Đúng người đúng việc

Trong lĩnh vực khoa học, nơi các hoạt động thường có tính quy chuẩn và yêu cầu đối với những phẩm chất đạo đức -  như tính trung thực và tinh thần công tâm vì lợi ích chung –  được đặt lên cao nhất, yêu cầu giao tiền vào đúng người và đúng việc càng phải được coi trọng hàng đầu. Thế nhưng quyền phân bổ tiền luôn là thứ quyền lực chính trị hàng đầu mà mọi cơ quan quản lý đều muốn nắm giữ tối đa.

Ở Việt Nam, lâu nay Bộ KH&CN vẫn thường phàn nàn rằng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nắm quá nhiều quyền lực trong việc làm kế hoạch phân bổ kinh phí và tham khảo một cách rất hạn chế những ý kiến đề xuất từ phía Bộ KH&CN. Tuy nhiên, dù cơ quan nào nắm quyền lực này thì quyết định phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN ở nước ta vẫn mang nặng tính xin cho, thiếu một cơ sở khoa học thuyết phục, và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những tác nhân phi khoa học.

Một ví dụ điển hình thường thấy là hiện tượng các tổ chức nghiên cứu của chúng ta liên tục tìm cách ‘lobby’ nhằm nâng cao tính chính danh cùng tầm ảnh hưởng chính trị, có thể từ một phòng thí nghiệm nhỏ trở thành trung tâm nghiên cứu, từ trung tâm trở thành viện nghiên cứu, từ tổ chức mẹ lại tiếp tục đẻ ra các tổ chức con, v.v.  Nghiễm nhiên đi kèm với sự tăng tiến về địa vị và mở rộng về quy mô là sự gia tăng về biên chế bộ máy cùng những quyền lợi khác, tất yếu đều dẫn tới sự gia tăng về nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước mà không nhất thiết đi kèm với tăng tiến về chất và lượng trong sản phẩm nghiên cứu.

Trong khi đó, ở những nước có nền quản lý KH&CN phát triển người ta không xếp hạng các tổ chức nghiên cứu theo cơ chế xin cho thuần túy, mà căn cứ mật thiết vào sản phẩm đầu ra, buộc các tổ chức này phải thường xuyên nỗ lực cạnh tranh nhau để giành được nguồn kinh phí phục vụ cho sự phát triển của mình. Một trung tâm nghiên cứu có thể tạm thời được coi là xuất sắc và được hưởng nhiều ưu đãi hơn những trung tâm khác nhưng sẽ không thể duy trì đặc quyền đó nếu không quản lý và phát triển một cách khôn ngoan để rồi bị bắt kịp và tụt hậu so với các đối thủ. 

Đương nhiên, để có thể cạnh tranh tự do lành mạnh thì các tổ chức nghiên cứu nói trên phải được quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, việc đánh giá sản phẩm đầu ra phải căn cứ trên những tiêu chí công khai rõ ràng, và quan trọng nhất là việc thẩm định đánh giá các dự án/sản phẩm nghiên cứu phải được thực hiện bởi những hội đồng vừa có đủ chuyên môn, vừa được quản lý một cách chặt chẽ và thống nhất.

Ở Việt Nam hiện nay, duy mới chỉ có Quỹ Nafosted phần nào đáp ứng được đòi hỏi về tính thống nhất trong quản lý phân bổ kinh phí cho nghiên cứu KH&CN. Nhưng quy mô của Quỹ còn rất nhỏ, không đáng kể so với nguồn lực dành cho nghiên cứu KH&CN hiện vẫn đang được phân bổ căn cứ theo những quyết định của vô số các hội đồng nằm phân tán rải rác trong khắp các Bộ, ngành, địa phương. Hậu quả của tình trạng này là nguồn lực của Nhà nước dành cho KH&CN được đầu tư một cách vừa tràn lan vừa manh mún, và không một cơ quan nào thực sự phải chịu trách nhiệm giải trình.

Để thoát khỏi tình trạng phân bổ kinh phí cho KH&CN quan liêu như hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phải sớm chuyển sang thực hiện mô hình quỹ KH&CN quốc gia. Đó là một mô hình mà hầu hết các quốc gia phát triển đang thực hiện có hiệu quả, do vừa đảm bảo tính thống nhất trong quản lý – một cơ quan giải trình duy nhất – vừa đảm bảo sự linh hoạt để phù hợp với đặc thù riêng của hoạt động KH&CN, và cho phép sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu vào các quyết sách chiến lược trong chi tiêu ngân sách Nhà nước cho khoa học để giảm thiểu ảnh hưởng từ những tác nhân phi khoa học ngoài mong muốn – các nhà khoa học đầu ngành hoàn toàn có thể tham gia vào hội đồng điều hành quỹ thay vì chỉ có tiếng nói hạn chế trong vai trò tư vấn hoặc trong tư cách khách mời tại những cuộc hội thảo đơn lẻ rời rạc.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)