Đầu ra cho các nghiên cứu KHXH&NV
GS.TS Trần Ngọc Vương (Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các vấn đề lý thuyết về KHXH&NV chủ yếu phục vụ cho các lĩnh vực công ích, các tổ chức/cơ quan quản lý nhà nước, xã hội, chứ không phải doanh nghiệp, nên các tổ chức/cơ quan đó phải có trách nhiệm khai thác, sử dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV.
Rồi còn việc thẩm định đề tài, về nguyên tắc là phải độc lập và kín, nhưng thường xuyên các chủ đề tài lại biết ai thẩm định mình và theo quán tính, họ sẽ xoay xở. Sự quen biết, tình nghĩa theo kiểu làng xã khiến những người thẩm định đề tài rất khó ăn nói, khó trả lời một cách vô tư, lạnh lùng. Sự cả nể trên thế giới đâu cũng có nhưng ở những nước tâm lý làng xã đậm quá thì mặt trái của nó càng bộc phát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ còn có những đòi hỏi rốt ráo hơn đòi hỏi về sự minh bạch, đó là trình độ của giới nghiên cứu, mà ở đây tôi chỉ xin đề cập giới nghiên cứu KHXH&NV. Có thể nói, nguồn nhân lực cho các ngành KHXH&NV hiện nay ngày càng có xu hướng thu hẹp và kém tinh hơn trước. Khoảng vài chục năm nay, do quá trình chuyển đổi xã hội, các bậc phụ huynh muốn hướng con em mình đến những ngành nghề dễ kiếm việc làm và có thu nhập khả dĩ, bởi vậy, nguồn tinh hoa phổ thông được hướng vào một số trường thỏa mãn mong muốn chính đáng đó của các bậc phụ huynh mà hầu hết các trường KHXH&NV không thể đáp ứng được. Thế nên dù có năng lực, năng khiếu, ngay từ nhỏ, các em vẫn bị gia đình lái ra khỏi các lĩnh vực KHXH&NV. Lối thi cử theo lối học thuộc cũng góp phần làm cho việc tuyển sinh vào các ngành KHXH&NV trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, cách đây mấy chục năm, những người vào được khoa Văn của ĐH Tổng hợp cảm thấy vinh dự không kém gì những người vào được khoa Toán của trường này và sinh viên các khoa đó phần lớn đều tự tin, chủ động với tương lai của mình.
Tình trạng này xuất phát từ thực tế, mặc dù các ngành KHXH&NV xa gần, ít nhiều đều liên quan đến các chính sách xã hội và chính trị nhưng các viện/trường chịu trách nhiệm về các ngành KHXH&NV lại không thường xuyên được tham gia sâu vào quá trình giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh hay những vấn đề hàng đầu về phát triển quốc gia. Các vấn đề lý thuyết về KHXH&NV chủ yếu phục vụ cho các lĩnh vực công ích, các tổ chức/cơ quan quản lý nhà nước, xã hội, chứ không phải doanh nghiệp, nhưng lại chưa được các tổ chức/cơ quan đó khai thác và sử dụng. Bởi vậy không có nhiều cơ hội tốt về công ăn việc làm cho những người theo đuổi ngành KHXH&NV. Dễ hiểu vì sao ngày nay người ta không thể thấy ở giới nghiên cứu KHXH&NV niềm tự hào, thậm chí tự phụ, “kiêu khí” như ở ngành IT hay các ngành được tiếng là “hot” khác. Việc đãi ngộ thông qua thu nhập từ nghiên cứu khoa học cho những người thực sự tài năng trong các khoa học tự nhiên và kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay đã ít nhiều được cải thiện, nhưng “người tài” trong KHXH&NV, dù số lượng ngày càng ít, tỷ lệ ngày càng thấp, thì “thân phận” xem ra cũng chưa thấy khá hơn.
Để giải quyết bài toán này, Nhà nước phải có những thay đổi rõ rệt về chính sách, các tổ chức/cơ quan nhà nước phải trở thành nơi sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu KHXH&NV, và các nhà nghiên cứu KHXH&NV phải được tham gia sâu hơn vào các quyết sách của nhà nước. Theo như tôi được biết, nước Mỹ chi hàng chục tỷ USD để mời các trí thức hàng đầu phản biện, phê phán các chính sách của liên bang, nói ngoa một chút là “chửi được trả tiền”. Ở Việt Nam, một số người trong chúng tôi cũng được hỏi ý kiến đấy, nhưng bao giờ cũng kèm theo câu chốt, “nói là việc của các anh, còn sử dụng đến đâu là trách nhiệm của chúng tôi”. Những ý kiến đóng góp của chúng tôi rất ít khi được công bố rộng rãi, bởi vậy tôi từng bị các đồng nghiệp cảnh báo, “cẩn thận kẻo anh bị biến thành vật trang trí đấy”.
TT ghi