Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Vị khoa học hay vị nhân sinh?

Sự tồn tại của một giải thưởng trong lĩnh vực khoa học cơ bản như giải thưởng Tạ Quang Bửu là “vị khoa học” hay “vị nhân sinh”?

Câu hỏi này được đặt ra khi giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng đầu tiên dành riêng cho khoa học cơ bản ở Việt Nam, bước vào điểm mốc đánh dấu một thập niên tồn tại. Mỗi kỳ trao giải là một cơ hội để các nhà khoa học và công chúng có thể gặp gỡ và hiểu nhau hơn. Thông thường, các nhà khoa học sống trong thế giới của riêng mình bởi những người ở ngoại giới khó có thể hiểu được thứ ngôn ngữ đã được mã hóa bằng kiến thức và công thức trong các công trình nghiên cứu của họ. Chỉ qua những cuộc trao giải như vậy, công chúng mới phần nào mường tượng được điều gì diễn ra trong đầu óc lãng mạn của các nhà khoa học, họ đã làm gì sau cánh cửa phòng thí nghiệm và qua đó, ngộ ra là thứ tiền thuế mà mình đóng hằng năm vào ngân sách nhà nước đã trở thành nguồn sữa chính nuôi dưỡng thứ khoa học thuần khiết và đẹp đẽ đó.

Khác với nhiều giải thưởng ở Việt Nam, sự ra đời của giải thưởng Tạ Quang Bửu không thuần túy từ ý chí của các nhà quản lý khoa học mà từ các nhà khoa học, qua những diễn đàn của mình, trong đó có Tia Sáng. Vào đầu những năm 2000, Tia Sáng đã mở ra các cuộc thảo luận để trao đổi về những vấn đề bức thiết của khoa học Việt Nam – những điều giờ là hiển nhiên nhưng lại không hiển nhiên được chấp nhận ở thời điểm đó: nghiên cứu cơ bản có cần công bố quốc tế? có nên lấy công bố quốc tế làm tiêu chí đánh giá các chương trình tài trợ cho khoa học? việc đầu tư cho khoa học như thế nào cho hiệu quả và đúng thông lệ quốc tế? Làm thế nào để xây dựng môi trường khoa học liêm chính và minh bạch? Có nên đãi ngộ nhà khoa học?…

Ở Việt Nam, giữa lúc nhiều cơ chế đầu tư, và có lẽ cả chế độ đãi ngộ, vẫn còn chưa theo kịp bước tiến của khoa học, sự xuất hiện của “một giải thưởng của các nhà khoa học, do các nhà khoa học và vì các nhà khoa học”, như nhận xét của GS. Đinh Dũng (Viện CNTT, ĐHQGHN) là một sự công nhận quý báu.

Giữa các cuộc tranh luận như vậy, một nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã nêu ra ý tưởng “có nên thưởng tiền cho công bố quốc tế xuất sắc?”. Khi vấn đề được thảo luận rộng ra, mọi người mới nhận ra rằng, dẫu bước đầu hội nhập quốc tế và có được khởi sắc so với trước thì khoa học Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế khuyến khích và tưởng thưởng cho nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Từ đó, tạp chí Tia Sáng đã đề xuất với Bộ KH&CN cho tạp chí Tia Sáng thành lập giải thưởng khoa học mang tên GS viện sĩ Trần Đại Nghĩa, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước. Sau đó, theo gợi ý của giáo sư Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), giải thưởng được đổi tên thành giải thưởng Tạ Quang Bửu, một con người đã trở thành biểu tượng của trí thức Việt Nam. Ngày 26/8/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã ký quyết định thành lập giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Ở Việt Nam, giữa lúc nhiều cơ chế đầu tư, và có lẽ cả chế độ đãi ngộ, vẫn còn chưa theo kịp bước tiến của khoa học, sự xuất hiện của “một giải thưởng của các nhà khoa học, do các nhà khoa học và vì các nhà khoa học”, như nhận xét của GS. Đinh Dũng (Viện CNTT, ĐHQGHN)1 là một sự công nhận quý báu. Bởi, theo quan sát của GS. Pierre Dariulat, “với những người yêu khoa học đến mức chấp nhận phụng sự nó, bất chấp điều kiện làm việc thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần thì đất nước nợ họ ít nhất một sự tôn trọng và nên trao cho họ những phẩm giá mà họ xứng đáng” 2.

10 năm trôi qua, giải thưởng Tạ Quang Bửu không còn đơn độc trong lòng khoa học Việt Nam bởi sự xuất hiện của một số giải thưởng khác như giải thưởng Trần Đại Nghĩa (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), giải Sáng tạo KH&CN Việt Nam (Vifotec), giải Thành tựu Y khoa Việt Nam…. Trước sự “cạnh tranh” này, cần làm gì để giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày một trở nên hoàn thiện hơn?

Khoa học vị khoa học

Hai nhà khoa học đầu tiên giành giải thưởng Tạ Quang Bửu: GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng (toán học) và PGS. Nguyễn Bá Ân (vật lý). Ảnh: Tư liệu.

Để nghĩ về một tương lai dài rộng hơn ở một giải thưởng mà tuổi đời và quy mô vẫn còn ở mức khiêm tốn so với nhiều giải thưởng khác, trước hết chúng ta cùng nhìn vào những gì mà giải thưởng Tạ Quang Bửu góp phần tạo dựng được. Qua tám lần trao giải trong vòng 10 năm (một năm không chọn được nhà khoa học, một năm bổ sung, hoàn thiện quy chế mới), giải thưởng đã vinh danh được 21 nhà khoa học – trong đó có bốn nhà khoa học trẻ, hai nhà khoa học nữ – nghiên cứu ở tám lĩnh vực: toán học, công nghệ thông tin, vật lý, khoa học trái đất, sinh học nông nghiệp, cơ học, hóa học, y học. Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều bứt phá của khoa học Việt Nam, sau khi được thụ hưởng những chính sách đổi mới trong hai thập niên và có thể góp phần “loại ra khỏi sân chơi những ai đã và đang sử dụng một cách lãng phí tiền thuế của người dân, cho ra những công trình nghiên cứu và triển khai kém chất lượng” như diễn từ của GS. Đinh Dũng vào năm 2015. Dẫu trong khoa học, nỗ lực cá nhân là điều hết sức quan trọng nhưng “có bột mới gột nên hồ”, sự biến chuyển của một tổ chức, một cộng đồng nghiên cứu cũng góp phần vào nuôi dưỡng các nhân tố xuất sắc. Đó là lý do mà GS. Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học, VAST) trong lễ trao giải thưởng năm 2015 đã nói “Làm khoa học cũng giống như đi tu; mỗi người tu nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, và ứng dụng một môn khoa học nào đó. Trong 33 năm qua, tôi đã may mắn được tu nghiệp tại Viện Toán học, một đơn vị mạnh của tăng thân khoa học Việt Nam rộng lớn có rất nhiều tình thương và tuệ giác. Thật hạnh phúc khi được làm một tế bào nhỏ bé của một cơ thể khỏe mạnh như thế”.

Có một điều dễ nhận thấy là giải thưởng cũng phản ánh một xu hướng phát triển khác của khoa học Việt Nam. Trong các lần trao giải, các nhà nghiên cứu lý thuyết ở lĩnh vực toán học và vật lý vượt trội về số lượng hơn so với những đồng nghiệp làm thực nghiệm ở các lĩnh vực khác. Nó cũng phản ánh một thực tế của chính các ngành thực nghiệm là các nhà nghiên cứu phải trải qua rất nhiều quá trình học hỏi kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng trong phòng thí nghiệm hoặc thực địa, và một thực tế khác ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam: việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho thực nghiệm đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư trong khi nguồn lực đầu tư và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Bên lề phiên họp Hội đồng giải thưởng năm 2018, giáo sư Ngô Việt Trung (Viện Toán học, VAST) trao đổi nỗi băn khoăn của mình “Thực tế ấy theo tôi cũng là sự bất công đối với các nhà khoa học ở những ngành đó trong khi mục tiêu của chúng ta là nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và tăng sự đam mê khoa học, qua đó đưa khoa học lên tầm mới hơn”. 

PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ảnh: Thanh Nhàn.

Khoa học làm nên giải thưởng và giải thưởng cũng làm nên khoa học. Theo một công bố vào năm 2021, “Scientific prizes and the extraordinary growth of scientific topics” (Các giải thưởng khoa học và sự phát triển vượt bậc của các chủ đề khoa học”, ba nhà nghiên cứu ở Viện Các hệ thống phức hợp Northwestern (NICO), ĐH Northwestern, phát hiện ra, khi các nhà khoa học giành được giải thưởng thì tỷ lệ giữ chân các nhà khoa học khác làm việc trong cùng chủ đề với họ tăng khoảng 55% – và họ cũng thu hút được nhiều nhà khoa học mới hơn khoảng 37% so với các chủ đề không đoạt giải; các lĩnh vực có giải thưởng cũng tăng trưởng nhanh hơn 40% so với các lĩnh vực không có giải thưởng 3.

Sự đồng biến tốt đẹp ấy đã được hiển thị một cách rõ ràng theo thời gian ngay ở giải thưởng Tạ Quang Bửu. “Bản thân tôi đã xem giải thưởng này như là một mục tiêu cần phấn đấu trong hoạt động nghiên cứu của mình”, GS. Trần Thanh Hải (ĐH Mỏ địa chất) chia sẻ trong lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, một sự kiện không thể quên trong cuộc đời làm khoa học của mình. Khi đó, Hội đồng giải thưởng đánh giá ông là người tiên phong trong việc áp dụng tổng hợp các nghiên cứu tổng hợp và định lượng trong giải đoán cấu trúc địa chất kết hợp với Thuyết Kiến tạo Mảng và các kiến thức hiện đại để xây dựng mô hình kiến tạo, khôi phục lịch sử tiến hóa của vỏ Trái đất, dự báo tài nguyên địa chất và phòng tránh thiên tai ở Việt Nam với công trình “The Tam Ky-Phuoc Son Shear Zone in central Vietnam: Tectonic and metallogenic implications” (Đới cắt Tam Kỳ – Phước Sơn ở miền Trung Việt Nam: Ý nghĩa của nó đối với kiến tạo và sinh khoáng), xuất bản trên Gondwana Research 4. Theo dòng thời gian, bài báo này đã được ít nhất 3 công trình khác kế thừa để bổ sung, dần hoàn thiện bức tranh lịch sử tiến hóa kiến tạo khu vực miền Trung Việt Nam trong quá khứ. Không chỉ vậy, đến nay, bài báo này là nguồn trích dẫn tham khảo của gần 140 công trình quốc tế và là tiền đề cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn và luận án tiến sĩ khác trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu của công trình.

Qua tám lần trao giải trong vòng 10 năm (một năm không chọn được nhà khoa học, một năm bổ sung, hoàn thiện quy chế mới), giải thưởng đã vinh danh được 21 nhà khoa học – trong đó có bốn nhà khoa học trẻ, hai nhà khoa học nữ – nghiên cứu ở tám lĩnh vực: toán học, công nghệ thông tin, vật lý, khoa học trái đất, sinh học nông nghiệp, cơ học, hóa học, y học.

Một thập niên qua đã chứng kiến nhiều đổi thay trong môi trường khoa học Việt Nam cũng như với những người đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu. Các nhà khoa học từng đoạt giải trẻ như GS. Phạm Hoàng Hiệp (toán học) GS. Phùng Văn Đồng, PGS. Đỗ Quốc Tuấn, TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (vật lý)… đang bước vào giai đoạn đẹp nhất sự nghiệp khoa học. Năm 2019, GS. Phạm Hoàng Hiệp tiếp tục được trao giải ICTP-Ramanujan – giải thưởng mang tên nhà toán học Ấn Độ Srinivasa Ramanujan của Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế ICTP dành cho các nhà khoa học trẻ ở các nước đang phát triển – “bởi những đóng góp xuất sắc vào lĩnh vực giải tích phức, và cụ thể với lý thuyết thế vị”; và có được một số kết quả toán học mới, cơ bản có giá trị nhất trong quá trình nghiên cứu từ trước đến nay trong bài báo “Singularity invariants of plurisubharmonic functions”. GS. Phùng Văn Đồng, sau khi chia sẻ tại lễ trao giải thưởng vào năm 2016 “điều cốt yếu trong khoa học là phải có nhóm nghiên cứu mạnh”, đã gây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý năng lượng cao và vũ trụ học tại ĐH Phenikaa, đóng góp chính vào việc đưa trường giữ vững số một Việt Nam trên bảng Nature Index, đồng thời ấp ủ mơ ước đưa Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa (PIAS) mà anh là Viện trưởng trở thành viện hàng đầu Việt Nam và có uy tín quốc tế.

Sau khi trở thành nhà khoa học trẻ đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán) tiếp tục được trao giải thưởng Ramanujan của ICTP. Nguồn: Viện Toán

Việc trở thành nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu có một giá trị đặc biệt. Nó thúc giục các nhà khoa học lớn tuổi, tưởng chừng đã qua giai đoạn sung sức nghiên cứu, tiếp tục có nhiều đóng góp. Các trang Google Scholar của GS. Đinh Dũng, PGS. Nguyễn Bá Ân, GS Nguyễn Đông Yên, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng… vẫn cập nhật những công bố mới. “Sau khi vinh dự được nhận giải thưởng vào năm 2015 nhờ một kết quả đăng trên tạp chí SIAM Journal on Optimization, tôi vẫn cố gắng duy trì chất lượng nghiên cứu và đào tạo. Ví dụ như tôi đã có thêm ba bài báo đăng trên tạp chí này, khai phá thêm ba lĩnh vực nghiên cứu mới (toán kinh tế, phân cụm dữ liệu, lý thuyết trò chơi), và hướng dẫn tám nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học”, GS. Nguyễn Đông Yên trả lời qua email.

Khoa học vị nhân sinh

Đời sống văn chương Việt Nam những năm 1930 nổi lên một cuộc tranh luận hấp dẫn giữa hai quan điểm trái ngược nhau “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “nghệ thuật vị nhân sinh” với hai chủ soái Hoài Thanh và Hải Triều. Cuộc tranh luận này đã lùi vào quá khứ nhưng tinh thần của nó vẫn thể hiện ở những cuộc thảo luận khác, diễn ra trong thời gian gần đây, từ mạng xã hội đến một số phiên họp lớn nhỏ “ngoài bài báo quốc tế, khoa học cơ bản có đóng góp gì cho sự phát triển của xã hội, của đất nước?”, “bài báo quốc tế thì có ứng dụng gì?”, “Việt Nam có nên dùng ngân sách để đầu tư cho khoa học cơ bản?”… Những câu hỏi này vẫn được đặt ra, bất chấp một sự thật là nhiều quốc gia đã trở thành cường quốc công nghệ, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới nhờ đầu tư cho khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản.

Theo thời gian, nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực mới như y học, cơ học, hóa học đã được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ảnh: GS. Phạm Văn Hùng (ĐH Quốc tế) ngành sinh học nông nghiệp được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2018.

Khoa học cơ bản, nơi các kết quả nghiên cứu còn phải đi tiếp vô vàn chặng đường nữa, có thể tới vài chục năm hoặc thậm chí cả trăm năm, mới đến được với xã hội, có những giá trị và vẻ đẹp riêng có mà chỉ những người kiên nhẫn mới nhận được. Dẫu khoa học cơ bản không tạo được ra ngay những sản phẩm được định giá triệu đô thì nó vẫn có thể đền đáp xã hội theo cách mà đáng tiếc thay, không phải ai cũng nhận ra: đào tạo nguồn nhân lực. Trong lễ trao thưởng Tạ Quang Bửu 2018, khi đề cập đến ước mơ đẹp của mình là làm ra chiếc lá nhân tạo, làm ra nhiên liệu sạch H2 từ năng lượng mặt trời và nước biển, PGS. TS Trần Đình Phong (USTH) cho rằng “Cho dù không có những khám phá công nghệ nổi bật thì vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề”. Khoa học cơ bản, vì thế, không chỉ thuần túy là “vị khoa học” mà còn cả “vị nhân sinh” ngay trong mục tiêu đầu tiên của nó. 

Việc trở thành nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu có một giá trị đặc biệt. Nó thúc giục các nhà khoa học lớn tuổi, tưởng chừng đã qua giai đoạn sung sức nghiên cứu, tiếp tục có nhiều đóng góp.

Với ý nghĩa đẹp như vậy, giải thưởng Tạ Quang Bửu là nơi để tưởng thưởng, ghi nhận và khuyến khích các nhà nghiên cứu và cộng đồng của họ có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội theo cách của mình. Khi phân tích “Về giải thưởng và phần thưởng”, giáo sư Pierre Darriulat đã từng nói “Ít nhất, những ghi nhận xác đáng cho những thành tựu của các nhà khoa học tài năng sẽ thể hiện một sự trân trọng ấm áp dành cho khoa học, sẽ giúp vài sinh viên trẻ tài năng nhất thay đổi suy nghĩ của mình. Theo ý kiến của tôi, đó là vai trò chính của các giải thưởng khoa học: tạo ra những tấm gương xuất sắc cho thế hệ trẻ và thu hút một số em vào các hoạt động trí tuệ, nơi tri thức được coi trọng hơn tiền bạc. Mục tiêu của các giải thưởng này không phải là tìm kiếm những thiên tài mà để hỗ trợ và phụng sự tốt nhất lợi ích của khoa học Việt Nam” 2.

Đó là lý do để các giải thưởng cho khoa học tồn tại, và cũng là lý do để giải thưởng Tạ Quang Bửu nhìn về phía trước, khôn nguôi với câu hỏi “làm gì để giải thưởng thêm ý nghĩa? thêm hoàn thiện?”. Bởi một khi giải thưởng uy tín hơn và có tác động sâu rộng hơn thì có nghĩa, xã hội sẽ không chỉ thôi băn khoăn “khoa học trong tháp ngà”, “tại sao phải đầu tư cho khoa học?” mà sẽ thúc giục con em mình mạnh dạn nộp hồ sơ vào các ngành khoa học cơ bản, nơi trong nhiều năm trở lại đây ngày một không thể cạnh tranh được với các ngành thời thượng như tài chính, ngân hàng…

Như một mục đích nguyên thủy nhằm khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và nâng tầm khoa học nước nhà, giải thưởng Tạ Quang Bửu cần được trao hằng năm và kinh phí cần được trích từ ngân sách

GS. Phùng Văn Đồng (ĐH Phenikaa) 

Khi Tia Sáng trao đổi với các nhà khoa học từng đoạt giải thưởng về vấn đề này, quá nửa các nhà khoa học đều cho rằng vẫn cần phải hoàn thiện nhiều hơn về quy chế và tiêu chí đánh giá, như GS. Nguyễn Sum được trao giải năm 2017 “Dù các quy định hiện hành giúp nâng cao chất lượng và chọn lựa giải thưởng chất lượng hơn nhưng tôi nghĩ rằng quy trình và thời gian như hiện nay là một bước tiến của giải thưởng chứ không thể nói là đã hoàn thiện. Không có quy trình nào là thực sự hoàn thiện cho một giải thưởng”. Việc trong năm 2022 và 2023, Quỹ NAFOSTED, cơ quan thường trực giải thưởng, lấy ý kiến cộng đồng khoa học để xây dựng quy chế chấm giải mới cho thấy mong muốn có được một quy trình hoàn thiện để có thể chọn lựa được những công trình xuất sắc nhất. Thời gian sẽ trả lời những đổi mới trong cơ chế đánh giá có thực sự khiến cho giải thưởng ngày một uy tín hơn không nhưng chắc chắn là cơ chế mới góp phần loại bỏ khâu “mang nặng tính hành chính như các giải thưởng khác của Việt Nam như gửi công văn về các tổ chức khoa học kêu gọi nộp hồ sơ hay ứng viên phải nộp hồ sơ tự ứng cử mình”, như nhận xét của PGS. Đỗ Quốc Tuấn. 

Dẫu cũng có những cái nhìn khác nhau về giải pháp hoàn thiện giải thưởng nhưng 100% các nhà khoa học đều đồng thuận trong quan điểm phải mở rộng thêm cơ hội xét giải của những người trẻ. “Hiện nay các nhà khoa học ở trong nước đã có khá đầy đủ điều kiện nghiện nghiên cứu nên có rất nhiều bạn trẻ đạt được nhiều kết quả xuất sắc. Các nhà khoa học trẻ chính là tương lai của khoa học nước nhà, do đó để động viên và khích lệ họ, giải thưởng nên cần cơ cấu nhiều giải hơn cho mục giải thưởng trẻ” (GS. Nguyễn Sum), “Cần tăng thêm số giải cho Giải trẻ Tạ Quang Bửu. Vì chỉ trao một Giải trẻ nên vô hình trung khiến các nhà khoa học trẻ rất khó tiếp cận Giải trẻ. Điều này chưa thật sự khuyến khích sự phát triển lực lượng khoa học trẻ” (GS. Phùng Văn Đồng), “Cần một vài sửa đổi nhỏ: người nhận giải thưởng trẻ có tuổi đời từ 40 trở xuống (thay cho 35) và số tiền thưởng bằng giải chính” (GS. Phạm Hoàng Hiệp)…  

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một trong những giải thưởng khoa học lớn và có uy tín nhất ở Việt Nam. Nó chẳng những động viên người được nhận giải thưởng, mà còn là sự công nhận về chất lượng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của người đó và của trường/viện mà người đó làm việc…
Để giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày một uy tín hơn và có tác động sâu rộng hơn, ngoài việc tiếp tục bình chọn kỹ lưỡng và công tâm những công trình đơn lẻ, tôi nghĩ rằng nên xét thưởng cả những cụm công trình xuất sắc.

GS. Nguyễn Đông Yên

Mong muốn này của họ cũng trùng khớp với quan điểm của GS. Ngô Việt Trung, khi trao đổi trong phiên họp của Hội đồng giải thưởng năm 2018, “Việt Nam cần quan tâm hơn đến các nhà khoa học trẻ bởi họ mới là thế hệ tương lai quyết định sự phát triển lâu dài của khoa học Việt Nam và đối với họ, được công nhận thông qua giải thưởng rất quan trọng. Tôi và nhiều nhà khoa học đang cố gắng đề nghị với Bộ KH&CN sao cho mỗi ngành có một giải thưởng trẻ và người nhận được giải thưởng trẻ sẽ là nhà khoa học tiêu biểu cho chuyên ngành của mình”.

Có thể sẽ cần tới cả một thập kỷ nữa để tiếp tục đánh giá giải thưởng Tạ Quang Bửu và những gì giải thưởng ghi nhận, khuyến khích cộng đồng khoa học Việt Nam nhưng rõ ràng, việc tưởng thưởng các nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp cũng sẽ thúc đẩy họ theo đuổi những ý tưởng đột phá và những hướng nghiên cứu mới với tinh thần dũng cảm và sáng tạo của tuổi trẻ. 

Chi phí cho giải thưởng thường nhỏ so với lợi ích mà nó mang lại và, tạo nên một giải thưởng có ý nghĩa đồng nghĩa với việc chúng ta đã sử dụng tốt nguồn tài nguyên, hơn là dành tiền mua những thiết bị đắt tiền mà gần như không được sử dụng. Như tôi thường nói, chúng ta cần đầu tư vào bộ não chứ không phải thiết bị. 

GS. Pierre Darriulat

Với một nền khoa học, việc sở hữu một giải thưởng khoa học cơ bản có giá trị còn mang một ý nghĩa quan trọng khác: nó cho thấy những người làm chính sách tôn trọng, đánh giá đúng vai trò của khoa học, và một cam kết đầu tư cho khoa học. Bởi lẽ, khoa học cơ bản cần được đầu tư đủ sâu và đủ kiên nhẫn để một lúc nào đó, có được khám phá bất ngờ hay những đột phá ở tầm quốc tế. Trong cộng đồng khoa học thế giới không thiếu những câu chuyện như thế. Năm 2003, nhà hóa học Paul Lauterbur (Đại học Stony Brook, Mỹ) và một đồng nghiệp khác là Peter Mansfield (ĐH Nottingham, Anh) được trao giải Nobel Y sinh do phát triển kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI). Đây là phần thưởng cho ý tưởng xuất hiện từ năm 1963 của Lauterbur: liệu thông tin từ các tín hiệu cộng hưởng từ hạt nhân có thể được chuyển đổi sang một hình thức khác là các bức ảnh được không. Mặc dù nguyên lý của chụp cộng hưởng từ đã có sẵn nhưng phải đến nghiên cứu của Lauterbur và Mansfield thì từ chỗ chỉ được dùng để nghiên cứu cấu trúc hóa học của vật liệu, phương pháp này được áp dụng để chụp ảnh cơ thể và ngày nay, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trên toàn cầu chẩn đoán hàng trăm loại bệnh và các chứng rối loạn khác nhau. Trong vòng 20 năm, Lauterbur đã được Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ hàng chục đề tài mà không ai hỏi ông liệu có làm ra được ứng dụng nào không? và nếu điều đó không thành thì việc đầu tư có phải là ném tiền qua cửa số không?

Nếu khoa học cơ bản được bồi đắp bằng một niềm tin như vậy, hẳn trong tương lai, giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ tự hào vinh danh những đột phá khoa học ở quy mô lớn hơn, điều mà PGS. Nguyễn Bá Ân từng nói một cách hình ảnh trong diễn từ nhận giải năm 2014, “Trong hiệu ứng Quang điện do Einstein phát minh năm 1905 và được giải Nobel năm 1921, quyết định là tần số của photon, là chất lượng, chứ không phải là cường độ, là số lượng. Có chiếu cả ngàn, cả tỉ hoặc tỉ tỉ photon có tần số thấp thì cũng chẳng nhằm nhò gì: điện tử chẳng thể bật ra, ampe kế không hề nhúc nhích… và… khán phòng này vẫn tối om. Nhưng, chỉ cần một photon có tần số vượt ngưỡng, hãy gọi là ‘photon xuất sắc’ đi, thì điện tử sẽ bật ra, tạo thành dòng điện, làm cả khán phòng này… bừng sáng!”. □

—————–

1. https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/net-moi-cua-giai-thuong-ta-quang-buu-2017-10641/

2.https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/ve-giai-thuong-va-phan-thuong-12416/

3. https://www.nature.com/articles/s41467-021-25712-2

4. https://taquangbuuprize.nafosted.gov.vn/pgs-ts-tran-thanh-hai/

Bài đăng Tia Sáng số 9/2024

Tác giả

(Visited 85 times, 1 visits today)