Đối thoại với người dân – sự thành bại của một chương trình điện hạt nhân

Kết quả những cuộc đối thoại về mọi vấn đề mà người dân quan tâm, ví dụ như việc xử lý và chôn giữ chất thải hạt nhân, là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự thành bại của một chương trình điện hạt nhân.

Nước Pháp là một trong những quốc gia tổ chức tốt nhất về tuyên truyền và truyền thông điện hạt nhân, giành được sự ủng hộ cao của công chúng nhờ những nỗ lực bền bỉ trong truyền thông theo nguyên tắc minh bạch, trung thực, và dân chủ. Tuy nhiên, họ vẫn không thể tránh khỏi những khúc mắc khi đối thoại với người dân về vấn đề xử lý và chôn giữ chất thải hạt nhân.

Điển hình là những cuộc đụng độ với người dân hồi cuối tháng 11 vừa qua, khi các đoàn tàu chở chất thải đã qua xử lý sang chôn giữ ở Gorleben, Đức, bị người dân cả hai nước Pháp và Đức phản đối gây khó dễ. Hàng trăm người Pháp đã chặn đoàn tàu trong ba ngày, đốt phá các xe cảnh sát, thậm chí đổ đất đá lên đường ray nhằm ngăn đoàn tàu chở 14 tấn chất thải rời nhà ga Vaglones.

Sự kiện này làm chúng ta nhớ lại một giai đoạn kịch tính của truyền thông điện hạt nhân ở Pháp vào cuối thập kỷ 80, khi mà chương trình điện hạt nhân của quốc gia này tưởng chừng đã cất cánh êm thuận thì bị đình lại do ngay khi người ta xây dựng các dự án bãi chứa chất thải hạt nhân ở các vùng hẻo lánh của Pháp, người dân địa phương đã biểu tình phản đối rầm rộ, thậm chí biến thành một số cuộc bạo động.

Trước thời điểm đó, không ai, kể cả các nhà quản lý ngành điện hạt nhân có thể hình dung rằng vấn đề chôn chất thải hạt nhân lại nhạy cảm đến vậy. Pháp là quốc gia hàng đầu thế giới về xử lý và tái chế chất thải hạt nhân. Họ có khả năng tách plutonium, uranium, và các yếu tố nhiên liệu khác ra khỏi chất thải hạt nhân, giúp giảm thiểu khối lượng chất thải này tới mức tổng lượng chất thải sau khi tạo ra nguồn điện hạt nhân phục vụ một gia đình bốn người trong 20 năm chỉ tương đương với dung tích trong một lọ nhỏ bằng cỡ chiếc bật lửa, và người ta cứ nghĩ rằng sẽ chẳng ai phản đối việc chôn cất một lượng chất thải nhỏ như vậy.

Sự việc trầm trọng này được chuyển lên nghị viện Pháp, và ông nghị Christian Bataille được giao phó đứng ra giải quyết. Bataille đã trực tiếp trò chuyện với những người biểu tình phản đối và ông nhanh chóng nhận ra mấu chốt của vấn đề là sai lầm trong truyền thông hạt nhân của Pháp. Trong khi giới chuyên gia và các nhà quản lý về điện hạt nhân Pháp đinh ninh cho rằng chôn chất thải hạt nhân là cách làm an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, thì nhận thức của người dân địa phương lại cho rằng đây là cách phủi tay cho qua chuyện của chính phủ và ngành điện hạt nhân, hi sinh môi trường để đổi lấy lợi ích kinh tế.

Để giải quyết mâu thuẫn về quan điểm này, Bataille đề ra một giải pháp rất đơn giản, đó là thay đổi khái niệm “chôn giữ”, thay bằng “lưu trữ”. Nghĩa là chất thải hạt nhân sẽ không bị chôn vùi vĩnh viễn, mà lưu trữ theo cách con người vẫn có thể tiếp cận trong tương lai, khi mà trình độ công nghệ đủ cao để xử lý chất thải này theo cách an toàn hơn. “Ngày nay chúng ta lưu trữ các thùng chất thải, vì các nhà khoa học hiện chưa tìm ra cách loại bỏ các tác hại của chúng, nhưng có thể 100 năm nữa họ sẽ tìm ra cách”, ông nói với những người phản đối. Để củng cố thêm lòng tin của dân chúng, Bataille còn vận động cho một dự luật, trong đó lên kế hoạch xây dựng các phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm điều tra nghiên cứu về các giải pháp lưu trữ chất thải hạt nhân, từ chôn dưới lòng đất tới tích trữ trên mặt đất, các giải pháp vận chuyển và khử độc, từ đó trình lên chính phủ và quốc hội giải pháp giải quyết tối ưu nhất.

Trong thực tế, trên phương diện kỹ thuật, cho tới nay chưa có quốc gia nào trên thế giới đủ trình độ để xử lý triệt để chất thải hạt nhân. Đây sẽ tiếp tục là gót nhân Achilles của ngành điện hạt nhân, mà nếu không giải quyết được, thì không lấy gì làm chắc là sự phản đối người dân sẽ vĩnh viễn nằm trong vòng kiểm soát và sẽ không bùng phát lan rộng làm đình trệ toàn bộ chương trình điện hạt nhân của Pháp như đã từng xảy ra trong quá khứ. 

Tuy nhiên, một điều quan trọng ở đây là ấn tượng tiêu cực của dân chúng về vai trò của chính phủ trong lĩnh vực điện hạt nhân đã được thay đổi. Không còn là những người quan liêu phủi tay cho qua chuyện, mà là những người có ý thức trách nhiệm về việc liên tục theo dõi, giám sát các chất thải hạt nhân. Lòng tin này được gây dựng trước hết từ những chính trị gia như Bataille, những người luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp và lắng nghe để tìm ra giải pháp mà người dân có thể chấp nhận được. Chính điều này đã giúp chính phủ Pháp đạt được mức độ đồng thuận cần thiết trong công chúng để tiếp tục phát triển chương trình điện hạt nhân tới ngày nay. 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)