Gian lận học thuật ở Trung Quốc:
Nhân rộng sự thành công?

Sự phổ biến của nạn gian lận học thuật có thể gây cản trở cho quá trình đổi mới.

Nếu chỉ xét đơn thuần về số lượng, thì những thành tựu của giáo dục đại học Trung Quốc thật ấn tượng. Chỉ riêng số lượng thí sinh thi vào đại học của Trung Quốc hàng năm cũng đã đủ làm cho mọi người “kính nể” rồi. Kỳ thi được mệnh danh lớn nhất hành tinh này trong vài năm qua đã thu hút đến gần 10 triệu thí sinh tham dự, trong đó có khoảng 2/3 sẽ có cơ hội trúng tuyển. Cũng vậy, hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Trung Quốc lên đến trên 6 triệu người, hơn cả toàn bộ dân số hiện nay của Singapore, một nguồn vốn con người khổng lồ mà các quốc gia già cỗi ở phương Tây có nằm mơ cũng không thể thấy được.

Còn về chất lượng giáo dục đại học của Trung Quốc thì sau bao năm đổi mới dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sự hỗ trợ khổng lồ về tài chính của nhà nước vẫn chưa đạt được ước mơ đẳng cấp quốc tế. Để giải thích điều này, một trong những lý do mà một số nhà bình luận của phương Tây đã đưa ra là sự thiếu liêm chính học thuật (lack of academic integrity) của các học giả Trung Quốc. Có thể nói, đây là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của giáo dục đại học nói riêng và vị thế quốc gia của Trung Quốc nói chung, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có biện pháp để thay đổi.

Quan điểm mà chúng tôi vừa tóm tắt ở trên thể hiện rõ trong bài viết có tựa đề “Academic Fraud in China: Replicating Success” vừa đăng ngày 22/7/2010 trên tờ The Economist. Tựa đề của bài viết này cố ý gợi lại tựa cuốn tự truyện của nhân vật nổi tiếng thành đạt của Trung Quốc là Tan Jun, nguyên Giám đốc điều hành Microsoft tại Trung Quốc. Mỉa mai thay, chính con người tưởng như đã đạt đến đỉnh cao danh vọng này lại vừa bị phanh phui trong một scandal cũng không kém nổi đình đám, trong đó ông đã bị cáo buộc với những chứng cớ không chối cãi được là đã dối trá về bằng cấp Tiến sĩ của mình. Nói ngắn gọn, ông đã “mua bằng” từ một “lò cấp bằng dỏm”, nhưng lại tự nhận là mình lấy bằng Tiến sĩ ở một ngôi trường rất danh giá là Caltech (California Institute of Technology). Vụ việc này om xòm đến nỗi báo chí Việt Nam cũng đã có đề cập đến trong một mẩu tin gần đây1.

Thật rủi ro, cuốn tự truyện về cuộc đời của mình được Tan Jun đặt tựa là  “Sự thành công của tôi có thể được nhân rộng”. Nhân rộng bằng cách nào? Phải chăng ở Trung Quốc, ai cũng có thể tìm được sự thành công bằng con đường gian lận học thuật? Đó là hàm ý trong cái tựa của bài viết ngắn gọn mà sắc sảo trên   tờ Economist đã nêu. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến tất cả bạn đọc.

———

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thường xuyên phát biểu mạnh mẽ về nhu cầu thúc đẩy quá trình đổi mới. Lập luận của ông rất thuyết phục: để giữ vững sự tăng trưởng kinh tế và sự cạnh tranh thì Trung Quốc nhất thiết phải vượt qua nền kinh tế dựa trên sản xuất bằng sức lao động để đi vào nền kinh tế dựa trên tri thức, khám phá, sáng chế và các tiến bộ khoa học khác.

Tuy nhiên, điều này không dễ, trước hết là vì nước này đã quá nổi tiếng về tình trạng phổ biến của các hành vi gian lận trong học thuật và khoa học. Các học giả, cả Trung Quốc lẫn phương Tây, đều xác nhận nạn gian lận đang hoành hành; các hành vi sai trái bao gồm giả mạo dữ liệu, dối trá về bằng cấp, gian lận trong các kết quả thử nghiệm, và đạo văn thì quá thường xuyên.

Đáng chú ý nhất gần đây là trường hợp của ông Tang Jun, một nhà điều hành nổi tiếng, một người tự lập thân và là tác giả một cuốn sách được phổ biến rộng rãi: “Thành công của tôi có thể nhân rộng ra”. Ông vừa bị cáo buộc đã khai man khi tuyên bố mình đã lấy bằng tiến sĩ từ Viện Công nghệ California (Caltech) lừng lẫy. Câu trả lời của ông cho cáo buộc này là nhà xuất bản đã nhầm lẫn, chứ thật ra bằng cấp của  tôi là từ một trường khác của California, ít nổi tiếng hơn so với Caltech rất nhiều lần.

Các trường hợp học giả nổi tiếng khác của Trung Quốc bị cáo buộc đạo văn đã buộc các nhà chức trách nhắc đến việc cần điều tra về vấn đề này. Một học giả phương Tây kể lại một dự án nghiên cứu liên quan đến lãnh vực khoa học xã hội đã hỏng bét ra sao khi việc thu thập dữ liệu được hợp đồng cho một công ty Trung Quốc: các nhà nghiên cứu của công ty này không hề bỏ chút công sức nào để điều tra mà tự mình điền hết vào tất cả các phiếu!

Những ví dụ về sự thiếu trung thực như vậy không chỉ có ở Trung Quốc, nhưng cơ chế bình duyệt (peer-review) yếu kém,  các động cơ sai lầm và sự thiếu kiểm tra về đạo đức học thuật tại đất nước này khiến sự gian lận ở quốc gia này trở nên phổ biến hơn. Theo Tiến sĩ Cao Công, một chuyên gia về xã hội học của Trung Quốc tại ĐH New York (SUNY), nạn gian lận ở TQ xảy ra dễ hơn nơi khác vì các học giả TQ được đánh giá chỉ dựa trên số lượng, chứ không phải là chất lượng, các công trình đã được công bố của họ. Vì vậy, sự tưởng thưởng được trao đi mà thiếu sự kiểm tra chặt chẽ về học thuật. Hơn nữa, các bậc trưởng lão trong khoa học ở TQ rất hiếm khi bị trừng phạt về sự gian lận của mình, và điều này đã tạo ra tấm gương rất rõ ràng để thế hệ trẻ noi theo.


Gần đây là scandal rất “nổi đình đám” về vị nguyên giám đốc điều hành Microsoft tại TQ là Tan Jun, người bị cáo buộc với những chứng cớ không chối cãi được là đã gian dối về bằng Tiến sĩ của mình.

Sự phổ biến của các hành vi gian lận trong học thuật ở TQ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không ngờ đến. Tiến sĩ Denis Fred Simon từ trường ĐH Pennsylvania (Penn State) cho rằng các bằng chứng về sự gian lận ngày càng tăng “đã khiến người ta mất niềm tin vào các doanh nghiệp khoa học Trung Quốc nói chung – và tiếc thay điều này tạo nên mối quan ngại về sự an toàn của các sản phẩm Trung Quốc cũng như sự xác thực của các thông tin xuất phát từ Trung Quốc. “

Xét trên khía cạnh thực tế, việc gian lận trong khoa học có thể khiến các nhà khoa học nước ngoài ngại ngùng không muốn đến làm việc tại Trung Quốc, vì họ lo ngại bị dính líu vào các vụ bê bối. Đầu năm nay, sau vụ phát hiện giả mạo số liệu trong 70 bài báo viết về cấu trúc tinh thể do các nhà khoa học TQ nộp cho một tạp chí quốc tế, tờ tạp chí y học Lancet đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc “thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong vấn đề đạo đức khoa học “. Tờ tạp chí này cũng cho rằng các biện pháp cho đến nay chưa chạm đến gốc rễ nguyên nhân gây ra sự dối trá của một số các nhà khoa học của Trung Quốc.

Một tác hại trực tiếp khác là sinh viên Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng khi xin học đại học ở nước ngoài. Thành viên hội đồng tuyển sinh của các trường cảm thấy khó mà tin được các hồ sơ với điểm thi gần như hoàn hảo và thư giới thiệu với những lời ca ngợi ngất trời của đa số các hồ sơ gửi từ Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là các ứng viên thực sự đủ điều kiện lại có nguy cơ bị từ chối do mối nghi ngờ chung về sự gian lận.

Nhưng ít ra thì sự hội nhập ngày càng tăng của giới học thuật Trung Quốc với thế giới bên ngoài có thể giúp thay đổi tình thế. Khi có thêm các học giả đi học ở nước ngoài và trở về làm việc ở TQ, điều này sẽ tạo ra được các mạng lưới không chính thức có thể giúp bên ngoài kiểm tra chất lượng của các ứng viên. Sự đổi mới này nhỏ thôi, nhưng có lẽ một sự đổi mới thực sự đem lại lợi ích cho Trung Quốc.

Phương Anh dịch
——————-
1 http://vietnamnet.vn/giaoduc/ 201007/Cuu-Chu-tich-Microsoft-dung-bang-dom-923183/

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)