Doanh nghiệp phải là trung tâm
của Phát triển công nghệ cao
Cuộc tọa đàm “Chuyển giao và Nghiên cứu triển khai Công nghệ cao (CNC) ở doanh nghiệp” do tạp chí Tia Sáng tổ chức chỉ gói gọn trong một buổi sáng (7/8/2009, tại Hà Nội) nhưng đã gợi mở ra rất nhiều điều. Đại diện một số doanh nghiệp ứng dụng và sử dụng CNC đã có những góp ý rất thiết thực về định hướng phát triển CNC ở Việt Nam, về cách đưa nhanh nhất CNC vào cuộc sống, và đặc biệt là trao đổi về quan niệm: Doanh nghiệp phải là trung tâm trong chuyển giao công nghệ, nhất là trong phát triển CNC của đất nước.
Nền tảng pháp lý cơ bản đã đủ
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết trong 5 năm qua, Bộ KH&CN đã tập trung nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện nền tảng pháp lý cho KH&CN, phục vụ công cuộc phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế. 7 bộ luật quan trọng liên quan tới KH&CN đã được soạn thảo, trình Quốc hội thông qua như Luật KH&CN (năm 2000), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Tiêu chuẩn, Qui chuẩn chất lượng (năm 2006), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (năm 2007), Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Công nghệ cao (2008).
“Điều này đánh dấu cho nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng nền tảng pháp lý cho các hoạt động KH&CN. Đảng và Nhà nước cũng đã nhìn thấy con đường phát triển đất nước phải thông qua KH&CN, đặc biệt là CNC”, Thứ trưởng Nguyễn Quân nói.
Ông Lý Ngọc Minh và ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Luật Công nghệ cao cũng bắt đầu đi vào hiệu lực từ 1/7/2009, nhưng vẫn cần phải đợi Nghị định hướng dẫn để có thể đi vào cuộc sống. Bộ KH&CN hiện đang xây dựng chương trình phát triển CNC song hành cùng 4 đề án lớn khác như đề án Phát triển thị trường công nghệ, đề án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, đề án về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và đề án Hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN chuyển đổi sang cơ chế tự chủ và phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, “Chúng ta khởi động CNC đã khá lâu, từ 10 năm nay nhưng tốc độ phát triển CNC tại Việt Nam lại rất chậm”. Ông lấy một thí dụ cụ thể là 2 khu Công nghệ cao Quốc gia ở Hòa Lạc (Hà Nội) và TP. HCM có tiến độ xây dựng rất chậm. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội về CNC, từ các cấp lãnh đạo tới người dân còn có nhiều vấn đề và đặc biệt là Việt Nam còn rất thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển CNC.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, CNC đem lại năng suất lao động cao gấp nhiều lần lao động giản đơn. Một ví dụ khách quan được Thứ trưởng đưa ra là chỉ riêng khu CNC Tân Trúc (Hsinchu) của Đài Loan với 100.000 lao động vào năm 2003 đã làm ra một giá trị tổng sản phẩm là 48 tỉ USD. Tức là giá trị sản phẩm/đầu người của Tân Trúc lúc đó đã đạt được gần 500.000 USD, trong khi đó lao động chất lượng cao của Việt Nam tính ra cũng chỉ đạt khoảng vài ngàn USD/năm, khu vực nông nghiệp thì thấp hơn rất nhiều. Như vậy, chỉ có khu CNC Tân Trúc với 100.000 người đã có giá trị sản lượng tương đương với GDP của Việt Nam lúc đó.
Thứ trưởng cho rằng, nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo con đường như chúng ta đã đi trước đây, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ vượt được ngưỡng của một nước đang phát triển. “Nếu chúng ta không phát triển CNC thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu định ra là đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp”, ông nói.
“Trong suốt 20 năm qua, chúng ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự cởi trói của cơ chế và dựa vào cơ bắp, giờ chúng ta chỉ có thể tiếp tục phát triển đất nước, duy trì tốc độ tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng cao hơn nếu chúng ta quan tâm đến phát triển KH&CN, đặc biệt là CNC”.
Thay đổi từ đâu?
Giám đốc công ty TNHH Minh Long I, Anh hùng lao động Lý Ngọc Minh khi động đến các vấn đề công nghệ cho công ty đã từng băn khoăn với câu hỏi: “Đổi mới từ đâu?”. Từ vị trí của một chủ doanh nghiệp tư nhân, ông tự trả lời: “Không thể trông chờ vào Nhà nước”. Và ông đã tự tìm tòi, tìm kiếm công nghệ cho doanh nghiệp mình ở bất cứ đâu có thể, đặc biệt là ở các công ty có tiếng nước ngoài. Bởi vậy, ông tìm mọi cách để tiếp cận, tham quan, tìm hiểu các công ty sành sứ lớn trên thế giới dù mọi chuyện chẳng dễ dàng gì. “Có đến 80% các công ty, hãng sành sứ lớn nhất thế giới tôi cũng đã đều đến từ 1-2 lần”, ông tâm sự. Ông đến những công ty này để tìm hiểu công nghệ của họ, học tập và tìm cách tiếp cận các bí quyết, công nghệ các hãng lớn.
Trừ trái qua phải: Ông Đỗ Văn Lộc , ông Nguyễn Văn Viện, ông Nguyễn Tử Quảng và GS Trần Xuân Hoài |
Từ các kinh nghiệm riêng của bản thân, ông cho rằng phát triển công nghệ, đặc biệt là CNC ở Việt Nam: “Cần phải đi từ doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp biết mình ở đâu, và cần làm gì”. Theo ông, riêng về CNC hiện nay ở Việt Nam, rất cần một đầu tàu, một kỹ sư trưởng để điều phối chiến lược, chính sách và có các hành động cụ thể và hiệu quả.
Tổng Giám đốc cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì cho rằng cần suy nghĩ lại phương pháp tiếp cận và cách thức đưa ứng dụng công nghệ, trong đó có CNC vào cuộc sống. “Chúng ta phải định vị quốc gia như thế nào đó để có thể đầu tư cho CNC ở từng giai đoạn, phân đoạn và cho từng ngành khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực chúng ta bị giới hạn và trong điều kiện chúng ta vừa hội nhập quốc tế”, ông nói.
Với tốc độ phát triển KH&CN còn thấp như hiện nay, ông Vũ cho rằng Việt Nam không thể tiến hành các bước nhảy vọt. Như vậy, muốn hiện đại hóa đất nước thì ngành đầu tiên cần hiện đại phải là nông nghiệp.
Cùng chia sẻ ý kiến này, TS. Nguyễn Quốc Vọng, (Giáo sư Đại học RMIT, Melbourne, Úc hiện làm việc tại Đại học Nông nghiệp I) cũng cho rằng vai trò của nông nghiệp là rất quan trọng. Ông lấy ví dụ từ Úc, nơi ông từng sinh sống và làm việc: “Một nông dân ở Úc nuôi được 190 người, 31% nông dân Úc có bằng đại học và một nông dân lúc làm ra một khối lượng sản phẩm giá trị cỡ 68.000 đô la Úc/năm”. Chính vì vậy, nghề nông lại là một trong những nghề được yêu thích và có giá nhất ở Úc. TS Vọng cho biết một cuộc điều tra sinh viên ở Úc đã cho ra kết luận khá thú vị: Nghề nông dân được sinh viên Úc đánh giá cao thứ 7 (cao nhất là nghề cứu hỏa và tệ nhất là nghề bán xe hơi) trong số các nghề ở Úc.
Đặc biệt nhất, Úc đã thành công trong việc “biến trí tuệ của người khác thành sức mạnh của chính mình”, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ việc thành lập Trung tâm xuất sắc Yanco, tuyển chọn các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới về làm việc, cùng việc ra đời một doanh nghiệp (có tên Hiệp hội Leeton), Úc đã trở thành một nước xuất khẩu gạo. Hơn 90% gạo làm ra ở Úc đã được xuất khẩu và “đây là những loại gạo có giá trị cao nhất thế giới”, TS Vọng cho biết. Không chỉ thế, năng suất gạo của Úc cũng đạt tới 12 tấn/ha, một con số “trong mơ” đối với không ít các nước nông nghiệp hiện nay trên thế giới. Cần nhớ rằng trong số 46 triệu ha đất canh tác, Úc chỉ có 4 triệu ha đất có tưới tiêu và tất cả các cây, con Úc đều phải nhập khẩu.
Trừ trái qua phải: Ông Lê Đăng Dũng, ông Nguyễn Tăng Cường và TS Nguyễn Quốc Vọng
“Doanh nghiệp phải là số 1, Nhà nước cùng nhà nghiên cứu chỉ giữ vai trò yểm trợ”, TS Vọng nói. Tuy vậy, ông cũng cho rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc tài trợ cho các nghiên cứu khoa học. Đáng tiếc, nhiều nghiên cứu đang thực hiện lại bị “tắc tị” do thiếu kinh phí, hoặc việc chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu tới doanh nghiệp giờ vẫn là một hình ảnh mờ nhạt.
“Ở Úc, ngay trước khi nghiên cứu, nhà khoa học đã liên lạc và bắt tay với doanh nghiệp. Nghiên cứu mà không có doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ không chuyển giao được”, TS Vọng nhấn mạnh.
Ông cũng phàn nàn rằng thủ tục xin tài trợ ở Việt Nam hiện còn rất nhiêu khê, khiến nhiều nhà khoa học nản lòng. “Một đơn xin tài trợ nghiên cứu khoa học ở Úc chỉ có hai trang, trong khi đó các thủ tục này ở Việt Nam rất nhiều”, ông nói.
CNC là đòn bẩy cho phát triển
Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), cũng là một Anh hùng lao động cho biết thành công mà ông đạt được chủ yếu là từ lòng đam mê cơ khí, chế tạo máy. Trước đây công ty chỉ sử dụng các công nghệ, thiết bị truyền thống của của Nga, đạt được một số thành công nhất định nhưng không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong năm 2004, công ty may mắn được Bộ KH&CN quan tâm hỗ trợ mua một máy cắt tự động CNC bằng khí CO2. Nhờ chiếc máy này mà năng suất của xí nghiệp đã được tăng lên 20-30 lần so với trước. Từ đó, lãnh đạo cho rằng cần phải đi sâu vào CNC và quyết tâm đầu tư vào các công nghệ gia công chế tạo. Công ty đã mua 50 cụm máy trung tâm gia công kỹ thuật cao như các máy 3 trục, 4 trục, thậm chí cả máy 9 trục…
Ông Cường cho rằng để phát triển được CNC cao ở Việt Nam, cần phải thành lập được các trung tâm chuyển giao công nghệ (mua bán li-xăng) để điều hành, điều tiết các hoạt động công nghệ và triển khai sản xuất theo định hướng ưu tiên của Nhà nước. Riêng trong lĩnh vực cơ khí, để có được nền cơ khí CNC, cần phải phát triển công nghiệp chế tạo khuôn mẫu, phát triển công nghiệp đúc chính xác, phát triển công nghiệp gia công chính xác và phát triển công nghiệp nhiệt luyện.
Ông cho rằng doanh nghiệp cần mua được các công nghệ với giá rẻ nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực CNC vì mua bán CNC không phải là chuyện dễ và chi phí cũng rất cao. Điều này chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của Nhà nước bởi với các chính sách hiện hành, doanh nghiệp vẫn khó có thể tiến hành việc mua, bán công nghệ.
Một thí dụ có tiền cũng không mua được CNC chính là từ kinh nghiệm bản thân của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Viện. Lúc nhận thấy doanh nghiệp của mình cần đổi mới công nghệ, mua các bí quyết CNC từ nước ngoài, ông đã tiếp cận tới một tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, khi thấy doanh nghiệp của ông còn bé, chưa có tiếng tăm và đặc biệt sau khi chứng kiến tận mắt thấy qui mô của doanh nghiệp, đại diện của tập đoàn lớn kia từ chối cung cấp bí quyết công nghệ. Không nản lòng, ông mời người đại diện đó đi chơi, nhưng khéo léo đưa tới các công ty đối tác ở trong nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn. Những lời đánh giá rất tốt về sản phẩm của Sơn Hải Phòng của các đối tác dần dần đã khiến người đại diện tập đoàn lớn kia đổi ý. Sau lần “đi chơi” đó, tập đoàn lớn của Nhật kia đã đồng ý bán bí quyết công nghệ cho Sơn Hải Phòng. Con đường đã mở và thành công cũng đã tới… Các sản phẩm của Sơn Hải Phòng cũng ngày một nhiều hơn, uy tín hơn, từ sơn vỏ tàu biển, sơn chống hà, sơn vạch đường, sơn tĩnh điện… Mỗi loại sơn của doanh nghiệp sản xuất hiện nay đều được mua bí quyết công nghệ từ một nước khác nhau, và đó là các nước có nền công nghệ phát triển cao như Anh, Nhật, Mỹ, Ý…
Lựa chọn công nghệ luôn là vấn đề phức tạp và cứ theo Phó Tổng giám đốc Viettel, ông Lê Đăng Dũng thì: “Mình dốt bao nhiêu thì Tây nó lừa bấy nhiêu”. Bởi vậy, vai trò của lãnh đạo trong doanh nghiệp rất quan trọng. “Muốn có CNC thì lãnh đạo doanh nghiệp phải biết rõ về nó bởi lựa chọn sai thì sẽ chết”, ông nói. Theo ông, sở dĩ Viettel thành công được như ngày hôm nay là vì lãnh đạo công ty đã đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ. “Tuy GSM không phải là công nghệ mới và tốt như công nghệ CDMA nhưng lựa chọn GSM là một sự lựa chọn đúng đắn của chúng tôi”, ông bộc bạch. Chính vì làm đúng qui trình: Lựa chọn-mua-làm chủ và sáng tạo mà Viettel đã giải được bài toán về giá, một trong những vấn đề hắc búa nhất trong thời buổi cạnh tranh đầy khắc nghiệt trên thị trường viễn thông của Việt Nam. Cũng chính từ cái quyết định đó mà hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đã hưởng lợi từ chính sách giá rẻ mà Viettel đưa ra, trong một bối cảnh giá cước viễn thông còn khá cao ở Việt Nam trong những năm trước đây.
Làm gì để phát triển CNC?
Một câu hỏi mang tính vĩ mô nhưng rõ ràng các nhà hoạch định chính sách đang loay hoay bởi các chính sách tốt chỉ thực hiện được khi chúng phù hợp và tạo điều kiện cho những người thụ hưởng và liên quan.
Chính sách của Nhà nước về CNC cũng vậy, chúng chắc chắn sẽ đi nhanh vào cuộc sống nếu giải quyết được các bức bối của các nhà nghiên cứu và đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp, chủ thể quyết định tới sự phát triển CNC ở Việt Nam.
Trở lại câu chuyện tại sao các khu CNC ở nước ngoài thành công rất nhiều, trong khi đó lại rất ì ạch ở Việt Nam, ông Lê Đăng Dũng (Viettel) cho rằng: “Việc chuyển giao công nghệ gốc cần phải đến từ các nước hàng đầu về công nghệ, thí dụ như Mỹ và điều này cần phải đưa vào các chính sách của Nhà nước”. Và “đây là câu chuyện của Chính phủ, chứ không phải chỉ đơn giản của một viện, ngành hay doanh nghiệp nào”, ông nhấn mạnh. Theo ông Dũng, cần lựa chọn một số ngành CNC để ưu tiên phát triển tại Việt Nam, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lĩnh vực gì cũng có nhưng đầu tư không đến nơi đến chốn. Đối với đầu ra, đương nhiên là phải có thị trường và quan trọng nhất là phải xác định công nghệ làm ra bán cho ai (Nhà nước hay doanh nghiệp), từ đó mới tiến hành các nghiên cứu cụ thể.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì nhấn mạnh: “Đất nước muốn giàu thì phải lấy kinh tế làm trung tâm. Đối với CNC cũng vậy, nếu muốn phát triển thì cần hoạch định lại, tìm lối ra”. Để làm được như vậy, theo ông cần phải “có những bộ não dẫn đường, đi trước một bước và khuyên chúng ta nên làm thế nào”, tức là việc hoạch định chiến lược của Nhà nước phải rõ ràng, có lộ trình cụ thể và hướng tới doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng các trung tâm chuyển giao công nghệ không cần hoàn toàn của Nhà nước mà nên có cả tư nhân. “Chính sách của Nhà nước phải tạo cơ chế để doanh nghiệp phát triển và giữ vai trò điều tiết thị trường, bên cạnh đó cũng cần sự tham gia của trí tuệ các cá nhân”, ông nói.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Vọng (ĐHNN1), cần xây dựng niềm tin để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. “Thách thức lớn nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng niềm tin của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, gắn kết Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp”.
Về vấn đề cụ thể hóa chính sách CNC, ông Đỗ Văn Lộc, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) cho biết rất cần sự đóng góp của doanh nghiệp, cụ thể là cần ưu tiên phát triển CNC trong lĩnh vực nào, danh mục CNC và các sản phẩm xuất khẩu ưu tiên gồm những gì, hay cải tiến thủ tục giấy tờ nên theo mô hình nào…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến trong phần phát biểu bế mạc tọa đàm cho rằng: “Việc phát triển CNC cũng như xây dựng chính sách liên quan chắc chắn không thể thiếu được sự đóng góp của doanh nghiệp. Có thế thì chính sách mới có thể đi vào cuộc sống được”. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Khoa học muốn phát triển thì phải có doanh nghiệp cùng đồng hành và doanh nghiệp phải là trung tâm của mọi đổi mới liên quan tới KH&CN, trong đó có CNC”.
Thứ trưởng cũng cảm ơn tạp chí Tia Sáng đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức cuộc tọa đàm rất hữu ích và cho biết trong tương lai gần sẽ tiếp tục có các tọa đàm tương tự để “đi đến cùng vấn đề, đưa ra được các chính sách cụ thể và thực tế cho việc phát triển CNC ở Việt Nam”.
THANH HÀ thực hiện