Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Cần động viên mọi lĩnh vực nghiên cứu
Chúng ta có tới tám lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nhưng giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ được trao cho rất ít tác giả.
Một chi tiết thú vị là hai bài báo và hai tác giả được giải thưởng tuy cùng phạm trù lý thuyết nhưng ở hai thái cực: GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng công bố không nhiều, bài báo có trích dẫn ít nhưng đăng tạp chí có đẳng cấp cao, còn PGS.TS Nguyễn Bá Ân công bố nhiều và có trích dẫn cao (anh Ân đã lập kỷ lục công bố 18 bài ISI cho đề tài hai năm 2009-2011 của Nafosted). Qua đó thấy rằng, như GS Hoàng Tụy đã nói, đánh giá cá nhân qua các con số là chưa đủ mà cần có sự đánh giá chuyên môn tinh tế hơn, và các hội đồng ngành đã làm được việc này.
Hai giải thưởng hẳn đã đem đến sự khích lệ lớn cho cộng đồng các ngành Toán – Lý, nhưng không ít nhà khoa học cho rằng, nó không đủ để đại diện cho mọi lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có những phát triển vượt bậc trong năm năm vừa qua, không động viên được những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có tính ứng dụng. Cụ thể là tác giả bài báo về ô nhiễm Asen ở Việt Nam được đăng trên tạp chí đầu bảng Nature có tính ứng dụng cao đã không được trao giải thưởng.
Mặt khác, chúng ta có tới tám lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nhưng việc lần đầu giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ được trao cho rất ít tác giả với số tiền lớn, dường như phù hợp với truyền thống xây dựng thần tượng nhưng sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho người được giải thưởng; đồng thời số đông các nhà khoa học sẽ coi giải thưởng là thứ gì quá xa cách với họ. Vì vậy, để động viên các nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực từ lý thuyết tới thực nghiệm, ứng dụng…, tôi đề nghị trao mỗi năm tối đa bốn giải thưởng Tạ Quang Bửu, với phân bố chẳng hạn như sau (mỗi ngành tối đa một giải thưởng, tất nhiên có thể có ngành không chọn được giải thưởng cho năm đó):
– Năm chẵn: Toán, Lý, Tin, Y học.
– Năm lẻ: Hóa, Sinh, Trái đất, Khoa học khác.
Việc xét chọn tác giả được trao giải thưởng chủ yếu do Hội đồng ngành đề xuất và được quyết định bởi một hội đồng mang tính danh dự gồm đại diện các hội đồng ngành, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, các nhà tài trợ…, do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm chủ tịch, thay vì Hội đồng khoa học giải thưởng hiện nay.