Đầu tư cho những gì thật sự thiết thực
Chúng ta đều biết trong thực tế đang tồn tại tình trạng có những thiết bị đắt tiền phục vụ nghiên cứu khoa học không được sử dụng đúng mức, thậm chí hoàn toàn bị đắp chiếu. Trong bối cảnh hiện nay khi lẽ ra các nguồn lực dành cho nghiên cứu phải được đầu tư cẩn trọng và quản lý nghiêm ngặt, thì sự lãng phí tiền của như vậy là điều không thể chấp nhận. Là nhà khoa học, chúng ta có trách nhiệm lo ngại về vấn đề này.
Sẽ là vô trách nhiệm nếu ta không quan tâm, gây ra ấn tượng xấu trong công chúng về những yếu kém, hoặc thậm chí cả tệ tham nhũng trong giới KH&CN. Vậy chúng ta phải làm gì để những sai phạm như vậy không tái diễn?
Trong nhiều trường hợp, chuyện thường gặp là lãnh đạo một đơn vị KH&CN nào đó, nhận thấy khả năng xin được kinh phí nhà nước, và bằng cách này hay cách khác, đưa ra quyết định mua sắm thiết bị mà ông ta tin rằng sẽ giúp gia tăng uy tín của đơn vị mình và tạo cơ hội để thu hút các nhà khoa học trẻ.
Tuy nhiên, lẽ ra quy trình đưa ra những quyết định như vậy không nên theo chỉ đạo từ trên xuống, mà phải theo ý kiến đề xuất từ dưới lên. Cách làm đúng ở đây là phải một cộng đồng các nhà khoa học – không nhất thiết đông người mà có thể chỉ cần một nhóm nhỏ – đề xuất đơn vị mua về một thiết bị mới, kèm theo đó là văn bản nêu rõ các luận cứ, ý nghĩa, tầm quan trọng của thiết bị này. Nội dung văn bản ấy phải được công khai, cho phép các cá nhân và cộng đồng các nhà khoa học khác có cơ hội được thông tin và bày tỏ ý kiến riêng. Trong trường hợp đó là một thiết bị đòi hỏi nguồn lực lớn dành cho việc mua sắm, khai thác, hay bảo dưỡng, thì việc mua thiết bị này phải được đem ra thảo luận trước các cơ quan, tổ chức KH&CN hữu quan, và cần tham vấn ý kiến các chuyên gia nước ngoài.
Như tôi vẫn thường nhận xét trong các bài báo liên quan tới chủ đề này, chúng ta trước hết cần ưu tiên đầu tư cho chất xám hơn là đầu tư vào trang thiết bị. Một thiết bị tối tân bóng bẩy liệu có giá trị gì nếu chẳng ai sử dụng đến nó? Lẽ ra, chúng ta cần dành kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo trong nước, xây dựng những nhóm nghiên cứu có năng lực để thu hút các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo từ nước ngoài và tận dụng tốt nhất tri thức, kỹ năng của họ. Chúng ta cần dành kinh phí tạo điều kiện thu hút tài năng trẻ tham gia các dự án khoa học quan trọng trong các ngành năng lượng, vũ trụ, điện tử công nghệ cao, tin học, di truyền học, v.v, thay vì để cho chất xám thế hệ trẻ tập trung hết vào một vài ngành như ngân hàng, tiếp thị. Chúng ta cần kinh phí để tăng lương cho các nhà nghiên cứu làm khoa học đích thực, tránh để họ vì mưu sinh mà phải lãng phí thời gian vào các nghề tay trái cho thu nhập cao hơn.
Gần đây, tôi được đọc một báo cáo về lĩnh vực ứng dụng phóng xạ trong y tế của bác sỹ, giáo sư Mai Trọng Khoa1, phê phán tình trạng “thiếu bác sỹ và kỹ sư y tế, thiếu kiểm soát chất lượng và bảo dưỡng đối với các thiết bị bức xạ và suy trình sản xuất thuốc có phóng xạ, thiếu đào tạo một cách bài bản cho đội ngũ làm thuốc có phóng xạ.” Kiến nghị của vị bác sỹ này là gì? Mua sắm một máy siêu gia tốc cyclotron mới? Một cơ cở chiếu xạ để điều trị khối u ung thư? Không, đây là một người có trách nhiệm, đưa ra kiến nghị cho những gì mà ông biết là thiết thực cho việc đào tạo bác sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, y tá trong lĩnh vực này: cấp học bổng, tổ chức các lớp học ngắn hạn, tọa đàm khoa học, chương trình trao đổi chuyên gia, các khóa đào tạo, tổ chức các nghiên cứu liên trung tâm, v.v.
Công chúng cũng như Nhà nước luôn mong chờ ở cộng đồng các nhà khoa học sự nghiêm khắc, chuẩn mực, và sự quản lý một cách phù hợp đối với các nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học. Là những nhà khoa học, chúng ta không được quên điều này, và cần hành xử có trách nhiệm nếu thật sự muốn giành được lòng tin và sự ủng hộ.
Thanh Xuân dịch
—————-
1Pr. MD PhD Mai Trong Khoa, Final report of Vietnam National Project Coordinator, Kathmandu, Nepal, 28-29 Novemner 2013, http://www.rcaro.org/ attach/filedownloads/do_dwn/no/16571.