Đổi mới trước hết từ những hội đồng khoa học
Trong những cuộc làm việc gần đây của Chính phủ với các Bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thường xuyên đề cập tới một chủ trương quan trọng, đó là Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cần phải tăng cường đặt hàng cho các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương đúng đắn nói trên, nhất thiết phải có những hội đồng khoa học với các tiêu chí, quy chế hoạt động, chế độ đãi ngộ, và cơ chế chịu trách nhiệm phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho đồng tiền của Nhà nước chi cho khoa học công nghệ được đầu tư đúng hướng, đúng mục đích, đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mức đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay là rất hạn chế, khoảng 28%. Trong khi đó, mức chi cho khoa học công nghệ của Nhà nước không hề thấp, khoảng 2% Ngân sách, (tương đương 0,5% GDP). Vẫn biết rằng đầu tư cho khoa học thường mang tính chiến lược dài hạn, không phải khi nào cũng nhìn thấy ngay các lợi ích kinh tế, nhưng những con số trên đây phần nào phản ánh một thực tế là vẫn còn có những đồng tiền chi cho khoa học công nghệ một cách lãng phí, kém hiệu quả, với những sản phẩm nghiên cứu chỉ tồn tại trên giấy. Bên cạnh đó, mức chi của khối doanh nghiệp đầu tư đổi mới khoa học công nghệ còn rất thấp, chỉ khoảng 0,3 – 0,4% GDP; điều này một mặt phản ánh sự hạn chế của thị trường công nghệ, mặt khác cho thấy các doanh nghiệp chưa tin tưởng nhiều ở các nhà khoa học Việt Nam, hoặc không biết phải tin vào ai giữa những mớ nghiên cứu thật giả lẫn lộn.
Tuy nhiên, lãng phí cho một vài cá nhân, một vài đề tài nghiên cứu vẫn còn nhỏ khi so với việc lãng phí do việc xác định không đúng một định hướng nghiên cứu, hay một định hướng đầu tư phát triển của các hội đồng cao cấp thường gồm đại diện của một số cơ quan quản lý và tổ chức nghiên cứu, với các thành viên phần nhiều là những cây đa cây đề vừa thiếu những đòi hỏi từ thực tế đời sống, vừa ít cập nhật với thực tiễn phát triển khoa học công nghệ cả trong và ngoài nước.
Hiện nay, nguyện vọng chính đáng của các nhà khoa học là được ghi nhận, đánh giá, và trả công một cách minh bạch, công bằng, dựa trên chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Cùng tham gia đoàn làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng một trong những mong mỏi tha thiết của các cán bộ nghiên cứu là làm sao “phân loại được các nhà khoa học”, để sàng lọc và ưu tiên đầu tư, đãi ngộ vật chất xứng đáng cho những nhà nghiên cứu mà sản phẩm của họ thực sự cống hiến cho khoa học, hoặc thực sự hữu ích khi ứng dụng vào đời sống. Nhưng làm sao có thể phân loại được nhà khoa học thật, giả khi mà vẫn phổ biến hiện tượng những hội đồng khoa học thẩm định chất lượng sản phẩm nghiên cứu làm việc theo lối “dễ dãi, đầy tính thông cảm” (lời của nhà nghiên cứu kinh tế Trần Đình Thiên).
Với một nguồn lực còn hạn chế để đầu tư cho khoa học công nghệ thì những người làm công tác quản lý hẳn sẽ phải cân nhắc lựa chọn các phương án đầu tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Để làm được việc này, họ cần có những hội đồng khoa học đúng nghĩa. Và để có những hội đồng như vậy, người ta cần lựa chọn, đánh giá, quản lý, và giám sát trách nhiệm các hội đồng – từ cấp cao nhất tới thấp nhất – một cách minh bạch, công khai, và chặt chẽ.
TIA SÁNG