Hãy ủng hộ sự công khai
Dù vẫn thường dạy bảo con em mình phải biết cách chia sẻ nhưng trong môi trường học thuật, chúng ta lại hành xử ngược lại. Ngay đến các nhà khoa học giàu kinh nghiệm cũng đưa ra những thông điệp rõ ràng: hãy khóa kỹ công trình trên các tạp chí nghiên cứu uy tín phải đặt mua; hãy giữ chặt dữ liệu; ganh đua thay vì hợp tác.
Hằng ngày, chúng ta tìm ra những khám phá đáng kinh ngạc, một vài trong số đó thậm chí có thể cứu mạng người. Nhưng những thông tin khám phá đó, chúng ta lại khóa chặt trong những cuốn tạp chí mà phần lớn người dân không thể đọc được, bởi ở nhiều nơi trên thế giới, đặt mua tạp chí quá tốn kém. Khoản tiền mà một số trường đại học của Mỹ hoặc Anh trả cho một nhà xuất bản trong một năm tương đương với một tỷ lệ không nhỏ ngân sách được cấp hằng năm của các tổ chức nghiên cứu tại những quốc gia kém phát triển hơn (hơn 10% đối với một số tổ chức nghiên cứu ở Mỹ Latin). Kinh phí đặt mua phiên bản điện tử của một tạp chí đẳng cấp có thể tương đương với nguyên năm lương của một nhà nghiên cứu.
Rào cản chi phí hạn chế đổi mới
Thiếu tiếp cận với thông tin sẽ cản trở việc học hỏi, hạn chế đổi mới và làm chậm tiến bộ khoa học. Tôi đã chứng kiến các đồng nghiệp nghiên cứu đề tài sức khỏe cộng đồng phải vất vả lắm mới tiếp cận được những bài báo về những phát triển mới nhất trong lĩnh vực của mình. Bản thân tôi cũng vấp phải những rào cản đó mỗi ngày. Dù đã tìm mọi cách để kiếm được bản gốc của tác giả hoặc xin được bài báo từ những người mà tôi tiếp cận qua email hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng vẫn có một số bài báo mà tôi không thể tiếp cận được và lúc đó chỉ còn biết tự hỏi rằng liệu có bị sót thông tin quan trọng nào không.
Vì vậy một trong những điều quan trọng nhất trong môi trường học thuật là cam kết công khai các công trình nghiên cứu từ chính bản thân các nhà nghiên cứu.
Tôi là nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp, và đã cam kết công khai tất cả các công trình nghiên cứu của mình, thôi xuất bản chúng ở những tạp chí truy cập đóng như Nature, Science. Dù các cố vấn và đồng nghiệp vẫn bảo rằng đó là tự sát nghề nghiệp, nhưng tôi không tin như vậy.
Thực tế cho thấy, xuất bản công khai, dù theo hướng các tạp chí truy cập mở (open access) hay tự lưu trữ (self-archiving), đều có thể dẫn đến nhiều trích dẫn hơn và nhiều minh bạch hơn cho nghiên cứu. Điều đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng với những nhà nghiên cứu khi nỗ lực khẳng định tên tuổi ở giai đoạn đầu sự nghiệp.
Thật đáng khích lệ là một số tổ chức nghiên cứu khi tuyển dụng, bổ nhiệm, và đề bạt giờ đây đã sử dụng các công trình công bố truy cập mở.
Bình duyệt phải minh bạch
Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về chất lượng bình duyệt ở những tạp chí truy cập mở. Dẫu vậy, vẫn chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để so sánh vấn đề bình duyệt giữa các tạp chí truy cập mở với tạp chí đặt mua. Nghiên cứu của John Bohannon trên tạp chí Science năm 2013 cho thấy một vài tạp chí truy cập mở đã dễ dàng chấp nhận đăng một bài nghiên cứu giả (spoof paper)1. Nhưng vẫn có những nhà xuất bản truy cập mở danh tiếng, như Frontiers, Hindawi và PloS, đã loại bỏ bài báo đó. Gần đây, người ta lại phát hiện hơn 100 bài nghiên cứu giả từ những tạp chí phải đặt mua do Springer và IEEE xuất bản, chứng tỏ những kẽ hở trong hệ thống bình duyệt không phải là chuyện riêng của các tạp chí truy cập mở. Và việc bình duyệt ở những tạp chí truy cập mở thường minh bạch – ban biên tập tạp chí công khai từng phần phê bình và từng thay đổi của bài báo để bất cứ ai quan tâm cũng có thể kiểm chứng.
Dĩ nhiên, sự công khai không chỉ giới hạn ở việc công bố trên những tạp chí truy cập mở. Nếu các nhà nghiên cứu cảm thấy cần thiết phải công bố trên những tạp chí đặt mua thì vẫn luôn có thể chọn hình thức green open access2 và tự lưu trữ một bản sao trong một kho lưu trữ mở. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là các tác giả biết rõ quyền của họ và không phó mặc nó cho các nhà xuất bản. Cách tốt nhất để đăng tải bài báo ở nơi mình muốn mà vẫn đảm bảo được quyền công khai là gắn thêm một điều khoản về quyền tác giả (author addendum) khi đưa ra thỏa thuận xuất bản.
Như vậy, xuất bản công khai giúp công trình khoa học hiện diện nhiều hơn, công chúng – những người nộp thuế – có thể truy cập nghiên cứu của bạn, và cơ hội để nghiên cứu của bạn có thể ảnh hưởng tới chính sách của các nhà quản lý sẽ lớn hơn.
Thanh Nhàn dịch
(Nguồn: http://www.theguardian.com/higher-education-network/blog/2014/aug/22/university-research-publish-open-access-journal)
*Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh thực nghiệm và điện toán (experimental and computational neuroscience), người nhiệt thành ủng hộ truy cập mở, dữ liệu mở và khoa học mở.
Giải phóng khỏi nỗi ám ảnh hệ số ảnh hưởng
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&ctl=EditArticle&mid=525&News=7991&CategoryID=36&Insert=1
———-
1 Bài nghiên cứu do nhà sinh vật học Bohannon và một nhóm các nhà khoa học dựng lên với nhiều lỗi sai trầm trọng trong số liệu và cả thông tin giả về tác giả và viện nghiên cứu. Có thể đọc thêm thông tin tại http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=7748&CategoryID=36.
2 Có hai cách mà các tác giả có thể cung cấp truy cập mở là ‘green’ open access và ‘gold’ open access.
Green open access là tự lưu trữ bài nghiên cứu của mình trên một kho lưu trữ mở. Với cách này, các tác giả dù công bố công trình trên bất kỳ tạp chí nào thì đều tự lưu trữ một bản sử dụng chung miễn phí trong kho lưu trữ của đơn vị mình, kho lưu trữ trung tâm (ví dụ như PubMed Central), hoặc trên một số trang truy cập mở khác.
Gold open access là công bố trên một tạp chí truy cập mở, nơi cung cấp truy cập mở ngay lập tức với tất cả các bài viết của tác giả, thường là trên website của nhà xuất bản. (Theo wikipedia).