Di chỉ KCH Vườn Chuối: Một khoảng trống trong thực thi luật di sản

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối rất quan trọng trong hệ thống các di tích khảo cổ học tiền Đông Sơn cho tới Đông Sơn ở phía Bắc. Đây là một địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội mà hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền-sơ sử, đã qua 8 lần khai quật... nhưng chưa được xếp hạng và sắp bị xóa sổ.

Đã qua tám lần khai quật

Vườn Chuối là tên gọi của một di chỉ nằm trong một phức hợp các di tích khảo cổ học tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức có niên đại đặc biệt với thành phố Hà Nội, đánh dấu sự có mặt của con người trên địa bàn Hà Nội ít nhất cũng từ 3500-2000 năm cách ngày nay. Đó là một dấu mốc đặc biệt hiếm hoi với lịch sử Hà Nội. Nếu xét về mặt văn hóa khảo cổ học trên cả nước thì phức hợp di chỉ này có niên đại từ giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên, cho tới Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và sau Đông Sơn. Đó là các di chỉ: Gò Mỏ Phượng, Gò Rền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy và Gò Vườn Chuối. Trong số phức hợp di chỉ khảo cổ này, Gò Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất.

Địa điểm Vườn chuối đã được phát hiện đầu tiên vào năm 1969 và cho tới nay di chỉ Vườn Chuối đã trải qua tám đợt khai quật, đó là các cuộc khai quật trong các năm: 1969, 12/2001, 12/2009, tháng 6 – 7/2011, tháng 12/2011, tháng 12/2012, tháng 12/2013 và mới nhất gần đây là tháng 12 năm 2014. Báo cáo kết quả khai quật của những lần khai quật ở Vườn Chuối đều đã được lưu giữ ở các cơ quan quản lý về di sản văn hóa, và lưu ở thư viện khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN). Trước hết, chúng tôi muốn lưu ý rằng, khu vực khảo cổ học Vườn Chuối cùng với các di chỉ khảo cổ học liền kề thuộc địa phận thôn Lai Xá là rất quý và hiếm với thành phố Hà Nội nói riêng và quốc gia nói chung.

Nguyên vẹn, đầy đủ và có niên đại sớm

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối rất quan trọng trong hệ thống các di tích khảo cổ học tiền Đông Sơn cho tới Đông Sơn ở phía Bắc, bởi vì trong hơn 100 di tích di chỉ khảo cổ học được thống kê có niên đại trong giai đoạn này ở khu vực Hà Nội (từ sau 2008)1 thì chỉ có 2-3 di tích có niên đại cư trú lâu dài hàng ngàn năm. Và Vườn Chuối là 1 trường hợp hiếm như vậy. Khu vực Vườn Chuối quý, hiểm và có giá trị đặc biệt bởi:

Có một địa tầng văn hóa dày và kéo dài hơn 1700 năm: Có ba di chỉ trong phức hợp di chỉ này vẫn còn khá nguyên vẹn. Phức hợp các di chỉ khảo cổ này có niên đại kéo dài từ 4000 năm cho đến 1800 năm cách ngày. Các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) đã phát hiện ra 3 tầng văn hóa liên tiếp ở di chỉ này từ văn hóa Đồng Đậu (3500-3000 năm), văn hóa Gò Mun (3000-2500 năm) cho đến văn hóa Đông Sơn (2500-1800 năm) cách ngày nay, thậm chí là thời Bắc thuộc. Đây là một địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội mà hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền-sơ sử. Ngoại trừ di chỉ Đình Tràng nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, rất hiếm có thể tìm ra một di chỉ khảo cổ học tiền-sơ sử nào như khu Vườn Chuối. Mở rộng ra cả khu vực miền Bắc, ở Vĩnh Phúc có một di chỉ khảo cổ tiền sử khác đã được xếp hạng di sản văn hóa cấp quốc gia là di chỉ Đồng Đậu (thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Vườn Chuối trong so sánh với Đồng Đậu về mặt giá trị nghiên cứu, giá trị lịch sử là tương đương nhau, vậy mà Vườn Chuối không may mắn được các cơ quan quản lý văn hóa chú ý đến như Đồng Đậu và đang có nguy cơ xóa sổ hơn bao giờ hết.

Giá trị của di chỉ khảo cổ học của Vườn Chuối được thể hiện qua những con số: qua tám lần khai quật với diện tích gần 300m2 trong tổng số 1900m2 của di chỉ, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 29 ngôi mộ tiền sử (chủ yếu là mộ thuộc văn hóa Đông Sơn có đồ gốm và vũ khí đồng được chôn theo); gần 15 vạn mảnh gốm cùng với gần 50 hiện vật gốm vỡ và nguyên vẹn; 216 hiện vật bằng đồng; 11 hiện vật bằng sắt; hơn 1000 hiện vật bằng gỗ và nhiều hiện vật bằng xương. Đây là những con số thống kê rất lớn đối với một di chỉ khảo cổ học. Và tất cả các số liệu này mới chỉ là những con số thống kê của di chỉ Vườn Chuối, nếu cộng thêm 4 di chỉ khác là Gò Mỏ Phượng, Gò Chùa Do, Gò Chiền Vậy, Gò Rền Rắn thì số lượng sẽ là rất lớn.

Vài nét về bộ sưu tập các hiện vật

Đồ đá chủ yếu là công cụ sản xuất (như rìu, bôn, chày-bàn nghiền, đục, khuôn đúc đồng bằng đá) và vũ khí (như qua đá và mũi tên đá 3 cạnh). Đồ trang sức đá được phát hiện với số lượng lớn, chủ yếu là vòng đá và khuyên tai được làm từ đá ngọc Nephrite với màu sắc đa dạng. Hiện vật đá ở Vườn Chuối cung cấp tư liệu về nguyên liệu đá và các kỹ thuật chế tác các sản phẩm bằng đá như: ghè đẽo, mài, khoan, cưa, bổ, chuốt bóng, tiện… Cư dân Vườn Chuối đã sử dụng những kỹ thuật đó ở mức độ thành thạo, từ đó tạo ra nhiều loại hình hiện vật có hình dáng đẹp, tính thẩm mỹ cao, trong đó điển hình là các loại đồ trang sức.

Khuyên tai làm từ đá ngọc Nephrite

Đồ gốm được phát hiện với số lượng lớn nhất với rất nhiều đồ dùng sinh hoạt như nồi, bình còn khá nguyên vẹn và hàng trăm nghìn mảnh gốm của các thời kỳ văn hóa khác nhau. Ngoài ra, các loại hình gốm khác như bi gốm cũng được phát hiện với số lượng khá lớn; chân chạc gốm dùng để nấu bếp cùng được phát hiện lẻ tẻ. Các loại hình gốm như nồi, bình, bát,… cùng các motif trang trí hoa văn là những tư liệu sinh động phản ánh đời sống vật chất và thẩm mỹ của người Việt cổ.

Đồ đồng được tìm thấy với loại hình đa dạng. Vũ khí như mũi tên, lao, giáo, dao, tấm che ngực; đồ dùng sinh hoạt chủ yếu là thìa, nồi, móc câu, lưỡi cày, rìu. Các loại hình đồ đồng định hình cùng với xỉ đồng được phát hiện với số lượng lớn là minh chứng của quá trình luyện kim đồng tại khu vực. Đồ sắt được tìm thấy lẻ tẻ và thường trong tình trạng không còn nguyên vẹn khó xác định hình dáng và công năng do bị oxi hóa nặng.

Đồ gỗ là nhóm công cụ tìm thấy khá nhiều, chúng thường được vót nhọn ở một đầu và nhiều hiện vật có hình dáng giống chiếc cọc. Hiện nay chúng tôi chưa thể xác định được công năng của chúng. Dấu vết các loài thực vật họ dâu, xoài, xoan, sen và các loại cây có gai được phát hiện nhiều ở Vườn Chuối. Những dấu tích này giúp ta hình dung ra môi trường tự nhiên của Vườn Chuối xưa.

Đồ xương phát hiện được rất ít, và chúng thường được mài nhọn một đầu và thân có hình ống tròn. Vì số lượng phát hiện hạn chế, hình dạng không phong phú nên các nhà khảo cổ vẫn chưa xác định được công năng sử dụng của chúng.


Cọc gỗ, vòng gỗ

Các loại hình hiện vật được phát hiện ở Vườn Chuối là một nguồn tài liệu có giá trị đối với nghiên cứu và trưng bày bảo tàng. Hiện vật khảo cổ Vườn Chuối là một nguồn tài liệu giá trị cho việc diễn giải lịch sử dân tộc thời tiền sử. Trước hết, đối với khảo cổ học, việc nghiên cứu địa tầng và nghiên cứu chất liệu làm ra hiện vật, nghiên cứu chức năng, hình dáng, kích thước, màu sắc và hoa văn trang trí trên các hiện vật sẽ giúp các nhà khảo cổ phục dựng một cách chính xác đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Việt cổ. Thông qua những dấu vết vật chất khác như xương động vật (như xương voi) và các dấu vết thực vật họ xoan, họ xoài, họ dâu thu được, các nhà khảo cổ phần nào mô tả được bức tranh về môi trường động thực vật thời tiền sử. Cũng giống như con người hiện hiện đại, người Việt thời tiền sử họ cũng phải ăn để sống, cũng phải tạo ra những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày phục vụ nhu cầu ăn uống, nhu cầu thẩm mỹ và đời sống tinh thần. Hơn 50 bình, nồi gốm còn khá nguyên vẹn cùng hơn 15 vạn mảnh gốm và các hiện vật gốm khác như bi gốm, chân chạc gốm cùng hàng trăm mảnh vòng đá, công cụ đá là những chứng cứ vật chất sinh động giúp hình dung đời sống của người Việt cổ. Xung đột và chiến tranh trong xã hội thời tiền sử cũng có thể được phần nào phản ánh qua việc nghiên cứu vũ khí đồng và sắt,…

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề nghiên cứu khác liên quan đến di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vẫn chưa được lý giải như: Đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ ở Vườn Chuối thay đổi như thế nào qua các giai đoạn Đồng Đậu-Gò Mun-Đông Sơn? Nguyên liệu đá ngọc Nephrite quý hiếm được sử dụng để chế tác đồ trang sức ở Vườn Chuối được lấy từ đâu? ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam hay ngay từ thời tiền sử, con người đã có sự giao lưu, trao đổi nguyên liệu với cư dân bên ngoài Việt Nam?2 Hình dáng, chất liệu và hoa văn trang trí của đồ gốm thay đổi và phát triển như thế nào từ giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun cho tới Đông Sơn? Làm sao để phân biệt được gốm qua các thời kỳ sớm-muộn? Sự phân hóa xã hội ở Vườn Chuối được phản ảnh như thế nào qua cách thức mai táng, chôn cất người chết cùng các hiện vật bằng đồng có giá trị? Hiện nay chưa có nghiên cứu tổng thể nào về Vườn Chuối được xuất bản thành sách và đăng trong tạp chí chuyên ngành ngoại trừ các báo cáo khai quật. Do vậy, tư liệu địa tầng và hiện vật ở Vườn Chuối là rất tiềm năng cho nghiên cứu khảo cổ học nói riêng và lịch sử nói chung.

Đối với trưng bày bảo tàng và công tác giáo dục quần chúng, những tư liệu hiện vật và địa tầng ở Vườn Chuối có thể được khai thác nhằm phục vụ nhu cầu tham quan bảo tàng. Các trưng bày chuyên đề riêng về di chỉ Vườn Chuối hay các bộ sưu tập hiện vật Vườn Chuối sẽ cung cấp cho người dân địa bàn Hà Nội những kiến thức và hiểu biết căn bản nhất về đời sống vật chất-tinh thần và những biến đổi xã hội qua các thời kỳ lịch sử. Bảo tàng Hà Nội là đơn vị lưu giữ hiện vật khai quật thu được ở Vườn Chuối, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cuộc trưng bày hoặc chuyên đề trưng bày liên quan đến hiện vật và di chỉ Vườn Chuối được thực hiện. Bên cạnh đó, nhà văn hóa thôn Lai Xá cũng lưu giữ một số hiện vật do người dân địa phương thu được khi canh tác nông nghiệp ở khu vực Vườn Chuối. Sẽ là lãng phí tài nguyên nếu những nguồn tư liệu khảo cổ này không được Bảo tàng Hà Nội và phòng văn hóa địa phương khai thác nhằm đưa di sản đến gần hơn với người dân trên địa bàn thành phố.

Nhìn dưới góc độ quản lý tài nguyên văn hóa hiện đại và nếu coi di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối là một di sản văn hóa thì đây được xem như là một nguồn tài nguyên không thể tái tạo.

… Nhưng chưa được xếp hạng và sắp bị “xóa sổ”

Hiện tại Vườn Chuối đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi dự án Thăng Long 9 (Khu đô thị Kim Chung Di Trạch). Tuy nhiên, theo khoản 2,3 của Điều 37 Luật di sản văn hóa, thì chỉ có những di chỉ thuộc diện quy hoạch khảo cổ (tức là được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa bàn Hà Nội) mới được thăm dò, khai quật trước khi triển khai dự án.

Một thực tế khác là mặc dù được khai quật nhiều đợt từ năm 1969 đến năm 2001, nhưng Vườn Chuối vẫn chưa được xếp hạng di tích ở bất cứ cấp độ nào (cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt). Như vậy, Vườn Chuối không thuộc diện Quy hoạch khảo cổ của địa bàn Hà Nội vì không nằm trong danh mục kiểm kê di tích. Và vì không thuộc diện Quy hoạch và không có trong mục kiểm kê di tích nên nghiễm nhiên Vườn Chuối bị máy ủi, máy xúc san phẳng không thương tiếc. Và nếu không có việc phát hiện ngôi mộ cổ và rất nhiều mảnh gốm và hiện vật đá được phát hiện trong quá trình san lấp mặt bằng của máy ủi tại Vườn Chuối năm 2010 của các cán bộ trường Đại học KHXH &NV (ĐHQGHN) cùng với sự phản ánh của báo chí truyền thông thì có lẽ đã không có cuộc khai quật vào tháng 6-7 năm 2011 ở Vườn Chuối (với 300m2) diễn ra với kinh phí và cấp phép từ phía Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấp phép. Mặc dù đây là cuộc khai quật lớn nhất, nhằm mục đích đánh giá quy mô, giá trị và diện tích phân bố của di chỉ Vườn Chuối làm cơ sở cho việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích nhưng sau khai quật cho tới nay, Vườn Chuối vẫn không được công nhận là di tích, và không có trong danh mục kiểm kê di tích.

Những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra, viết tâm thư từ trước đợt khai quật năm 2011 đến nay vẫn còn nguyên vẹn, đó là: Những người làm quản lý văn hóa đã ở đâu? Đã làm gì để bảo vệ di sản? Vì sao Vườn Chuối là một di chỉ quan trọng nhưng vẫn chưa được công nhận, xếp hạng và có chủ trương bảo tồn?

Một số hiện vật phát hiện được tại di chỉ Vườn Chuối:


Nồi gốm

Các mảnh của khuôn đúc đồng

 

Mũi tên, mũi lao

Rìu, đục, dao và kiếm

Rìu, bôn bằng đá

Bức ảnh này chỉ rõ: có 2 tầng văn hóa trong 1 hố khai quật năm 2013. Tầng văn hóa Đông Sơn nằm phía trên. Tầng Văn hóa Gò Mun nằm phía dưới.

Nguồn ảnh trong bài: Nguyễn Huy Nhâm.

———-
Chú thích:
1 Số liệu thống kê tính đến năm 2011.
Bản đồ thống kê các di tích khảo cổ thời kỳ kim khí, nguồn từ Nguyễn Đức Chung, Ban Quản lý danh thắng Hà Nội.
2 Theo những nhà nghiên cứu địa chất, các mỏ đá này phân bố tập trung ở một số vùng ở Trung Quốc như Tân Cương, Thượng Hải, Thành Đô, Đài Loan…Ở Việt Nam tới nay chưa tìm thấy được mỏ đá ngọc. Tuy nhiên, trong những mỏ đá vôi ở vùng Thủy Nguyên, Hải Phòng, Hoành Bồ, Đông Triều (Quảng Ninh) hay vùng núi Tây Bắc Việt Nam…có khả năng cũng có các mỏ đá ngọc.

Tác giả

(Visited 71 times, 1 visits today)