Dự án Điện hạt nhân: Cần sự điều hành chuyên môn trực tiếp và tập trung

Sau khi đi dự kỷ niệm 30 năm khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt về, GS. Pierre Darriulat có trao đổi với tôi rằng chương trình điện hạt nhân của Việt Nam tiềm tàng rủi ro bởi nhiều lý do. Tình trạng nhân lực yếu kém chắc chắn là một lý do lớn, nhưng lý do lớn hơn và nguy hiểm hơn mà không phải ai cũng nhìn thấy là cách điều hành chương trình này bởi một cộng đồng hành chính phức tạp, thiếu chuyên môn và thiếu tập trung.

Đây cũng chính là điều mà bản thân tôi đã có khuyến cáo trên tạp chí Tia Sáng cách đây mấy năm, trong đó nhấn mạnh rằng chương trình điện hạt nhân của một quốc gia chỉ thực sự thành công khi được một tổng công trình sư cùng một nhóm các chuyên gia thực sự có trình độ chuyên môn hạt nhân cao lãnh đạo trực tiếp và tập trung. Vài thí dụ điển hình:

* Chương trình điện hạt nhân của Liên Xô trước đây chắc chắn không thể thành công huy hoàng nếu thiếu sự lãnh đạo trực tiếp và bao trùm của Igor Kurchatov – tổng công trình sư của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Obninsk, máy gia tốc vòng (cyclotron) đầu tiên, lò phản ứng hạt nhân di động trên tàu thủy đầu tiên…

* Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp CEA là Joliot Curie (Giải thưởng Nobel, đồng phát minh ra hạt nhân phóng xạ…).

* Glenn Seaborg (Giải thưởng Nobel, chuyên gia vật lý hạt nhân thực nghiệm…) là chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ trong hơn 10 năm quan trọng nhất (1960-1971) và là cố vấn cho mười đời Tổng thống Mỹ, từ Truman đến Clinton, trong các vấn đề hạt nhân.
* Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc ra đời năm 1991 như sản phẩm công nghệ của một cơ quan nghiên cứu duy nhất, Viện 728 (tiền thân của Viện Công nghệ hạt nhân Thượng Hải hiện nay), với sự tham gia chuyên môn rất lớn của các chuyên gia Hoa kiều từ Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận ở Việt Nam được chia ra nhiều mảnh cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau (đa phần không có năng lực chuyên môn hạt nhân) đảm nhiệm. Ban chỉ đạo Nhà nước có vị trí rất lớn nhưng thực chất lại là một ban bệ hành chính với các thành viên là đại diện lãnh đạo của tất cả các ngành liên quan, thực sự không có khả năng tập trung lãnh đạo, điều hành chuyên môn trực tiếp chương trình điện hạt nhân. Nếu tiếp tục lộ trình như thế này, chắc chắn sẽ có rất nhiều bất cập. Trong tình cảnh nhân lực công nghệ hạt nhân của Việt Nam còn yếu như hiện nay, việc mời một số chuyên gia quốc tế trình độ cao vào vị trí lãnh đạo, cố vấn, điều hành chuyên môn trực tiếp lâu dài các chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử (không chỉ điện hạt nhân mà cả các chương trình phát triển nghiên cứu và triển khai kỹ thuật hạt nhân phi năng lượng) chắc chắn là một việc bắt buộc cần thiết.

Thêm vào đó, một lộ trình thống nhất ở tầm quốc gia (có tư vấn của chuyên gia nước ngoài) cho việc đào tạo nhân lực hạt nhân cùng chế độ đãi ngộ thích hợp cho nhân lực đang và sẽ làm việc trực tiếp trong các chương trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phải được Chính phủ thông qua càng sớm càng tốt (dự thảo của Bộ KH&CN chỉ đề nghị phụ cấp thêm 0,7 lần lương viên chức đang thực lĩnh cho các đối tượng này). Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công thương dự thảo một Nghị định, quy định phụ cấp lương đặc biệt cho các thành viên của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cùng một số ít nhân sự liên quan là một việc làm mang tính cục bộ và không có tầm nhìn phù hợp.

Đọc thêm:
Vật lý hiện đại: Lựa chọn nào cho Việt Nam (Pierre Darriulat )
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=7778&CategoryID=36

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)