Đừng chỉ chạy theo những con số

Một góc nhìn khác về cuộc chạy đua số lượng công bố quốc tế và các chỉ số khác trong khoa học ở các nước đang phát triển.

Chú trọng vào chỉ số này, giảm chỉ số kia?

Năm ngoái, Indonesia đã vượt qua Thái Lan và trở thành nước thứ ba (sau Malaysia và Singapore) có số lượng công bố quốc tế cao nhất tại Đông Nam Á. Riêng trong năm 2016, số lượng công bố quốc tế của Indonesia là 11,470, gấp nhiều hơn hai lần so với Việt Nam – là nước đang xếp thứ năm trong khu vực. Điều này tạo ra hi vọng rằng quốc gia này có thể đuổi kịp các nước phát triển khác. Con số này của Thái Lan là 11, 331, của Malaysia là 28,546 và của Singapore là 32,504. Đó dường như là một cái kết tốt đẹp cho đầu tư gia tăng số lượng công bố quốc tế trong nhiều năm nay của Chính phủ Indonesia.

Số lượng công bố quốc tế và chỉ số trích dẫn của một số nước trong khu vực ASEAN

Một bài báo trên tờ The Conversation vừa qua đã đưa ra một góc nhìn khác về thành tích khoa học của Indonesia. Các nhà khoa học Indonesia không vội lạc quan, họ cho rằng đằng sau con số ấn tượng như vậy là câu hỏi về chất lượng nghiên cứu và chính sách hỗ trợ khoa học của chính phủ. Trên thực tế, câu chuyện của Indonesia cũng có nhiều nét tương đồng với các quốc gia đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam cũng đang kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ số lượng công bố quốc tế.

Số lượng công bố chưa đủ để nói lên bức tranh khoa học của một nước. Ở Indonesia, dù số lượng công bố cao nhưng chỉ số trích dẫn của nước này lại thua xa không chỉ so với những “đối thủ” mà nó đang cố gắng vượt qua, mà còn cả những nước xếp sau như Việt Nam. Trong khi đó, chỉ số này hiện nay lại có tính trọng yếu trên các bảng xếp hạng đại học (Ví dụ bảng xếp hạng The Times Higher Education bao gồm năm chỉ số, giảng dạy, nghiên cứu, chỉ số trích dẫn, hợp tác quốc tế và doanh thu từ khối công nghiệp). Chỉ số trích dẫn quá thấp của Indonesia cho thấy các nghiên cứu của nước này không nằm trong mối quan tâm chung của các nhà khoa học toàn cầu và như vậy, dù công bố quốc tế ngày càng tăng, khoa học nước này vẫn có nguy cơ trở thành “ốc đảo” với thế giới. Phần lớn các nghiên cứu của Indonesia chỉ khu trú trong một trường đại học trong nước và rất ít liên kết với nước ngoài. Thậm chí, tỉ lệ các công bố liên kết với nước ngoài của Indonesia đang trên đà lao xuống dốc.

Trường hợp của Indonesia là một minh họa cho việc, chạy theo chỉ số này có thể dẫn đến sự sụt giảm của chỉ số khác quan trọng hơn và cuối cùng chẳng đem lại lợi ích cho cộng đồng khoa học cũng như cho sự phát triển của nền khoa học quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề lại không nằm ở việc phải chú trọng quan tâm và tăng cường tất cả các chỉ số đánh giá mà phụ thuộc vào mục đích phát triển khoa học của một quốc gia: chạy theo các chỉ số để làm đẹp hình ảnh hay muốn tạo ra các công bố chất lượng đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước?

Trong bài báo trên The Conversation, tác giả gợi ý rằng Indonesia không cần phải cạnh tranh với Thái Lan, Singapore, Malaysia mà cần hợp tác khoa học với họ, cần những chương trình hợp tác liên ngành với các nhà khoa học trong nước, cần các chương trình hỗ trợ nghiên cứu dài hạn và cơ chế phê duyệt tài trợ nhanh chóng. Hình thức cấp vốn cho các nhiệm vụ khoa học của Indonesia hiện nay cũng giống như Việt Nam đó là cấp theo từng năm và thời gian từ khi đề tài được chấp thuận cho đến lúc thực sự nhận được vốn mất rất nhiều thời gian. Nếu như làm được như vậy thì các công bố có giá trị, chỉ số trích dẫn vì thế cũng tăng lên một cách tự nhiên.


Nên có những chương trình hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài thay vì tạo sự cạnh tranh không cần thiết  giữa họ

Lắng nghe các nghiên cứu

Tăng vị trí của mình trong các bảng xếp hạng và các chỉ số đo lường không phải là câu chuyện của riêng Indonesia mà còn là “nỗi ám ảnh” của đa số các nước đang phát triển, đang nóng lòng muốn thể hiện mình trên trường quốc tế. Cải thiện số lượng các công bố – đầu ra dễ thấy nhất của việc nghiên cứu khoa học là phương thức dường như đơn giản nhất để thể hiện tham vọng này. Indonesia đã treo thưởng tới hơn 7000 USD tiền mặt (khoảng 10 lần tháng lương của một nhà khoa học) nếu họ có bài báo được đăng trên tạp chí có ảnh hưởng cao. Các trường Đại học ở Thái Lan và Việt Nam cũng tiến hành một chiến lược tương tự. Tuy nhiên, một bài báo khác trên Nature cho rằng, các nhà quản lý khoa học ở các nước đang phát triển dường như quên mất rằng, đầu ra của các công bố khoa học không chỉ thể hiện ở các bài báo khoa học mà còn ở các khuyến nghị chính sách. Giữa các nhà khoa học và các nhà làm chính sách vẫn có một khoảng cách quá xa.
 

Chính phủ Indonesia từng nỗ lực trong nhiều năm liền để phòng chống bệnh giun chỉ bạch huyết (lymphatic filariasis) – một căn bệnh khá phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Các nhà khoa học ở Đại học Indoneisa đã khuyến nghị chính phủ không nên tuân theo đề xuất của Tổ chức Y tế thế giới, là hằng năm cấp phát một loại thuốc để ngăn chặn loài giun Wuchereria bancrofti – tác nhân chủ yếu gây ra các chủng bệnh giun chỉ trên toàn cầu, có vòng đời kéo dài từ 9-12 tháng. Nhưng những nhà khoa học ở Indonesia đã chứng minh rằng, chủng bệnh giun chỉ phổ biến nhất ở Indonesia lại được gây ra bởi một loại giun khác, tên là Brugia malayi có vòng đời ngắn hơn và loại thuốc mà WHO đề xuất không có tác dụng bởi nó vẫn cho loài giun này thời gian để phát triển và phát tán. (Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí Clinical Infectious Deseases của Đại học Oxford) Tuy nhiên Bộ Y tế của Indonesia lại lờ đi và không thay đổi phương án của WHO.

Một ví dụ khác ở Việt Nam đó là nước ta rất cần sự tham gia của các nhà khoa học trong quy trình quản lý rủi ro thiên tai. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa thiên Huế là nơi dễ bị tổn thương nhất từ hiện tượng El Nino và nhiệt độ nước biển nóng lên nên tình trạng thiên tai lũ lụt ở đây sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Hiện nay, việc đối phó với tình trạng này vốn được thực hiện một cách bị động và triển khai chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm của các cán bộ hành chính và thường “trở tay không kịp” khi có sự cố xảy ra. Trong khi đó, cách tiếp cận hiện nay trên thế giới là tập trung vào công tác chuẩn bị kĩ lưỡng đòi hỏi sự tham gia của các nhà khoa học ngay từ đầu: xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng và bản đồ ngập lụt, hệ thống thông tin cảnh báo sớm nhưng Việt Nam dường như còn xa lạ với cách tiếp cận này.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)