Giới khoa học kêu gọi từ chối tài trợ từ các doanh nghiệp nhiên liệu hóa thạch
TS. Rowan Williams - cựu Tổng Giám mục Canterbury, nhà khoa học dữ liệu NASA Peter Kalmus, nhà khoa học khí hậu nổi tiếng của Hoa Kỳ Michael Mann cùng gần 500 học giả từ Hoa Kỳ và Anh đã viết một bức thư ngỏ gửi tới tất cả các nhà lãnh đạo trường đại học ở hai nước, kêu gọi họ từ chối mọi khoản tài trợ nghiên cứu khí hậu từ các công ty kinh doanh nhiên liệu hóa thạch.
Trong thư, họ cho rằng việc nhận tiền từ các công ty nhiên liệu hóa thạch thể hiện “một xung đột lợi ích cố hữu”, có thể “tác động tiêu cực” đến các nghiên cứu thiết yếu và “gây tổn hại” cho tự do học thuật. Đối với các công ty, đó là một cơ hội để “tẩy xanh” danh tiếng và làm sai lệch các kết quả nghiên cứu theo hướng có lợi cho họ.
Bức thư so sánh việc này với các chiến dịch thông tin sai lệch của ngành công nghiệp thuốc lá, lưu ý rằng nhiều tổ chức y tế và nghiên cứu công từ chối nhận tài trợ của các tập đoàn thuốc lá vì những lý do này, và kêu gọi hãy hành xử với các khoản tài trợ từ các công ty nhiên liệu hoá thạch theo cách tương tự. “Các nhà khoa học không nên bị buộc phải lựa chọn giữa việc nghiên cứu các giải pháp khí hậu và việc vô tình hỗ trợ công cuộc ‘tẩy xanh’ cho doanh nghiệp, ”những người ký kết viết.
Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất tại Đại học Bang Pennsylvania, chia sẻ: “Doanh nghiệp sử dụng việc tài trợ như một cách dàn xếp với những tổ chức học thuật hàng đầu. Đối với những kẻ gây ô nhiễm, kế hoạch này là một mũi tên trúng hai đích: họ mua sự tán thành và ‘tính khách quan’ của các tổ chức nghiên cứu, đồng thời các nghiên cứu thường sẽ biến thành công cụ vận động cho các giải pháp sai lầm và giúp trì hoãn những quy định liên quan đến thu hồi và lưu trữ carbon. Điều này hết sức nguy hiểm”.
Genevieve Guenther, nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến dịch End Climate Silence, cũng bày tỏ quan điểm: “Các nghiên cứu kiểu này cho phép các công ty dầu khí đưa ra những tuyên bố tẩy xanh, với lượng thông tin ‘chọn lọc’ để che giấu các hoạt động gây ô nhiễm và chết người nhất của họ”.
Trong vài năm qua, trước áp lực từ sinh viên và học giả, nhiều trường đại học đã thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhiên liệu hóa thạch ra khỏi quỹ trợ cấp và các khoản tài trợ của trường. Tuy nhiên, đây là lời kêu gọi lớn đầu tiên từ các học giả cấp cao để chiến dịch này tiến xa hơn và cắt đứt mọi quan hệ nghiên cứu với các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Không có ước tính rõ ràng về số tiền mà các trường đại học đã nhận từ các công ty nhiên liệu hóa thạch. Theo một điều tra của tờ Observer vào năm ngoái, chỉ riêng các trường đại học Anh đã nhận ít nhất 89 triệu bảng từ các công ty dầu khí trong bốnnăm trước đó.
Tuy nhiên một số nhà khoa học không tán thành với nội dung bức thư. Bob Ward, Giám đốc chính sách tại Viện nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu Grantham, cho biết các trường đại học vẫn có thể nhận tài trợ từ các công ty nhiên liệu hóa thạch nếu các doanh nghiệp đó thể hiện cam kết chuyển mình. “Các trường đại học nên cẩn thận khi nhận tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ các công ty dầu khí và than không thực sự cam kết với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và đang cố gắng thanh tẩy danh tiếng của họ”.
Người phát ngôn của Đại học Imperial College London, nơi Observer phát hiện đã nhận 54 triệu bảng từ các công ty dầu mỏ kể từ năm 2017, cũng chia sẻ: “Khi làm việc với các công ty năng lượng, chúng tôi hướng tới mục tiêu khử carbon. Chúng tôi đang tận dụng tầm ảnh hưởng và chuyên môn của mình để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này và tích cực đồng hành với các công ty năng lượng để thúc đẩy họ đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Chúng tôi sẽ theo dõi tiến độ và chỉ tiếp tục làm việc với những công ty thể hiện cam kết và có hành động thiết thực cụ thể”.
Một số học giả cũng cho rằng việc tài trợ là cần thiết để phát triển các công nghệ cho nền kinh tế carbon thấp, và nếu các trường đại học phương Tây từ chối nhận thì khoản tài trợ đó sẽ được chuyển sang các trường ở những nước khác trên thế giới.□
Hà Trang dịch
https://www.theguardian.com/science/2022/mar/21/universities-must-reject-fossil-fuel-cash-for-climate-research-say-academics