)