Đổi mới cơ chế tài chính và có chính sách trọng dụng nhà khoa học

Nhân dịp ông Nguyễn Quân, UVTW Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhóm phóng viên Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với ông về một số vấn đề liên quan đến hoạt động KHCN trong nước, và một số chính sách, giải pháp cần và sẽ được Bộ KH&CN triển khai trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, cùng với việc Nhà nước tăng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, và đổi mới cơ chế quản lý khoa học. Nhưng dường như KHCN vẫn chưa tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân?

Đúng là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu KH&CN. Trong khi đó, đòi hỏi đổi mới, nâng cấp trình độ khoa học công nghệ của đất nước đang rất lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội một cách thực chất và bền vững, trong bối cảnh lạm phát cao, nhập siêu tăng mạnh, năng suất thấp, sản xuất đình đốn, đời sống còn rất nhiều khó khăn. 

Mức đầu tư cho khoa học công nghệ tính trên đầu người ở Việt Nam khoảng 6 -7 USD/năm, quá thấp nếu so với những nước như Hàn Quốc, với mức chi hằng năm cho đầu tư khoa học công nghệ khoảng 1.000 USD/năm.

Nguyên nhân gây trì trệ trong hoạt động khoa học công nghệ thì có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến việc đầu tư cho khoa học công nghệ chưa cao.

Tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách Nhà nước tính trên GDP của Việt Nam là 0,5%, không thấp so với thế giới. Nhưng mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài Nhà nước cho khoa học công nghệ còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho khoa học công nghệ hằng năm vẫn dưới 1% GDP. Trong khi đó, mức đầu tư của Trung Quốc năm 2010 là 2,2% GDP, của Hàn Quốc là 4,5% GDP. Nếu tới năm 2020, tổng mức đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam không đạt 2% GDP, thì rất khó để chúng ta thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Hiện chúng ta có không ít tập đoàn và gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vì sao tổng vốn đầu tư đổi mới công nghệ của khối doanh nghiệp này lại thấp như vậy?

Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp ở nước ta là vừa và nhỏ, mà thực chất là nhỏ và siêu nhỏ, nên thiếu kinh nghiệm và những nguồn lực cần thiết để đầu tư cải tiến công nghệ. 

Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, Luật Thuế doanh nghiệp quy định cho phép ưu đãi doanh nghiệp được huy động tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển công nghệ. Nếu các doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi này thì tổng mức đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ rất đáng kể (theo tính toán của Bộ Tài chính năm 2007, nếu các doanh nghiệp VN đều trích 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư đổi mới công nghệ thì sẽ có 13.500 tỷ đồng, cao gấp đôi con số đầu tư cho khoa học công nghệ từ Ngân sách Nhà nước). Tuy nhiên, luật không bắt buộc doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ mà chỉ mang tính chất khuyến khích, nên hiệu quả của chính sách này rất thấp.

Bên cạnh đó, giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, các viện nghiên cứu, còn rất thiếu sự gắn kết, và thiếu cả những tổ chức trung gian hỗ trợ cung – cầu để hình thành thị trường công nghệ.  

Nhiều nhà khoa học cho rằng trong khi đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thì việc sử dụng đồng tiền từ ngân sách Nhà nước lại chưa thật hiệu quả, mà một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ vẫn còn nhiều bất cập. Ý kiến của Bộ trưởng?

Chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế tài chính mang nặng tính hành chính khi đầu tư vào khoa học công nghệ. Những quy định hiện hành về sử dụng Ngân sách Nhà nước khi áp dụng vào chi cho khoa học công nghệ bị trở thành cứng nhắc, không gắn với hiệu quả nghiên cứu, và không thể hiện một tầm nhìn xa của một khoản đầu tư mang tính đi trước vì những giá trị kinh tế xã hội lâu dài. Vẫn cứ phải lập kế hoạch ứng dụng công nghệ từ trước một năm rưỡi để được phê duyệt nửa năm trước khi đi vào thực hiện. Trong khi mỗi năm một doanh nghiệp có thể thay đổi, nâng cấp sản phẩm công nghệ đến vài ba lần. Bởi vậy khi kế hoạch đi vào thực hiện thì đã có nhiều vấn đề trở nên không còn thiết thực hoặc lạc hậu. 

Tầm nhìn chưa xa nên các chính sách quản lý của chúng ta có khi còn manh mún, tự mâu thuẫn. Chẳng hạn như Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ vì sợ thất thu thuế trước mắt. Trong khi đó, tiền từ Ngân sách Nhà nước vẫn đang lãng phí khi rót đều đặn cho những cơ sở khoa học công lập kém hiệu quả, ít cho ra sản phẩm hữu ích.  

Vậy cơ chế tài chính cần được đổi mới như thế nào?

Đổi mới cơ chế tài chính cần dựa trên hai nguyên tắc: Đổi mới cơ chế đầu tư, huy động được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân trong xã hội cùng với sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát huy các thế mạnh và ưu tiên tính hiệu quả, không trải mành mành; đổi mới quản lý và kế hoạch sử dụng kinh phí sang phi hành chính hóa, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho nhà khoa học và đặt mục tiêu là sản phẩm cuối cùng. 

Những người quản lý ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học phải đứng trên quan điểm nhà đầu tư, lĩnh vực nào, nơi nào có khả năng đem lại lợi nhuận hoặc giá trị gia tăng cho xã hội thì nên ưu tiên mạnh dạn bỏ vốn vào, dù đó là cơ sở nghiên cứu công lập hay của tư nhân. Khi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, chúng ta chỉ bỏ ra vài chục tỷ đồng để nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân là Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung làm cần cẩu siêu trọng, hệ thống xi-lanh thủy lực, thi công đắp đập bằng công nghệ đầm lăn, làm cần cẩu chân lệch lắp toàn bộ các cửa van để tích nước khi đập chắn còn chưa hoàn thành… nhờ đó giúp công trình phát điện sớm hai năm mang lại hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách, chưa kể đến những lợi ích kinh tế xã hội khác, là một ví dụ điển hình. 

Gần đây Chính phủ đã cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thí điểm đổi mới cơ chế tài chính trong nghiên cứu theo hướng khoán sản phẩm cuối cùng trong ba năm. Bộ trưởng đánh giá ra sao về hướng đi này? 

Theo mô hình thí điểm, Nhà nước mua sản phẩm khoa học và ứng trước tiền, quá trình thực hiện theo cơ chế khoán,  quyết toán theo sản phẩm cuối cùng, không đòi hỏi như hiện nay dự toán như thế nào thì phải thực hiện đúng như thế, nếu sai phải xuất toán. Hình thức là ký hợp đồng thỏa thuận, nếu không hoàn thành hoặc sản phẩm đặt hàng không đạt yêu cầu thì phải thu hồi tối thiếu 30% vốn đầu tư.

Tuy nhiên, đến giờ cơ chế này vẫn chưa hoàn tất mặc dù tư tưởng của nó rất tiến bộ. Vì yếu tố cần thiết để thành công là cùng với một cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học, phải có những hội đồng khoa học đủ năng lực làm tốt việc xét duyệt thẩm định kinh phí của đề tài và nghiệm thu sản phẩm, điều chúng ta còn đang rất thiếu hiện nay.  

Ngoài cải thiện mức đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính, thì chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước?

Để tổ chức thực hiện tốt các chương trình quốc gia đã và sắp được Thủ tướng phê duyệt, chúng ta cần tập trung các nguồn lực còn hữu hạn vào một số lĩnh vực chọn lọc có tiềm năng thay vì dàn trải, xây dựng những mô hình thành công điển hình để nhân rộng, tạo tác động lan tỏa. 

Chẳng hạn như với Chương trình phát triển công nghệ cao, tập trung vào công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn; với Chương trình sản phẩm quốc gia, đầu tư nghiên cứu những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và giá trị xuất khẩu lớn, hoặc thay thế nhập khẩu như cần cẩu siêu trường siêu trọng phục vụ ngành đóng tàu và xây dựng thủy điện; một số giống lúa năng suất cao, kháng được sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; một số loại vaccine cho người và cho gia súc, gia cầm; làm chủ công nghệ thiết kế và xây dựng cầu lớn và hầm; ngoài ra cũng chú trọng một số sản phẩm điện tử công nghệ cao như màn hình tinh thể lỏng và chip điều khiển là những sản phẩm hiện giờ đang phải nhập khẩu nhiều… 

Theo Bộ trưởng, để phát huy tối đa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học trong việc thực hiện các chương trình kể trên, cần có những giải pháp nào? 

Theo tôi, cần tiếp tục thực hiện thành công Nghị định 115/2005/NĐ-CP, hướng tới giao quyền tự chủ cao nhất và triệt để cho các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ công lập. 

Hiện nay, về cơ bản, các cơ sở nghiên cứu khoa học đã được tự chủ, nhưng quyền tự chủ quan trọng nhất họ lại chưa thực sự có là tự chủ về tài chính. Vốn quan trọng nhất của các nhà khoa học Việt Nam hiện có là chất xám, họ cần được hỗ trợ nguồn lực tài chính, hoặc có các cơ chế cần thiết để chuyển đổi chất xám thành nguồn lực tài chính. Hiện nay các tổ chức KH&CN chưa được trao quyền tự chủ đối với tài sản (đất đai, máy móc, thiết bị), vì vậy không thể cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn hoặc trực tiếp đem ra sản xuất kinh doanh. Có những máy móc đắt tiền mua về đắp chiếu, trong khi chúng hoàn toàn có thể trở nên hữu ích nếu các tổ chức nghiên cứu có quyền tự do sử dụng khai thác kể cả sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh. 

Một bất cập khác là chưa có cơ chế giao quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với các tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước cho tổ chức KH&CN hoặc cá nhân nhà khoa học là tác giả của kết quả nghiên cứu. Sẽ tốt hơn cho lợi ích nhà khoa học, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích Nhà nước và quốc gia nếu như các tổ chức khoa học hoặc nhà nghiên cứu được quyền đem tài sản trí tuệ để chuyển nhượng hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, và có lộ trình hoàn vốn đầu tư ban đầu cho Nhà nước, để rồi sau khi hoàn vốn thì toàn bộ lợi nhuận được thuộc về họ. 

Được biết là Bộ KH&CN cách đây vài năm đã trình Chính phủ đề án về chính sách đãi ngộ và trọng dụng cán bộ nghiên cứu khoa học. Xin Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay đề án vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt?

Hiện nay, giới khoa học đang chịu thiệt thòi nhiều nhất trong những người làm công ăn lương. Họ không có chế độ đãi ngộ, phụ cấp hoặc các danh hiệu tôn vinh như ngành giáo dục (là ngành có phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân) hay các ngành thanh tra, kiểm toán, thuế, hải quan… đều có phụ cấp nghề hoặc/và phụ cấp thâm niên.

Chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ KH&CN đã được Bộ KH&CN xây dựng và trình vài lần trong 5-6 năm qua với tinh thần là trong khi chưa có chế độ lương và thu nhập thỏa đáng cho các nhà khoa học, cần giải quyết chế độ đãi ngộ xứng đáng cho một số ít người được giao nhiệm vụ quốc gia và những nhà khoa học trẻ tài năng. Đề án này cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt vì chưa nhận được sự đồng thuận của một số bộ, ngành… Có ý kiến cho rằng ưu đãi cao như vậy là không công bằng trong hệ thống chính trị, cũng có ý kiến lo lắng chính sách đó sẽ bị lợi dụng gây lãng phí và thất thoát ngân sách Nhà nước, có ý kiến lại băn khoăn về cách thức xác định ai là người thực sự có tài năng, ai sẽ được giao nhiệm vụ quốc gia… Thậm chí có ý kiến cho rằng chúng ta còn đang ở trong tình trạng lạc hậu, chậm phát triển thì không nên đầu tư cho nghiên cứu, cứ nhập khẩu công nghệ và ứng dụng tốt là được rồi. Tôi cho rằng các ý kiến đó đều không tích cực. Bởi không phải lúc nào chúng ta cũng mua được công nghệ cần thiết dù có đủ tiền; đồng thời bất kỳ quốc gia nào cũng phải có khả năng tự chủ một số công nghệ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng.  

Việc triển khai thành công chiến lược khoa học công nghệ đến năm 2020 đòi hỏi có những mục tiêu và chỉ tiêu thật cụ thể. Đồng thời cần một hệ thống thống kê để theo dõi, đánh giá khách quan tình hình thực hiện các chỉ tiêu này. Xin Bộ trưởng cho biết về thực trạng hệ thống thống kê khoa học ở Việt Nam và tình hình phát triển hệ thống này trong thời gian tới?

Thống kê KH&CN hiện nay là rất yếu. Ví dụ, không ai có thể nói một cách chính xác chúng ta đang có bao nhiêu người trình độ tiến sĩ, thạc sĩ làm việc trong hệ thống KH&CN, bao nhiêu công trình được công bố trong nước và quốc tế hằng năm, tình hình sử dụng ngân sách KH&CN hằng năm như thế nào… Vì thế không ít chương trình, kế hoạch, đề án KH&CN được xây dựng chủ yếu theo kinh nghiệm và định tính như người ta thường nói là “bốc thuốc”.

Nhận thức được tầm quan trọng của thống kê, Bộ KH&CN đã nâng cấp Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia thành Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, có chức năng quản lý Nhà nước về thống kê KH&CN. Đồng thời Bộ cũng yêu cầu các đơn vị khác trong Bộ phải tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu về chuyên gia khoa học, tổ chức KH&CN, các nhiệm vụ KH&CN các cấp, các doanh nghiệp KH&CN,… Hy vọng sau một thời gian, chúng ta sẽ có đủ số liệu thống kê cần thiết để xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch một cách khoa học và thực tiễn. 

Gần đây, Bộ trưởng đưa ra ý tưởng “xây dựng một bảo tàng khoa học nhằm nuôi dưỡng sự đam mê khoa học ở thế hệ trẻ”. Vậy chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa thành công ý tưởng này?

Bảo tàng khoa học là một công trình có ý nghĩa, giúp nâng cao dân trí, nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ. Về lâu dài, bảo tàng khoa học cũng là một di sản, giúp khẳng định tầm văn hóa, không chỉ của một thành phố, mà của cả một đất nước. Vì vậy cần có sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp nhất trí của các cơ quan chức năng, để việc xây dựng bảo tàng khoa học sớm được nằm trong một quy hoạch tổng thể chi tiết và đồng bộ của hệ thống bảo tàng cả nước, đảm bảo được tính hiệu quả vì lợi ích sử dụng của nhân dân, đồng thời đáp ứng các tiêu chí không thể thiếu về tính khoa học và văn hóa. Từ đó chúng ta mới có thể tính tới một lộ trình triển khai thực hiện thật cụ thể.   

Bộ trưởng mong muốn điều gì nhất trong nhiệm kỳ của mình?

Một nhiệm kỳ là quá ngắn ngủi để làm được một việc gì to tát, nhưng tôi sẽ cố gắng cùng với các bộ ngành làm hai việc: xây dựng được cơ chế tài chính thông thoáng, lành mạnh phù hợp với tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu, phục vụ tốt những người làm khoa học. Sau nữa, xây dựng được hệ thống chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học, để những người có tài năng, các tổng công trình sư có đủ điều kiện cống hiến trí tuệ của họ cho đất nước.  

Và đối với Tia Sáng?

Tia Sáng cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình là một diễn đàn có uy tín của giới trí thức, có nhiều hơn những ý kiến khách quan, trung thực, sâu sắc, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển khoa học và kinh tế, xã hội của đất nước.  

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.                                                 

Chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng nhập siêu công nghệ thấp từ Trung Quốc?

Chúng ta có thể hạn chế một phần nhập siêu công nghệ thấp của Trung Quốc qua hình thức gia tăng hàng rào kỹ thuật (như khẳng định mới đây của Bộ trưởng Bộ Công thương). Qua đó sẽ giúp hạn chế bớt những sản phẩm không cần thiết, kém chất lượng, thậm chí độc hại. Trong vấn đề này, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tiếp tục chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng danh mục các sản phẩm mất an toàn (nhóm 2). Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành để tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng sản phẩm trên thị trường cũng như tại các cửa khẩu, để đảm bảo rằng những tiêu chuẩn chất lượng và an toàn này được tuân thủ thực hiện.

Mặt khác, không thể lạm dụng hàng rào kỹ thuật vì khó người thì lại càng khó ta. Hai bên cùng dựng hàng rào kỹ thuật quá cao sẽ làm hạn chế khả năng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang ở trình độ công nghệ thấp hơn, nhiều sản phẩm của ta có chất lượng thấp hơn của nước ngoài. Vì vậy, giải pháp bền vững lâu dài nhất vẫn là tập trung đầu tư cải thiện trình độ công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước.

Cũng liên quan tới vấn đề nhập siêu, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm tới nạn nhập khẩu công nghệ chất lượng thấp qua các dự án đầu tư. Nhiều dự án chưa được các cơ quan quản lý thẩm định đến nơi đến chốn, kể cả những công tác thẩm định cơ bản như đánh giá tác động môi trường. Việc tham khảo ý kiến nhà khoa học để thẩm định công nghệ lại càng sơ sài, thường chỉ khi có hậu quả mới huy động đến sự tham gia của họ. Ngay cả nếu có cơ chế hội đồng thẩm định chất lượng công nghệ thì cũng không hẳn đã hiệu quả vì trong nhiều lĩnh vực chúng ta còn rất thiếu những chuyên gia có đủ trình độ và kinh nghiệm cần thiết. Thiếu người đứng mũi chịu sào nên hội đồng cũng thường là đánh đồng trách nhiệm, không ai phải chịu trách nhiệm đến cùng. Đối tác nước ngoài hiểu rất rõ những yếu điểm đó của chúng ta và biết cách lợi dụng chúng triệt để.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)