Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế công tác thống kê KH&CN

Trong hai ngày 24-25/11/2014, tại Hà Nội, tiểu dự án FIRST-NASATI đã phối hợp với Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Cục Ứng dụng và phát triển Công nghệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tổ chức Hội thảo quốc tế: Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Tia Sáng xin lược thuật bài tham luận của TS Lê Xuân Định, Giám đốc Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – cơ quan chủ trì tiểu dự án.

Đặt vấn đề

Công tác thống kê KH&CN có chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và là một trong những cơ sở quan trọng để hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành KH&CN, thiết lập hệ thống quan trắc và đánh giá các chính sách và đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhưng hiện nay chất lượng, hiệu quả của các thông tin thống kê KH&CN còn hạn chế: Phần lớn các chỉ tiêu thống kê về cơ bản là sơ sài; các báo cáo cung cấp thông tin thống kê mới dừng lại ở mức độ các bảng biểu số liệu thống kê, thiếu phần phân tích; số liệu thống kê thiếu độ tin cậy, tình trạng không thống nhất số liệu giữa các bảng biểu thống kê trong kỳ báo cáo hoặc giữa các kỳ báo cáo với nhau còn xảy ra ở khá nhiều cơ quan đơn vị. Do vậy, các kết quả phân tích từ hoạt động thống kê hiện nay chưa đánh giá được một cách xác thực, toàn diện mức độ kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực KH&CN, làm cơ sở điều chỉnh các giải pháp, hoạch định chính sách, kế hoạch, tổ chức triển khai công việc trong phạm vi toàn ngành.

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, công tác thống kê, đo lường, đánh giá KH&CN của Việt Nam hơn lúc nào hết đòi hỏi phải được xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập, đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ so sánh quốc tế, nhằm cung cấp những số liệu và bằng chứng thuyết phục nhất phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN.

TS Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc hội thảo “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KHCN và đổi mới sáng tạo”.

Vì vậy để đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, hơn lúc nào hết công tác thống kê của KH&CN của Việt Nam phải được xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Và để góp phần thực hiện được nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ KH&CN đã giao cho Cục Thông tin KH&CN Quốc gia chủ trì tiểu dự án: Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Strengthening Results Measurement in Science, Technology and Innovation) thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”.


Mục tiêu và nhiệm vụ của tiểu dự án

Mục tiêu:

Nâng cấp và hiện đại hóa việc thu thập, phổ biến và sử dụng các số liệu thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Các nhiệm vụ cụ thể của Tiểu hợp phần 1(b) bao gồm: (i) tăng cường năng lực và thực hiện công tác thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế; (ii) xây dựng khung giám sát và đánh giá để đo lường hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu và phát triển; (iii) xây dựng phương pháp lập bản đồ công nghệ/lộ trình công nghệ và phân tích khoảng cách đổi mới công nghệ đối với các ngành sản xuất được lựa chọn; và (iv) xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các nhiệm vụ chính:

Tăng cường công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo theo phương pháp luận OECD và chuẩn mực quốc tế

Với thực trạng của công tác thống kê KH&CN hiện nay, có thể nói công tác này phải được xây dựng lại từ đầu. Trước hết, phải ưu tiên hoàn thiện phương pháp luận thống kê KH&CN phù hợp với tình hình Việt Nam; Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thống kê KH&CN trên toàn quốc; Tiến hành các cuộc điều tra NC&PT và đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng lực của hệ thống thống kê KH&CN tại các địa phương, nhằm thực hiện được một số nhiệm vụ cụ thể.

Xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá các tổ chức KH&CN

Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi là GRIs) có nhiệm vụ xác định và giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội và đưa ra các định hướng phát triển đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Các tổ chức này được hỗ trợ kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước nhằm tạo ra tri thức khoa học và phát triển các công nghệ mà các cơ quan nghiên cứu thuộc khu vực tư nhân không thể đảm nhiệm. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, GRIs đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển đất nước, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu ngày nay, kết quả mà họ tạo ra chưa thỏa mãn  yêu cầu của thực tiễn.

Một trong những nguyên nhân chính là vì các cơ quan quản lý chưa nắm được thông tin về kết quả hoạt động của GRIs một cách hệ thống và kịp thời để điều chỉnh các chính sách hỗ trợ họ hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng khung đánh giá GRIs; Tiến hành đánh giá thử nghiệm một số GRIs để các Bộ, ngành và địa phương được những thông tin về kết quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu trực thuộc, nắm được điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề tồn tại từ đó xây dựng các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các tổ chức hoàn thành nhiệm vụ.

Lập bản đồ công nghệ

Bản đồ công nghệ, bản đồ lộ trình công nghệ, lộ trình công nghệ là khái niệm đã được nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi tại nhiều nước đặc biệt là tại Canada, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore ở nhiều cấp độ khác nhau, và đã trở thành một công cụ kế hoạch hóa quá trình phát triển công nghệ ở tầm chiến lược cho quốc gia, ngành và doanh nghiệp như việc xây dựng bản đồ lộ trình công nghệ quốc gia trong ngành bán dẫn, bản đồ công nghệ trong ngành nhôm của Hoa Kỳ, xây dựng chiến lược phát triển công nghệ quốc gia 2002-2012 của Hàn Quốc…

Trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia (Quyết định 677/QĐ-TTg phê duyệt ngày 10/05/2011), việc xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, và nền tảng cho việc triển khai chương trình. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu, làm chủ lý luận khoa học và đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn việc xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ ở các nước, tiến hành thử nghiệm và đúc rút thành quy trình có tính khả thi để chúng ta có thể xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn cho việc lập bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ quốc gia; Xây dựng hiện trạng bản đồ công nghệ quốc gia trong một số lĩnh vực công nghệ; Lập bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ cho một số sản phẩm cụ thể. Từ đó xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

thực trạng công tác thống kê KH&CN

Hình thức thu thập thông tin thống kê trong ngành KH&CN hiện nay còn rất đơn giản, thiếu đa dạng: chưa áp dụng triệt để các hình thức thu thập thông tin thống kê chính thống là báo cáo thống kê và điều tra thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ hoạt động quản lý ngành. Việc xử lý và tổng hợp thông tin thống kê cũng mới được thể hiện ở những phương pháp phổ biến, đơn giản;
– Tổ chức bộ máy thực hiện quản lý thống kê và trực tiếp thực hiện công tác thống kê của ngành KH&CN về cơ bản mới có ở cấp Trung ương, chưa có ở cấp tỉnh/thành phố; chưa hình thành được hệ thống chân rết làm thống kê KH&CN ở các địa phương, cán bộ làm công tác thống kê KH&CN còn thiếu về số lượng, đa số là kiêm nhiệm và yếu nghiệp vụ thống kê, chưa áp dụng chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác thống kê. 
– Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật chung quy định thống nhất và hướng dẫn cụ thể về công tác thống kê của ngành KH&CN (trong đó quy định về tổ chức, nhân lực, nhiệm vụ thường xuyên, kinh phí hoạt động, quan hệ về nghiệp vụ và quản lý nhà nước), dẫn tới việc lúng túng về hoạch định nhiệm vụ, tổ chức, kinh phí cho hoạt động thống kê KH&CN cả ở Trung ương và địa phương.
– Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác thống kê KH&CN và cơ chế kiểm tra trong công tác thống kê trong ngành nhìn chung còn rất hạn chế.
– Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê còn hạn chế; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác thống kê KH&CN còn thiếu và lạc hậu.
– Chưa chủ động hội nhập quốc tế về thống kê KH&CN.

Xây dựng Ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN và Đổi mới sáng tạo

Cho đến nay, một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN và các Bộ, ngành khác đã và đang xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau bao gồm các thông tin và dữ liệu về các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động KH&CN, các sản phẩm KH&CN mà đặc biệt là các patent, thông tin cung, cầu công nghệ, phục vụ doanh nghiệp cả ở trong nước và quốc tế phục vụ cho công tác quản lý và triển khai các hoạt động KH&CN. Nhưng việc xây dựng các CSDL còn nhiều hạn chế do chưa có cơ sở phương pháp luận, tiêu chí dữ liệu, chuẩn dữ liệu thống nhất để giúp định hướng cho việc xây dựng và liên thông/tích hợp các CSDL thành ngân hàng dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, chưa có một hệ tiêu chí chuẩn về cấu trúc dữ liệu và mô hình CSDL để đảm bảo tính tương tác và khả năng trao đổi dữ liệu giữa các CSDL khác nhau trong lĩnh vực KH&CN. Hệ quả là tình trạng các thông tin và dữ liệu cần thiết cho việc triển khai các nhiệm vụ về KH&CN vừa thiếu vừa tản mạn, thiếu tính hệ thống/liên thông, ít được cập nhật. Điều đó đã và đang gây không ít khó khăn không những trong việc xác định các đối tác có tiềm lực mạnh, năng lực thực sự về KH&CN ở cả trong nước lẫn nước ngoài.

Do vậy cần thiết phải xây dựng hệ CSDL Quốc gia về KH&CN và Đổi mới sáng tạo bao gồm các CSDL về nhà khoa học, tổ chức KH&CN, các nhiệm vụ KH&CN, kết quả các nhiệm vụ KH&CN, thống kê KH&CN, tiềm lực KH&CN, patent, cung cầu công nghệ, Techmart ảo, ….) trên nền tảng của các mạng KH&CN tiên tiến (VinaREN, VISTA). Mặt khác, để khắc phục yếu kém về năng lực xử lý, lưu giữ, quản trị dữ liệu thống kê, xây dựng các CSDL thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhằm phục vụ lâu dài, chuyên nghiệp và an toàn về thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp… cần đầu tư trang thiết bị phần mềm đồng bộ và hiện đại.

Nội dung chính của tiểu dự án

– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo đầy đủ và tương thích quốc tế.
– Xây dựng bảng phân loại về KH&CN đầy đủ, khả dụng và tương thích quốc tế.
– Nâng cao năng lực hệ thống tổ chức làm công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo tại Bộ KH&CN và các Sở KH&CN.
– Hội thảo/Đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm thống kê KH&CN tại Bộ KH&CN và các Sở KH&CN, các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, Trường đại học.
– Triển khai các cuộc điều tra đổi mới sáng tạo, NC&PT, tiềm lực KH&CN.
– Xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Nhiệm vụ của tiểu dự án cũng chính là nội dung ưu tiên trong kế hoạch tăng cường hiệu quả quản lý KH&CN và dự kiến sẽ được các đơn vị chức năng trong Bộ KH&CN triển khai thực hiện (Trung tâm thống kê KH&CN, Viện Nghiên cứu đánh giá và định giá công nghệ); Nhiệm vụ này sẽ hỗ trợ hoàn thiện môi trường thể chế quốc gia khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của KH&CN qua việc hoàn thiện khung thống kê, đo lường, giám sát và đánh giá KH&CN, trong đó bao gồm kết quả điều tra thống kê và chuẩn hóa số liệu KH&CN, tăng cường liên kết mạnh hơn giữa cung và cầu các sản phẩm KH&CN… qua Ngân hàng dữ liệu KH&CN và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)