Đầu tư bền bỉ của chính phủ
Dù vẫn bị coi là “thực dụng kiểu Mỹ” nhưng các chính sách đầu tư cho khoa học cơ bản thông qua các quỹ như National Science Foundation (NFS), National Institutes of Health (NIH)… cho thấy, điều làm nên sức mạnh của nền khoa học hàng đầu thế giới này là sự tài trợ bền bỉ và hào phóng của chính phủ.
Ít ai biết rằng, xuất phát từ các nghiên cứu cơ bản đầu tiên với các nhà khoa học máy tính Terry Winograd và Hector Garcia-Molina ở Đại học Standford, Larry Page và Sergey Brin đã thành lập và phát triển Google.
Trên thế giới, giữa các quỹ đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản, đều do chính phủ tài trợ như Norges forskningsråd (NFR) của Na Uy, Danmarks Frie Forskningsfond (DFF) của Đan Mạch, Fonds voor Wetenschappelijk Onderzoek – Vlaanderen (FWO) của Khối Flander – Bỉ, hay Czech Science Foundation (GACR) của Cộng hòa Séc, thì NSF là quỹ ở tầm quốc gia có tổng kinh phí đầu tư bậc nhất. Được thành lập năm 1950, một trong các tiêu chí chính của NSF là thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học, hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản để tạo ra các tri thức có thể thay đổi tương lai. Đây cũng là một tiêu chí cao nhất và giữ vững gần như xuyên suốt lịch sử của NSF. Mặc dù là một Quỹ nghiên cứu khoa học độc lập nhưng ngân sách của NSF đến từ Ngân sách Liên bang. Ngân sách hằng năm của NSF khoảng trên dưới 8 tỉ USD, chiếm tổng số khoảng 24% toàn bộ các nghiên cứu cơ bản do các Bang và Liên bang tài trợ. Chi phí quản lý của NSF rất ít, chỉ khoảng 6% tổng kinh phí, còn lại 94% số tiền trên sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nghiên cứu.
Hằng năm, NSF tài trợ khoảng 10,000 hồ sơ, 30.000 giáo sư, nghiên cứu viên sau tiến sỹ (postdoc), nghiên cứu sinh, và sinh viên. 72,186 nghiên cứu do NSF tài trợ được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế năm 2018 (theo số liệu của Web of Science, tra cứu ngày 29/07/2019). 236 nhà khoa học nhận tài trợ của NSF đã được giải Nobel: vật lý 69, hóa học 61, y học 49, kinh tế 57 (xem thêm thông tin tại https://www.nsf.gov/news/news_summ.jsp?cntn_id=100683).
1. Intellectual merit
2. Khả năng mở rộng kiến thức cho nhân loại
3. Mức độ ảnh hưởng rộng
4. Khả năng mang lại lợi ích cho xã hội
5. Có khả năng đạt được những thành quả cụ thể cho xã hội.
NSF sẵn sàng hỗ trợ các nghiên cứu ở những lĩnh vực mới, những nghiên cứu có độ rủi ro cao và những nghiên cứu cần sự hợp tác đa ngành. Những nghiên cứu được NSF tài trợ không chỉ hướng đến mang lại những đột phá về tri thức và đóng góp cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới.
Chính phủ Mỹ là nhà đầu tư bền bỉ của NSF bởi ở cả Mỹ và nhiều nước, rất khó huy động kinh phí cho nghiên cứu cơ bản từ các nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp bởi các nguồn đầu tư này thường đòi hỏi có sản phẩm đầu ra có khả năng ứng dụng càng nhanh càng tốt. Thậm chí ngay cả đầu tư cho khoa học ứng dụng, nhà nước vẫn phải tham gia tài trợ. Ví dụ, Na Uy có một quỹ tư nhân rất lớn đó là Fiskeri- og havbruksnæringens forskningsfinansiering (gọi tắt là FHF) tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nhưng trên thực tế, FHF là một công ty TNHH nhà nước thuộc sở hữu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản, và được ngành công nghiệp tài trợ thông qua một khoản 0,3 % thuế xuất khẩu thủy sản Na Uy. Mục tiêu của FHF là tạo ra giá trị gia tăng cho ngành thủy sản thông qua nghiên cứu và phát triển (Research and Development). FHF thường “đặt hàng” và cấp kinh phí cho các nghiên cứu mang tính ứng dụng, giải quyết các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp thủy sản của Na Uy.
NSF tài trợ cho những nghiên cứu cơ bản mà các nhà đầu tư tư nhân thường hiếm khi bỏ tiền, bởi sẽ không nhìn thấy hiệu quả đầu tư hay ứng dụng ngay lập tức. Hình ảnh cho thấy sự thay đổi về tình hình lũ lụt ở Carolina, được trích rút từ một nghiên cứu của viện Hải dương học (Institute of Marine Sciences), do NSF tài trợ. Nghiên cứu này khảo sát dữ liệu lịch sử trong vòng 120 năm để chỉ ra tình trạng lũ lụt, ngày càng tồi tệ hơn do liên quan tới biến đổi khí hậu, được xuất bản trên tạp chí Scientific Reports.
Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản có nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách quốc gia và không có điều kiện đòi hỏi đầu tư ngược từ thành quả của các nghiên cứu. Tuy nhiên, sau gần 70 năm đầu tư cơ bản, NSF đã cho thấy sự đúng đắn trong chính sách của mình thông qua hiệu quả đầu tư khoa học mang lại tác động lâu dài cho xã hội (return on investments – return on investment – ROI). Một trong những ví dụ nổi tiếng liên quan đến hai nhà sáng lập của Google, Larry Page và Sergey Brin. Hai ông từng là sinh viên làm việc trong đề tài NSF tài trợ cho Đại học Stanford năm 1994 do hai giáo sư Terry Winograd và Hector Garcia-Molina là chủ trì. Tổng số tiền tài trợ cho đề tài khoa học này là 4.5 triệu USD (https://www.nsf.gov/discoveries/disc_summ.jsp?cntn_id=100660). Từ các nghiên cứu đầu tiên của Larry Page và Sergey Brin trong đề tài khoa học này, họ đã thành lập và phát triển Google. 25 năm tính từ thời điểm nghiên cứu đầu tiên được thực hiện, Google hiện nay có giá trị lên tới trên 1240 tỉ USD và tạo việc làm cho trên 100,000 người.
NAFOSTED hiện đang được tổ chức và vận hành rất tương đồng với các quỹ khoa học quốc gia của các nước phát triển. Mô hình đúng đắn này cần được mở rộng cho các quỹ nghiên cứu khoa học của Việt Nam (mặc dù vẫn còn vài điểm cần cải thiện như quá trình quản lý tài chính của NAFOSTED có thể đơn giản hơn để giảm nhiều thời gian cho các nhà khoa học và tăng thời gian cho họ tập trung vào nghiên cứu).
Thực tế trên thế giới cho thấy, không quốc gia nào có một con đường phát triển nền công nghiệp vững chắc và sở hữu những công nghệ tiên tiến lại có nền khoa học cơ bản yếu kém. Quan điểm đầu tư trực tiếp vào các nghiên cứu ứng dụng có thể thu hồi nhanh vốn nghiên cứu khoa học và thành công tức thời không sai. Tuy nhiên, nếu đây là chiến lược chủ đạo trong nghiên cứu khoa học mà thiếu chiều sâu về các đầu tư nghiên cứu cơ bản thì giống như xây nhà từ nóc hoặc xây lâu đài trên nền móng bằng cát. Kỹ thuật và công nghệ hiện đại đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt, việc làm chủ một kỹ thuật hay công nghệ hiện đại chỉ có thể đảm bảo thành công tức thời nhưng sẽ trở nên lạc hậu sau năm, mười năm. Không có nền tảng khoa học cơ bản đủ tốt thì rất khó có khả năng thích ứng với sự thay đổi về công nghệ và kỹ thuật. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư cho tương lai, nó là sự nghiệp của 10 năm, 100 năm xây dựng nền khoa học của một đất nước. □
—–
Tài liệu tham khảo
Các thông tin về NSF được tham khảo và tổng hợp trực tiếp từ website của NSF (https://nsf.gov/ ).
(1) https://www.forskningsradet.no/en/footer/tildelingsbrev/
(2) https://tradingeconomics.com/norway/gdp
(3) https://www.fhf.no/fhf/about-fhf-english/