Giáo dục đức tính trung thực khoa học

Nhân dịp Bộ KH&CN quyết định thành lập Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Tia Sáng xin đăng lại một số bài viết, cảm nghĩ về ông.

Hồi giáo sư Tạ Quang Bửu còn sống, nhưng đã thôi làm Bộ trưởng Bộ Đại học, tôi được ở một khóa Quốc hội và ở trong Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khóa ấy cùng với ông. Một lần, Ủy ban đó, thực hiện chức năng giám sát của mình, có cuộc họp với Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, có mặt cả đại biểu Ban Khoa giáo Trung ương.

Cuộc họp nêu lên một câu hỏi: “Ở bậc đại học, nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên là gì?”. Và được đại biểu của cả hai Bộ và cái ban vừa nói trên trả lời rất nhanh gọn: “Thì có gì khó đâu, cứ cho học đúng năm điều Bác Hồ dạy”. Lý do: Ngay người lớn chúng ta đây, thử hỏi đã có ai làm đúng được hoàn toàn năm điều Bác dạy đâu, cho nên sinh viên cũng rất cần học để làm cho tốt, thế là quá đủ rồi!… Tôi nhớ bữa đó mọi người trong ủy ban đều quá ngạc nhiên nhưng mà cũng lúng túng, chẳng biết phản ứng thế nào đây cho tiện, đành im lặng.

Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng im lặng hồi lâu, rồi rất chậm rãi, ông nói: “Theo tôi, ở bậc đại học, về đạo đức, cần nhất là giáo dục đức tính trung thực khoa học (la probité scientifique). Người làm khoa học thiếu đức trung thực trong công việc của mình thì có hại cho xã hội không biết bao nhiêu lần hơn người thường”. Lời ông nói, tôi nhớ, từ tốn mà nghiêm khắc, vừa như một lời khuyên, một mong ước, vừa như một cảnh báo… Theo chỗ tôi được biết, sự cảnh báo của ông rồi về sau trong các ngành có liên quan (và cả trong khoa học nói chung), hình như cũng không ai thật sự nhớ và để ý đến nữa, và cũng hình như bây giờ ở đại học trong những nội dung liên quan đến xây dựng đạo đức cho sinh viên chắc là có đủ thứ nhưng lại không có yêu cầu hàng đầu đối với người làm khoa học như giáo sư Tạ Quang Bửu đã nhấn mạnh một cách thâm thúy. Tất nhiên không thể nói nguyên nhân tất cả là ở đây, nhưng một trong những kết quả của việc này là tình trạng gian dối dưới nhiều kiểu khác nhau hiện nay trong khoa học như dư luận ngày càng báo động.

Đương nhiên, gian dối không chỉ có trong khoa học, còn nhiều nơi nặng nề hơn nhiều, tất sẽ có người nói như vậy. Và cũng đúng vậy. Nhưng nếu trong cuộc đời, trong xã hội khó tránh được hết sự gian dối, thì khoa học là nơi cuối cùng tuyệt đối không thể chấp nhận được tình trạng đó. Bản thân khái niệm khoa học đã là đối lập tuyệt đối với gian dối, như nước với lửa. Nếu trong một xã hội mà đến khoa học cũng gian dối, thì tức là đã tới mức nguy cơ cao. Trong đó hư danh cũng là một trong dạng phổ biến.1


                   
GS. Tạ Quang Bửu – nhà quản lý khoa học và giáo dục có tầm nhìn chiến lược

Tạ Quang Bửu (1910-1986) là nhà hoạt động khoa học và giáo dục nổi tiếng, nhà trí thức yêu nước nhiệt thành tiêu biểu cho cả một thế hệ các nhà trí thức Việt Nam đi theo cách mạng, niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống học hành. Ông mất ngày 21/8/1986.

Nổi danh học giỏi từ nhỏ, đến năm 1929, ông đỗ đầu tú tài bản xứ và tú tài Tây môn toán và đỗ hạng cao tú tài triết. Thành tích tuyệt vời này đã giúp ông nhận được học bổng của Hội Như Tây Du học Trung kỳ để sang Pháp học.

Năm 1934, ông về nước sau 5 năm học ở nhiều trường Pháp và Anh. Liền 7 năm sau đó, ông dạy toán, tiếng Anh cùng nhiều môn phụ tại trường trung học “Thiên hựu học đường” ở Huế, được học trò quý mến vì kiến thức rộng và cách giảng dạy hết sức sinh động.
Lòng yêu nước, căm ghét thực dân đô hộ Pháp của người thanh niên Tạ Quang Bửu đã được nhen nhóm từ thuở thiếu thời dưới ảnh hưởng sâu sắc của những nhà nho yêu nước, trong đó có cụ Phan Bội Châu.

Ông cùng với những người khác thành lập tổ chức hướng đạo, hướng thanh niên Việt Nam theo chủ nghĩa ái quốc, bài thực dân. Những người hướng đạo sinh được rèn luyện cả về thể lực và ý chí trong những điều kiện cực kỳ gian khổ không chỉ vì mục đích làm việc thiện mà còn vì mục đích cao cả hơn, đó là phục vụ Tổ quốc.

Có những nhân cách và tài năng mà chỉ sau khi vắng bóng họ người đời mới thấy hết khoảng trống mênh mông họ để lại. Anh Bửu là một con người như thế. Hơn hai mươi năm sau khi anh rời các cương vị phụ trách về khoa học và giáo dục, không lúc nào sự thiếu vắng một người lãnh đạo như anh, được cảm nhận rõ rệt trong ngành như lúc này.
                                                  Giáo sư Hoàng Tụy

Tháng 1/1946, Tạ Quang Bửu được bầu làm đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vào tháng 3/1946.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, Tạ Quang Bửu là một trong những thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Pháp tại Đà Lạt. Ông cùng với các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Phác, Kiều Quang Cung được phân công vào Tiểu ban quân sự do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Mặc dù công việc bề bộn nhưng Tạ Quang Bửu vẫn dành thời gian tự học thêm về cơ học thống kê và cơ học lượng tử nhằm tích lũy kiến thức trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cũng với ý thức như vậy, trong thời gian tham dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp, ông còn tìm mua và đưa về nước rất nhiều sách khoa học kỹ thuật quý giá đối với ngành quân giới trong kháng chiến chống Pháp.

Ngoài ra, ông chính là người tiến cử với Bác Hồ những trí thức Việt Nam đang sinh sống tại Pháp như Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân…, những người sau đó đã từ bỏ tất cả để theo Hồ Chủ tịch trở về phụng sự đất nước và dân tộc.

Giáo sư Tạ Quang Bửu tham gia Tổng Quân ủy, làm ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao và trở thành Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1947 đến tháng 7/1948. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngành quân giới non trẻ đã khiến giặc Pháp kinh hoàng vì những loại vũ khí tự tạo, trong đó phải kể đến công lao của ông.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của Pháp tại Đông Dương. Giáo sư Tạ Quang Bửu có mặt trong đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tới Thụy Sỹ dự Hội nghị Geneva về Đông Dương. Trong Hội nghị này, với tư cách đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp.

Hòa bình lập lại, sau khi giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã được Đảng và Nhà nước cử làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Nhà khoa học – “cây cầu nối khoa học  thế giới với Việt Nam”

Không phải ngẫu nhiên mà mọi người gọi Giáo sư Tạ Quang Bửu là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam.” Những cuốn sách ông viết như “Sống,” “Về các cấu trúc Bourbaki,” “Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến”… đã giúp nhiều nhà khoa học của Việt Nam tiếp cận được tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.

Giáo sư Nguyễn Xiển, một người thầy dạy toán kỳ cựu, đã từng nói tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948 ở Việt Bắc: “Với những người mở đường như ông Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, chắc chắn Việt Nam sẽ có hàng trăm nhà toán học tài không kém các nước.”

Không những thế, giáo sư Tạ Quang Bửu còn sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, có thể đọc hiểu tiếng Nga, Hán, Hy Lạp cổ, Latinh. Nhà ngôn ngữ học xuất chúng người Mỹ Noam Chomsky sang Việt Nam giảng về ngôn ngữ toán học, đề tài khó đến nỗi cả mấy phiên dịch đành chịu thua. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã lên dịch ngay lập tức khiến mọi người đều kinh ngạc.
 
Nhà giáo dục và nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược

Giáo sư Tạ Quang Bửu rất coi trọng việc gắn kết giữa quá trình đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất. Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã cử hàng nghìn lượt cán bộ giảng dạy đi thực tế phục vụ sản xuất và chiến đấu theo ngành nghề. Các trường Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải kết hợp với bộ đội công binh tham gia thiết kế, thi công đường sá, cầu hầm phà, xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Thơ tặng GS Tạ Quang Bửu

Một khối nghĩ suy, một khối tình
Nước non là đó, nọ là mình
Đã tròn một cuộc, bầu tâm huyết
Chưa thỏa đôi bề, lẽ tử sinh
Nghĩa nặng nhân tình còn quyến luyến
Ánh ngời tài trí vẫn lung linh
Nỗi đời chất chứa lòng ưu ái
Một khối nghĩ suy, một khối tình.

 Phan Đình Diệu
  8-2004

Ông cũng chủ trương giáo dục phải đi trước để chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước đã được chuẩn bị chu đáo.

Do vậy khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế-xã hội.

Theo quan điểm của ông, chất lượng giáo dục là ưu tiên chiến lược. Đối với giảng dạy đại học, ông chủ trương dạy đại học là dạy phương pháp. Với mục đích cải tiến phương pháp dạy-học, áp dụng phương pháp dạy-học hiện đại, ông đã trực tiếp thúc đẩy những nghiên cứu về sư phạm đại học, khuyến khích đơn vị đầu tiên nghiên cứu và áp dụng sư phạm đại học là Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản thân ông cũng trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học như các phương pháp hệ thống, cấu trúc, hành vi…

Chủ trương mở rộng quy mô đào tạo, bằng việc thành lập nhiều trường chuyên ngành với điều kiện sơ tán, đã được phối hợp chặt chẽ với chính sách tuyển chọn mỗi năm hàng trăm sinh viên, cán bộ ưu tú để gửi đi đào tạo tại nước ngoài.

Năm 1971, theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ và Ban Khoa giáo Trung ương, giáo sư Tạ Quang Bửu đã tổ chức việc thi tuyển nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài. Rất nhiều nhà khoa học ưu tú và cán bộ lãnh đạo cao cấp của các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã mở đầu con đường khoa học và cống hiến từ những kỳ thi tuyển nhân tài hết sức đặc biệt này.

Với việc đặt ra chế độ thi tuyển công bằng, hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em những gia đình cán bộ viên chức bình thường và những gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học nước ngoài. Cũng trong thời kỳ giáo sư làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển vào đại học, và đã đạt được những thành công to lớn.

Viết về Giáo sư Tạ Quang Bửu

Nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới, sau khi tiếp xúc với ông đều thừa nhận ông là con người uyên bác: Nhà toán học Pháp L.Schwartz, một người bạn của ông từng đoạt giải Fields nhận xét: “C’ était un homme merveilleux” (Đó là một con người tuyệt vời); Nhà ngôn ngữ học, toán học Mỹ N.Chomsky, người được tạp chí Newsweek đánh giá là “một trong những nhà bác học lớn nhất thế kỷ XX” đã nhiều lần sang Việt Nam và trò chuyện với giáo sư Tạ Quang Bửu. Trở về Mỹ, N. Chomsky viết một bài báo, trong đó có câu: “Ông Tạ Quang Bửu là người có trí thông minh ghê gớm.”

Nhiều nhà khoa học lớn ở Việt Nam như các viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo; các giáo sư Phan Đình Diệu, Hoàng Xuân Sính, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Trương… đều đánh giá cao công lao to lớn của thầy Bửu trong sự nghiệp khoa học của mình.

Là người liêm khiết trong cuộc sống, trong sáng trong suy nghĩ và hành động, giáo sư đã không màng tới những đặc quyền đặc lợi cho mình và gia đình mình. Suốt đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, giáo sư luôn luôn giữ một nếp sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với mọi người.

Người ta thường nhắc đến một đặc quyền duy nhất của giáo sư là quyền được vào tận kho sách của Thư viện Khoa học Trung ương để lục sách và quyền được đem sách về đọc ở nhà cho đến khi dùng xong.

Đối với con cái, giáo sư cũng không dành cho những ưu đãi đặc biệt gì, mặc dù ông đã từng quyết định cử hàng chục nghìn học sinh đi du học ở nước ngoài. Tất cả các con trai của giáo sư đều hoặc đi làm công nhân, hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, rồi mới tiếp tục học đại học trong nước.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất, các Huân chương Kháng chiến hạng nhất… và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và công nghệ với “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.”
Thành phố Hà Nội đã đặt tên con đường từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo xuyên qua khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến tận phố Bạch Mai là đường Tạ Quang Bửu.

Phương Thảo
TTXVN/Vietnam+


Người sáng lập ngành CNTT Việt Nam

Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, theo sáng kiến của GS Tạ Quang Bửu, nước ta bắt đầu xây dựng ngành máy tính điện tử mà một trong những việc đầu tiên là nhập một máy tính điện tử cỡ trung bình, máy tính điện tử Minsk-22 của Liên Xô.

Để chuẩn bị cho việc lắp đặt, vận hành và khai thác máy tính điện tử Minsk-22 (tốc độ 6.000 phép tính/giây, bộ nhớ 32Kbytes, làm bằng đèn bán dẫn), Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (KHKTNN) đã cử một đoàn thực tập sinh được tuyển chọn từ nhiều nơi (ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tổng hợp Hà Nội – nay là ĐH Quốc Gia Hà Nội và từ quân đội) để đi thực tập về máy tính điện tử ở Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Moskva.

Giám đốc Trung tâm Tính toán Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô lúc bấy giờ là Viện sĩ hàn lâm khoa học Liên Xô Anatoli Alekxeevich Dorodnitsyn khá thân thiết với GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức bảo trì, khai thác máy tính điện tử Minsk-22 và xây dựng đội ngũ cán bộ máy tính, cán bộ điều khiển học, Ủy ban KHKTNN thành lập phòng Toán học Tính toán trực thuộc Ủy ban, là tiền thân của Viện CNTT – Viện Hàn lâm KH&CN ngày nay. Vào khoảng cuối năm 1967, máy Minsk-22 về nước. Lúc bấy giờ GS Tạ Quang Bửu tuy không còn làm phó chủ nhiệm Ủy ban KHKTNN mà đã sang làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhưng vẫn rất quan tâm đến xây dựng ngành máy tính ở nước ta. Ông đã có tác động quan trọng trong việc chuẩn bị chỗ đặt máy Minsk-22 ở tầng 1 nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở cũ Bộ KH&CN), tạo một thuận lợi lớn cho việc bảo trì, khai thác máy. Quyết định đặt ở đấy là một quyết định táo bạo vì địch có thể bắn phá bất cứ lúc nào. Ủy ban cũng đã chuẩn bị một địa điểm khác, làm một hầm sâu trong khu Đồi thông ở phố Đội Cấn (Về sau này, khi máy ODRA về nước thì được đặt ở đấy).

Khi máy tính điện tử Minsk-22 đã được vận hành, GS đã có tác động với các Bộ, các ngành khai thác máy tính điện tử và nhiều ngành đã khai thác thành công như ngành khí tượng thủy văn, ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng kiến trúc… Đặc biệt, máy tính điện tử Minsk-22 trở thành một nơi đào tạo thực hành cho sinh viên nhiều trường đại học. Tuy GS không trực tiếp chỉ đạo và điều hành phòng Toán học Tính toán thuộc Ủy ban KHKTNN, nhưng chúng tôi, những người phụ trách bộ phận này đã không ít lần trực tiếp xin ý kiến GS về vấn đề này vấn đề khác, đặc biệt là việc điều động cán bộ từ các trường ĐH về công tác tại phòng Toán học Tính toán. Chính GS Tạ Quang Bửu đã ký quyết định đưa GS Phan Đình Diệu từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học ở ĐH Lomonosov) về công tác tại Phòng Toán học Tính toán – UBKHKTNN.

GS Tạ Quang Bửu thực sự là người đã có những ý tưởng sắc sảo, tiên phong, sáng tạo trong quá trình mở đường cho sự phát triển một lĩnh vực mới mẻ ở nước ta, một ngành mà ngày nay nước ta xem là ngành mũi nhọn – ngành CNTT.

        Theo Nguyễn Lãm

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)