Giải pháp đầu tiên của quản lý Khoa học và Công nghệ

Một hoạt động có tính chất trung tâm của việc nghiên cứu về chính sách KH&CN là đo lường các kết quả của hoạt động KH&CN. Trong một bài viết trên tạp chí "Intern. J. Technology Management", tác giả đã nhắc đến câu nói của Galileo để lưu ý sự cần thiết và có thể của việc đo lường các hoạt động KH&CN: Hãy đo cái có thể đo được, đếm cái có thể đếm được, và làm cho cái không đo được thành đo được, cái không đếm được thành đếm được.

Hai chỉ tiêu cơ bản đầu tiên để đo các kết quả của nghiên cứu KH&CN là số lượng các công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và số lượng patent đăng ký ở các cơ quan patent có uy tín trên thế giới, trước nhất là ở Mỹ và sau đó là ở châu Âu.
Viện Thông tin Khoa học (ISI) của Mỹ xác định một danh mục các tạp chí được gọi là quốc tế và theo dõi số lượng các công trình khoa học của các nước công bố trên các tạp chí đó. Nhiều tạp chí cũng rất có giá trị như các tạp chí của các trường đại học ở Liên Xô (thí dụ MGU) vẫn chưa đủ uy tín để được ISI đưa vào danh mục các tạp chí quốc tế của họ. Không một tạp chí khoa học của Việt Nam nào được nói đến trong danh mục của ISI. Ngành toán học của nước ta đã có một tạp chí được tổ chức theo mẫu mực quốc tế với Ban biên tập gồm các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới nhưng hình như cũng chưa được ghi vào trong danh mục của ISI.
Một tạp chí khoa học được gọi là quốc tế cần phải có một Ban biên tập gồm những nhà khoa học có tên tuổi thuộc những lĩnh vực được quan tâm của tạp chí và một mạng lưới cộng tác viên trên khắp thế giới có đủ sức đánh giá những công trình khoa học gửi đến tạp chí theo các lĩnh vực đó. Việc đánh giá này đôi khi cũng có nhầm lẫn khiến một số công trình có giá trị bị bỏ qua và tác giả phải chuyển sang một tạp chí khác, thí dụ như công trình của Peter Higgs bị tạp chí “Physics Letters” bác bỏ nhưng sau đó nó được chấp nhận ở tạp chí “Physical Review Letters”. Một thí dụ khác là công trình của Maiman về chế tạo laser đầu tiên trên thế giới gửi tạp chí “Physical Review Letters” bị bác bỏ vì công trình này bị xem là “không cơ bản”.
Theo tôi, để bảo vệ luận án tiến sĩ, tác giả của luận án nhất thiết phải có một công trình được công bố trên một tạp chí nào đó trong danh mục của ISI. Ở Philippines, ngay khi nộp đơn làm luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh đã phải có một công trình công bố trên một tạp chí thuộc danh mục của ISI. Bảo vệ  luận án tiến sĩ và phong học hàm phó giáo sư, giáo sư ở ta hiện nay nếu theo tiêu chuẩn đó có lẽ sẽ làm “rụng” ít nhất 90% vị đang được gọi là tiến sĩ, giáo sư. Các tạp chí của ta theo cách tổ chức Ban biên tập và đánh giá công trình hiện nay có lẽ hầu hết không đáng tin cậy.
Việc xét duyệt các patent ở Mỹ hay châu Âu hiển nhiên cũng được tiến hành theo các tiêu chuẩn chuyên môn rất nghiêm ngặt và các cơ quan xét duyệt patent đều có một mạng lưới cộng tác viên rộng lớn trên khắp thế giới để làm việc này.
Ta lưu ý rằng đăng ký patent là rất cần thiết không chỉ là nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ mà còn là cung cấp thông tin để các nhà đầu tư có thể lựa chọn và mua công nghệ. Một số nhà sáng chế của ta nói là mình có công nghệ nhưng khi hỏi đến patent thì lại không có. Nếu vậy thì nhà đầu tư dựa vào đâu để quyết định có mua công nghệ đó hay không? Ở Ấn Độ, Bộ KH&CN khuyến khích những người có phát minh xin đăng ký patent và giúp họ về các khoản chi phí cần thiết.
Có người nói rằng việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế và đăng ký patent ở Mỹ hay châu Âu là không cần thiết là những người chẳng hiểu gì về hoạt động KH&CN. Để giải thích cho họ rõ cần phải mất một chỗ khá dài trong báo cáo này nên tôi xin phép được bỏ qua.
Có công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế mới chỉ có nghĩa là tác giả của công trình đã được thừa nhận là nhà nghiên cứu có trình độ. Còn công trình đó có giá trị như thế nào thì lại là một việc khác. Khi đó ta cần phải có một chỉ tiêu về tác động của công trình đối với sự phát triển KH&CN trên thế giới. ISI là cơ quan duy nhất hiện nay trên thế giới đã cung cấp được chỉ tiêu đó. Đó là số lần công trình được các tác giả khác sử dụng trong công trình của mình.
Các chỉ tiêu chúng tôi kể trên mới chỉ là một số ít chỉ tiêu mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá các kết quả hoạt động KH&CN. Có một số chỉ tiêu riêng biệt mà các nhà nghiên cứu cần phải tự mình tìm ra, thí dụ như bằng cách đưa ra các bản câu hỏi gửi một số đối tượng (thí dụ một số nhà doanh nghiệp) và phân tích các câu trả lời. Một cách khác là phân tích các công trình trên các tạp chí theo một cách nào đó, thậm chí phân tích cả các quảng cáo về sản phẩm mới để đánh giá tình hình đổi mới công nghệ trong một lĩnh vực nào đó.
Các chỉ tiêu thu được mới chỉ là những dữ liệu ban đầu cần cho nhà nghiên cứu về chính sách KH&CN. Họ còn phải tiếp tục phân tích các dữ liệu đó, thí dụ như một công trình là của một, hai hay một tập thể nhiều người trong đó có nhiều tác giả nước ngoài; công trình là về ý tưởng mới, phương pháp mới hay chỉ là các số liệu đo đạc mới và chính xác hơn; hay chỉ là việc đưa ra một thí dụ cụ thể chứng minh cho một ý tưởng, phương pháp của một công trình cơ bản nào đó. Bản thân số lần công trình được dẫn chứng trong một số trường hợp vẫn chưa đủ để nói lên giá trị của công trình. Để giải quyết vấn đề này, mới đây nhà vật lý Jorge Hirsch đã đề nghị số lần công trình được công bố phải bằng số lần công trình ấy (từng công trình) được dẫn chứng.
 


Công bố hay là chết, mà anh ta lại không (có công trình) công bố
Tranh vui nước ngoài

Trên đây chúng tôi chỉ nêu một vài vấn đề về đánh giá kết quả KH&CN. Vấn đề này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và đã được trình bày trong nhiều tác phẩm của các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO và đã được cộng đồng nghiên cứu trên thế giới xem là những bản hướng dẫn để các nước sử dụng và đi đến các số liệu thống nhất có thể sử dụng để so sánh sự phát triển của KH&CN giữa các nước trên thế giới. Tác phẩm đáng chú ý nhất là “Giáo trình Frascasti” của OECD đã được Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN dịch và phát hành. Đây là cuốn sách gối đầu giường của các nhà quản lý KH&CN. Không nắm được các vấn đề chủ yếu trong quyển sách này thì không thể bàn đến việc quản lý KH&CN.
Những chuẩn chung, nước nào cũng cố gắng thực hiện, mà ta lại quản lý KH&CN “theo cách của ta” thì KH&CN của Việt Nam cũng sẽ phát triển “theo cách của ta”, có nghĩa là sẽ tự động tách rời khỏi sự phát triển chung của KH&CN trên thế giới và các nhà nghiên cứu sẽ chẳng biết nói như thế nào về cái gọi là “KH&CN ở Việt Nam”!
Khi Việt Nam gia nhập WTO thì ở giai đoạn đầu thì có thể sẽ có một số người bị thất nghiệp và một số doanh nghiệp bị phá sản. KH&CN Việt Nam một khi hòa nhập với KH&CN thế giới, có nghĩa là việc tiến hành và đánh giá các hoạt động KH&CN phải tuân theo cách làm chung của thế giới thì, theo tôi, chắc chắn sẽ có một số nhà nghiên cứu bị thất nghiệp và một số đề tài nghiên cứu bị phá sản. Tôi e rằng số lượng những người đó và những đề tài đó sẽ rất lớn nhưng đó là một sự may mắn cho dân ta vì những đóng góp của họ cho phát triển KH&CN của đất nước trở nên có ích hơn.

————

Đặng Mộng Lân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)