Để các nhà khoa học trẻ toàn tâm toàn ý nghiên cứu

Nhân cuộc gặp giữa Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ sẽ được Bộ KH&CN tổ chức vào đầu tháng Chín, Tia Sáng đã có buổi trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Quân về việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là tạo ra một mô hình tổ chức nghiên cứu áp dụng những thông lệ quốc tế cho phép các nhà khoa học trẻ có thể “toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu”.

Trước hết, xin Bộ trưởng cho biết mục đích của cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ?

Có thể nói dư luận xã hội trong nhiều năm gần đây thường có những đánh giá chưa thật toàn diện, khách quan về những thành tựu của nhà khoa học Việt Nam, trong đó có những nhà khoa học trẻ, mặc dù trên thực tế, họ có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Tiếp nối thành công của buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Chính phủ với các nhà sáng chế không chuyên tổ chức vào tháng Năm vừa qua, chúng tôi muốn tiếp tục tổ chức buổi gặp gỡ tương tự với các nhà khoa học trẻ xuất sắc. Đó là những người dưới 35 tuổi, có những thành tựu trong nghiên cứu khoa học như: có các công bố quốc tế trên các tạp chí ISI uy tín, có sáng chế đăng kí trong nước hoặc nước ngoài, giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước, hoặc mang lại nhiều lợi ích cho xã hội trong việc tham gia các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và cấp Quốc gia. Qua những tấm gương sáng đó, chúng tôi muốn xã hội có cái nhìn khách quan toàn diện hơn về vai trò và sự đóng góp của các nhà khoa học trẻ đối với sự phát triển của đất nước; đồng thời tôn vinh, khích lệ họ tiếp tục theo đuổi con đường lao động sáng tạo.

Ngoài ra, qua buổi gặp, chúng tôi cũng mong muốn các nhà khoa học trẻ đề đạt trực tiếp các tâm tư, nguyện vọng đến Thủ tướng và các vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ. Tôi tin rằng cuộc gặp gỡ, trao đổi cởi mở, dân chủ như vậy sẽ rất hữu ích cho tiến trình hoàn thiện các cơ chế, chính sách KH&CN, tạo cho các nhà khoa học trẻ một môi trường làm việc thuận lợi, để họ có thể toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu.

Qua những buổi tiếp xúc với các nhà khoa học trẻ và các nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước, điều gì khiến Bộ trưởng cảm thấy ấn tượng và tâm đắc nhất?

Trong một số chuyến công tác, điều tôi dễ nhận thấy ở các bạn trẻ Việt Nam đang làm việc ở Silicon Valley, các tập đoàn lớn của Mỹ, hay các bạn trẻ đang học tập, nghiên cứu ở Canada, cũng như các bạn trẻ đang hoạt động trong viện nghiên cứu và các trường đại học ở Việt Nam, đó là tầm trí tuệ và sự năng động của họ. Vì thế có rất nhiều bạn trẻ đã được nhận vào làm việc ở các tập đoàn lớn của thế giới như Microsoft, Google, Facebook, Yahoo, Apple và được đánh giá rất tốt. Ở Silicon Valley, một số bạn trẻ thành công và dần được nắm giữ những vị trí quan trọng trong những tập đoàn lớn của Mỹ. Có những nhóm bạn trẻ đã làm được sản phẩm uy tín quốc tế cao, ví dụ như sản phẩm Misfit được xếp hạng là một trong 10 sản phẩm công nghệ tiêu biểu của Mỹ năm 2013. Còn ở trong nước, ngày càng có nhiều nhà khoa học trẻ được giao làm chủ trì, chủ nhiệm các đề tài cấp Nhà nước, các chương trình trọng điểm cấp Quốc gia. Đặc biệt số nhà khoa học trẻ được tài trợ kinh phí nghiên cứu từ quỹ Nafosted đã góp phần đáng kể vào sự phát triển vượt bậc trong nghiên cứu cơ bản của Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhưng thưa Bộ trưởng, vì sao với tiềm năng lớn như vậy, vai trò, vị thế của các nhà khoa học trẻ dường như còn khá mờ nhạt trong nền KH&CN Việt Nam?

Theo tôi, có một số nguyên nhân chính sau:

Từ nhiều năm nay, không ít người được đào tạo ở nước ngoài đã ở lại hoặc tìm đến những nước có nền KH&CN phát triển để nghiên cứu và làm việc. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn FDI cũng thu hút một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu và các trường đại học. Chính vì vậy, ở các tổ chức nghiên cứu công lập của nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ giỏi ở độ tuổi từ 40 – 55 là rất ít. Tình trạng này đang dần được cải thiện do có một số đổi mới trong hệ thống quản lý GD&ĐT, KH&CN và kinh tế – xã hội, nhiều bạn trẻ tâm huyết với đất nước cũng trở lại làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập cùng với việc chúng ta khuyến khích thành lập các tổ chức KH&CN ngoài nhà nước.

Chúng ta vẫn chưa tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học nói chung và giới trẻ nói riêng do còn bị “ám ảnh” nặng nề của hệ thống quản lí cũ. Những người trẻ không có nhiều cơ hội để tiếp cận các chương trình KH&CN các cấp, các tài trợ của Nhà nước và xã hội cho hoạt động nghiên cứu và cũng chưa có chính sách, cơ chế bảo đảm thu nhập xứng đáng từ lao động trí tuệ của họ.

Nhận thức và sự quan tâm của xã hội dành cho KH&CN còn ở mức rất thấp. Vì vậy các nhà khoa học trẻ chưa có điều kiện để giới thiệu và ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình trong sản xuất kinh doanh trong nước. Không ít công nghệ của họ không được sử dụng ở Việt Nam nhưng lại được chào đón ở nước ngoài.

Do tâm lý nể nang các nhà khoa học “đàn anh”, cùng với các tiêu chí cứng nhắc hình thức như bề dày kinh nghiệm, có học hàm, học vị trong công tác xét duyệt các đề tài khoa học, nên đa số các đề tài dự án lớn chỉ được trao cho những nhà khoa học “cây đa cây đề” về lĩnh vực ấy, dù trong số các đề tài, dự án đó, nhiều nhà khoa học trẻ hoàn toàn có đủ điều kiện làm chủ nhiệm. Ngoài ra, không ít nhà quản lý khoa học vẫn quan niệm nhà khoa học trẻ là “trẻ người non dạ” nên chưa tin tưởng trao cho họ thực hiện những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm do Nhà nước tài trợ. Các hạn chế này khiến các nhà khoa học trẻ khó thể hiện được tài năng của mình.

Nhiều cán bộ trẻ từng có thời gian dài làm việc và học tập trong môi trường năng động, sáng tạo ở một số quốc gia có nền KH&CN phát triển, thường hòa nhập khó khăn với môi trường làm việc trong nước có sức ì rất lớn. Theo Bộ trưởng, giải pháp đột phá nào có thể phá vỡ sức ì này?

Ngoài việc xây dựng các hệ thống cơ chế chính sách mới làm thay đổi toàn diện hệ thống quản lí KH&CN trong nước theo xu hướng tiếp cận với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế thì Bộ KH&CN rất muốn xây dựng một số tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến tương tự với tổ chức KH&CN của các nước phát triển với những điều kiện làm việc tốt nhất. Việc Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập viện nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc (V-KIST) là một trường hợp như vậy. Viện đó sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong 10 năm đầu để đáp ứng nhu cầu phát triển cả về xây dựng cơ bản cũng như nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ của viện. Sau đó, viện sẽ tồn tại và phát triển dựa vào hợp đồng nghiên cứu với các tập đoàn trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng đang cùng Bộ Tài chính xây dựng quy chế tài chính phù hợp với quy mô và đặc thù của V-KIST để những nhà khoa học ở đây có thể “toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu” với điều kiện làm việc tối ưu: phòng thí nghiệm hiện đại, các đồng nghiệp có cùng trình độ và cùng chí hướng, và điều kiện sinh hoạt đảm bảo cả về thu nhập và ăn ở đi lại, tương đương với một số viện tiên tiến ở các nước trong khu vực.

Một khi V-KIST thành công, thì những kinh nghiệm trong xây dựng và hoạt động của V-KIST sẽ được nhân rộng áp dụng ở các tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam để chúng ta có được một hệ thống các tổ chức KH&CN, viện, trung tâm nghiên cứu có tính tự chủ cao hoạt động theo cơ chế hợp đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội. Chắc chắn hệ thống các tổ chức KH&CN như vậy sẽ là môi trường tốt nhất cho hoạt động sáng tạo của các nhà nghiên cứu trẻ.

Xin Bộ trưởng cho biết tầm nhìn dài hạn của Nhà nước trong phát triển nguồn lực nhà khoa học trẻ tuổi?

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012, Hội nghị TW6, khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, là chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ và một trong ba đối tượng cần “có chính sách trọng dụng đặc biệt” là các cán bộ KH&CN trẻ tài năng (bên cạnh cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia)

Vì vậy khi xây dựng luật KH&CN 2013 trình Chính phủ và Quốc hội, Bộ KH&CN đã đưa ra một điều khoản về chính sách trọng dụng và sử dụng các cán bộ trẻ tài năng. Mới đây, trong Nghị định 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định việc sử dụng, trọng dụng các cá nhân hoạt động KH&CN cũng có nhiều nội dung liên quan đến cán bộ trẻ như: giao cho họ quyền tự chủ cao; tạo điều kiện cho họ tiếp cận, tham gia các chương trình KH&CN cấp quốc gia, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu thuộc Quỹ Đổi mới KH&CN Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho họ tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Bộ KH&CN cũng đã kết hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ xây dựng một thông tư liên tịch để hướng dẫn chi tiết Nghị định 40/2014/NĐ-CP nhưng chưa ban hành được vì chưa đạt được sự đồng thuận cao. Chúng tôi đang thúc đẩy để ban hành sớm thông tư này vì nó bao gồm những chính sách rất cụ thể về tài chính, tổ chức, biên chế, sẽ có tác dụng rất mạnh đối với việc thúc đẩy các cán bộ trẻ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu trong các tổ chức KH&CN công lập.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Do tâm lý nể nang các nhà khoa học “đàn anh”, cùng với các tiêu chí cứng nhắc, hình thức như bề dày kinh nghiệm, có học hàm, học vị trong công tác xét duyệt các đề tài khoa học, nên đa số các đề tài dự án lớn chỉ được trao cho những nhà khoa học “cây đa cây đề” về lĩnh vực ấy, dù trong số các đề tài, dự án đó, nhiều nhà khoa học trẻ hoàn toàn có đủ điều kiện làm chủ nhiệm. Bên cạnh đó, không ít nhà quản lý khoa học vẫn quan niệm nhà khoa học trẻ là “trẻ người non dạ” nên chưa tin tưởng trao cho họ thực hiện những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm do Nhà nước tài trợ.


Nhóm phóng viên  thực hiện

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)