Đoạn tuyệt bắt chước và phát huy sáng tạo
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở những nước chuyên sao chép công nghệ chú trọng đến nghiên cứu, sáng chế sản phẩm. Tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi, cả doanh nghiệp và chính phủ đều ý thức được rằng: muốn phát triển bền vững phải sáng tạo.
Từ 1997, chi cho nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ tăng hàng năm là 7%, còn chi cho nghiên cứu của Mỹ chỉ tăng 1%/năm. Theo nghiên cứu của Hội đồng khoa học Anh thì trong năm tới các nhà khoa học Trung Quốc sẽ có nhiều bài báo được công bố hơn so với Mỹ, đến năm 2020, xuất bản phẩm khoa học của Brazil có khả năng sẽ vượt Nhật Bản.
Bản đồ thế giới về công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ khi Trung Quốc xây dựng Trung tâm công nghệ nano lớn nhất nước tại Tô Châu, các nhà nghiên cứu ở New-Delhi, Ấn Độ, phát triển các loại thuốc chữa bệnh mới, và các doanh nghiệp Mexico bán ra thế giới bộ phận của tuốc bin hay vật liệu composite cho các nhà du hành vũ trụ. Còn Hàn Quốc và Đài Loan đã thành công trong lĩnh vực điện tử giải trí và công nghệ bán dẫn.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã chi nhiều tỷ Euro để thúc đẩy nghiên cứu công nghệ nano. Năm 2011, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố nhiều hơn các đồng nghiệp Mỹ 20% bài báo về chủ đề này. Chính phủ TQ cũng có những chủ trương tương tự đối với các công nghệ tương lai khác như nghiên cứu về tế bào gốc hay năng lượng xanh.
Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghệ phần mềm và phát triển thuốc chữa bệnh. Đầu năm 2012, Ấn Độ tự phát triển một loại thuốc trị bệnh sốt rét với giá một viên chưa tới một Euro, chỉ bằng một nửa so với các loại thuốc hiện có trên thị trường. Ấn Độ không chỉ chú trọng khuyếch trương công nghệ cao mà còn chú ý cả đến những sản phẩm mới phục vụ thị trường các nước nghèo, nơi mà người tiêu dùng không mua nổi sản phẩm giá quá cao của các tập đoàn phương tây.
Các lò IT của Ấn Độ như Infosys và Wipro đang hoạt động mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới để đào tạo lực lượng chuyên môn. Infosys đã mở một trường Cao đẳng kỹ thuật ở thành phố Mysore với trên 10.000 sinh viên – tương đương số sinh viên tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Kinh tế Berlin. Infosys được coi là một tấm gương sáng về xây dựng cơ sở đào tạo do doanh nghiệp tự đầu tư.
Ở Brazil, các nhà công nghệ sinh học thuộc hãng mỹ phẩm Natura Cosméticos đang nỗ lực phát triển các sản phẩm mới về chăm sóc cơ thể và đã đưa tập đoàn Natura Cosméticos đứng ở vị trí thứ tám trong danh sách của “Forbes” về những doanh nghiệp sáng tạo nhất trên thế giới, đứng trước cả các đối thủ cạnh tranh của phương Tây như Beiersdorf và L’Oréal.
Mexico cũng đang nỗ lực vươn lên, theo hãng tư vấn Mỹ ICF AeroStrategy, ngành công nghiệp vũ trụ và hàng không nước này trong hai chục năm qua đã đầu tư cho các cơ sở sản xuất mới trên 33 tỷ đôla, nhiều hơn Mỹ và Nga. Hiện nay khoảng 200 doanh nghiệp Mexico xuất khẩu kỹ thuật từ các bộ phận của tuốc bin cho đến vật liệu cômpôsit để làm thân và cánh máy bay trị giá trên 3 tỷ đôla mỗi năm.
Các nước mới nổi trong thời gian gần đây đạt được một số tiến bộ tuy nhiên nhưng nhìn chung cần phải nỗ lực rất nhiều để phát triển khoa học, kỹ thuật và cẩn trọng để tránh những sự cố công nghệ đáng tiếc.
Nguyễn Xuân Hoài dịch