Hạn hán ở Cape Town: Đừng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu

Kể từ tháng Năm, những cơn mưa mùa đông đổ xuống như một sự “ân xá” cho các công dân của Cape Town, Nam Phi. Thành phố đã chịu đựng hạn hán nghiêm trọng trong ba năm. Sự lo ngại về việc cạn kiệt nguồn nước trong mùa hè có thể tạm lắng xuống trong một năm nữa, hi vọng là thế. Nhưng hiện thành phố vẫn ở trạng thái vô cùng bấp bênh.


Chỉ còn rất ít nước trong đập Theewaterskloof ở Nam Phi trong tháng 5/2017. Nguồn: Nature.

Hiếm ai có thể ngờ rằng trong năm 2013, tình thế hoàn toàn ngược lại. Thời điểm đó, Cape Town là một trong những nơi có lượng mưa lớn nhất trong nhiều thập kỉ. Hồ chứa đã đầy, và các quan chức tuyên bố không cần phải tăng nguồn cung cấp cho đến tận năm 2020.

Sau đó, hạn hán bắt đầu. Mức hồ chứa đã giảm xuống còn 71% vào năm 2015 và 60% vào năm 2016. Khi chúng xuống tới 38% vào năm 2017, ngay khi bắt đầu một mùa hè nóng bức, mọi người bắt đầu hoảng sợ.

Chính quyền thành phố yêu cầu cư dân giảm lượng nước tiêu thụ của họ. Đối với các hộ ngoại thành, điều đó có nghĩa là thay vì sử dụng khoảng 200 lít/người/ngày chỉ còn 50 lít/người/ngày. Mặc dù người nghèo vẫn thường xuyên sống với lượng nước như vậy, những hộ giàu có ở ngoại thành đột nhiên phải từ bỏ việc dùng nước tưới vườn và thu thập nước tắm để phục vụ cho việc xả toa-lét. Thành phố giảm một nửa lượng nước sử dụng xuống chỉ còn hơn 500 triệu lít/ngày và tránh được “Ngày không có nước” (Day zero).

Cape Town là một trong nhiều thành phố đã phải hứng chịu nguồn cung nước giảm sút trong nhiều thập kỉ qua. Trong năm 2014 và 2015, nhiều khu vực của São Paulo ở Brazil chỉ nhận được nước hai ngày một tuần. Một khi các hồ chứa của thành phố đã cạn kiệt nguồn nước sạch, công ty tiện ích phải bơm và xử lý nước ô nhiễm. Trong năm 2008, Barcelona ở Tây Ban Nha đã phải vận chuyển nước từ Marseille, Pháp. Trong suốt hàng chục năm trời hạn hán kéo dài, Úc đã chi hàng tỷ AUD cho các nhà máy khử mặn, hầu hết trong số đó đã không được sử dụng sau khi khô hạn kết thúc.

Điều quan trọng là chúng ta phải rút ra được kinh nghiệm từ Cape Town và các nơi khác. Với việc đô thị mở rộng nhanh chóng như hiện nay, nhiều nơi sẽ phải đối mặt với các thách thức tương tự khi họ cạnh tranh với các khu vực xung quanh để có đủ nguồn nước cung cấp cho người dân. Các thành phố lớn cần phải bắt đầu lập kế hoạch lâu dài, tập trung vào việc giảm thiểu nguy cơ từ bất ổn khí hậu. Thật đáng buồn là sự thiếu hụt nước do thiên tai hoặc biến đổi khí hậu vẫn xảy ra thường xuyên do quản lý yếu kém.

Tầm nhìn ngắn hạn

Các vấn đề của Cape Town phần lớn đến từ sự chuyển hướng quản lý, từ việc dựa trên nghiên cứu khoa học và đánh giá rủi ro sang việc dựa theo “số đông”.

Kể từ những năm 1980, các khu đô thị lớn của Nam Phi đã sử dụng các mô hình hệ thống để hướng dẫn việc quản lý nước. Những mô hình này, do chính phủ quốc gia điều hành, được coi là đẳng cấp thế giới. Chúng lập bản đồ liên kết giữa lưu vực sông, hồ chứa và các kênh truyền dẫn; sử dụng dữ liệu thủy văn trong lịch sử để dự đoán dòng chảy có thể xảy ra. Sau đó, chúng được khớp với các dự báo về nhu cầu để đánh giá dung lượng nước cần dự trữ. Các mô hình hỗ trợ cho việc cung cấp nước theo thời gian thực, cũng như lập kế hoạch trong tương lai. Điều quan trọng là chúng cho phép các nhà lập kế hoạch đánh giá rủi ro của việc không cung cấp đủ nước đối với các đối tượng khác nhau, đánh giá sự hiệu quả cũng như mặt hạn chế của sự ứng phó.

Trong suốt hai thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách đã chú ý đến các mô hình. Họ hướng dẫn các nhà quản lý, ví dụ như về thời gian và địa điểm khai thác nguồn nước, cũng như việc xây dựng các hồ chứa để cho phép Hệ thống cấp nước phía Tây Cape (WCWSS) để đáp ứng nhu cầu gia tăng với việc đô thị mở rộng và công nghiệp phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên việc xây dựng đập bị đình trệ trong những năm 2000, khi các nhà môi trường địa phương vận động chuyển trọng tâm sang bảo tồn và quản lý nhu cầu nước. Sự phản đối đó đã trì hoãn việc hoàn thành đập sông Berg tới tận sáu năm. Được đưa vào hoạt động năm 2009, con đập cuối cùng đã giúp nước lại chảy vào vòi của các hộ dân ở Cape Town trong mùa mùa hè này.

Năm 2009, các mô hình đã chỉ ra sự cần thiết phải tăng lượng nước cung cấp cho Cape Town sau năm 2015, nhưng các quan chức đã bác bỏ khuyến nghị này. Họ rất hoan hỉ với việc trì hoãn các khoản đầu tư lớn (vào việc đó) và dùng tiền cho việc khác. Họ đã bỏ qua việc các nông dân canh tác hoa quả và sản xuất rượu vang (được hưởng 1/3 lượng nước của vùng) không hề sử dụng hết lượng đó trong những năm nhiều mưa, và sử dụng nhiều hơn trong những năm khô hạn.

Giải pháp được đưa ra chỉ mang tính ngắn hạn. Sáu hồ chứa miền Tây Cape cung cấp nước cho thành phố có trữ lượng dưới hai năm: 890 triệu m3, trong khi mỗi năm cả thành phố dùng hết 570 triệu m3. Phải mất hai mùa đông khô liên tiếp, vào năm 2015 và 2016, các nhà chức trách mới nhận ra họ đang đối mặt với một nguy cơ lớn, và bắt đầu hành động: họ cấm việc sử dụng nước nhằm tưới vườn hoặc rửa xe, quảng bá rộng rãi các thiết bị tiết kiệm nước và tăng thuế.  

Các nhà chức trách ra sức bảo vệ cho quyết định của mình. Họ thậm chí còn lý luận rằng việc họ không ứng phó được với đợt hạn hán khắc nghiệt như vậy vì “thật không thực tế nếu chi hảng tỷ rand cho việc phòng tránh cho một cơn khô hạn mà có thể chẳng bao giờ đến.”

Thế rồi đều khủng khiếp nhất đã xảy đến – một cơn đại hạn đã xảy ra vào năm 2017, với việc lượng mưa và dòng chảy thay đổi đến chóng mặt từ nơi này sang nơi khác và từ năm này sang năm khác. Từ mức 1250 mm của năm 2013, lượng mưa chỉ còn dưới 500 mm năm 2015 và 700mm năm 2017. Những dòng sông cạn nước, chỉ còn  bằng 20% của chính nó vào thời điểm những năm trước đây.

Điều đáng chú ý là việc ba năm khô hạn liên tiếp không phải là chuyện chưa từng có: thực tế điều này đã xảy ra vào cuối những năm 1930 hay trong năm 2002, 2003 và 2005. Bất chấp việc các mô hình thủy văn đã phản ánh rủi ro này, các nhà lãnh đạo Cape Town vẫn phớt lờ những hậu quả về mặt xã hội và tài nguyên của các quyết định của họ.

Nhưng giờ thì họ đã thấy: tổn thất trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như các tổn thất gián tiếp (trong ngành du lịch…) đã lên đến hơn 2,5 tỷ rand Nam Phi (181 triệu USD) và giá nước thì tăng thêm 26%. Nếu như cơ sở hạ tầng được đầu tư 1 tỷ rand vào năm 2013-14 để ứng phó với hạn hán, họ sẽ chỉ tốn đến 75 triệu rand mỗi năm để trả lãi – một mức bảo hiểm quá rẻ, ngay cả khi rủi ro là vô cùng nhỏ.

Nhà chức trách ở Cape Town đã cố gắng đùn đẩy trách nhiệm, coi biến đổi khí hậu là một nguyên nhân không thể tránh khỏi của khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về việc các lưu vực biến đổi khác thường. Ngay lúc này đây, Cape Town đang phải đối mặt với thách thức là khu vực cung cấp nước cho phía Tây Cape có diện tích khá nhỏ.

Giờ đây những nhà quản lý lại sốt sắng trong việc thực hiện các đề án quản lý nước ngầm, tái sử dụng và cung cấp nước mà đã được đưa ra vào năm 2019. Cuộc khủng hoảng đã buộc họ phải xem xét kỹ lưỡng hơn các thách thức trong tương lai.

Vấn đề toàn cầu

São Paulo và Barcelona cũng từng phải chịu đựng những đợt khô hạn kéo dài, và những can thiệp chính trị càng làm trầm trọng thêm sự khủng khoảng. Rủi ro hạn hán của São Paulo đã được chỉ rõ trong các mô hình thủy văn, nhưng việc tranh cãi giữa chính quyền thành phố, tiểu bang và quốc gia đã trì hoãn việc chuẩn bị để ứng phó trong một thập kỷ. Tại Barcelona, sau một chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử năm 2004, Đảng Lao động Xã hội Tây Ban Nha đã cho dừng một chương trình về xây đập và vận chuyển đường sông đã được hoạch định từ lâu vì cam kết của các đồng minh trong khu vực.

Trung Quốc là một ví dụ ngược lại. Họ đã thành công trong việc đảm bảo nguồn nước cho một trong những thành phố lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất nhờ vào sự ứng phó thích đáng của chính phủ và các dự án cơ sở hạ tầng lớn: Đập Tam Hiệp, kiểm soát lũ lụt trên sông Dương Tử, và dòng chảy Nam – Bắc nhằm chuyển nước từ sông Dương Tử đến Bắc Kinh kể từ năm 2015. Rõ ràng quốc gia này đã rút ra một số bài học từ Nam Phi kể từ khi ông Wang Shucheng, chủ tịch Hội đập lớn Trung Quốc, tới khảo sát dự án Nước cao nguyên Lesotho vào năm 2002: một mạng lưới đường hầm và đập phân tầng chuyển nước từ núi Lesotho đến khu vực trung tâm đất nước. Khi trở về Trung Quốc, ông Wang đã thực hiện các dự án kỹ thuật lớn cần thiết để củng cố nguồn cung cấp nước song song với việc thực hiện các chương trình dài hạn để giảm ô nhiễm, quản lý nhu cầu và thúc đẩy sử dụng nước hiệu quả.

Quá trình chính trị

Thách thức lớn nhất đối với các nhà quản lý nguồn cung cấp nước đô thị thường là việc kịp thời đưa ra các quyết định chính trị với sự hỗ trợ của cộng đồng.

Không có cách tiếp cận tốt nhất để đạt được điều này. Ngoài việc triển khai các hệ thống quản lý nước mạnh mẽ như Trung Quốc, cải thiện sự hợp tác giữa các tổ chức khác nhau cũng đóng một vai trò quan trọng, vì các con sông thường vượt qua ranh giới chính trị trong khi quản lý nước thường được thực hiện ở lưu vực sông. Cape Town lấy nước từ hai con sông nằm ngoài ranh giới của nó, mỗi con sông được quản lý bởi một cơ quan khác nằm ở những khu vực khác.

Việc theo dõi và mô hình hóa thủy văn cần phải nhận được sự chú ý đầu tư nhiều hơn, hướng dẫn kỹ thuật cần phải là một phần của các quy trình chính trị. Tối thiểu các chính trị gia cần phải biết ai đang xây dựng mô hình và nhận được khuyến nghị từ họ. Việc có những thông tin hiệu quả như vậy sẽ giúp họ hành động phù hợp. Các nhà thủy văn phải cộng tác với các chuyên gia từ khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là kinh tế, chính sách và pháp luật, để phát triển các công cụ quản lý nước mà các nhà ra quyết định và công chúng có thể hiểu và sử dụng.

Cuối cùng, nhà chức trách cũng cần theo dõi và mô hình hoá  hành vi của con người. Thang đo dài hạn về sự can thiệp và ứng phó cần thiết cũng vần được diễn giải dễ hiểu hơn. Cuối cùng, không có chỗ cho những giải pháp ngây thơ như “sử dụng ít nước hơn” và “dựa vào cơ sở hạ tầng tự nhiên”.

Các thành phố cần phải thay đổi chiến lược, từ việc tập trung giải quyết hậu quả khủng hoảng sang việc quản lý hiệu quả nguồn nước cần thiết cho cuộc sống, sinh kế và môi trường. “Ngày không nước” hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta thất bại trong việc này.

Hạnh Duyên lược dịch
Nguồn:https://www.nature.com/articles/d41586-018-05649-1

 

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)