Doanh nghiệp CNTT cần ưu đãi gì?

Để cạnh tranh và tồn tại, các doanh nghiệp công nghệ thông tin là phải trích một phần đáng kể trong lợi nhuận để đầu tư cho phát triển và đổi mới sản phẩm, và chấp nhận mức rủi ro không nhỏ. Đặc thù này đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hợp lý hơn so với hiện nay.

“Nếu không đầu tư đổi mới mà chỉ duy trì nguyên trạng, chi phí hoạt động hằng năm của chúng tôi sẽ chỉ trong khoảng 10-15% doanh thu”, khẳng định của Nguyễn Xuân Tài, CEO Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ thông tin Naiscorp. “Nhưng nếu làm như vậy, sản phẩm của công ty sẽ không có gì thay đổi, và khách hàng cùng các nhà đầu tư sẽ từ bỏ mà đi”.

Đây là lý do các công ty công nghệ thường phải dành một phần lớn các nguồn thu cho đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Lợi nhuận cũng phần lớn được dành cho các khoản đầu tư R&D trong năm, hoặc được tiết kiệm để dành cho đầu tư R&D những năm sau.

Điều này cũng có nghĩa là các công ty công nghệ rất hạn chế trong việc chia cổ tức cho các cổ đông. Công ty Microsoft ra đời từ năm 1975, nhưng phải tới năm 2003 mới chia cổ tức lần đầu. Công ty Apple – công ty có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay – trong năm nay tiến hành chia cổ tức cho các cổ đông, nhưng lần trả cổ tức gần nhất trước đó là từ năm 1995, tức là trong vòng 17 năm cổ đông của Apple không hề được nhận cổ tức.

Hầu hết các nhà đầu tư trên thế giới khi đầu tư vào một công ty công nghệ không trông đợi nhiều vào nguồn thu từ cổ tức, mà thường kỳ vọng vào lợi nhuận sau này khi bán lại cổ phần cho người khác. Kỳ vọng này sẽ thành hiện thực nếu công ty hoạt động ngày càng mạnh mẽ, tạo được sức hút trên thị trường khiến càng nhiều các nhà đầu tư khác quan tâm và đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên những phân tích đánh giá giá trị cổ phiếu công ty công nghệ chịu nhiều tác động mang tính cảm tính, điển hình là trường hợp giá trị cổ phiếu của Facebook trượt sâu tới 50% chỉ sau vài tháng lên sàn gần đây.

Đối với các nhà đầu tư Việt Nam, việc đầu tư tiền vào các công ty công nghệ vẫn là một điều mới mẻ. Đa số các nhà đầu tư khi tiến hành một khoản đầu tư trung hạn và dài hạn thường nghĩ tới những tài sản cố định và bền vững, như vàng hoặc bất động sản. Nếu ai đó muốn đầu tư trung hoặc dài hạn vào một công ty thì họ sẽ mong muốn đó một công ty hoạt động có tính ổn định cao, như các công ty khai thác mỏ, hay công ty chế biến thức ăn gia súc chẳng hạn. Trong khi đó, các công ty công nghệ ở Việt Nam, một mặt chưa được đại chúng biết đến nhiều, mặt khác đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ luôn phải đối diện với những biến động rất nhanh về thị hiếu và nhu cầu của thị trường, gây rủi ro không nhỏ khiến ngay cả những người am hiểu cũng phải dè dặt trước khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư.

Hạn chế này khiến ở Việt Nam chỉ có một số ít các nhà đầu tư vào những công ty công nghệ. Họ là những người chuyên nghiệp, hiểu biết rất rõ về các vấn đề đặc thù trong đầu tư kinh doanh công nghệ. “Khi chúng tôi trình bày dự án của mình, họ nắm bắt rất nhanh, và đưa ra quyết định đầu tư hoặc không đầu tư một cách mau lẹ”, anh Tài cho biết.

Rủi ro…

Ưu thế của các công ty công nghệ thông tin khi khởi nghiệp là chi phí ban đầu không cần phải quá nhiều. Những ý tưởng công nghệ và nỗ lực nghiên cứu thường xuất phát từ sự say mê của một số cá nhân chủ chốt đóng vai trò sáng lập doanh nghiệp và về cơ bản đã hình thành từ trước khi doanh nghiệp được thành lập. Những chi phí vận hành thông thường cũng rất thấp vì các doanh nghiệp này không cần nhiều đất hay diện tích văn phòng. Họ cũng không cần nhiều máy móc thiết bị, toàn bộ quy trình nghiệp vụ thường được số hóa và tự động hóa, còn các phần mềm thì đã được lưu trữ và chạy trên điện toán ‘đám mây’. Đây là lý do chi phí để duy trì ‘nguyên trạng’ ở một công ty như Naiscorp chỉ bằng 10-15% doanh thu, như CEO Nguyễn Xuân Tài đã khẳng định trên đây.

Tuy nhiên, chi phí dành cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở các công ty công nghệ thường khá lớn, với những chi phí dành cho nghiên cứu ý tưởng, thiết kế sản phẩm cho người sử dụng, thiết kế hệ thống, điều tra và phát triển thị trường, v.v. Những chi phí này đẩy tổng chi phí hoạt động hằng năm ở một công ty như Naiscorp lên trung bình khoảng 80% doanh thu, anh Tài cho biết. Với 20% tiền thu được còn lại, công ty để dành dự phòng, hoặc dành cho những khoản đầu tư năm sau.

Phần dự phòng này rất cần thiết, các công ty công nghệ thông tin không tránh khỏi những rủi ro do sức ép cạnh tranh và biến động của thị trường. Naiscorp từng dành rất nhiều nguồn lực cho một dự án phát triển sản phẩm, trong đó tạo ra một ngôn ngữ lập trình mới có tên gọi SBML, với tổng thời gian đầu tư là 14 tháng, tổng chi phí lên tới 17-18 tỷ VND. “Đây là một dự án thất bại”, Tài thẳng thắn thừa nhận.

Bài học mà Tài rút ra từ thất bại chiến lược này là không được phép cố gắng dồn hết sức để tạo ra những “sản phẩm hoàn hảo” vì sẽ kéo dài quá lâu thời gian đầu tư, trong khi xu hướng và thời cơ thị trường thường thay đổi rất nhanh. “Bây giờ một dự án nghiên cứu sản phẩm mới của Naiscorp chỉ được phép gói gọn thời gian trong vòng 2 tháng”, anh Tài nói. Có nghĩa là trước mắt chấp nhận tung ra thị trường một sản phẩm “tàm tạm” mang tính tạm thời trước khi đi vào hoàn thiện sản phẩm.

… và hạn chế của sản phẩm công nghệ số

Kinh nghiệm rút ra trên đây của Naiscorp phản ánh một chiến lược tất yếu của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, đó là ưu tiên tập trung vào những sản phẩm có khả năng thu hồi vốn nhanh nhất và không đòi hỏi quá nhiều tâm sức nghiên cứu.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đó thường là những sản phẩm dịch vụ đáp ứng những nhu cầu mang tính thường xuyên của đại chúng. Trong số những doanh nghiệp công nghệ thông tin tư nhân phát triển mạnh mẽ nhất phải kể đến Tập đoàn VNG, trước kia có tên là VinaGame mà sản phẩm được biết đến nhiều nhất là các trò chơi trực tuyến. Ngày nay VNG có số lượng nhân viên lên tới hàng nghìn người, là gương mặt tiêu biểu đóng góp vào ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam có doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Nhưng trong khi phân khúc sản phẩm nội dung số phục vụ nhu cầu giải trí của đại chúng phát triển mạnh thì trên thị trường còn rất thiếu những sản phẩm tạo ra tác động tương hỗ cho các ngành nghề khác, đem lại sự tiến bộ đáng kể trong hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Vì vậy, khó để nói rằng ngành công nghệ thông tin đang là mắt xích quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, và còn xa mới có thể được coi như ‘hạ tầng thông minh’ bên dưới mọi hạ tầng.

Vẫn phổ biến những doanh nghiệp hoạt động theo lối ăn xổi, tức là chỉ nhập khẩu công nghệ của nước ngoài thay vì tự lực nghiên cứu. Doanh số của những doanh nghiệp này có thể rất lớn, nhưng không hề giúp gây dựng và tích lũy lượng chất xám trong nước – yếu tố sống còn cho sự thành bại trong phát triển của ngành công nghệ thông tin quốc gia.

Tuy nhiên, trong một thị trường tự do và nền kinh tế toàn cầu, không thể trách những doanh nghiệp chọn nhập khẩu công nghệ như một giải pháp tối ưu để tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro do thời gian nghiên cứu quá lâu làm mất cơ hội – trường hợp của Naiscorp là một ví dụ điển hình. Và cũng không thể đòi hỏi một doanh nghiệp công nghệ phải tận dụng 100% công nghệ và kỹ thuật trong nước, khi mà các ngành công nghiệp và công nghệ phụ trợ liên quan của Việt Nam còn non yếu.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý

Qua khảo sát, người viết thấy rằng đa số các doanh nghiệp công nghệ chưa quan tâm nhiều tới các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Họ hầu như không biết tới chính sách Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 10% lợi nhuận nếu phần lợi nhuận này được dành cho đầu tư R&D.

Sự lơ đễnh này phản ánh ba thực tế: một là chính sách này còn chưa được tuyên truyền rộng rãi; hai là tác động hỗ trợ của nó còn quá nhỏ để các doanh nghiệp công nghệ quan tâm; ba là đa số các doanh nghiệp công nghệ có tuổi đời còn khá trẻ nên phần đầu tư cho tài sản ban đầu chưa khấu hao hết, và giá trị trích khấu hao càng cao thì phần lợi nhuận tính thuế trên sổ sách càng thấp xuống, giúp doanh nghiệp giảm được một phần thuế thu nhập nhất định. Ở điểm thứ 3 này, sẽ nảy sinh một bất cập là doanh nghiệp nào nhập khẩu và mua lại phần mềm từ nơi khác càng nhiều thì giá trị trích khấu hao càng cao, trong khi những doanh nghiệp tự dành chi phí đầu tư nghiên cứu ra phần mềm lại không được hưởng lợi thế này.

Thực tế trên cho thấy, Nhà nước cần tăng tỷ lệ miễn thuế trên lợi nhuận doanh nghiệp dành cho đầu tư R&D, và tăng cường tuyên truyền về chính sách này. Đồng thời, chính sách ưu đãi không thể cào bằng mà nên ưu tiên hơn cho những doanh nghiệp tự lực nghiên cứu, hoặc có sản phẩm đem lại giá trị gia tăng lớn cho phát triển kinh tế đất nước.
Để doanh nghiệp có thể theo đuổi được những dự án làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, Nhà nước phải sẵn sàng có những chính sách ưu đãi phù hợp cho những dự án có tính dài hơi. Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, nhưng chưa đủ vì những dự án như vậy luôn có mức rủi ro cao hơn.

“Nếu có lợi nhuận, chúng tôi sẵn sàng nộp thuế, nhưng trước tiên phải làm sao để doanh nghiệp tồn tại và thực hiện được những dự án chiến lược”, anh Tài nói. Muốn vậy, Nhà nước sẽ phải có những cơ chế chính sách đồng bộ, như giảm trừ thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giảm trừ thuế xuất – nhập khẩu, cấp bảo lãnh vay vốn và cấp đất cho những dự án công nghệ tiềm năng. 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)