Đưa công nghệ hiện đại tới người dân Việt

Một trong những nội dung mà đề án tái cơ cấu nền KH&CN cần tập trung vào là chiến lược đưa các công nghệ hiện đại của thế giới về phục vụ người dân Việt.

Sau gần chục năm triển khai Nghị định 115 nhằm đổi mới cơ bản cơ chế quản lý và vận hành nền khoa học và công nghệ (KH&CN) nước nhà, từng bước đưa KH&CN trở thành động lực then chốt thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, thực trạng hiện nay của KH&CN vẫn chưa thực sự có được nhiều biến đổi như mong muốn, với vai trò còn mờ nhạt và thiếu chủ đạo trong việc triển khai, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của thế giới trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Trong khung cảnh này, việc xây dựng một đề án tái cơ cấu nền KH&CN nước nhà do Bộ KH&CN đang tiến hành, với sự đóng góp trực tiếp của các nhà khoa học tâm huyết trong và ngoài nước, là rất cấp thiết.

   Một trong những nội dung mà đề án tái cơ cấu KH&CN phải tập trung vào là chiến lược và những bước đi cụ thể trong việc triển khai ứng dụng của các dạng công nghệ hiện đại nhất của quốc tế cũng như những sản phẩm công nghệ mới được phát minh trong nước vào phát triển kinh tế và xã hội. Nhân đây cần khẳng định sự ra đời của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia là bước đi đầu tiên rất quan trọng theo hướng này. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu chung hỗ trợ cho vay vốn để các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu công nghệ hướng tới ứng dụng công nghệ mới, Quỹ cần có chương trình cụ thể sao cho cộng đồng khoa học nước nhà tham gia tích cực hơn vào việc đưa công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Thực tế hiện nay là, trừ một số rất ít các nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu tạo ra một vài sản phẩm công nghệ, đa số chúng ta vẫn khá thờ ơ với việc làm sao triển khai và ứng dụng được những thành tựu công nghệ hiện đại nhất của thế giới ở Việt Nam. Chỉ riêng đối với cộng đồng các nhà vật lý Việt Nam, rất nhiều sản phẩm công nghệ mang trong mình thành tựu của vật lý hiện đại (từ điện thoại di động, TV thông minh cho tới các thiết bị điều khiển, tự động hóa trong công, nông nghiệp, các thiết bị chẩn đoán, điều trị trong y tế…), nhưng việc đưa các thành tựu công nghệ mới này vào Việt Nam dường như vẫn là lĩnh vực tự xoay sở của các doanh nghiệp cũng như là nơi “làm ăn” béo bở của các công ty môi giới trung gian. Kết quả là nhiều cơ sở trong nước đã từng bị lừa trả tiền thật để mua các công nghệ cũ (đa phần công nghệ đã bị thải loại ở những nước phát triển) để sử dụng trong sản xuất, kinh doanh trong nước. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất của nền kinh tế nước nhà đang ở mức rất thấp so với quốc tế.

Đa số chúng ta vẫn quen với cách làm việc thụ động theo quy trình “bao cấp”, chỉ coi trọng việc thực hiện các kế hoạch và nhiệm vụ do lãnh đạo cấp trên đề ra, thiếu sự mạnh dạn cũng như tâm huyết đề xuất đưa công nghệ hiện đại nhất của ngành mình vào phục vụ cộng đồng người dân Việt.

   Trong lĩnh vực khoa học hạt nhân, cụ thể hơn là vật lý hạt nhân (VLHN), những ứng dụng phi năng lượng vô cùng quan trọng của VLHN trong các lĩnh vực khác nhau cho đến nay vẫn chỉ hiện diện khá manh mún, thiếu một chương trình tầm quốc gia. Tháng 5/2007, tôi được mời tham gia hội nghị VLHN quốc tế lớn nhất thế giới INPC tổ chức ở Tokyo nhân dịp 100 năm ngày sinh của Hideki Yukawa, nhà vật lý đầu tiên của Nhật Bản được trao giải Nobel. Tôi đã khá ngạc nhiên khi được nghe một diễn giả khẳng định trong một báo cáo ở phiên toàn thể (với sự hiện diện của Nhật Hoàng) rằng đóng góp lớn nhất của VLHN cho nhân loại là những ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y học. Thực tế, công nghệ soi chiếu, chẩn đoán của y học hiện đại hoàn toàn dựa vào ứng dụng của VLHN trong các hệ soi chiếu như SPECT hay PET. Đặc biệt, công nghệ PET (positron emission tomography) được phát minh từ những năm 1960 và được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển từ đầu thập kỷ 1980, nhưng chỉ năm 2009 mới được đưa vào Việt Nam hoàn toàn qua đầu tư tư nhân, không có vai trò tư vấn hay hỗ trợ nào từ cộng đồng các nhà khoa học hạt nhân nước nhà. Thành tựu vô cùng quan trọng khác của VLHN ứng dụng là việc sử dụng chùm bức xạ hạt từ máy gia tốc proton hay carbon vào điều trị u bướu, được triển khai rộng rãi ở các nước phát triển từ những năm 1980 cũng như ở những nước nghèo đang phát triển từ đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, cộng đồng bệnh nhân ung thư của Việt Nam (tăng trung bình hơn 200 nghìn ca mỗi năm) cho đến nay vẫn chưa có điều kiện điều trị tại một cơ sở gia tốc như vậy trong nước. Sự ưu việt của công nghệ điều trị u bướu dùng chùm bức xạ hạt từ máy gia tốc (liều xạ mạnh tập trung phá hủy gọn tế bào ung thư) so với những phương pháp xạ trị thông thường (liều xạ yếu, thiếu tập trung và lại có ảnh hưởng phá hủy đối với các tế bào lành xung quanh) được minh họa như hình bên.

   Đa số chúng ta vẫn quen với cách làm việc thụ động theo quy trình “bao cấp”, chỉ coi trọng việc thực hiện các kế hoạch và nhiệm vụ do lãnh đạo cấp trên đề ra, thiếu sự mạnh dạn cũng như tâm huyết đề xuất đưa công nghệ hiện đại nhất của ngành mình vào phục vụ cộng đồng người dân Việt. Tuy nhiên một số ý kiến của giới VLHN nước nhà cũng đã rất băn khoăn tại sao cho đến nay Nhà nước chưa có chương trình quốc gia xây dựng một trung tâm ứng dụng gia tốc hadron trong y học với giá thành chỉ bằng khoảng 20% chi phí xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới (mà mức độ cần thiết đối với cộng đồng người Việt chắc chắn không cấp thiết bằng một trung tâm gia tốc hadron, nhưng lại đang được tiến hành triển khai rất nghiêm túc và khẩn trương theo quyết định chính trị của lãnh đạo cấp trên). Thời gian gần đây đã có những đề xuất từ giới chuyên môn của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đề nghị xây dựng một trung tâm gia tốc quốc gia trên cơ sở vốn ODA của đối tác Nhật Bản và phía bạn đã có những phản hồi rất thiện chí. Tuy nhiên, đề án đó không được giới quản lý KH&CN thực sự quan tâm, hơn nữa lãnh đạo ngành lại luôn phải tập trung vào nhiệm vụ và chức năng chính là hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình điện hạt nhân tương lai. Mặc dù chi phí không phải là lớn đối với một dự án quốc gia, việc xây dựng một trung tâm gia tốc cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng y học vẫn nằm ngoài tầm đầu tư tư nhân. Kết quả là cộng đồng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam chắc còn phải khắc khoải chờ nhiều năm nữa cho đến khi có cơ hội được điều trị với chùm hadron từ máy gia tốc.

   Rõ ràng chúng ta cần phải có ngay những chương trình, chính sách đầu tư cụ thể (do Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia chủ trì triển khai) để động viên và khuyến khích nỗ lực từ các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc đưa các công nghệ hiện đại của thế giới về phục vụ người dân Việt. Đây cũng phải là một nội dung quan trọng cần được xét đến trong quá trình xây dựng đề án tái cơ cấu nền KH&CN nước nhà.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)